Friday, August 27, 2010

Định Quốc Công Nguyễn Bặc

Kiến Hào

Nhất phiến trung can huyền nhật nguyệt
Thiên thu chính khí tác sơn hà

(Một mảnh gương trung treo sáng như mặt trời mặt trăng
Nghìn thu chính khí còn rung động non sông)
Câu đối ở đền thờ Định Quốc Công Nguyễn Bặc

******


Thân thế và sự nghiệp:

Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Nguyễn Bặc là người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình). Thân phụ là Nguyễn Huy, thân mẫu là Lê thị Lược vốn khoan hoà nhân ái, đều được nhân dân quanh vùng quý trọng. Ông là bạn thời niên thiếu của Đinh Bộ Lĩnh, sau này cùng với Đinh Điền, Lưu Cơ, Trịnh Tú theo giúp họ Đinh dẹp loạn Mười Hai Sứ Quân,dựng nghiệp lớn.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi tức vua Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bặc được phong Định Quốc Công coi việc nội chính. Đây là thời kỳ độc lập tự chủ của nước ta sau đêm dài ngàn năm bị Bắc thuộc. Mười hai năm sau, tháng 10 năm Kỷ Mão (979) vua Đinh và thái tử Đinh Liễn bị tên hoạn quan Đỗ Thích giết chết. Những cái chết đột ngột đầy nghi vấn, đẩy triều đình vào chỗ xáo trộn, ngờ vực lẫn nhau. Con nhỏ của Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn [1] lên ngôi (Đinh Phế Đế). Mẹ Phế Đế là Dương Vân Nga trở thành Thái Hậu. Lê Hoàn tự xưng Phó Vương , giữ quyền nhiếp chính được tự do ra vào cung cấm. Thái độ kiêu lộng và mờ ám của Lê Hoàn không qua mắt được Đinh Điền Nguyễn Bặc và Phạm Hạp. Các quan bèn dấy quân Ái Châu về kinh hỏi tội Lê Hoàn, nhưng trước tài cầm quân của Lê Hoàn, rốt cuộc khởi binh thất bại, tất cả đều bị bắt giết. Tháng 7 năm Canh Thìn 980, Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế.

Ai giết cha con vua Đinh Tiên Hoàng ?

Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: “Mùa đông, tháng mười năm Kỷ Mão 979, quan giữ chức Chi Hậu Nội Nhân là Đỗ Thích giết chết nhà vua ở trong cung. Trước đó Đỗ Thích từng có lúc làm quan ở Đồng Quan. Một hôm nhân nằm chơi rồi ngủ lại trên cầu, mơ thấy có vì tinh tú từ trên trời rơi xuống và hắn đã nuốt lấy. Đỗ Thích lấy đó làm điềm tốt, bèn nẩy ra ý định giết vua. Đến đây, thấy nhà vua dùng yến tiệc vừa xong, say rượu nằm ngủ ngay giữa sân cung đình. Đỗ Thích bèn lẽn vào giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Đinh Liễn. Bấy giờ lệnh lùng bắt thủ phạm rất gắt, Đỗ Thích phải trèo lên nằm trong máng nước ở trong cung suốt ba ngày liền, đói khát lắm. Thế rồi trời đổ mưa, Đỗ Thích thò tay hứng nước mà uống, một cung nữ nhìn thấy nên đi báo. Định Quốc Công sai người bắt xuống và đem đi chém đầu…”

Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu hiện nay như Hoàng Đạo Thuý (1900 - 1994), việc Lê Hoàn tự ý xưng làm Phó vương khi Đinh Toàn lên ngôi, cấm cố họ Đinh (thuật ngữ Việt Nam bây giờ gọi là quản chế-NV), cùng với việc các trung thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp khởi binh chống Lê Hoàn có thể là những biểu hiện cho thấy mưu đồ thoán đoạt của Lê Hoàn. Đỗ Thích không thể làm chuyện này vì hắn chỉ là một viên quan hoạn tài hèn sức mọn không vây cánh, làm sao có thể mơ tưởng được các quan đại thần ủng hộ lên làm vua. Việc có mặt của Đỗ Thích tại hiện trường vụ án là vô tình vì ông là quan nội thị, một trong những người có mặt sớm nhất lúc vụ án xẩy ra. Lúc bấy giờ ông không thể thanh minh là mình vô tội vì có nhiều người ập tới. Ông vội vã chạy trốn và bị bắt sau ba ngày trốn tránh, trở thành nạn nhân trong mưu đồ của Lê Hoàn và Dương hậu.

Tại sao Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp dấy binh?

Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Nguyễn Bặc, Đinh Điền làm phụ chính cho Phế Đế, nhưng lúc đó Dương Thái Hậu tư thông với Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn, cho Lê Hoàn làm Phó vương, nắm quyền chỉ huy quân đội, chuyên quyền tự do ra vào cung cấm. Nguyễn Bặc lo lắng bàn với các tướng: “Lê Hoàn (chuyên quyền) sẽ bất lợi cho nhụ tử [2], chúng ta chịu ơn dày của nước, nếu không tính trước đi, giữ cho xã tắc được yên thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng nữa?”, bèn cùng Đinh Điền, Phạm Hạp khởi binh Ái Châu, chia hai đường thủy bộ cùng tiến đánh Lê Hoàn. Dương Thái Hậu nghe tin bảo Lê Hoàn: “ Bọn Bặc nổi loạn, quan gia hãy còn thơ ấu, cáng đáng sao nổi giữa lúc quốc gia lắm nạn này. Ông nên tính đi”. Lê Hoàn thưa: “Tôi đây làm Phó vương, quyền giữ việc nước, dù sống chết cũng xin gánh lấy trách nhiệm”. Lê Hoàn bèn sắp xếp quân đội, đem binh vào Ái Châu đánh nhau với Đinh Điền Nguyễn Bặc. Lê Hoàn vốn là người giỏi dùng binh, Đinh Điền Nguyễn Bặc không chống nổi, lại đem quân thủy ra đánh. Lê Hoàn theo chiều gió phóng hỏa đốt cả chiến thuyền. Đinh Điền bị chết tại trận, còn Nguyễn Bặc bị bắt đưa về kinh đô xử tội. Trước mặt Nguyễn Bặc, Lê Hoàn kể tội ông: “Đấng tiên đế mắc nạn, thần và người đều căm giận, ngươi lại nhân lúc tang tóc rối ren, đứng đầu làm giặc! Đạo tôi con đâu có như thế ?”. Rồi Lê Hoàn giết hại ông. Năm đó ông 56 tuổi, cùng sinh một năm và chết một năm với Đinh Tiên Hoàng. Đinh Điền, Nguyễn Bặc đã chết rồi, quân của Phạm Hạp mất tinh thần, chạy lên hương Cát Lợi ở Bắc Giang. Lê Hoàn đem quân đuổi theo bắt được, đưa về kinh đô giết chết.

