Monday, November 21, 2011

QUỐC NẠN

Lathiews

Tham nhũng trong bộ máy cầm quyền Việt Nam và tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Cộng là hai đề tài thuộc loại “ phạm húy ” mà các biên tập viên của hơn 700 tờ báo quốc doanh hiện nay ít dám đề cập tới. Còn độc giả của các báo mạng ngoài “định hướng” thì lại không phải là số đông vì người đọc báo lề trái phải hội đủ một số điều kiện, nhất là kỹ thuật “leo tường”.

Có lần một tờ báo quốc doanh đưa tin từ một hãng truyền thông độc lập, thống kê hơn 40% người dân được phỏng vấn, cho là lĩnh vực cảnh sát giao thông đứng đầu về tệ tham nhũng. Ngày hôm sau bản tin bị gỡ bỏ và biên tập viên mất chức. Còn vụ những người yêu nước ở Hà Nội bị bắt giam vì dám tuần hành chống Trung Quốc thì ai ai cũng biết, dù lý do nhà cầm quyền đưa ra là “tụ tập đông người” trái phép (?), một lý do hết sức mơ hồ, tùy tiện và vi hiến.       

Kể từ “ đổi mới ” đến nay, những cụm từ  như “chuyên chính vô sản”, “đấu tranh giai cấp”, “ai thắng ai”… xem chừng cũng phai lợt trên mặt trận tuyên truyền chính thống, mà các cán bộ hình như cũng hơi ngượng mồm khi đăng đàn phát biểu, bởi vì sự tương phản hình ảnh của các diễn giả béo tốt nọng thịt và quần chúng công nông lao động tự nó cũng nói lên nhiều điều, khiến cho những lời lẽ hô hào không còn có sức thuyết phục.

Trở lại với đề tài tham nhũng, những năm 70, 80 thế kỷ trước, ở phía Nam có một câu vè dân gian rất phổ biến :
Công an , thuế vụ, kiểm lâm
Trong ba thằng đó, nên đâm thằng nào…
Kính thưa quý vị đồng bào
Trong ba thằng đó, thằng nào cũng (đáng) đâm.
Thực ra những kẻ đứng đường, đứng trạm đó cũng phải bỏ công một nắng hai sương (!), dầm mưa dãi gió … mới có tiền mãi lộ, mà tiền đó cũng đâu phải “ăn” hết một mình, còn phải cống lên trên chớ bộ, nhưng vì tiền đó móc trực tiếp từ hầu bao người dân nên người ta xót, sinh ra thù oán; đó là đồng tiền tham nhũng ở cấp vi mô, nôm na gọi là “tôm tép”.

Còn có nhiều, rất nhiều những phương thức tham nhũng ở cấp vĩ mô, tinh vi hoành tráng hơn gấp ngàn lần, gây ra tác hại rất lớn, vừa tạo ra bất công xã hội vừa gây khủng hoảng mất lòng tin. Đạo đức suy đồi; văn hóa , giáo dục, y tế… xuống cấp trầm trọng, thái độ vô cảm trong cộng đồng, các mối quan hệ trong gia đình và xã hội bị chi phối bởi đồng tiền. Tham nhũng bây giờ là chuyện thường, không tham nhũng mới lạ.

  1. Đầu tư công:
Đầu tư công lấy tiền từ đâu ? Từ phát hành công trái, vay ngân hàng trong ngoài nước, các tổ chức tín dụng quốc tế hay từ phân bổ ngân sách… xét cho cùng cũng là từ tiền đóng góp của người dân bởi vì nguồn chi trả cũng trích từ ngân sách, nhà nước chỉ là người đại diện cho dân chớ nhà nước đâu phải là một tổ chức kinh tế. Với cơ chế hiện nay, nhà nước vừa là chủ đầu tư, vừa thi công, quản lý, giám sát giống như một người vừa là cầu thủ vừa là trọng tài.

