Monday, November 29, 2010

Chí Phèo Đông Bắc Á

LATHIEWS

     1. Chí Phèo là tên nhân vật chính trong một truyện ngắn có tựa cùng tên của nhà văn Nam Cao , ra đời năm 1941, thuộc dòng văn học hiện thực phê phán, cốt truyện lấy bối cảnh ở một miền nông thôn đồng bằng Bắc bộ trước năm 1945. Đây là một tác phẩm văn học nổi tiếng, đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, mục đích lên án chế độ thực dân phong kiến đã bần cùng hóa người dân Việt Nam. Dưới ngòi bút miêu tả, khắc họa tính cách nhân vật thật sắc sảo, sinh động của Nam Cao; Chí Phèo đã trở thành biểu tượng điển hình cho những kẻ nát rượu, lưu manh, tha hóa biến chất, sống dưới đáy xã hội, chuyên nghề gây gỗ và ăn vạ; kẻ đã biết tận dụng tối đa ưu thế " cùi không sợ lở " của mình và khai thác tâm lý ngán ngại va chạm, cầu an của số đông. Do đó, mặc dù ý đồ của người viết ( và quan điểm của nhà nước nhân dân ) là mong muốn có sự cảm thông, chia sẽ cho một mảnh đời bất hạnh để qua đó lên án chế độ thực dân thì ngược lại, đa số người đọc lại có cảm giác khinh bỉ, ghê sợ nếu không muốn nói là đầy ác cảm với nhân vật này. Một phần bởi vì nó gợi nhớ lại một thời kỳ đau thương qua chưa lâu trước đây: nghèo là một thành tích tốt, người ta hãnh diện khoe mình nghèo; còn giàu là một tội lỗi vì chỉ có bóc lột mới giàu được (!) ; lý lịch trong sạch phải mạt ba đời, làm gà phải cắt kéo, người buôn bán gọi là con buôn. Nếu gọi Chí Phèo là sản phẩm của chế độ bất nhân, người bóc lột người thì bảy mươi năm sau, hình ảnh Chí Phèo không những không mất đi mà còn nhân bản lên gấp hàng trăm, hàng ngàn lần với những biến thái độc đáo thời kinh tế thị trường; từ một tên lưu manh nhà quê đã trở thành một thằng điếm chợ chuyên nghiệp.

     2. Nơi tôi ở cũng có một con cháu Chí Phèo, hay gọi là Chí Phèo đệ tam, đệ tứ cũng được. Gia đình Chí tạm trú trong một phòng trọ xập xệ đầu con hẽm lớn, buổi chiều vợ bán cháo lòng cho dân lao động chiếm hết nữa lòng đường, bổn phận của Chí chỉ là khuân dọn bàn ghế nếu còn tỉnh táo, còn ngoài ra thì tha hồ say sưa, mượn rượu để chửi đổng thiên hạ, nằm lăn ra giữa hẽm mà cản trở xe cộ, người qua lại và nhất là giả say để hù dọa xin đểu…tiền. Khoái nhất là được va quẹt để ăn vạ tiền cơm thuốc. Sở dĩ Chí quen thói, được nước làm tới là vì hắn nắm bắt được tâm lý sợ phiền phức rắc rối của nhiều người, không muốn dây dưa với một kẻ liều mạng; đụng với hắn như chén kiểu đụng với gáo dừa; chỉ chuốc thêm bực tức nên đa số đều chọn giải pháp thua thiệt về phần mình ( nhiều khi phải bồi thường lãng xẹt ) để xin hai chữ bình an. Bên trong hẽm có mấy cơ sở may gia công và hàn tiện,chịu hết nổi với mấy màn quấy rầy của hắn mới bàn nhau đưa Chí vào nề nếp bằng cách tuyển dụng làm… bảo vệ, ấy gọi là dĩ độc trị độc. Nhưng chỉ một thời gian ngắn thì Chí nhận ra rằng làm bảo vệ không khoái vì bị gò bó đủ thứ, không bằng làm Chí … Phèo nên sau đó thì mèo lại hoàn mèo, cốt khỉ hoàn cốt khỉ. Nay thì người dân chỉ còn mong sao cho hắn sớm bị xơ gan, đi theo Lưu Linh để bà con được nhờ. Mà ngày đó chắc cũng chẳng còn xa vì hiện hai chân hắn đã bị phù thủng rồi. Dù sao thì cũng có thể tha thứ cho Chí Phèo này được, vì hắn chẳng có dã tâm giết chóc gì ai, cũng không làm gì phạm pháp đến mức xử lý theo luật hình sự, chủ yếu chỉ gây rối cho mọi người nhớ ta đây là …Chí Phèo. Thậm chí gia đình hắn cũng thỉnh thoảng nhận được sự giúp đỡ từ chính những nạn nhân của hắn, theo đúng tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt.