Các đạo quân chống đối bị tiêu diệt. Tháng 7 năm Canh Dần (680), Lê Hoàn được sự ủng hộ của Dương Thái hậu và tướng Phạm Cự Lượng liền phế Đinh Toàn làm Vệ vương như cũ [3], giành lấy ngai vàng, tức là vua Lê Đại Hành, lập ra nhà Tiền Lê.

Thái độ của sử gia xưa và nay:

Chu Công [4] là người vương thất rất thân, giúp vua nhỏ tuổi còn không tránh khỏi những lời dèm pha phao truyền. Lê Hoàn là đại thần khác họ, nắm giữ binh quyền,làm công việc như Chu Công, thường tình còn ngờ vực, huống là Nguyễn Bặc ở chức phụ chính đại thần và Đinh Điền là đại thần cùng họ hay sao? Bọn họ khởi binh không phải làm loạn, mà là một lòng phù tá nhà Đinh, vì giết Hoàn không được mà phải chết, ấy là chết đúng chỗ. Nay xem lời Đại Hành kể tội Nguyễn Bặc tựa như vạch tội mình. Khi Bặc chết ắt phải có nói lấy một lời để bày tỏ chính nghĩa nhưng không thấy sử chép, thế là bỏ sót...

…“Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?”

(Đại Việt Sử ký Toàn thư – Ngô Sĩ Liên)

“…Việc này trái với khuôn phép nhà nho.Các sử gia nho xưa đã trịnh trọng chỉ trích như Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ…Các vị ấy không hiểu rằng đời Đinh, Tiền Lê đạo Nho chưa có ảnh hưởng gì sâu vào dân Việt cho đến nửa đời Trần còn thế. Dân chúng đã lập đền thờ các vua Đinh, Lê trên nền tảng cung điện Hoa Lư mà không quên bà Dương hậu, không những thế mà còn tự hợp hai vua tô tượng hai vua ngồi chung một tòa với Dương hậu ở giữa. Nhưng đến đầu đời Lê Thái Tổ cho là trái đạo mà bỏ đi. Tuy vậy các nho gia phê bình cũng không ai trách bà mà chỉ trách Lê Hoàn”.

(Hoàng Xuân Hãn tuyển tập)

…Người viết kịch lịch sử tuy không phải là một nhà sử học nhưng cũng phải học sử, đọc sử cho thấu đáo để tránh biến chánh thành tà, ngay thành gian (…) Chúng tôi thiển nghĩ nhà viết kịch có quyền mượn sự kiện lịch sử làm một cái đinh để treo các màn lớp như A.Dumas đã nói. Có điều họ phải tôn trọng tính chân xác lịch sử, không được phép lấy cớ hư cấu mà xuyên tạc, bóp mép lịch sử (…). Các tác giả vở Dương Vân Nga đã mắc phải bệnh ấy nên biến cuộc nổi dậy chống Lê Hoàn âm mưu cướp ngôi nhà Đinh thành một cuộc nổi loạn phi nghĩa, để cho Dương Vân Nga lên án Định Quốc Công và quan Ngoại giáp…

( Định Quốc Công Nguyễn Bặc – Hoài Việt – NXB Văn nghệ TP HCM – 2000)

Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp đều là các bậc đại trượng phu, bừng bừng chí cả. Nhưng chí và trí chẳng tương đồng. Có ai ngờ rằng các bậc dũng tướng lại thiếu sáng suốt khi phân tích những diễn biến xẩy ra quanh mình. Quả thật, không thể nói khác hơn rằng Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp đã xử thế một cách rất không bình thường. Họ chỉ mới thấy ngôi vua mà chưa thực sự thấy triều đình, chỉ mới thấy chuyện hoàng tộc chứ chưa thực sự thấy hết chuyện xã tắc, chỉ mới thấy việc ở trước mắt chứ chưa thấy sự lợi hại của mai sau…

( Việt sử Giai thoại - Nguyễn Khắc Thuần- NXB Giáo dục – 2007)

Trước tình hình lúc bấy giờ, đất nước vừa mới thống nhất đang bị đe doạ từ nhiều phía, bên ngoài thì phong kiến phương Bắc sửa soạn đại binh xâm lược, bên trong các triều thần phân liệt, tranh chấp gay gắt có nguy cơ nổ ra nội chiến lớn. Là người có tầm nhìn xa trông rộng, Dương Vân Nga nhận thấy rõ chỉ có Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn là người có khả năng giải quyết tình hình nghiêm trọng mà đất nước đang phải đương đầu lúc bấy giờ. Nếu trong hoàn cảnh ấy mà bà không biết đặt lợi nước lên trên quyền lợi của dòng họ, bà có thể dựa vào quyền thần này để chống lại quyền thần khác, ngoan cố bảo vệ ngai vàng cho đứa con nhỏ của mình thì sẽ gây ra nạn bè đảng tranh chấp, đẩy đất nước vào thảm cảnh rối loạn…

(Hỏi đáp lịch sử Việt Nam - Trần Nam Tiến- NXB Trẻ - 2007)

“…Dương Thái Hậu [5] đã có cái nhìn vô cùng sáng suốt, đặt lợi ích dân tộc và quốc gia lên trên lợi ích dòng tộc, chọn Lê Hoàn là một thống soái quân đội, dày dạn kinh nghiện chiến đấu, có khả năng tập hợp và tài năng chỉ huy quân dân ta lúc đó đương đầu với quân xâm lược, loại bỏ được nguy cơ mất nước”

(Trung tâm xúc tiến ĐTPT Du lịch Ninh Bình)

Định Quốc Công trong lòng hậu thế :

Nguyễn Bặc sau khi mất được táng ở thôn Vĩnh Ninh, làng ĐạiHữu, GiaViễn, Ninh Bình. Lăng mới được trùng tu vào năm 1989. Về đền thờ ông được thờ ở nhiều nơi :

- Đền thờ vua Đinh ở Trường Yên Ninh Bình có phối thờ tứ trụ triều đình, gồm Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ, Trịnh Tú.

- Đại Hữu, Gia Viễn, Ninh Bình có đền thờ ba vị đào viên kết nghĩa: Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Bặc, Đinh Điền.

- Nhiều nơi trong huyện Hoa Lư Ninh Bình thờ ông làm Thành hoàng.

- Thanh Lợi, Vụ Bản , Nam Định có đền thờ Định Quốc Công Nguyễn Bặc.

- Tại Huế, vua Minh Mạng cho xây miếu Lịch Đại Đế vương để thờ các vị vua và các danh tướng qua các triều đại trong đó có Nguyễn Bặc.

- Năm Đinh Dậu 1917, ông được vua Khải Định sắc phong Hộ quốc Tướng công Trác võ Thượng đẳng phúc thần.