Nhiều người vẫn còn nhớ phong trào xây dựng các nhà máy xi măng lò đứng với thiết bị và công nghệ lạc hậu của Trung Quốc năm nào gây ô nhiểm môi trường khủng khiếp, hay việc phân bổ xây dựng các nhà máy đường duy ý chí theo cơ chế mặt trận, cục bộ bất kể việc nhà máy phải gắn kết với điều kiện thổ nhưỡng, vùng nguyên liệu địa phương dẫn đến việc phá sản, di dời hàng loạt nhà máy sau đó. Những đổ vỡ, thất bại đầu tư công gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia đó cũng không quy trách nhiệm cho cá nhân nào, vị phó TT kiêm bộ trưởng Nông nghiệp NCT thời đó nay cũng đã về hưu yên lành rồi.

Vụ việc Vinashin phá sản vẫn còn tính thời sự nóng hổi về đầu tư công: ‘quả đấm thép’ về công nghiệp đóng tàu cả nước đã vung tay đầu tư tràn lan bất kể hiệu quả, bất kể chỉ đạo từ cấp trên hay tham mưu từ cấp dưới. Đầu tư vung vít nhờ vốn vay thành hình do phát hành trái phiếu và vốn vay các ngân hàng trong ngoài nước do chính phủ bảo lãnh, bây giờ nhiều ý kiến cho rằng chỉ còn một cách khắc phục hậu quả giùm cho Vinashin là nhà nước in thêm tiền và ‘bí mật’ bơm cho các ngân hàng để trả nợ thay ( 7 ) . 

Đầu tháng 11/2011, khi đài BBC loan tin tập đoàn Vinashin và 21 công ty con bị chủ nợ khởi kiện tại tòa án ở London, nội dung liên quan đến việc Vinashin “xù” khoản nợ 600 triệu USD đã đến hạn trả nợ đợt 1 năm ngoái thì một quan chức cấp cao của chính phủ VN thản nhiên tuyên bố: chuyện Vinashin bị kiện không bất ngờ vì trong kinh doanh nợ nần tranh chấp là bình thường. Vâng, trong kinh doanh nợ nần là chuyện bình thường nhưng giựt nợ thì không bình thường chút nào, nhất là ở tầm cỡ quốc gia như Vinashin.

Hai năm trước (2009) lại xảy ra hiện tượng các địa phương đua nhau xây dựng cảng biển, bất chấp sự không đồng bộ về kết nối giao thông hạ tầng và dịch vụ hậu cần phù hợp mà điển hình là cảng nước sâu Thị Vãi – Cái Mép, đã không giải cứu được cho các cảng cũ nội thành đang chật chội quá tải, mà lại trở thành gánh nặng thêm cho nợ công không biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn .

Câu chuyện thời sự đầu tư công hiện nay là hiệu quả kinh tế của dự án đường cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây, mà theo khảo sát của một chuyên gia kinh tế ( 1 ) thì chi phí làm đường của Việt Nam đắt gấp ba lần Mỹ ( 18 triệu USD / 1 km so với 5,6 triệu) , chuyện thật như đùa này đã đẩy tấn tuồng bi hài kịch nhận hối lộ hai triệu đô của Huỳnh Ngọc Sĩ – Đại lộ Đông Tây lùi vào sau sân khấu. 

Đầu tư công trong lãnh vực giao thông với cơ chế quản lý giám sát lỏng lẻo hiện là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng tha hồ nảy nở. Mặc dù gọi là đầu tư công nhưng không phải toàn bộ nguồn vốn đều có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, thường chỉ 30-40 phần trăm tổng mức đầu tư, gọi là vốn mồi hay vốn đối ứng, phần còn lại từ các nguồn khác như huy động trái phiếu, vay ODA, huy động vốn trong ngoài nước v.v..

