Wednesday, August 3, 2011

ĐIỂM 0 MÔN SỬ : NỒI CHÁO HEO


LATHIEWS

Điểm thi đại học môn Sử vừa qua có kết quả thấp “ không thể tưởng”,  trên phạm vi cả nước chứ không riêng địa phương nào. Trường Đại Học ( ĐH) Tiền Giang, hơn 98 % thí sinh có điểm thi dưới trung bình nghĩa là cứ 100 thí sinh thì có 98 người đạt điểm kém, và trong số 98 người điểm kém đó thì có 19 người điểm 0 ! Trường ĐH Quảng Nam, trong số hơn 900 thí sinh dự thi khối C, chỉ có 9 thí sinh đạt điểm trung bình trở lên, tỷ lệ là 1% !! Tại Sài Gòn, ĐH Văn Hóa là trường có số lượng tuyển khối C (Văn, Sử, Địa) khá nhiều, tuy nhiên chỉ có 3,6 % thí sinh đạt điểm trung bình môn Sử, 201 thí sinh có điểm từ 0-1 !!! Tại trường ĐH Sư Phạm Đà Nẵng, nơi đào tạo ra những người thầy dạy Sử, tổng số bài thi môn Sử dưới điểm trung bình là 2448 bài , chiếm 99,23 % bài thi môn Sử của các thí sinh khối C, trong số đó có 477 bài …0 điểm .
( Số liệu lấy lại từ trang mạng cand.com ngày 1/8/2011)

Nói tóm lại, cứ 100 thí sinh thì hơn 98 thí sinh …từ chết tới bị thương. Mà đây là những con người chọn Sử làm chuyên ngành, nói gì đến những thí sinh khối A, B hoặc D thì kiến thức về Sử còn thê thảm tới cở nào.

Ngài Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục nói gì ?

Trích trong báo Tuổi Trẻ  ngày 30/7/2011 :

“Theo tôi , trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi người khá, đâu là người yếu kém. Vì vậy qua quá trình thi, lộ ra những học sinh kém là bình thường…” .

Phải, thi tuyển có mục đích khác thi tốt nghiệp. Thi tốt nghiệp là kiểm tra trình độ, chỉ cần đạt mức độ trung bình là đậu, còn thi tuyển là chọn lọc lấy người giỏi theo kiểu hình tháp. Nhưng trong một kỳ thi (môn Sử ) mà hơn 90% trường hợp dưới điểm trung bình thì không thể gọi là bình thường được, thưa ngài Bộ trưởng . Nói thế nghe có vẽ hơi … không bình thường. Giống (nếu) như ngài Bộ trưởng Y tế mà nói : tình trạng ba bệnh nhân nằm một giường là bình thường thì cũng không bình thường chút nào.
Mà thực trạng y tế và giáo dục nước ta đang bình thường kiểu như vậy.

Trích theo báo Dân Trí ngày 29/7/2011 :

“… điểm Lịch sử thấp là vấn đề của thời đại. Khi tiếng nói của ngành khoa học lịch sử trong cuộc sống hôm nay không nhiều, khi cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử không nhiều, môn sử thất thế là thực tế không chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động…”

Thì ra theo ngài Bộ trưởng thì điểm lịch sử thấp là tội của “ thằng” thời đại . Chính “ nó ” là nguyên nhân, là thủ phạm gây ra cảnh học sinh chán ghét học sử; thầy cô giáo miễn cưởng, mất hứng thú dạy sử; sách giáo khoa sử trở nên khô khan khó nhớ; đề thi sử trở nên khó hiểu, xa rời thực tế; thí sinh môn sử trở nên lười nhác, không cố gắng làm bài thi nên kết quả là điểm thi môn sử quá tệ như trên. Những bậc thông tuệ soạn sách Lịch sử, những vị Tiến Sĩ Thạc sĩ soạn đề thi, những cán bộ quản lý lãnh đạo cấp Cục, Vụ, Bộ ngành Giáo dục và nhất là ông Bộ trưởng hoàn toàn không có lỗi gì cả trong sự kiện này. Xin dư luận trong ngoài nước hãy hiểu cho như vậy !!!. 