- Khu quảng trường - tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế tại trung tâm thành phố Ninh Bình có tượng 4 vị quan đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ cao 5 m đứng bao quanh, có lính canh và ngựa đá. Thành phố hiện vẫn còn đền Hiềm nằm bên cạnh đường Đô Thiên, nơi người dân truyền tụng hai câu ca dao:

“ Hiềm là hiềm hận cường thần
Hiềm nghi Dương thị, tần ngần Lại, Lương” [6]

Thay lời kết:

Hỡi ôi, lẽ nào nhân danh vì đại cuộc mà chấp nhận những hành vi thương luân bại lý, đánh đồng việc âm mưu soán nghịch với ý thức đoàn kết chống ngoại xâm. Cũng như người dân Nga, không phải vì nhân danh đoàn kết chống ngoại xâm mà quên đi tội ác của Stalin, đọa đày hàng triệu người dân Nga và các dân tộc như Ba Lan, Do Thái ở địa ngục trần gian Siberia lạnh giá.

Thương thay, phải chi Định Quốc Công thức thời giác ngộ mà lẹ tay dâng ấn kiếm cho vua mới, ngay sau khi Thái hậu vừa “âu yếm” khoác hoàng bào thì có phải là đã được người đời sau ca tụng là sáng suốt rồi không?. Phải chi quan ngoại giáp Đinh Điền nhanh chân phủ phục xuống sân rồng mà tung hô vạn tuế thì có phải là được người đời sau ca tụng là “có ý thức vì đại cuộc” rồi không?. Phải chi tướng quân Phạm Hạp về hùa với em là Phạm Cự Lượng mà trở giáo quy hàng thì đời sau đã được tiếng khen là “có tầm nhìn xa trông rộng” rồi. Tiếc thay khi Lê Hoàn lên ngôi thì các ông không còn trên cõi đời mà trông thấy cảnh ấy nữa.

Ngẫm lại, bọn bồi sử thời nay không phải là kém hiểu biết mà chỉ vì cam tâm phục vụ cho ý đồ mưu lợi nhất thời nên cố tình bẻ cong ngòi bút, nhắm mắt nói càn, biến trung thần thành phản thần, đổi chính thành tà, gây nên một sự nhầm lẫn đáng tiếc. Đáng sợ thay! Đáng sợ thay!

-------------------------------------------------------------------------------------

Chú thích :

[1] Tháng 10 năm 979, cha con vua Đinh bị ám sát chết. Tháng 7 năm 980, bọn Phạm Cự Lượng tôn Lê Hoàn lên ngôi vua.Tháng 4 năm 981, quân Tống chia hai đường thủy bộ sang đánh nước ta. Như vậy kể từ khi vua Đinh bị ám sát chết đến lúc quân Tống động binh là một năm rưởi, và trong thư dụ hàng cũng kể rõ, cái chết của Giao Chỉ Quận vương Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn là một trong những lý do khiến quân Tống khởi phát chiến tranh.Dù sao đó chỉ là ngụy tạo lý do biện minh cho âm mưu xâm lược nước ta.Việc Lê Hoàn thành công trong cuộc kháng chiến chống Tống đã khiến cho nhân dân tha thứ cho ông.

[2] chỉ Vệ vương Đinh Toàn

[3]Thực tế Đinh Toàn chỉ làm vua được 8 tháng ( Phế Đế) rồi bị phế làm Vệ Vương .Năm Tân Mão 901, trong dịp cùng vua Lê đi dẹp loạn ở vùng Cử Long Thanh Hoá, vua bị trúng tên hy sinh trên chiến thuyền lúc mới 17 tuổi. Một cái chết đầy nghi vấn.(Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục).

[4] Tức Chu Công Đán, công thần khai quốc nhà Chu ( 1122 – 256 TCN) Trung Quốc, đã giúp rập cho anh là Chu Vũ Vương Cơ Phát giành quyền thống trị từ tay nhà Thương.Khi Cơ Phát mất, con là Chu Thành Vương còn nhỏ nối nghiệp, Chu Công Đán làm phụ chính. Khi Chu Thành Vương khôn lớn, ông trao lại việc triều chính cho vua.

[5] Năm 982 sau khi chiến thắng quân Tống, Lê Hoàn lập Dương Vân Nga làm Đại Thắng Minh hoàng hậu.Khi bà mất (1000) được thờ chung với vua Đinh, nhưng sau lại được chuyển sang thờ với vua Lê.Trong phạm vi bài này, người viết xin phép lược bỏ rất nhiều chi tiết, giai thoại dân gian như sấm truyền, ca dao, bài vè, hiện tượng…có thể không thật, không thuyết phục.

[6] Vùng cửa Lại, cửa Lương (Ninh Bình), nơi Lê Hoàn đưa Nguyễn Bặc về chém đầu tại đây, nhân dân lập đền để thờ Ngài.

Tài liệu tham khảo :

- Đại Việt Sử ký Toàn thư – NXB KHXH 2004
- Việt Sử giai thoại - Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục 2007
- Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam - Trần Nam Tiến –NXB Trẻ 2007
- Định Quốc Công Nguyễn Bặc – Hoài Việt – NXB Văn Nghệ TP HCM 2000
- Wikipedia Bách khoa toàn thư mở

Lăng Định Quốc Công Nguyễn Bặc

Saturday, August 21, 2010

Trần & Hồ Tranh Vấn

Kiến Hào

Bình Dương, mùa đông, tháng 10 năm Giáp Ngọ 2014. Nhân dịp về Bến Cát ăn giỗ, trên đường trở về nhà kẻ hàn sĩ vui chân lạc bước vào thành phố mới. Cảm thấy trong người không được khỏe vội dừng lại bên đường, ngã lưng trên vệ cỏ ngay góc ngã tư Trần Thủ Độ & Hồ Quý Ly. Không ngờ thấm hơi men nên nhắm mắt làm luôn một giấc. Gió heo may đem hơi lạnh hoà cùng sương đêm càng làm cho không gian thêm phần cô tịch. Tình cờ trong buổi âm dương giao hoà, mập mờ nhân ảnh nửa hư nửa thật lại có cơ duyên trộm nghe những lời trao đổi của hai nhân vật lịch sử nêu trên. Nay xin ghi chép lại hầu các bạn yêu Việt Sử, với tất cả lòng nghiêm cẩn sợ sệt. Nếu có điều chi không được như ý xin người đọc lượng thứ vì trong cõi u minh tâm thần bất định, rất dễ nghe gà hoá cuốc. Nay kính.

*****

… Phàm là kẻ mang ơn vua, hưởng lộc nước phải giử lấy lòng trung, đem hết tài sức ra báo đáp mà hòng truyền phúc lộc cho con cháu lâu dài. Xét ngươi là kẻ quyền thần, lợi dụng buổi suy vi của bản triều mà mưu điều thoán nghịch. Tiếc thay cho (Trần) Nghệ Tông, trong chỗ nhân hậu cũng có điều bất tường , để đến nỗi đem Huy Ninh công chúa [1] mà gã cho ngươi có khác gì giao trứng cho ác. Nhà ngươi đã lợi dụng quan hệ thân tộc ngoại thích (vợ vua) để dòm ngó ngôi cao, mượn việc bổ nhiệm quan lại mà tăng cường vây cánh. Khen cho ngươi một tay che mờ ánh dương, cũng bởi Nghệ Tông hôn ám không phân biệt được chính tà mà cơ nghiệp 175 năm nhà Trần phải dứt.