Chính vì hình thức vay vốn nước ngoài trả chậm nhiều năm về sau, lãi suất thấp hoặc không lãi để đầu tư làm hạ tầng khiến người dân ngộ nhận, mơ hồ về tính hiệu quả và sự lãng phí, tốn kém của các công trình. Phải, tham nhũng đầu tư công ăn vào tiền vay mượn, đội chi phí lên nhiều lần thì cũng đâu có móc túi của  bà con đồng nào như bọn đứng đường, đứng trạm kia đâu ?  Nhưng xin nhớ cho rằng vay tức là … mượn, mượn tức có ngày phải trả, trả bằng ngân sách tức tiền thuế của dân, đời cha chưa trả thì đời con, đời cháu è cổ ra trả kỳ hết. Dù có bới móc ông bà lên chửi cũng phải trả chớ không có chuyện quỵt đâu nhé.

Theo cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá, nếu ngưng khởi công toàn bộ dự án đầu tư công mới kể từ 2012 thì còn phải mất tới 8 năm nữa mới đủ ngân sách để hoàn tất các dự án đầu tư công đang dở dang ( 2 ). Hiện mỗi năm, ngân sách phải trích từ 14-16 % để chi trả nợ, bằng toàn bộ số tiền chi cho giáo dục, gấp đôi số tiền chi cho y tế, hai chục lần chi cho khoa học công nghệ ( 3 ). Cũng theo ông Giá, điều đáng lo không phải là nợ công vượt ngưỡng cho phép (hiện là 57% GDP) mà là khả năng trả nợ của VN cực kỳ thấp.

Trước đây có một dạo báo chí làm ầm ỉ về các khoản chung chi gọi là tiêu cực phí trong ngành XD, chiếm tới 30%  chi phí công trình (lobby dự thầu hàng chục cửa, lót tay ban bệ giám sát nghiệm thu công đoạn, thủ tục giải ngân thiên la địa võng…) nhưng cuối cùng đâu cũng vào đó. Chắc có lẽ mọi người tự an ủi mình: cái nước VN ta nó thế. Hay: cứ để cho mấy ‘thằng’ mập nó làm, còn hơn cho mấy ‘thằng’ ốm nhảy vào ăn còn bạo hơn ?

Lại có lần các nhà ‘cải cách’ kêu gọi bãi bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, để các quan chức Bộ chỉ chuyên tâm làm công việc quản lý nhà nước, thực hiện chức năng hành pháp đúng nghĩa, chứ không sa đà ôm đồm, thò tay quá sâu vào lĩnh vực bên dưới. Hề ! Nếu vậy thì lấy đâu sắm xe ngàn trâu, thẻ hội viên Golf Club vài chục ngàn đô, biệt thự hoành tráng trong khu đô thị cao cấp, đi du hí mua sắm nước ngoài…

Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương  ( 2 ) thì các dự án đầu tư công năm 2012 mà các tỉnh, bộ ngành trình lên chính phủ lên tới 300 tỷ USD, tức gấp 3 lần quy mô GDP hiện nay ( 105 tỷ USD). Nghĩa là cái bánh đầu tư công cũng còn… thơm lắm, bất chấp chủ trương siết chặt chống lạm phát của nhà nước VN; bất chấp bài học ‘kích cầu’ chống suy thoái ba năm trước, đã điên cuồng in tiền như in …giấy, bơm vào lưu thông và đầu tư công khiến lạm phát tăng vọt đến nay còn để lại hậu quả.

Nhà nước còn quản nhiều ‘quả đấm thép’ khác như các tập đoàn, tổng công ty dầu khí, ngân hàng, viễn thông, điện lực, hàng không, hàng hải, than & khoáng sản… những doanh nghiệp nhà nước được xem như con cưng của chế độ, được hưởng tất cả mọi ưu đãi về  phân bổ vốn, lương, giá, thuế, tín dụng, tiếp cận thông tin, hoạch định chính sách  … nhưng cũng là nơi mà các nhóm lợi ích ( interest groups ) gồm quan chức – tư bản đỏ liên kết thành một mạng lưới chặt chẽ, tinh vi dưới cái ô ‘ kinh tế quốc doanh chủ đạo’ hoặc ‘ kinh tế thị trường nhưng có định hướng XHCN’.