     3. Mấy hôm nay đọc báo mạng, bổng nhiên tôi rùng mình vì hay tin Chí Phèo nay đã lớn mạnh thành ra một …quốc gia. Lợi dụng việc nằm giữa các nước đang ổn định về chính trị, phát triển mạnh mẽ về kinh tế; Chí chọn con đường phát triển mạnh mẽ về quân sự và công nghiệp quốc phòng, nói trắng ra là phát triền vũ khí hạt nhân và vũ khí giết người hàng loạt, nhân danh quyền tự vệ chính đáng. Sau đó đem vũ khí ấy ra hăm he; mặc cả với láng giềng để đổi lấy lương thực thực phẩm, nhiên liệu năng lượng, thuốc men y tế và các loại hàng hóa khác. Và cũng giống như người dân xóm tôi, các quốc gia láng giềng đành phải bấm bụng mà mua lấy sự bình an, tránh bị sự quấy rầy liên miên của Chí. Hội nghị sáu nước họp bàn về việc giải trừ vũ khí hạt nhân thật giống với cuộc họp tổ dân phố của xóm tôi hôm nào: khi có người nêu lên ý bắt Chí đi tập trung lao động cho chừa cố tật thì cũng có người bênh vực, hỏi rằng rồi ai sẽ nuôi sáu đứa con nheo nhóc của hắn. Đáp lại gợi ý nên giúp đỡ vật chất cho gia đình của Chí thì cũng có người phản bác, nói rằng xưa nay giúp ngặt chứ không ai giúp nghèo. Lòng từ thiện nên đặt đúng chỗ chứ không phải của kho vô tận. Nói gà nói vịt một hồi rồi giải tán, chẳng đi đến đâu; rốt cuộc Chí vẫn Phèo như cũ.

     Thật tội nghiệp khi nhìn thấy hình ảnh người dân của Chí với gương mặt khắc khổ lấm lem không một nụ cười, tương phản với những gương mặt ngoại giao béo tốt nọng thịt. Hàng năm, đất nước ấy vẫn thiếu đói triền miên, hụt trên một triệu tấn lương thực, phải nhờ viện trợ của các nước và tổ chức quốc tế phi chính phủ ( NGO ) nhưng vẫn không ngớt lên án những kẻ thù có thật và không có thật. Để trút lên đầu chúng tất cả những khổ đau mà người dân đang gánh chịu.

*****

Wednesday, November 24, 2010

Mạc Triều: Ngàn Năm Công Tội

KIẾN HÀO

Quan niệm phong kiến xưa xem đất nước thuộc quyền sở hữu của nhà vua , nên trong lịch sử có nhiều trường hợp khi sự tồn tại của vương triều bị đe dọa , kẻ thống trị sẵn sàng đem lãnh thổ làm vật trao đổi với ngoại bang, hòng cũng cố địa vị đang bị lung lay hoặc giành lại vương quyền đã mất, kể cả việc rước quân xâm lược về giày xéo quê hương, ngoảnh mặt làm ngơ trước những nổi thống khổ của nhân dân, miễn sao giữ được đặc quyền đặc lợi. Hồ Hán Thương, Mạc Đăng Dung và Lê Cảnh Hưng là ba ông vua đã cắt đất dâng Tàu. Ngày nay nếu nhìn lên bản đồ Việt Nam, sẽ dễ nhìn thấy đường biên giới từ Quảng Ninh đến Lạng Sơn bị lõm vào một đoạn. Trong đó có phần đất của Việt Nam đã bị ba kẻ tội đồ trên nộp cho nhà Minh.  

THÍ VUA, SOÁN NGÔI, LỘNG GIẢ THÀNH CHÂN:

Mùa thu, tháng 7, ngày 27 năm Nhâm Ngọ (1522), vua Lê Chiêu Tông bị quyền thần Mạc Đăng Dung bức bách quá ngặt, đang đêm bèn bỏ chạy ra ngoài hoàng thành, hiệu triệu các trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Hải Dương và Kinh Bắc mưu dấy quân khôi phục vương quyền, vì chiến sự không lợi nên lui về Thanh Hoa cố thủ. Mạc Đăng Dung thừa cơ, lập hoàng đệ Xuân tức Lê Cung Hoàng lên ngôi vua, phế (vắng mặt ) Chiêu Tông làm Đà Dương Vương. Tháng 10 năm 1525, Mạc Đăng Dung huy động toàn bộ binh lính thủy bộ đánh vào Thanh Hoa, bắt được Chiêu Tông đem về giam ở Đông Kinh. Tháng 12 năm 1526, Mạc Đăng Dung sai Bá Khuê bá Phạm Kim Bảng bí mật giết vua Lê Chiêu Tông tại phường Đông Hà (phố hàng Chiếu Hà Nội ngày nay) rồi tự lập làm vua (1527 ). Ít tháng sau, Lê Thái hậu và Cung Vương đều bị giết. Triều ( Hậu ) Lê tính từ Lê Thái Tổ mở nước dựng nghiệp đến đây là đúng một trăm năm [trang122,119]. Sử đời sau gọi là thời kỳ Lê sơ.
Đại Việt sử ký toàn thư ( chính biên, tờ 72a) chép: “ Năm Mậu Tý ( 1528 ), Mạc Đăng Dung sai người sang Yên Kinh báo với nhà Minh rằng con cháu họ Lê không còn ai thừa tự nữa, dặn lại cho đại thần là họ Mạc tạm coi việc nước, cai trị dân chúng. Vua Minh không tin, bí mật sai người sang dò thăm tin tức trong nước, xét hỏi duyên do, ngầm tìm con cháu họ Lê để lập nên. Họ Mạc thường trả lời bằng những lời lẽ văn hoa, lại đem nhiều vàng bạc đút lót ( sứ giả ). Đến khi sứ giả về, mật tâu là con cháu họ Lê đã hết, không ai nối ngôi được, đã ủy thác cho họ Mạc. Người trong nước đều tôn phục và theo về họ Mạc cả, xin tha tội cho họ. Vua Minh mắng không nghe, Đăng Dung sợ nhà Minh hỏi tội, bèn lập mưu cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy, Thuận và hai tượng người bằng vàng và bạc cùng châu báu, của lạ, vật lạ. Vua Minh thu nhận. Từ đấy Nam Bắc lại thông sứ đi lại” .
Cũng sách trên chép: Năm Kỷ Sửu ( 1529 ) , bọn bề tôi cũ của nhà Lê là hai anh em Trịnh Ngung, Trịnh Ngang chạy sang tố cáo với nhà Minh. Họ Mạc liền đem nhiều lễ đút lót cho bọn quan lại nhà Minh để phá. Việc không thành, hai anh em đều chết bên Minh”.
           Việt Nam sử lược (chương hai: Nam Bắc triều) chép: “ Năm Đinh Hợi (1527) , Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lên làm vua, đặt niên hiệu là Minh Đức. Nhà Mạc tuy đã làm vua, nhưng còn sợ lòng người nhớ nhà Lê, cho nên công việc gì cũng theo phép nhà Lê cả, rồi lại tặng phong cho những người vì nhà Lê mà tuẫn tiết, và lục dụng những con cháu các quan cựu thần, phong cho quan tước để dụ về với mình. Nhưng mà kẻ thì trốn tránh vào ở chỗ sơn lâm, kẻ thì đi ra ngoại quốc, kẻ thì đổi họ tên, không mấy người chịu phục. Lại có kẻ tức giận vì họ Mạc làm điều gian ác, tụ họp những người nghĩa khí nổi lên đánh phá….

 ĐẦU HÀNG NHÀ MINH, XIN NỘI THUỘC, CẮT ĐẤT CẦU PHONG:

Năm 1540, triều đình nhà Mạc lâm vào tình thế khốn đốn, phải chịu sức ép từ hai phía: ở phía Nam, quân Lê – Trịnh từ Thanh Hoa thường xuyên đánh ra; ở biên giới phía Bắc, quân Minh tập trung quân ở Khâm Châu, lập hành doanh Mạc phủ tại ải Nam Quan, chuẩn bị sang hỏi tội . Ở thế lưỡng đầu thọ địch, Mạc Đăng Dung chọn giải pháp đầu hàng giặc ngoài để rảnh tay lo thù trong. Một sự chọn lựa hoàn toàn phản dân hại nước, đi ngược lại quyền lợi dân tộc và bôi nhọ thanh danh dất nước, dâng nộp giang sơn lệ thuộc vào phương Bắc để bảo toàn quyền lợi phe nhóm, để lại tiếng xấu đến ngàn năm sau.
Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “ Mùa đông, tháng 11, năm Canh Tý ( 1540 ), Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn Nguyễn Như Quế, Đỗ Chế Khanh, Đặng Văn Tri, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô Văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi Trí Vĩnh qua Trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây ở cổ, đi chân không đến phủ phục trước Mạc Phủ của quân Minh, quỳ gối cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước để chờ phân xử, dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương , La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. Lại xin ban chính sóc, cho ấn chương, để kính cẩn coi giữ việc nước và chờ lệnh thay đổi hay quyết định khác. Lại sai bọn Văn Minh và Nguyễn Văn Thái, Hứa Tam Tỉnh mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh.”.
Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép chi tiết hơn: “ …đúng kỳ hẹn trên, Đăng Dung lưu Phúc Hải ở lại giữ nước, rồi tự dẫn tiểu mục và kỳ nhân là bọn Nguyễn Như Quế, đến cửa Nam Quan ứng chực, thảy đều dùng vãi tự quấn vào cổ . Trên tướng đài đã đặt sẵn cái long đỉnh, các quan Phó giám Tam ty trong hai tỉnh Quảng nhà Minh đều ngồi đợi trên đài. Đến khi truyền lịnh mở cửa quan , Đăng Dung do cửa bên tả bước ra, bỏ giày đi chân không, quỳ gối quay mặt về phương Bắc, quan nhà Minh sai sinh viên Tạ Thiên Túng cởi những vải quấn ở cổ cho bọn Đăng Dung, và nhận tờ hàng biểu. Đăng Dung phủ phục lễ 5 lễ, cúi đầu vái 3 vái, cháu họ Đăng Dung là bọn Mạc Văn Minh cũng lần lượt lễ theo. Quan nhà Minh truyền rằng: “ Hãy dong cho đới tội về nước, chờ đây chuyển tâu lên triều đình, xin cho được khỏi tội chết…”.
Việt Nam sử lược chép: “ Đến tháng 11 năm Canh Tý ( 1540), Mạc Đăng Dung thấy quân nhà Minh sửa soạn sang đánh, sợ hãi quá chừng, bèn để Mạc Phúc Hải ở lại giữ nước, rồi cùng với bọn Vũ Như Quế cả thảy hơn 40 người, tự trói mình ra hàng, sang chịu tội ở cửa Nam Quan, lạy phục xuống đất để nộp sổ điền thổ và sổ dân đinh, lại xin dâng đất năm động là: động Tê Phù, động Kim Lạc, động Cổ Xung, động Liễu Cát, động La Phù. Lại đem vàng bạc dâng riêng cho nhà Minh .