- Không dám, không dám. Trước khi trách người, xin ngài Thái sư tự nhìn lại bản thân. Họa ngoại thích không phải triều Trần mới có. Kìa Lý triều buổi gặp hoạ Quách Bốc làm náo loạn kinh thành (1209), đến nổi Thái tử Lý Sảm phải chạy về Hải Ấp lánh nạn. Ai chống lưng cho người trẻ làm càn: gả bán con gái cho thái tử thoả điều dâm dật, xúi dục lập vương triều riêng để phong tước cho người họ Trần [2]. Cũng nhờ danh nghĩa thân thích của Trần nguyên phi mà Trần Cảnh mới được vào hầu Lý Chiêu Hoàng, khen cho ngài Thái sư khéo sắp xếp màn kịch gã chồng cho vua rồi lại vua nhường ngôi cho chồng [3]. Nếu bảo họ Hồ tôi dùng thủ đoạn ngoại thích mà gây họa cho triều Trần của ngài, thì đó cũng chỉ là sự lặp lại của lịch sử, giống như độc chiêu đó mà ngài Thái sư đã làm cho triều Lý 215 năm phải dứt nghiệp mà thôi.

- Xưa nay việc làm tuy có thể giống nhau nhưng mục đích thì mỗi việc mỗi khác. Nhà ngươi đã nhận lời phó thác của (Trần) Nghệ Tông lúc sắp mất, sao không một lòng giúp rập nhà Trần cho có thủy có chung, tướng mạnh vua hiền thì dẫu giặc Minh có thế mạnh đến đâu chăng nữa, cũng chưa hầu dễ đã cướp được nước Nam, mà ngươi lại được tiếng thơm muôn thuở. Thân là cha vợ của vua, chức tước cao tột đỉnh, quyền trùm cả thiên tử, có thể nói dưới một người mà trên muôn vạn người. Bổng lộc truyền đời, biết đến bao giờ mới hết. Còn như ta, triều Lý đến đời Dụ Tông thì đã bắt đầu mục ruỗng, trải qua đến đời Cao Tông, Huệ Tông thì chỉ còn hư danh, thực quyền chỉ quanh quẩn vùng ngoại thành Thăng Long. Trộm cướp, giặc giã xảy ra như ong, đó là điềm trời lấy lại ngôi vương, họ Lý thất lộc. Đó là một tất yếu lịch sử. Ví phỏng họ Trần ta không chiếm lấy ngôi vua, thì thử hỏi họ Đoàn (Thượng), họ Nguyễn (Nộn) kia có chịu ngồi yên mà nhìn ngai vàng rơi vào tay họ khác. Hơn nữa những việc làm của ta phần nhiều chỉ gây đau khổ cho tôn thất triều Lý chứ không ảnh hưởng đến đại cuộc. Ngược lại chính nhờ ta quyết liệt bảo vệ cho sự tồn tại của triều Trần lúc khai quốc, lịch sử Việt Nam mới có cơ hội sau đó ghi nhận một chính quyền quân sự, một hào khí Đông A mạnh đến mức có thể ba lần chặn đứng vó ngựa xâm lược của quân Nguyên Mông [4].

- Tôi trộm nghĩ ngài Thái sư nói sai rồi. Đem việc sẽ xảy ra hơn 30 năm sau để biện minh cho hành động nhổ cỏ tận gốc của mình liệu có khiêm cưỡng lắm không? Lúc tru diệt tôn thất họ Lý [5], ngài Thái sư có ý thức được việc làm của mình là vì nước vì dân hay chỉ để bảo vệ ngôi vương của dòng họ Trần ? Lịch sử vốn dĩ rất công bằng, công là công mà tội là tội, không thể lấy công mà bù đắp, che lấp mất tội được. Ngàn năm sau, hậu thế vẫn ghi nhớ câu nói của Ngài “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ chớ lo” làm nức lòng ba quân tướng sỹ, nhưng cũng không bao giờ quên Trần Thủ Độ giết vua, hãm hại công thần, dùng thủ đoạn để đoạt ngôi vua cho dòng họ. Than ôi, Hồ Quý Ly tôi tiếc rằng thời gian quá ngắn ngủi, không đủ để những cải cách đầu triều Hồ phát huy tác dụng: phát hành tiền giấy, thống nhất đo lường, cải cách thi cử , chấn chỉnh quân đội, xây thành, đóng thuyền, dùng chữ Nôm, phân phối lại ruộng đất … Nếu trời cho thư thả mươi năm nữa thì nước thịnh quân cường, có sợ gì bọn giặc Minh xâm lược.

- Thương thay cho Bình Chương [6] đến lúc chết vẫn chưa tỉnh ngộ. Nguyên nhân dẫn đến thất bại của nhà ngươi chính là sự mất lòng tin nên không tập hợp được sức mạnh đoàn kết của toàn dân chớ phải đâu do cải cách chưa tới. Lấy tên nước là Đại Ngu, mong kế thừa Nghiêu Thuấn mà việc làm không khác gì Kiệt Trụ. Nuốt lời thề, phụ lòng ủy thác của Nghệ Tông, giết hại trung thần, tự ý dời đô, tiếm xưng ngôi Thái tử cho con, hại chết Phế Đế, bức tử Thuận Tông, phế truất Thiếu Đế, những việc làm kinh động quỷ thần mà xưa nay chưa một kẻ chuyên quyền lộng thần nào sánh kịp. Vua là đầu mối của kỷ cương một nước, giết vua đi [7] thì hỏi sao bọn quan triều không lập đảng chống đối. Một lúc giết những 370 người [8] bất kể già trẻ trai gái, sao mà bạo ngược lắm vậy? Lòng dân ly tán, nước mất nhà tan, mới hay họa bại vong không phải ngày một ngày hai mà đến. Cái tội làm mất nước Nam của nhà ngươi sử sách chép rành rành ra đó; sao lại còn mê muội mà cho rằng tại trời không chiều lòng.