Thí sinh : người trong cuộc nói gì ?
( Trích từ báo Tuổi Trẻ ngày thứ hai 1/8/2011 )

“ Tôi từng học ban C và tôi thấy môn lịch sử thật sự đã đến đỉnh của thời kỳ suy thoái. Tôi từng rất chán ghét môn lịch sử, đặc biệt vào năm lớp 12. Một quyển tài liệu dày cộm được đưa ra và chúng tôi phải thuộc lòng hết cuốn này khi thi tốt nghiệp. Tại sao trong mỗi sự kiện lại phải thuộc tới mức độ ngày này giờ này làm gì, bắn rơi bao nhiêu máy bay, bao nhiêu quân ta bao nhiêu quân địch…
Đừng trách chúng tôi mà đây là hệ quả tất yếu của việc dạy và học. Vì vậy, nếu cho rằng hàng ngàn điểm 0 là bình thường thì tôi nghĩ không lâu nữa môn sử sẽ không bao giờ có thể là một môn học có ý nghĩa  như chính giá trị của nó…”.

“ Tôi là một học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12. Tuy yêu thích sử nhưng tôi cũng không chọn thi vào ban C, bởi đơn giản vì cách học sử hiện nay quá nhàm chán và đầy những con số  trong khi những điều quan trọng khác của lịch sử như lịch sử của địa phương mình, vẻ đẹp của các giá trị văn hóa qua từng thời kỳ…lại ít được nhắc đến…”.

“ Từ hồi phổ thông tới giờ, sử là môn tôi thấy khó “nuốt” nhất. Vì nội dung đã dài mà trong tiết học không có lấy chút gì gọi là hứng thú. Tính ra tôi đã học qua tám giáo viên dạy sử nhưng đều chung một cách dạy : đọc bài trước ở nhà , lên lớp đọc lại lần nữa , ghi tóm tắt rồi về nhà học thuộc lòng. Học thuộc lòng thì thuộc đấy, nhưng mà thi cử xong xuôi rồi thì chẳng nhớ chút gì …”.

Nhận xét của các bậc phụ huynh
Theo báo Dân Trí online ngày 1/8/2011

…tôi muốn sau này con có công việc ổn định thì ngay từ bây giờ phải định hướng cho con học những môn thi khối A ( Toán Lý Hóa) hoặc khối D ( Văn Toán Ngoại Ngữ) vì khối này thi được nhiều trường đại học. Với các môn xã hội như Lịch sử thì ngàn đời cũng chỉ thế, với những sự kiện đó nhân vật đó, có ai bịa thêm lịch sử đâu (!) mà phải học nhiều. Cho nên đến những lúc thi học kỳ, con học lịch sử tôi ôn tập cùng nó cho nó thi xong rồi thôi  chứ bắt nó nghiền ngẫm làm gì cho đau đầu vì đó cũng chỉ là môn phụ…

Các vị giáo sư Sử và nhà nghiên cứu về Sử nói gì ?
( Báo Tuổi Trẻ ngày 31/7/2011)

…tôi không đồng tình với việc đá quả bóng sang chân người khác. Việc học sinh không thích học sử là vấn đề mà những nhà sử học, những thầy cô giáo dạy lịch sử chúng tôi trăn trở và bàn rất nhiều từ những năm trước đây chứ không phải bây giờ. Hội khoa học lịch sử Việt Nam cũng từng có những kiến nghị lên các cấp báo động về tình trạng không thích học sử của giới trẻ nhưng những kiến nghị đều rơi vào im lặng …
Giáo sư Vũ Dương Ninh

…lẽ ra trước tình hình dạy và học sử ngày càng tuột dốc,  người đứng đầu ngành giáo dục cần phải có những quyết sách cần thiết để môn sử được đối xử đúng với tầm quan trọng của nó trong nhà trường. Nếu người đứng đầu ngành GD hiện nay cho rằng môn ngoại ngữ, tin học là cần thiết hơn trong xu thế hội nhập  nên việc môn sử bị coi nhẹ  thì đó là một sai lầm…
Giảng viên Lại Đức Thụ