Cũng bởi cái “ định hướng ” phi luật này mà chính phủ đã chỉ đạo cho Điện lực Việt Nam hạch toán các khoản lỗ kinh doanh vào trong … giá thành. Một sự ưu ái quá mức, vô tiền khoán hậu, nghĩa là người tiêu thụ điện cả nước phải gánh chịu hậu quả quản lý sản xuất kinh doanh tồi của mấy ông quan nhiệt tình nhưng ngu dốt. Trong khi tất cả những ai làm kinh tế đều biết sự nghiệt ngã của cán bộ thuế khi kiểm tra giám sát báo cáo cáo thuế của các doanh nghiệp, nhất là khoản chi phí giá thành, càng xuất toán càng nhiều càng tốt dù có những khoản chi phí được xem là hợp lý nhưng không hợp lệ.

Rõ ràng sân chơi kinh tế của VN hiện không thể gọi là công bằng được nếu nhà nước cứ bảo hộ mãi các doanh nghiệp nhà nước kiểu như cái “ ô ” để các nhóm lợi ích mặc tình thao túng làm cho bất công xã hội trong thu nhập và đời sống cứ tăng thêm mãi, khoản cách  giàu nghèo giữa các tầng lớp nhân dân trong nước ngày càng xa vời vợi, và khoản  cách GDP giữa VN và các nước trong vùng Đông Nam Á cũng vậy.
 
Chúng ta không quá ngoa ngôn, cay nghiệt như Nguyễn Ngọc Già khi nói “…vì tôi quá ức cho tôi, cho người dân đang ở trong nước, bởi lẽ chắc chắn, những người dân cô đơn, trơ trọi, lẽ loi và yếu đuối tại đất nước bi thương này, sẽ tiếp tục đưa đầu ra gánh cái món nợ khốn nạn của bọn bất lương mang danh nghĩa ‘ kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo…” khi nói về sự phá sản tất yếu của “Vinasink” (9).Nhưng cũng thật chua chát khi nhìn hai hình ảnh thời sự tương phản nhau như nước với lửa:  sân Golf & khu nghỉ dưỡng cao cấp cho giới doanh nhân quan chức và trẻ con lem luốc mò cua bắt ốc trong mùa lũ ở miền Tây. Nếu hàng chục ngàn ngôi mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn có thể cất lên tiếng nói của mình thì họ sẽ nói gì ? 



 Ảnh 1 : Khu sân Golf & nghĩ dưỡng cao cấp Hà Tây


Ảnh 2: Lam lũ trẻ con miền tây

  1. Khai thác tài nguyên :

Ngày trước những đứa trẻ lười học thường hay bị mắng ‘mày sau này chỉ có nước cạp đất mà ăn !’. Nay nhờ cạp đất mà khối kẻ ăn nên làm ra, chỉ sợ không có đất để cạp. Đất đây phải hiểu rộng ra là tài nguyên nằm dưới lòng đất ở dạng nguyên khai (thô) hàng triệu năm do thiên nhiên tạo lập chớ không phải là sản phẩm của một con người hay chế độ nào. Tài nguyên khoáng sản bóc tách đi rồi thì…thôi, không bao giờ tái tạo lại được nữa.

Khi Việt Nam cho Trung Quốc đổ thiết bị, cơ giới, nhân công người Hoa xuống Tây Nguyên khai thác mỏ nhôm Lâm Đồng, cả một khu vực rộng hàng ngàn hecta bị san bằng thành bình địa không còn một ngọn cây cọng cỏ, còn hơn vó ngựa quân Nguyên năm nào, biết bao nhiêu nhân sĩ trí thức đã làm thỉnh nguyện thư can gián, thậm chí lập ra cả trang web để đăng những ý kiến phản biện của những tấm lòng yêu nước.

Cảm động nhất là ý kiến thiết tha đề nghị nhà nước hãy xem tài nguyên kia như của để dành cho con cháu, khi nào đất nước tiến bộ đủ khả năng khai thác chế biến thì hãy làm , chớ đừng xuất thô, bán non như thế này, vừa hủy hoại môi trường vừa ảnh hưởng cuộc sống hàng triệu người, vừa làm phức tạp tình hình an ninh quốc phòng. Còn hiệu quả kinh tế thì đã quá rõ: từ lỗ tới lỗ chớ đừng mong huề vốn.