- Xin ngài Thái sư đừng vì luyến tiếc vương triều Trần mà quá nặng lời. Chẳng qua là tôi học theo sách của người đi trước đó thôi. Kìa Huệ Quang Thiền Sư chỉ một câu nói “nhổ cỏ tận gốc” [9] của ai mà phải tự tận. Nước mất, thân bị giảo, con bị ép nhường ngôi, vợ về tay người hại mình. Kìa bao oan hồn tôn thất họ Lý, bị chôn sống ngay trước bài vị tổ tông, kẻ còn sống cũng buộc đổi sang họ khác cho tiệt trừ hậu hoạn. Giết vua, lấy vợ vua, lừa thầy, phản bạn, dâm loạn, phản trắc… toàn những việc làm nối gót theo Trung Từ , Tự Khánh và làm gương xấu cho bọn Ích Tắc sau này noi theo. Đạo vợ chồng là một trong tam cương, là giềng mối của một dân tộc. Sao lại vì quá coi trọng việc bảo vệ ngôi vương cho dòng tộc mà làm chuyện thương luân bại lý, khác gì chó lợn [10]. Hoán vợ đổi chồng, anh em chú bác lấy nhau, cô cháu lấy nhau, anh em cô cậu lấy nhau, em rễ lấy chị vợ, gán vợ cũ cho người có công gọi là ban thưởng[11]… Hỏi từ trước đến nay có triều đại nào làm chuyện nghịch đạo như thế hay không ? Xem ra việc hôn nhân chỉ là phương tiện để họ Trần bảo vệ vương triều khỏi tay người ngoài mà thôi, không lý gì tới đạo lý thánh hiền. Cũng bởi vì làm chuyện mờ ám soán nghịch bằng con đường hôn nhân nên sợ người khác cũng sẽ làm vậy với dòng họ mình. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, việc ta làm với con cháu họ Trần chính là lập lại việc ông đã làm cho con cháu triều Lý, đúng như lời nguyền của Lý Huệ Tông lúc sắp mất: “Thiên hạ nhà ta đã vào tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi thác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế”. Điềm trời báo ứng , lẽ đâu ông không hiểu thấu? Ngày nay bọn làm sử lại bẻ cong ngòi bút, mưu đồ tô nhạt lỗi lầm của ông mà chuốc hồng công trạng. Bảo rằng Thủ Độ chỉ một lòng tận trung với triều đại mới, không ham vương vị dù dư sức làm thế ư? Vốn dĩ ông cũng tự biết rất rõ rằng những việc làm tàn độc của mình rất không được lòng dân chúng, làm sao dám nghĩ đến ngôi vua? Lại nói Huệ Tông mắc chứng điên nên phải chịu bị ông phế truất. Thực ra chứng điên khùng của nhà vua là do phẫn uất, bất lực và do phe cánh họ Trần nói vu ra cho nặng thêm để người ngoài nghĩ rằng vua không còn đủ “năng lực hành vi” để trị quốc. Nghe ông nói câu nhổ cỏ tận gốc, rõ ràng nhà vua nhận thức được thâm ý độc ác của ông, chứng tỏ còn hoàn toàn tỉnh táo. Than ôi, đạo thờ vua không tội nào lớn bằng thí nghịch, đạo vợ chồng không tội nào lớn bằng cướp vợ người làm vợ mình. Dù công trạng có lớn lao đến đâu, lẽ nào lại mong lấp liếm lỗi lầm mà viết lại trang sử cũ…

- Than ôi. Ghi công ta là hậu thế mà lên án ta cũng là hậu thế !.

….. đến đây thì tiếng gà đã eo óc gáy vang, chân trời phía đông sáng dần báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Mọi hình ảnh âm thanh mờ nhạt dần rồi tan loãng trong cõi hư vô, kẻ hàn sĩ tỉnh giấc mà vai áo còn ướt đẫm sương đêm. Về nhà vội ghi ra trang giấy, lòng xiết bao cảm thán…

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ghi chú :

1. Công chúa Huy Ninh là con gái của Trần Minh Tông ( 1314-1329), được Nghệ Tông gã cho Quý Ly năm 1371. Là mẹ của Hồ Hán Thương và công chúa Thánh Ngâu (sau là hoàng hậu của Trần Thuận Tông).

2. Quách Bốc đánh vào kinh thành để trả thù cho chủ là Phạm Bỉnh Di. Vua Cao Tông chạy lên Quy Hoá, thái tử Lý Sảm cùng mẹ và hai em gái chạy về Hải Ấp nương náu Trần Lý. Nhân đó Trần Lý và Tô Trung Từ lập thái tử làm vua xưng là Thắng Vương, lại đem con gái là Trần Thị Dung gã cho. Năm ấy thái tử mới 15 tuổi. Trần Lý được phong là Minh Tự, Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ. Vua Cao Tông không chấp nhận cả hai việc xưng vương và lấy vợ của Thái tử. Mãi sau này khi vua Cao Tông chết đi và thái tử Lý Sảm nối ngôi (vua Lý Huệ Tông), Trần thị Dung mới được lập làm nguyên phi.

3. Cha Trần Cảnh là Trần Thừa, vốn là anh em chú bác ruột với Trần Thủ Độ. Năm 1225, Thủ Độ đưa Trần Cảnh vào cung làm Chính thủ chi hậu, phục vụ vua là Lý Chiêu Hoàng (cả hai cùng sinh năm 1218, Cảnh sinh trước 3 tháng). Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: “Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, phải giử việc bưng nước rửa, nhân thế được vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy lấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi đến để cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về ngầm thưa với Thủ Độ. Thủ Độ nói: “Nếu thực như thế thì họ nhà ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?” Một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói: “Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh”. Chiêu Hoàng cười và nói : “Tha tội cho ngưoi. Nay ngươi đã biết nói khôn rồi đó”. Cảnh lại về nói với Thủ Độ. Thủ Độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan đến chầu không được vào.Thủ Độ loan báo rằng :“Bệ hạ đã có chồng rồi”. Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Ngày 11 tháng 10 năm Ất Dậu (1225), các quan vào chầu lạy mừng.”

4. Theo Hoài Nam , báo CAND ngày 15.6.2009

5. Năm 1232, nhân lúc tôn thất nhà Lý về quê ở làng Hoa Lâm (nay là xã Mai Lâm, Gia Lâm, Hà Nội) làm lễ cúng tổ tiên, Thủ Độ đã làm bẫy sập chôn sống tất cả.

6. Triều Trần Nghệ Tông, Hồ Quý Ly làm quan chức Đồng Bình chương sự.

7. Tháng 4 năm Kỷ Mão 1399, Quý Ly cưỡng bức vua Trần Thuận Tông phải xuất gia thờ Đạo giáo, ra ở quán Ngọc Thanh, thôn ĐạmThủy, Quảng Ninh, mật sai nội tẩm học sinh Nguyễn Cẩn đi theo. Vua ngờ hỏi rằng: “Ngươi theo hầu ta là muốn làm gì chăng?” Cẩn không nỡ trả lời. Quý Ly làm bài thơ bảo Cẩn rằng: “Nguyên Quân (chỉ vua) không chết thì ngươi phải chết” lại làm bài thơ đưa cho Nguyên Quân như sau: ( dịch)

Trước có vua hèn ngu
Hôn Đức và Linh Đức
Sao không sớm (tự) liệu đi
Để cho người nhọc sức

Cẩn bèn dâng thuốc độc. Vua không chết. Lại dâng nước dừa và không cho ăn mà vua vẫn không chết. Đến đây, sai Xa kỵ vệ thượng tướng quân là Phạm Khả Vĩnh thắt cổ cho chết.