…sách sử ở Việt Nam hiện nay được viết nặng về ý chí mà nhẹ về khoa học, vì vậy nó khô khan không logic, khó học khó nhớ. Trong khi môn Lịch sử là môn học rất sinh động, hấp dẫn. Điều đó chứng minh qua một số cuốn sách sử của các nhà nghiên cứu  hiện đang bán rất chạy, nhiều người vẫn sống được bằng cách bán sách về lịch sử. Ai nói dân mình, học sinh mình không thích đọc sử…
Nhà sử học Nguyễn Đắc Xuân

…không thể nói điểm thi môn sử thấp và ngành sử không thu hút được nhiều người là một hiện tượng chung của nhiều nước trên thế giới. Tôi đã tham quan nền giáo dục của nhiều nước trên thế giới  và thấy rằng học sinh các nước Âu Mỹ không chán sử và điểm sử của họ không thấp như ở nước ta…
Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần

Nội dung chương trình học : nhồi nhét, xơ cứng và lạc hậu
Trích  Tuổi Trẻ Online 28/7/2011

…học sinh lớp 12 hiện tại chỉ học 1,5 tiết sử /tuần nhưng cả năm học, học sinh phải ‘ngốn” hết chương trình lịch sử thế giới từ 1945 đến nay,  chương trình lịch sử Việt nam từ 1919 đến nay. Trong đó có quá nhiều sự kiện đi liền với ngày, tháng, năm buộc học sinh phải nhớ hết. Quá tải nên học sinh phải “bơi” trong mớ kiến thức hổn độn, học trước quên sau dẫn đến tình trạng chán học…
Thầy Phạm Văn Roanh

…phải nói là nội dung môn sử quá nặng khiến cho cả thầy và trò đều rất khó khăn để hoàn thành chương trình. Từ khi cải cách , chương trình môn sử càng nặng hơn vì thêm vào những nội dung sau 1991 mà lại cắt giãm bớt tiết học. Thời gian lên lớp quá ít chỉ đủ cho giáo viên và học sinh chạy đuổi theo cho kịp chương trình, còn đâu để hướng dẫn thêm cho học sinh ? …
Cô Nguyễn Ái Hằng

 …chương trình nặng nề, khô khan, lặp lại (giống như bậc THCS, chỉ có mở rộng thêm ) là vấn đề tồn tại lâu nay. Gần đây Bộ Giáo dục có hướng dẫn giảm tải , bằng cách giáo viên chỉ dạy kiến thức trọng tâm, còn lại để học sinh tự học. Nhưng vì học sinh đang phải học quá nhiều môn nên không có thời gian cho việc tự học…
Một giáo viên trung học

Đề thi : mơ hồ, đánh đố và không sát trình độ số đông

Theo nhận xét của Tiến sĩ  Lê Vinh Quốc ( bài đăng trên báo Tuổi Trẻ Online  ngày 1/8/2011) kết quả điểm thi thấp bất thường cũng có nguyên nhân từ nội dung đề thi có quá nhiều sai sót về kỹ thuật đánh giá đo lường kiến thức sử của học sinh, cũng như yêu cầu trình độ khái quát, đánh giá, phân tích sự kiện vượt quá khả năng đa số học sinh cấp phổ thông. Nghĩa là người soạn đề đã đưa ra yêu cầu quá cao so với năng lực thí sinh. Cụ thể như câu 1 là một luận đề có thể được giải đáp bằng cả một luận án tiến sĩ ! Câu 2 lại yêu cầu so sánh phân tích những điểm khác nhau giữa hai văn kiện lịch sử mà chỉ có các cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể phân tích được. Câu 3 là một câu đánh đố mà đa số đều nhầm lẫn dụng ý của người ra đề, câu 4a cũng gây ra lầm lẫn cho người đọc do cách dùng từ mơ hồ, đồng thời yêu cầu phải nêu ra những con số ngày tháng diễn ra các sự kiện rất khó nhớ. Cuối cùng là câu 4b , thí sinh cũng phải học thuộc lòng và ghi nhớ máy móc như câu 4a , theo Tiến sĩ thì để đánh giá trình độ “ biết’ của học sinh một cách chính xác mà không đòi hỏi các em học thuộc lòng , giáo chức ở các nước tiên tiến không dùng những câu hỏi như trên mà thiết kế một loạt câu trắc nghiệm về các sự kiện các em cần biết.