Trong cơ cấu xây dựng giá thành quặng nhôm sơ tuyển để so sánh với giá bán, để tăng thêm sức thuyết phục trước Quốc Hội, người ta cố tình ém đi chi phí vận chuyển. Giờ thì cả nước mới ngớ ra: không có cây cầu, con đường nào chịu nổi tải trọng của các xe chở quặng từ nhà máy sơ chế xuống đồng bằng, ra cảng biển chở về Tàu. Nếu bỏ tiền ra làm đường, làm cầu riêng thì biết bao giờ TKV mới thu hồi vốn ? Nên giờ nhà nước Việt Nam chọn giải pháp nâng cấp cầu đường hiện hữu bằng ngân sách quốc gia, nghĩa là người dân phải bỏ tiền ra làm đường cho xe chở quặng chạy chung với xe dân dụng. Đồng thời miễn toàn bộ thuế suất (bằng 0%) cho alumina xuất khẩu sang Tàu. 

Tại mỏ than Mạo Khê – Đông Triều- Quảng Ninh, từ ngày 13 đến 17/2/2010 tức 30 Tết đến mùng 4 Tết Canh Dần, những người có trách nhiệm đã ‘thả lỏng’ cho than tặc tha hồ điều xe cộ máy móc vào khai trường hoành hành suốt ngày đêm, chở đi 28 ngàn tấn than nguyên khai, tương đương 19.500 tấn than sạch trị giá gần 17 tỷ VNĐ. Vậy mà tại tòa, tất cả đều được hưởng án treo (!), chỉ có một con chốt thí lãnh tù 5 năm, nhưng chắc chỉ thọ án 3 năm là cùng ( 4 ). Hề ! Tất cả đều ngầm biết số than đó chở đi đâu về đâu , bất chấp hàng rào kiểm tra giám sát dầy đặc ở cửa khẩu hai nước. 



Ảnh 3 : Quặng tập kết bên kia biên giới cao như núi

Mỏ sắt Quý Xa của Lào Cai và mỏ sắt Nà Lũng Cao Bằng là hai điểm nóng về khai thác lậu và vận chuyển quặng bất hợp pháp ( 5 ) sang bên kia biên giới, làm chảy máu tài nguyên quốc gia trầm trọng và đẩy tình trạng tham ô móc ngoặc lên thành quốc nạn, bất chấp lời kêu gọi của chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu đừng tiếp tục xuất quặng thô (6). ‘ Ông Trương Tấn Sang nói gì thì mặc ông nói, chuyện xuất khẩu quặng là việc của mấy quan Lào Cai và của mấy quan các tỉnh khác, miễn là cái túi ‘ ba gang’ của họ căng phồng thêm vì theo cách họ và gia đình họ tính toán thì…hiện còn vơi lắm’ ( 5 ) .

Bất bình vì những đoàn xe ‘ quặng tặc ’ chở quá tải trọng cày xới nát đường, gây khói bụi và ồn ào kinh khiếp bất kể ngày đêm, cũng như thái độ lơ là của chính quyền, ngày 17/9/2011 người dân vùng biên Lào Cai đổ chướng ngại vật ra đường cản xe chở quặng. Trước thái độ hống hách, vẩy súng đe dọa của một viên quan ‘ bảo tiêu’ tự xưng Công an, người dân phẩn nộ hè nhau …đốt luôn chiếc xe ô tô của ông này ( 6 ). 