Về việc cắt đất giao cho giặc, các bộ sử chép có khác nhau: 

Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Đăng Dung cắt dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An, trấn Yên Quảng xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. Nhưng theo Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (chính biên, quyển 27) thì có thể sách trên chép nhầm vì theo Khâm Châu chí của nhà Minh và Quảng Yên sách của ta thì An Lương vẫn thuộc châu Vạn Ninh nước ta.
Theo Đại Việt thông sử thì trong tờ hàng biểu, Mạc Đăng Dung tâu rõ: “ …hai đô Như Tích, Chiêm Lãng và bốn động Tư Phiêu, La Phù, Cổ Sâm, Liễu Cát là đất cũ của Khâm Châu tỉnh Quảng Đông. Nếu quả như vậy thì những đất ấy do triều trước họ Lê mạo nhận. Nay hạ thần xin tình nguyện dâng các xứ ấy lệ thuộc vào Khâm Châu….
Theo Việt Nam sử lược, năm động bị dâng là: Tê Phù , Kim Lặc,  Cổ Sung, Liễu Cát và La Phù, có lẽ chép theo Cương mục.
Tháng 10 năm Tân Sửu ( 1541 ), vua Minh nghe theo bản tấu của bọn Cừu Loan, Mao Bá Ôn phong cho Mạc Đăng Dung làm An Nam Đô thống sứ ty đô thống sứ [1], ban ấn bạc và sai giữ việc triều cống như lệ cũ, lịnh truy thu đủ lễ vật tiến cống hàng năm còn thiếu. Thu nạp đất 13 lộ cũ cho nhập vào Khâm Châu và đặt các quan chức quản hạt. Tuy nhiên trước đó 2 tháng, Mạc Đăng Dung đã chết nên không kịp thấy thành quả bán nước, đầu hàng giặc của mình.
            Tháng 12 năm Nhâm Dần ( 1542 ), nhà Minh lại phong Mạc Phúc Hải làm An Nam Đô thống sứ ty đô thống sứ. Sang năm sau, họ Mạc sai sứ sang tuế cống nhà Minh; khi vào chầu thì mọi việc tiếp đãi sứ bộ đều giản lược bớt đi vì họ không còn được coi là bồi thần [2]. 