8. Năm Kỷ Mão 1399, nhân hội thề đền Đồng Cổ, bọn Khát Chân đã có ý muốn giết Quý Ly để trả thù cho vua. Quý Ly ngồi trên lầu nhà Khát Chân để xem hội thề, cứ y như lệ thiên tử ngự đến các miếu các đền. Cháu Phạm Khả Vĩnh là Phạm Tổ Thu và thích khách là Phạm Ngưu Tất định lên. Khát Chân trừng mắt ngăn lại nên việc không xong. Quý Ly chột dạ đứng dậy, vệ sĩ hộ vệ xuống lầu. Ngưu Tất vứt gươm xuống đất nói rằng: “Chết uổng cả lũ thôi”. Sự việc bị phát giác, bọn tôn thất Trần Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất và các liêu thuộc, thân thích gồm hơn 370 người đều bị giết và tịch thu gia sản. Con gái bị bắt làm nô tỳ, con trai từ 1 tuổi trở lên hoặc bị chôn sống, hoặc bị dìm nước. Lùng bắt dư đảng liền mấy năm không ngớt.

9. Sau khi bị bức phải nhường ngôi cho con gái và đi tu, Lý Huệ Tông có lần dạo chơi qua chợ Đông, dân chúng nhận ra xúm lại xem, có người còn khóc thương. Thủ Độ sợ lòng dân còn nhớ vua cũ, bèn chuyển Huệ Quang ( Huệ Tông) vào chùa Chân Giáo. Một lần Thủ Độ đến chùa, thấy Huệ Tông ngồi nhổ cỏ bèn nói rằng: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu”. Huệ Tông đáp: “Điều ngươi nói ta hiểu rồi”. Bèn thắt cổ tự tử ở vườn sau chùa.

10. Lời của vua Tự Đức.

11. Chiêu Thánh lấy Trần Cảnh đã lâu mà không có con, Thủ Độ bèn ép Trần Cảnh bỏ vợ lấy người chị ruột của Chiêu Thánh là Thuận Thiên, khi ấy đang là vợ Trần Liễu và có mang 3 tháng. Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung là anh em chú bác ruột lấy nhau. Trần Quốc Tuấn và công chúa Thiên Thành là hai cô cháu lấy nhau. Trần Liễu- Thuận Thiên, Trần Cảnh-Chiêu Thánh là hai cặp anh em cô cậu lấy nhau. Trần Cảnh và Thuận Thiên là em rễ lấy chị vợ. Thái Tông ( Trần Cảnh) đem vợ cũ là Chiêu Thánh gã cho tướng có công là Lê Tần.

Tài liệu tham khảo :

- Đại Việt Sử Ký toàn thư- mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 ( 1697)- NXB KHXH 2004.
- Việt Sử Giai Thoại - Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục 2007.
- Hỏi đáp Lịch Sử Việt Nam – NXB Trẻ 2007.
- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

**********
Thành Nhà Hồ

Đền thờ Triều Lý

Đền thờ Lý Chiêu Hoàng

Đền thờ Họ Trần

Wednesday, August 11, 2010

CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC VIỆT NAM

1. Thời sự tỉnh nhà hai tuần nay vẫn chưa hết xôn xao về vụ Giám đốc Sở Giáo Dục Dương Thế Phương phát biểu xin từ chức khi trả lời chất vấn trong cuộc họp của đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh Bình Dương vừa qua . Tự dưng ông nổi tiếng khắp cả nước, được báo chí đưa tin lên trang nhất và kỳ lạ thay lại giành được nhiều thiện cảm của dư luận. Bởi vì lẽ thường để giải thích cho những yếu kém trong hệ thống quản lý vĩ mô, người ta hay đổ cho những yếu tố khách quan như cơ chế, suy thoái toàn cầu, thiên tai, âm mưu của các thế lực thù địch…chứ không ai tự nhận trách nhiệm về mình nên trường hợp của ông Giám Đốc trở thành chuyện xưa nay hiếm.

Lần ngược trở về năm học 2006 -2007, năm đầu tiên lãnh đạo ngành GD cả nước phát động phong trào nói “không” với gian lận trong thi cử và bệnh chạy theo thành tích, cuối năm đó tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông cả nước đạt 67%, một con số mà nhiều người cho rằng phản ánh khá đúng chất lượng học tập. Trước năm 1975, tỷ lệ thí sinh thi đổ Tú Tài cũng ở vào khoảng này, hoặc cao hơn một chút nhưng cũng không bao giờ quá 80%.Nhưng than ôi, chỉ được một năm học đó thôi. Những năm sau này, tỷ lệ tốt nghiệp tăng dần đều và đến niên khoá 2009 – 2010 vùa qua thì đạt bình quân cả nước 93% (!).Nghĩa là mười người thì có chín người… rưởi đậu.Và người ta xoa tay, khen lẫn nhau là phong trào chống tiêu cực trong giáo dục đã thành công tốt đẹp.Nhưng có nhiều vị ở Bình Dương lại không hài lòng vì kết quả thi tốt nghiệp của học sinh tỉnh nhà không đẹp như mong đợi : chỉ 86% ! Thua cả mấy tỉnh thượng du như Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La… Mặc dù nếu công tâm nhận xét thì tỷ lệ tốt nghiệp như vậy cũng là quá mong đợi, nếu phản ánh đúng thực chất năng lực học tập của học sinh.Ai ở trong ngành GD cũng đều biết , muốn có con số đẹp đâu có gì khó, chỉ cần ra chỉ thị miệng coi thi “lỏng lỏng” một chút là xong ngay thôi mà.Và thế là người người hoan hỉ, nhà nhà hoan hỉ dù tất cả đều biết đó là con số không thực.

Một lần tôi đứng ở cổng trường, chứng kiến bà mẹ đay nghiến con mình vì bị tụt hạng “ cho mày ăn uổng, làm tao mắc cở với ….má tụi nó (?)”.Nghĩa là người ta coi việc chăm sóc học hành của con em như chơi gà chọi. Hoặc như cách xử lý học sinh kém của một trường nội trú nổi tiếng dạy tốt của Sài Gòn hiện nay : mời phụ huynh đến trường, đề nghị chuyển sang trường khác, nhà trường sẽ “chiếu cố” nâng điểm nâng hạng trước khi cắt chuyển. Còn hơn ở lại lớp sẽ chịu tổn thất nhiều hơn. Đó cũng là cách để nhà trường bảo vệ thương hiệu của mình. Còn số phận của em học sinh đó sau này ra sau mặc kệ. Nên có nhiều trường hợp học lớp 7 mà đọc viết không rành, xử lý phép toán hai con số không được.Và cử nhân viết sai lỗi chính tả bây giờ không phải là chuyện hiếm.

Trở lại chuyện của ông Giám Đốc, phát biểu “xin từ chức” của ông nên được hiểu như là bức xúc vì bị truy vấn gay gắt, vì sự thiếu thông cảm của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh Bình Dương. Một thiện ý muốn giữ sự trung thực , thực chất cho chất lượng thi cử lại chuốc lấy phản ứng ngược lại. Báo chí cũng tỏ ra nghi ngờ không biết liệu ông có giữ vững quan điểm ( thi cử thực chất) của mình hay lại để cho gió cuốn phăng đi ( nâng tỷ lệ đổ tốt nghiệp cho vừa lòng …anh.) ?

Cũng xin được nhắc sơ qua về tiểu sử của Dương Thế Phương : cựu học sinh Trịnh Hoài Đức khóa 12.Trưởng ban đại diện học sinh niên khóa 1972 – 1973. Rất được thầy thương bạn mến.