Ảnh 4 : Xe ‘bảo tiêu’ bị đốt cháy

Theo báo cáo của Sở Công thương Lào Cai “… từ đầu năm 2011 đến nay ngành Công thương và ngành Giao thông vận tải đã thẩm định và phê duyệt 28 phương án vận chuyển khoáng sản cho 21 đơn vị, với tổng khối lượng là 1.379.224 tấn quặng, bao gồm quặng sắt, quặng mangan, stenđồng, xỉ đuôi tuyển đồng… được khai thác tại tỉnh Lào Cai và các tỉnh trong khu vực để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra còn cho phép vận chuyển một số loại khoáng sản cho các cơ sở chế biến sâu trong nước. Đến hết tháng 8/2011, các đơn vị đã vận chuyển được gần 1 triệu tấn khoáng sản cho các cơ sở chế biến trong nước và xuất khẩu sang nước bạn Trung Quốc để đổi lấy than cốc, than mỡ phục vụ nhiệm vụ sản xuất công nghiệp trong nước. Dự kiến, trong năm 2011 kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh qua cửa khẩu Quốc tế Lào Cai sẽ đạt khoảng 1,7 tỷ USD ”. (10)
Đọc báo cáo thật phấn khởi hồ hởi nhưng chỉ cần làm một bài toán nho nhỏ, số chênh lệch tải trọng giữa thực chở và trên sổ sách làm thủ tục hải quan ( 40 tấn so với 25 tấn ) của một chuyến xe là đủ biết lượng giá trị thất thoát mất đi là bao nhiêu. Tiền đó đương nhiên là bọn đầu nậu không ăn được một mình, mà dẫu có Bao Công điều tra chắc cũng chịu thua bởi quy trình khai thác, vận chuyển và xuất quặng (lậu) qua biên giới đang vận hành trơn tru như một cổ máy đang vào guồng…

Cũng giống như sự liên minh ma quỷ giữa lâm tặc-lâm trường-kiểm lâm khiến rừng Tây Nguyên cứ thu hẹp dần rồi mất hẳn, những người có trách nhiệm trước việc thất thoát quặng luôn luôn có một lý do ‘khách quan’ là địa bàn rộng lực lượng mỏng không thể kiểm tra giám sát hết, dù những đoàn xe chở quặng chạy ầm ầm trên đường suốt ngày đêm, giữa thanh thiên bạch nhật qua những thị trấn vùng biên như chốn không người.

Nguồn tài nguyên không phải là vô tận. Điển hình là các mỏ than ở Quảng Ninh. Nếu cứ hăm hở xuất than sang Trung Quốc ồ ạt như hiện nay thì ngày mà nhà máy nhiệt điện Uông Bí phải nhập than từ Úc chắc cũng không còn xa. Giống như gỗ rừng: từ chỗ là quốc gia xuất khẩu gỗ, nay Việt Nam phải nhập trên 80% gỗ nguyên liệu từ các nước. Tài nguyên cạn kiệt nhưng không ai phải chịu trách nhiệm , chỉ làm giàu cho một thiểu số người.       

  1. Đất đai :

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý”, chỉ mười bốn con chữ mà gây ra ‘bể oan cừu’ suốt mấy chục năm nay. Một sản phẩm của nhà nước XHCN Việt Nam, độc nhất vô nhị trên thế giới ! Bằng khoán đất XHCN (sổ đỏ) của người dân ghi rất rõ : Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nên nếu có nhu cầu phát triển sân golf, khu du lịch, khu nghĩ dưỡng, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư cao cấp, khu thương mại … nhà cầm quyền chỉ cần ra một quyết định thu hồi quyền sử dụng đất là xong.

Bất kể đất đó do ông bà tổ tiên khai phá thành thục, để lại cho con cháu; bất kể đất đó có giấy tờ mua bán hợp pháp từ đời Tây, đời Ngô Đình Diệm; bất kể đất đó do tích cóp tằn tiện hằng chục năm trời ăn mắm mút giòi mới mua được; bất kể cuộc sống mới của hàng triệu người có đất bị thu hồi không bao giờ tái tạo được như cũ. Kẻ chịu thiệt nhất chính là giai cấp nông dân, lực lượng chính của cuộc ‘cách mạng’ vừa qua.
 