TRAI CÒ MỔ NHAU, NGƯ ÔNG ĐẮC LỢI

Đây là một chương bi thảm nhục nhã của trang sử Việt: cả hai chế độ Lê – Trịnh và Mạc một mặt tranh thủ sự ủng hộ của vua quan nhà Minh bằng lễ vật tiến cống và của đút, một mặt kể xấu nhau không tiếc lời (với thiên triều ) để vạch áo cho người ngoài xem lưng. Quả thật thói thường hành vi của bọn quyền gian là độc ác tàn nhẫn với người trong nước mà quỳ lụy xu phụ hèn hạ với người nước ngoài. Một giai đoạn lịch sử đầy đau thương và nhục nhã: dân chết đói vì mất mùa, mất nhà cửa vì loạn lạc, đồng ruộng bỏ hoang mà Nam triều lẫn Bắc triều lại ganh nhau nạp cống cho Tàu. Vật phẩm cống nạp là máu mỡ của dân chớ phải đâu của riêng tư dòng họ, mĩa mai thay là cũng trong giai đoạn đó có biết bao nhiêu là khoa thi của hai triều, lấy đỗ hàng trăm vị tiến sĩ, thế mà không một ai dám lên tiếng can ngăn hay phê phán. Phàm cái gì bất chính thì không thể tồn tại, chiếm hữu bằng bạo lực thì sẽ chịu thất bại vì bạo lực. Mấy chục năm tồn tại vất vưởng ở Cao Bằng sau đó, chỉ giống như một viên phiên mục, chẳng qua là nhờ có sự can thiệp của nhà Minh, khi nhà Minh tiêu vong thì nhà Mạc cũng không còn.
            Đại Việt sử ký toàn thư ( bản kỷ tờ 72-b ), chép : “ …Mạc Đăng Dung sợ nhà Minh hỏi tội ( soán ngôi ), bèn lập mưu cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy, Thuận cùng hai tượng người bằng vàng và bạc cùng châu báu, của lạ, vật lạ. Vua Minh thu nhận lấy….
Đại Việt thông sử ( tờ 36a -36b ) chép  nội dung tờ hàng biểu của Đăng Dung nộp vua Minh có đoạn sau : “ …về việc hạ quốc còn thiếu cống hiến trong mấy năm trước đây, tất nhiên sẽ xin nộp bù, và từ nay mỗi năm xin theo lệ cống hiến đầy đủ, cái đó hạ thần không dám kêu nài, là vì hạ thần hiện là kẻ có tội, đang cầu xin khỏi chết còn sợ chưa được. Hạ thần lại muốn chiếu theo lệ cũ triều trước của hạ quốc, định mỗi năm cống hiến một người bằng vàng để thế mạng, nhưng còn sợ đường đột nên chưa dám. Nay nhân tâu sớ đầu hàng, xin bệ hạ định đoạt, và xin cho hạ thần được tạm dùng quả ấn, lọng vàng, do thiên triều đã cho hạ quốc từ trước….
Cũng sách trên, chép về các khoản cống nạp của Mạc Phúc Hải cho vua Minh như sau: “ Mùa thu tháng 8 năm Nhâm Dần (1542), Phúc Hải sai Giao bắc tuyên phủ đồng tri Nguyễn Kính Điển, Thiêm sự Nguyễn Công Nghi và Lương Giản sang nhà Minh tạ ơn về sự được sắc phong , tiến dâng lễ phẩm bản xứ gồm : bốn lô hương và bình cắm hoa bằng vàng ( nặng 195 lạng ) ; một rùa bằng vàng ( nặng 19 lạng) ; hai lô hương và bình cắm hoa bằng bạc ( nặng 151 lạng) ; 12 mâm bằng bạc ( nặng 641 lạng) ; 60 cân trầm hương; 148 cân tốc hương [3]; 30 nén giáng chân hương ; 20 sừng tê giác ; 30 cái ngà voi, cùng các thứ hương thơm tơ lụa khác . Lại sai Nguyễn Chiêu Huấn, Vũ Tuân, và Tạ Đình Quang dâng các phương vật về lễ cống hiến hàng năm, cũng như các thứ kể trên. Sau bèn thành lệ.[4] .
Việt Nam sử lược chép: “ Khi Trịnh Tùng đã thu phục được thành Thăng Long rồi, người nhà Mạc sang kêu với vua nhà Minh rằng họ Trịnh nổi lên tranh ngôi, chứ không phải là con cháu nhà Lê. Vua nhà Minh sai quan đến Nam Quan khám xét việc ấy. Tháng 3 năm Bính Thân ( 1596 ) vua Thế Tông sai quan Hộ Bộ Thượng thư là Đỗ Uông, Đô Ngự sử là Nguyễn Văn Giai lên Nam Quan tiếp quan Tàu; lại sai hai ông hoàng thân là Lê Ngạnh, Lê Lựu cùng với Tả thị lang bộ Công là Phùng Khắc Khoan đem 10 kỳ mục, 100 cân vàng, 1000 cân bạc, ấn An Nam quốc vương của vua Lê, ấn An Nam đô thống sứ của nhà Mạc, sang cho nhà Minh khám. Nhưng quan nhà Minh lại bắt vua Thế Tông phải thân hành sang hội  ở cửa Nam Quan. Trịnh Tùng sai Hoàng Đình Ái, Nguyễn Hữu Liêu đem một vạn quân đi hộ giá, nhưng sang đến nơi, quan nhà Minh lại đòi phải nộp người vàng và ấn vàng như tích cũ, rồi không chịu đến hội. Vua chờ lâu không xong việc lại phải trở về ”.  
Đại Việt sử ký toàn thư ( Bản kỷ tục biên, tờ 58-b ) chép: “ Tháng chạp năm Bính Thân (1596 ), vua Lê lại sai quan Hộ Bộ thượng thư là Đỗ Uông, Quảng quận công là Trịnh Vĩnh Lộc làm quan hầu mệnh, mang hai người vàng người bạc và các vật cống tới thành Lạng Sơn để đợi nhà Minh hội khám. Bấy giờ viên thổ quan Long Châu vì đã nhận nhiều của đút của họ Mạc, nên cứ về hùa với họ Mạc mà thoái thác, khiến cho việc chẳng thành, lại vừa gặp tết Nguyên đán, bọn Đỗ Uông và Vĩnh Lộc đành phải về kinh”.
Việt Nam sử lược chép: “ Đến tháng 4 năm sau (1597) , sứ nhà Minh lại sang mời vua Thế Tông lên hội khám ở Nam Quan. Triều đình sai quan Thái úy Hoàng Đình Ái đem 5 vạn quân đi hộ giá, sang hội ở Nam quan. Đến khi về, Trịnh Tùng đem các quan đi đón mừng rồi sai Công bộ tả thị lang Phùng Khắc Khoan làm chánh sứ, quan Thái thường tự khanh Nguyễn Nhân Thiêm làm phó sứ, đem đồ lễ sang Yên Kinh cống nhà Minh và xin phong ”.
Việt sử giai thoại ( tập 6 ) nhận định như sau: “ Họ Lê và họ Mạc lớn tiếng bêu riếu khắp nước vẫn chưa cảm thấy vừa lòng, cho nên mới tìm cách bêu riếu nhau trên đất thiên triều là nhà Minh. Đương thời, họ chỉ cốt nói sao  cho hả dạ căm tức, có biết đâu, cứ mở miệng nói mãi những điều chẳng tốt lành, thân danh cũng theo đó mà tan tành tơi tả. Ở đời, có phải lúc nào trình độ học vấn  và trình độ hiểu biết về văn hóa  cũng tương đương với nhau đâu !” .