Giám đốc Sở Giáo Dục Dương Thế Phương

2. Gần như cùng lúc với vụ “nổi tiếng” trên là một vụ “ tai tiếng” còn hoành tráng hơn : vụ Đại học Quốc Gia Hà Nội liên kết đào tạo chương trình trên đại học với trường Irvine University ( California, Hoa Kỳ). Việc bỏ ra hàng trăm triệu đồng đi học Thạc sỹ, Tiến sỹ để mở mang kiến thức thực ra là một việc làm đáng khuyến khích nếu như không có mấy tờ báo mạng và đám blogger phải gió, tình cờ khui ra những bê bối kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” của chương trình này :

- Irvine University ( IU) là một trường ĐH tư nhân mà toàn bộ cơ sở vật chất chỉ có 300 m2 thuê lại trên tầng ba của một cao ốc, gồm hai phòng học, một thư viện vài trăm cuốn sách, một phòng họp kiêm phòng học và phòng ăn.Nhân sự gồm năm người kể cả ông hiệu trưởng.

- Chương trình đào tạo nhẹ như lông hồng : Cử nhân chỉ cần 60 tín chỉ ( so với các ĐH khác ở Mỹ là từ 120 -128 tùy theo Bachelor of Art hay Barchelor of Science), còn Thạc sỹ thì thêm 30 tín chỉ nữa mà không cần thi GMART nếu là Quản trị kinh doanh hoặc LSAT nếu là ngành Luật. Chương trình liên kết đào tạo Thạc sỹ của hai trường tại Hà Nội còn độc đáo hơn nữa : học viên không cần biết tiếng Anh ( học qua phiên dịch); không cần đi du học; chỉ cần đóng 200 đô cho mỗi tín chỉ vị chi khoảng 6 ngàn đô, mỗi tuần học hai ngày thứ bảy và chủ nhật, mỗi tháng học khoảng ba tuần ( sáu ngày) , sau 170 ngày học là có ngay một cái MBA ( thạc sỹ Quản trị kinh doanh) thật oách do IU cấp.Và theo thông báo của khoa QTKD của trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, đã đào tạo khoảng 300 Thạc sỹ từ chương trình này. Đa số là các quan chức cấp Tỉnh, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước.

- Đây là một cơ sở kinh doanh bằng cấp ( diploma mill) hợp pháp nhưng không có chứng nhận kiểm định chất lượng ( approval is not the same as accreditation).

Bởi vì giấy phép hoạt động do California Bureau for Private Postsecondary Education BPPE cấp, chỉ chứng nhận hoạt động ( licensed to operate) chứ không có thẩm quyền giám định giáo dục hay công nhận bằng cấp ( acreditation).Đừng nên lầm Irvine University với University of California - Irvine danh tiếng. Đúng là lập lờ đánh lận con đen.

- Chương trình được xem là thành công vì cả hai bên đều hài lòng : một bên có danh còn một bên có tiền. Có danh thì sẽ giữ chắc được ghế, có tiền thì sẽ nâng tầm, mở rộng được hợp tác quốc tế. Có điều chi phí đi học của mấy vị công bộc do nhà nước đài thọ, nghĩa là lấy từ tiền thuế của dân.

3. Tôi có một thằng cháu, học hành dỡ dỡ ương ương nhưng không biết làm cách nào lại được địa phương cử đi học lớp thú y cơ sở ( nôm na gọi là hoạn lợn). Điều kiện là phải có cái bằng tốt nghiệp cấp 2 (trung học cơ sở). Hắn lò dò tìm tới tôi, năn nỉ ỉ ôi rằng dượng quen biết nhiều, ráng giúp con cái bằng, nhiêu cũng được. Tôi mới giải thích cho hắn hiểu rằng bằng cấp không phải là con cá, lá rau ngoài chợ mà đem ra mua bán đổi chác. Huống chi quy trình cấp bằng rất là chặt chẽ, nào hồ sơ lưu, nào danh sách, số thứ tự cấp bằng…làm sao chen vô được. Còn nếu mua bằng giả,bị phát hiện thì kể như tiền mất tật mang.Thế là nó tiu nghỉu ra về. Tôi cũng quên bẵng đi chuyện này cho đến một hôm nó đến nhà chơi, khoe đã nhập học được hơn tháng.Trời đất, một thằng chữ nghĩa không đầy lá mít, thảo một tờ đơn không rành, tiếng Anh chỉ biết mỗi một tiếng “sit down” nghĩa là “sau đít” mà làm nhân viên thú y ? Làm sao nó đọc viết những đơn thuốc, nhãn thuốc ghi bằng tiếng nước ngoài ? Khi tôi gặng hỏi thì nó nói thật đã mua cái bằng tốt nghiệp cấp 2 với giá năm “chai”. Không biết là thật hay giả nhưng không thấy nhà trường nói gì. Tôi chỉ hỏi vớt thêm một câu là ai ký ? Quả không phải là người quen của tôi ký, vậy được rồi. Không dám lên giọng đạo đức hay quát nạt việc làm sai trái của nó, chỉ sợ nó vặt lại sao dượng không nhìn thấy khối người cũng giống như nó, nhờ cái bằng mà thăng quan tiến chức, vinh thân phì gia nhan nhãn ngoài kia, đến nổi bước chân ra ngõ là gặp…Tiến sỹ, quay vô ngách là gặp Thạc sỹ. Nghĩ đến đây tôi hơi chột dạ vì nhớ đến cái bằng tại chức của mình, lỡ mà nó vô tình nói thêm dốt như chuyên tu , ngu như tại chức thì mất mặt ai cho biết.

Ngẫm cho cùng, việc bỏ tiền ra mua bằng của thằng cháu tôi là do động cơ thiết thực, liên quan tới cơm áo gạo tiền, để kiếm cái cần câu cơm nuôi vợ con chứ không phải để thỏa mãn cái thói háo danh, phú quý sinh lễ nghĩa. Có thể tha thứ được vì nghề của nó là nghề cứu vật độ thế, giả dụ sau này mà nó có thiếu kinh nghiệm hay non yếu nghiệp vụ gây ra tai nạn thì bất quá chỉ làm chết mấy con gà, con heo, con bò… chớ cũng không ảnh hưởng gì tới hoà bình thế giới hay nền kinh tế vĩ mô cả. Có khi tôi còn được nhờ vì thỉnh thoảng được biếu mấy con gà, con vịt chết ngộp, cũng đỡ được một khoản tiền chợ chớ bộ./.

*******

Giám đốc xin từ chức: Muốn sống trung thực, sao khó thế!

Kim Dung

Nếu sẵn sàng cho sự từ chức, ông sẽ trở thành con ốc lẻ loi, cô đơn, đơn độc giữa guồng máy của đồng loại. Hoặc nếu không chịu đựng nổi, không đủ bản lĩnh để trung thực đến tận cùng, đương nhiên ông lại phải bắt đầu "gọt chân cho vừa giày" tiếp tục bằng mọi cách để ngay năm sau chất lượng GD tỉnh nhà "nâng cao".