Tóm lại đề thi có thể đạt yêu cầu là khẳng định trình độ thông thái của người ra đề nhưng không đạt yêu cầu nếu xem đề thi là công cụ để đo lường thành quả dạy và học. Khi công cụ bị trục trặc thì kết quả đo lường sẽ không chính xác.
   
Lịch sử bị định hướng bởi chính trị

Hầu hết chương trình lịch sử lớp 12 chỉ xoay quanh những sự kiện từ khi có đảng và những chiến thắng do đảng lãnh đạo. Trong khi lịch sử trung đại xuyên suốt mấy ngàn năm chống giặc ngoại xâm phương bắc của ông cha ta chỉ chiếm một thời lượng khiêm tốn trong chương trình các lớp dưới. Nếu gọi một trang sử có chiều dài là một trăm năm thì quyển quốc sử Việt Nam dày bốn mươi trang, và lịch sử đảng chỉ chiếm hơn nửa trang giấy. Cho nên các sự kiện, các nhân vật lịch sử của mấy ngàn năm mở nước và giữ nước bị các thế hệ đời sau lãng quên không có gì lạ. Điều này cũng lặp lại trong môn văn.


Dạy và học môn Sử trong nhà trường miền Nam trước 1975 :

Thi Tú Tài, môn sử là một môn thi bắt buộc, chỉ có khác hệ số điểm tùy theo ban A ( vạn vật) , ban B ( Toán) hay ban C ( văn chương). Hầu hết học sinh đều có thể nhắc lại tiểu sử công trạng của các vị tiền nhân thời Đinh Lê Lý Trần hay những chiến công oanh liệt của các danh nhân được đặt tên cho những con đường như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…còn bây giờ đi trên những con đường mang tên liệt sĩ chống Pháp và chống Mỹ , mấy ai biết được họ là ai ?

Thời ấy trên TV có chương trình giáo dục – giải trí “ Đố vui để học ” giúp học sinh bổ sung kiến thức một cách hứng thú, mà trong đó có rất nhiều những sự kiện lịch sử. Một lần nghe qua nhớ tới …già. Trường trung học Trịnh Hoài Đức có rất nhiều giáo sư Sử - Địa giỏi , một trong số đó là thầy H. dạy sử hay nổi tiếng, một phần nhờ phương pháp giảng dạy sinh động lôi cuốn của thầy. Phong trào Hướng Đạo , một phong trào giáo dục thanh thiếu niên cũng rất chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử cha ông bằng những bài hát gọi là “ sử ca” như Bạch đằng giang , Bóng cờ lau …một xã hội “ phồn vinh giả tạo ” nhưng học sử không giả tạo chút nào !

Hiện nay việc biên soạn nội dung sách giáo khoa môn sử do Bộ Giáo Dục trực tiếp chỉ đạo và thống nhất sử dụng trên phạm vi cả nước, nghĩa là người dùng không có sự lựa chọn khác. Điểm thi môn Sử thấp “ thê thảm” năm nay là hệ quả của những bất hợp lý trong nội dung chương trình khiến học sinh chán ghét và những sai sót trong đề thi cũng như đáp án ; xin đừng vội lên án học sinh hay người thầy cô giảng dạy môn Sử mà hãy xem xét trách nhiệm của những người lãnh đạo ngành GD, của những cái đầu ở cấp vĩ mô đã định hướng nội dung, chương trình giãng dạy lẫn cách ra đề thi. Nếu xem môn sử là một môn học nhân bản, dạy làm người thì hãy phê phán những quan điểm duy lý lệch lạc chứ đừng đổ tại sức hấp dẫn của toán, tin học; hãy xem lại nội dung sách giáo khoa trước khi chê bai phương pháp giãng dạy của thầy cô (thầy cô môn sử khổ lắm rồi ) và khả năng cảm thụ của học sinh;  cũng giống như hãy xem lại chất lượng nguyên liệu thực phẩm trước khi khen chê người chế biến nấu nướng, hay hãy lên án bàn tay cầm súng chứ đừng lên án cây súng. Xem ra hiện tượng suy thoái của môn sử không phải ngày một ngày hai mà đã âm ỉ lâu lắm rồi, và cũng không phải chỉ riêng năm nay…

--------------------------------------------------------------------------------------------------------
3/8/2011