KHUYNH HƯỚNG PHÊ PHÁN, LÊN ÁN CỦA CÁC SỬ GIA:

Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ thực lục, tờ 79a-79b, Đăng Bính bàn :…cứ xem mọi việc làm thì Đăng Dung chẳng qua là một viên đại thần của nhà Lê, đương lúc nhà Lê suy yếu, tôi mạnh, nếu hắn biết noi theo các bậc tôi giỏi, tướng hiền đời xưa, phò chúa , giúp dân như Y Doãn giúp Thái Giáp, Chu Công giúp Thành Vương thì công lớn huy hoàng ấy còn đáng ca ngợi. Sao lại không bắt chước thế mà đi làm ngược lại ? Thế thì không tránh khỏi cái tiếng bức vua ngường ngôi, cướp nước giết vua để mưu tự lập. Ngay lấy được nước, cũng chỉ khoảng sáu bảy năm, nếu gọi là thành công, cũng chỉ như Vương Mãng thôi, rốt cuộc không tránh khỏi họa tru di …còn như kẻ bội nghịch cướp ngôi, giết vua rồi miễn cưỡng tự lập, thì dẫu có xưng danh hiệu, cũng đều là danh bất chính lời không thuận cả, thì chép thành kỷ phụ, đều là nghịch cả thôi.…năm trước họ Mạc tuy đã được nhường ngôi nhưng vẫn ghi năm Thống Nguyên thứ 6 của triều Lê làm chính thống. Từ đây về sau, triều Lê không còn niên hiệu để chép nữa, mới lấy niên hiệu Minh Đức của họ Mạc chú riêng thành hai hàng. Không được chép thành kỷ chính thống là để tỏ rõ cướp ngôi là ngụy… bức hiếp lòng người, dối vua đến gò hoang, cướp lấy thiên hạ của triều Lê, tiếm xưng vị hiệu, vào ở nhà vàng, đủ vành giảo quyệt. Lấy một xó đất Hải Dương gọi là Dương Kinh, tự tiện phế bỏ lăng tẩm của Lê Triều, chém giết con cháu các công thần đời trước. Xét những việc làm của nó, không khác gì Tào Tháo. Đáng đau xót biết chừng nào !...”.
          Việt Nam sử lược ( tự chủ thời đại, chương hai) của Trần Trọng Kim : “ Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh-giá cho trọn- vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú- quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm- sỉ.
          Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn- ở của loài người là không có nhân-phẩm; một người như thế ai mà kính phục ? Cho nên dẫu có lấy được giang san nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cái cơ nghiệp được dựng lên bởi sự gian ác hèn hạ như thế, thì không bao giờ bền chặt được. Cũng vì cớ ấy nên con cháu họ Lê lại trung hưng lên được ”.

          Phan Bội Châu trong tập sách Việt Nam quốc sử khảo ( chương thứ tám và chín ) đã kết tội Mạc Đăng Dung cướp ngôi, giết vua Lê; lấy đất đai , nhân dân dâng lên nhà Minh là tội đáng chém.  Khâm định Việt sử thông giám cương mục, do các sử gia triều Nguyễn chép , hay Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn triều Lê trung hưng cũng đều xem nhà Mạc là Nguỵ triều, nên phàm các danh hiệu đều chép là tiếm xưng , tiếm phong, chức quan gọi là ngụy chức. Lê Quý Đôn gọi sử nhà Mạc là nghịch thần truyện; tất cả đều phủ nhận tính chính thống của nhà Mạc, một chế độ được dựng lên bằng bạo lực và cũng bị phế bỏ  bằng bạo lực.
          Sách Lịch sử Việt Nam, tập 1 của Ủy ban KHXH (  Hà Nội - 1971 ) đã ghi lại như sau: “…họ Mạc còn dựa vào thế lực của ngoại bang , đầu hàng, thỏa hiệp với nhà Minh để hòng đổi lấy sự “ ủng hộ ” của nước ngoài. Độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và thanh danh của đất nước, đó là những điều thiêng liêng đối với người Việt Nam từ ngàn xưa, nay bị xúc phạm vì sự bất lực và hèn nhát của tập đoàn thống trị họ Mạc ”.

MỘT SỐ Ý KIẾN THEO QUAN ĐIỂM XÉT LẠI HIỆN NAY :