Kể từ khi chính quyền trung ương phân cấp quản lý cho địa phương, trong đó có lĩnh vực quản lý đất đai thì các nhóm lợi ích quyền-tiền, liên minh quan chức-doanh nghiệp lại càng phát triển như nấm mọc sau mưa, bởi vì mối lợi do đất đai mang lại quá lớn, bỏ ra bạc chục thu lại bạc trăm mà lại được nấp dưới cái ô chính đáng: công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tạo mỹ quan đô thị.

Nguyên Thứ trưởng TN&MT Đặng Hùng Võ, chuyên gia của World Bank ( WB ), phân tích  “ cơ chế quản lý đất đai ở Việt Nam bao hàm nguy cơ tham những cực kỳ lớn. Đó là cơ chế được mô tả một cách dễ hiểu là nhà nước bằng một quyết định hành chánh lấy đất của một hay một số người giao cho người khác, tiền đất đền bù và tiền thu từ việc giao đất cũng do nhà nước tự quyết định ” ( 8 ).

Thực ra chuyện chuyển đổi công năng sử dụng đất đai theo hướng hợp lý, vì lợi ích cộng đồng thì ở bất cứ nước nào cũng có vì đó là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển, tuy nhiên không thể nhân danh lợi ích chung để gây thiệt hại đến quyền lợi của một thiểu số. Đó là công bằng xã hội. Nghịch lý rất rõ ràng là kẻ đi mua lại có quyền ấn định giá mua (rẻ như bèo) , còn người (bị cưỡng) bán thì lại không có quyền ra giá bán.

Ảnh 5 : Một dự án khu dân cư bị bỏ hoang

Tham nhũng, bất công trong quản lý đất đai đẻ ra bất ổn xã hội, đào sâu hố phân cách giàu nghèo, làm mất lòng tin và đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Làn sóng người ‘dân oan’ kéo nhau đi khiếu kiện ngày càng đông, áo sứt vai quần hai ba miếng vá giữa chốn thị thành có lẽ làm mất thể diện quốc gia nên là một trong nhiều lý do khiến nhà nước ra nghị định cấm khiếu kiện đông người. Đó không phải là một giải pháp vì dân. Tham nhũng gây ra bất công dẫn đến biểu tình, thay vì giải quyết triệt để nguồn gốc gây ra tham nhũng thì lại cấm… biểu tình. Đó là đơn thuốc của một ông bác sĩ tồi.

Luật doanh nghiệp dù không công khai thừa nhận sai lầm trong cải tạo công thương nghiệp trước kia nhưng cũng đã giúp cởi trói khi công nhận quyền tư hữu của cá nhân và tập thể trong sản xuất kinh doanh, còn Luật đất đai vẫn như vòng kim cô siết chặt nông dân và những người có đất nông nghiệp ngay chính trên mảnh đất của họ. Thực ra chỉ cần bỏ đi 14 từ ngữ oái oăm kia đi, và thay bằng cụm từ như sau : ‘nhà nước công nhận và bảo hộ quyền tư hữu đất đai chính đáng của người dân’ thì những mâu thuẫn, bất công sẽ biến mất gần hết và theo đó tình trạng tham nhũng đất đai cũng không còn.

Nhưng đòi hỏi điều đó có khác gì bắt loài chó sói phải ăn chay !

( 11/2011 ) 

  1. http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/10/lam-duong-viet-nam-dat-gap-3-lan-my/
  2. http://boxitvn.blogspot.com/2011/11/su-bat-luc-cua-trung-uong-su-vo-hieu.html#more
  3. http://danluan.org/node/10476
  4. http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2011/09/cưu-giam-doc-than-mao-khe-duoc-tra-tu-do-tai-toa/
  5.  
  6. http://boxitvn.blogspot.com/2011/10/quang-quy-tiep-tuc-chay-tu-lao-cai-sang.html#more
  7. http://danluan.org/node/8592#comment-44256
  8. http://boxitvn.blogspot.com/2011/06/can-nguyen-tham-nhung-at-ai-o-viet-nam.html#more
  9. http://danluan.org/node/10550
  10. http://boxitvn.blogspot.com/2011/09/chay-mau-quang-sang-trung-quoc-xe-pha/html