"Không thể hiểu được". Thật ra là rất hiểu!

Khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2010 vừa khép lại, cho ra đời tỷ lệ tốt nghiệp cả nước rất đẹp - gần 93% thí sinh thi đỗ; thì mới đây, một thông tin trên báo chí khá hot gây sự chú ý của cả xã hội. Đó là chuyện ông Dương Thế Phương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương xin từ chức (!).

Đây có thể coi là vụ xin từ chức vào loại hy hữu của ngành GD – ĐT, tiếp sau vụ xin từ chức của GS TSKH Nguyễn Kế Hào, Vụ trưởng Vụ Tiểu học năm nào, vào trước công cuộc đổi mới GD diễn ra. Và càng là hiếm hoi nếu nhìn rộng ra trong xã hội.

Hiếm hoi, bởi trong xã hội lâu nay, có không ít vụ việc tiêu cực, thể hiện sự tha hóa hoặc bất tài của cán bộ đương chức, cán bộ lãnh đạo, thế nhưng rất ít người có "gan" xin từ chức. Đến nỗi nhân dân, báo chí phải chân thành kêu gọi, nên có "văn hóa từ chức" một khi không còn xứng đáng ở cương vị đó. Dù vậy, không ít vụ, cùng lắm các quan chức xin "nghiêm khắc tự kiểm điểm", hoặc "rút kinh nghiệm".

Còn nếu có vị xin từ chức, xin hưu trí trước tuổi, lại là kế "trong 36 chước, chước hưu là hơn" để tránh sự truy xét, xét xử của pháp luật.

Nhưng trường hợp ông Dương Thế Phương xin từ chức lại khá đặc biệt: Ông bức xúc vì tại Kỳ họp lần thứ 17, HĐND tỉnh Bình Dương, ông đã bị chất vấn gay gắt, vì để tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh năm 2010 vừa qua rớt hạng từ bậc 42 xuống 43, chỉ tăng 9% (86,15%) so với năm trước 2009 (77,4%), trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác tăng 40-50%. "Trao đổi với báo chí, ông Phương cảm thấy khá buồn khi mình làm thật mà không nhận được sự chia sẻ" (VNN, ngày 15-7-2010).

Khi chất vấn ông Dương Thế Phương, không biết các vị Ủy viên HĐND tỉnh Bình Dương có biết, những tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp của ngành GD và ĐT, chỉ trừ năm đầu tiên của cuộc vận động "Hai không" chống gian lận trong thi cử, với gần 67% thí sinh thi đỗ, là con số tương đối trung thực, nghiêm chỉnh. Còn lại, 3 năm qua, số liệu thí sinh cả nước (trong đó có không ít tỉnh khó khăn) đỗ tốt nghiệp "lội ngược dòng một cách ngoạn mục", luôn nằm trong vòng nghi vấn của xã hội?

Đến nỗi, một chuyên gia chuyên phân tích các tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm của cả nước, của các địa phương đã thốt lên: "Không thể hiểu được!".

"Không thể hiểu được". Thực ra là "rất hiểu".

Nhưng chỉ một mình ngành GD làm như "không hiểu" - nên giống "gã khờ" của nhà thơ Đỗ Trung Quân, tuyên bố "rất thơ": "Năm 2010, ngành kết thúc cuộc vận động "Hai không" vì đã hoàn thành công cuộc chống tiêu cực trong GD" (!), khiến không ít nhà báo mỉm cười. Vì sao?

Vì chất lượng GD là cả một quá trình, không đơn giản và không dễ dàng như phép "ảo thuật" của các ảo thuật gia đại tài trên sân khấu xiếc.

Một ví dụ cụ thể: Năm nay, đề thi tốt nghiệp THPT, được cả thí sinh, lẫn giáo viên đều thừa nhận khá "mềm", đến nỗi nhiều tờ báo đặt câu hỏi nghi vấn - ngành GD "thả" cho thí sinh đỗ? Thì ngay sau khi có kết quả, GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc), bằng phương pháp khoa học tính toán, đã chỉ đích danh 17 địa phương có tín hiệu của "bệnh thành tích": Bắc Cạn, Thừa Thiên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình, Kon Tum, Thanh Hóa, Lai Châu, Quảng Trị, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, và Sơn La.

Nhưng có một điều, ngay cả GS Nguyễn Văn Tuấn cũng không hề biết. Mặc dù đề thi "rất mềm", vậy mà tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp loại giỏi lại còn giảm sút hơn năm ngoái. Đây là điều thực sự đáng lo ngại, cho thấy, chất lượng GD phổ thông không hề nâng cao, mà còn có thể còn "tệ" hơn trước.

Muốn sống trung thực, sao khó thế!

Nỗi buồn, hay "bi kịch" cô đơn, không người chia sẻ của ông Dương Thế Phương trên chốn quan trường, không phải là nỗi buồn của riêng ông. Một số ít Giám đốc Sở GD và ĐT các địa phương, muốn có chất lượng GD thực chất đã phải trả giá.

Ít nhất, có 2 Giám đốc Sở GD và ĐT tâm sự với người viết bài này, các ông đã bị "kiểm điểm lên bờ xuống ruộng" chỉ vì năm đó... năm đó... họ muốn thí sinh của tỉnh mình phải đỗ với chất lượng sát thực chất hơn. Không chịu nổi cái nhìn định kiến, và sự "lên bờ xuống ruộng", sâu xa cũng là vì cái ghế Giám đốc, vì "màu cờ sắc áo tỉnh nhà", năm sau, tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh họ, bằng cách nào đó, lại tiếp tục "nâng cao".

Tỉnh nhà hoan hỉ. Dân hoan hỉ. Giám đốc Sở có hoan hỉ không? Chỉ riêng họ biết "mình ta với ta" mà thôi!

Vậy nên, rộng hơn là một xã hội, nhỏ hơn là một địa phương, khi mà sự dối trá, sự giả dối, và bệnh thành tích đã trở thành "chuyện thường ngày ở tỉnh", đã trở thành không khí hít thở bình thường của xã hội đó, địa phương đó, thì chuyện giáo dục mắc bệnh thành tích trầm trọng, không phải chỉ duy nhất do giáo dục.

Ông Dương Thế Phương có từ chức thật không, cho dù báo chí đã đưa tin?

Điều này, đặt ra hai tình huống: Nếu ông sẵn sàng cho sự từ chức, ông sẽ trở thành con ốc lẻ loi, cô đơn, đơn độc giữa guồng máy của hệ thống, của đồng loại. Hoặc nếu không chịu đựng nổi, không đủ bản lĩnh để trung thực đến tận cùng, đương nhiên ông lại phải bắt đầu "gọt chân cho vừa giày" tiếp tục bằng mọi cách để chất lượng GD tỉnh nhà "nâng cao".

Muốn sống trung thực, sao khó thế!

KD

Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/DaoTao/tuanvietnam.net/Giam-doc-xin-tu-chuc-Muon-song-trung-thuc-sao-kho-the/4566332.epi