Từ sau 1975, các nhà làm sử hiện đại trong nước (chủ yếu là ở miền Bắc) mở nhiều cuộc hội thảo tham luận, đánh giá lại các triều đại như nhà Hồ, nhà Mạc hay các cá nhân như Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung, Trần Thủ Độ, Dương Vân Nga, Lê Hoàn thậm chí cả Nguyễn Hữu Chỉnh và Đặng Tuyên phi… với những quan điểm, nhận định hoàn toàn khác trước. Rõ ràng thế giới quan, nhân sinh quan mỗi thời mỗi khác dẫn đến việc nhìn nhận các sự kiện lịch sử cũng khác.
Bài tham luận của giáo sư Phan Huy Lê đọc tại cuộc hội thảo khoa học về vương triều Mạc tổ chức tại Hải Phòng (quê hương họ Mạc ) năm 1994: “ Đánh giá xung quanh vấn đề này có những ý kiến khác nhau, nhất là chính sách đối ngoại của nhà Mạc đối với nhà Minh. Nhưng cuối cùng đã đi đến thống nhất: phải đặt nhà Mạc trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Nhà Mạc phải đối phó với nhiều thế lực phong kiến. Đòi hỏi phải có nhiều sách lược mềm mỏng. sách lược đó là  tránh chiến tranh , bảo vệ chủ quyền của mình.
          Việc dâng đất cho nhà Minh; nhà Mạc cắt bốn động  thuộc hai châu cho nhà Minh điều đó là có thật. Vì đất đó thực chất là của nhà Minh. Về phương diện nào đó nhà Minh đòi hỏi nhà Mạc phải trả lại. Và cũng về mặt nào đó nhà Mạc phải trả lại cho nhà Minh. Tuy nhiên việc làm này không thể chấp nhận được. Vì đó là nguyên tắc trong mối quan hệ bang giao. Nên dù sao trong chính sách đối với nhà Minh, nhà Mạc còn một số hạn chế ”.
          Việt Sử tân biên của Phạm Văn Sơn ( Sài Gòn – 1959 ), cho rằng : “Trên trường chính trị quốc tế, việc nhường đất để giảng hòa, để bãi một cuộc binh đao tai hại, các nhà lãnh đạo vẫn phải làm. Cũng như Nhật phải mở hải cảng Hạ Điền, Châu Quan cho Mỹ, mở Deshima cho Hà Lan; Trung Quốc phải cắt Hương Cảng cho Anh, nhường Mãn Châu cho Nhật.v..v…Nhà viết sử không chiếu xét kỹ tình thế mà cứ hạ lời phê phán gắt gao không khỏi có sự cố chấp nông cạn. Trái lại, không lượng sức mình mà đưa cả một dân tộc vào chiến tranh đến nỗi mất cả xứ sở, chết chóc muôn ngàn sinh mạng, đó mới là xuẩn động và đáng trách ”.
          Báo cáo đề dẫn của Nguyễn Văn Sơn tại hội thảo “Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam” nhân dịp trùng tu di tích nhà Mạc tại Hải Phòng và kỷ niệm ngàn năm Thăng Long ngày 21 tháng 9 năm 2010 vừa qua có thể đại diện cho quan điểm của giới sử học Hà Nội, mong muốn có một cái nhìn khác về nhà Mạc, căn cứ trên những đóng góp về văn hóa giáo dục, kinh tế…của “ ngụy triều ” này : “  Từ những năm 1980 trở đi, giới sử học nước nhà ( trong nước ) đã có cái nhìn cởi mở hơn, đánh giá đúng hơn về triều Mạc. Nhiều cuộc hội thảo khoa học sau này đã có những đánh giá mang tính khoa học, khách quan về những đóng góp của nhà Mạc trong lịch sử nước nhà. Đặc biệt cuộc hội thảo khoa học năm 1994 tại Hải Phòng – quê hương của nhà Mạc đã khẳng định nguồn gốc nhà Mạc khởi nguồn từ trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi thời Trần. Nhà Mạc thay nhà Lê là hiện tượng tiến bộ trong lịch sử. Tuy còn nhiều tranh cãi về chính sách ngoại giao “ thần phục giả vờ, độc lập thực sự ” của nhà Mạc nhưng nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, nhà Mạc đã dùng chính sách ngoại giao như vậy để tránh cho dân tộc bị nước ngoài xâm lược cũng có thể coi là thành công, từ đó có cái nhìn thông cảm hơn với những công và tội của nhà Mạc.”

Lời bàn của Kiến Hào :

  1. Giết hai vua, hại chết Thái hậu, hãm hại trung thần, đầu hàng ngoại bang, hạ nhục quốc thể, vu khống triều cũ, đút lót mua chuộc, nộp sổ sách dân đinh, nộp bản đồ cương thổ, cắt đất dâng giặc, vơ vét tài nguyên nộp cống, nhận quan chức của nước ngoài …là thần phục thật sự rồi chứ giả vờ gì nữa. Lại còn bảo rằng để tránh cho dân tộc bị nước ngoài xâm lược ? Than ôi sao khéo dùng lời lẽ mà biến tội thành công như thế ! Quân nhà Minh chỉ hư trương thanh thế để hù doạ kẻ nhát gan chứ khi ấy ngay trên đất nước họ cũng đang phải đối phó với bao khó khăn: giặc cướp bể người Nhật ở ven biển, khởi nghĩa nông dân ở Hoa Bắc, sự dòm ngó của Tây phương, sự lớn mạnh của tộc Mãn Châu ở Đông Bắc…, vả lại gương thất bại nhục nhã của bọn Vương Thông ngày nào cũng khiến cho chúng phải chùn bước mà suy nghĩ lợi hại. 
  2. Lại còn có ý kiến kể công rằng sự nhẫn nhục của Mạc Đăng Dung không những trực tiếp cứu nhà Mạc mà còn gián tiếp cứu nhà Lê trung hưng, bởi nếu nhà Mạc bị nhà Minh diệt như nhà Hồ thì nhà Lê cũng sẽ bị nhà Minh diệt như nhà Hậu Trần. Sao lại có tư tưởng chủ bại, đầu hàng ngay từ trong tư tưởng như thế ? Ai biết nhà Minh diệt nhà Lê hay là sẽ có một Lê Lợi thứ hai đánh cho quân Minh tan tác, dạy cho quân xâm lược thêm một bài học nhớ đời ? Và hình ảnh một Mạc Đăng Dung sẽ tất tả chạy về Tàu theo tàn binh có khác gì một Lê Chiêu Thống sau này.
  3. Họ Mạc đầu hàng nhà Minh cốt để giữ lấy quyền lợi của dòng họ và ngôi vương của mình chớ nào nghĩ tới vì dân vì nước mà gọi là chịu nhục để bảo toàn độc lập ? Thương là thương cho dân đen phải chịu hai tầng áp bức chứ bữa cơm vương giả có kém đi món sơn hào hải vị nào đâu. Bằng chứng là sau khi đã có được sự bảo kê của nhà Minh thì họ Mạc lao vào cuộc chém giết huynh đệ tương tàn suốt mấy chục năm trời, núi xương sông máu ấy đã kéo lùi sự phát triển của đất nước hàng thế kỷ, sao lại gọi Mạc Đăng Dung là kẻ có công ? Độc lập dân tộc như thế phỏng có ích gì ?
  4. Quan niệm “ đất nhà Minh trả lại cho nhà Minh ” là một quan niệm rất nguy hiểm vì vốn đất ấy đã thuộc vào nước ta từ đầu thời Lê sơ; do các hào mục, động trưởng mến mộ oai đức Lê Thái Tổ mà tự nguyện xin nhập vào châu Vạn Ninh, mảnh đất đã xác lập chủ quyền ( lãnh thổ, dân tộc, chính quyền ) trải hàng trăm năm sao còn gọi là đất của nhà Minh? Không cướp đoạt bằng bạo lực sao gọi là “ trả lại đất đã chiếm” ? Ngày nay, các nước đều công nhận Phú Quốc thuộc Việt Nam, dù hòn đảo ấy gần Campuchia hơn ta nhiều. Vì ta có chủ quyền nơi ấy. Do đó lập luận đất cũ trả chủ cũ nói trên là ngụy biện, không thuyết phục, tóm lại chỉ có thể dùng một từ “ bán nước ” mà thôi.
  5. Nhường đất giảng hòa đôi khi là một thủ thuật ngoại giao dùng để tranh thủ thời gian cũng cố hoặc phát triển lực lượng, và việc nhượng bộ ấy cũng có những điều ước giới hạn quyền của kẻ chiếm đóng. Nếu không như thế thì không thể nào có được sự đồng tình và cảm thông của người dân, kể cả hậu thế. Do đó mà Phan Thanh Giản và vua Tự Đức vẫn chịu sự phán xét của lịch sử cho đến ngày nay; không ai nói rằng Phan Thanh Giản có công vì đã dâng thành Vĩnh Long cho Pháp, tránh được đổ máu vô ích dù đó là sự thật; hay hòa ước đầu hàng năm Giáp Thân 1884 đã tránh cho mảnh đất Trung kỳ không đổ nát nhưng tất cả người Việt yêu nước đều biết rằng đó là một sự đầu hàng nhục nhã, đưa đất nước vào vòng nô lệ suốt trăm năm.
  6. Tóm lại, muốn thay đổi quan niệm cũ , ủng hộ cái mới thì lý lẽ biện minh phải vững chắc, có tính thuyết phục cao, nếu không thì chỉ là cơn gió thoảng, ngụy biện vì động cơ cục bộ, xu thời, vài mươi năm sau thì không ai còn thiết đến.Cho nên mới có câu: “ Đóng đinh thì dễ, nhổ đinh thì khó ” là thế.
Chú thích :
[1] Đây là chức quan theo quan chế nhà Minh, vì khi Mạc Đăng Dung đầu hàng  thì Việt Nam đã nội thuộc vào nước Tàu, không còn là một nước nữa.
[2] Bồi thần có nghĩa là làm tôi cho hai triều ( triều Mạc và triều Minh ). Không theo lễ tiếp bồi thần vì không coi họ Mạc là vua chư hầu nữa, nên sứ giả cũng bị xem nhẹ.
            [3] Trầm hương thả xuống nước thì chìm, tốc hương thì nổi lên.
[4]  Kể từ giữa thời Mạc thì thay việc cống người vàng người bạc bằng bình hoa và lư hương với trọng lượng tương đương.

Tài liệu tham khảo :
- Đại Việt thông sử - Lê Quý Đôn , bản dịch Lê Mạnh Liêu – Bộ Văn Hoá Giáo Dục & Thanh niên Sài Gòn 1973  .
- Việt sử giai thoại - Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo dục 2002
- Việt Nam quốc sử khảo – Phan Bội Châu , NXB Thuận Hóa 2001
- Đại Việt sử ký toàn thư - NXB Khoa học Xã hội – Hà Nội 2004
- Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim , NXB Tổng hợp TP HCM 2005
- Hỏi đáp lịch sử Việt Nam – Trần Nam Tiến chủ biên, NXB Trẻ 2008