Monday, February 21, 2011

ÔNG SÁU MẬP

Lathiews

1.
Tui nói trước với mấy cô cậu, lỡ mà tụi tui có tới chậm một chút thì cũng phải chờ, chứ không được chi trả cho họ cắc nào nghe. Vắng mặt tui là không được á ! “Tụi tui” đây tức là bà mẹ và đứa con gái, còn “họ” tức là ông chồng và người con trai. Bốn người chia làm ba phe, không còn sống chung dưới một mái nhà, lòng tin cũng không còn. Hôm qua tất cả đã đồng ý với giá cả bồi thường và thỏa thuận hỗ trợ thêm của công ty, Sáng nay bộ phận kế toán làm thủ tục chuyển nhượng và đi ngân hàng rút tiền. Hẹn hai giờ chiều nay sẽ chi trả một lần toàn bộ số tiền, với sự có mặt đầy đủ của các thành viên trong gia đình và chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương. Vì không yên tâm nên bà mẹ và đứa con gái mới cất công đến gút lại lần nữa, với những lời lẽ không mấy thân thiện như vậy. Chỉ khi nghe được những lời cam đoan chắc nịch, bà mới yên tâm ra về. Khi ấy đã đến giờ nghĩ trưa nên bọn mình cũng nhanh chóng xếp dọn mọi thứ, khóa trái cửa phòng và bước xuống cầu thang. Ngay lúc đó một bóng người từ tầng trệt tất tả bước lên, nhảy từng hai bậc một, vừa thở vừa nói ngay khi nhận ra bọn mình: “Anh chị nhắn giùm với ông Giám Đốc, phải đủ bốn mặt một lời mới chi tiền nghe, thiếu một người cũng không được đó…”. Gương mặt anh thanh niên trông già trước tuổi vì dãi dầu mưa nắng, da thâm xám màu chì đặc trưng của dân xe ôm. Cũng giống như bà mẹ , khi đã nhận được lời trấn an thì anh mới chịu ra về .

Nhà đó đã xé làm ba phé từ lâu , thuật ngữ binh xập xám kêu là “xe đạp”, chỉ hơn mậu binh thôi. Tiền bồi thường tài sản được thoả thuận chia làm bốn phần bằng nhau, mỗi người một phần. Người con trai dự tính sẽ ẳm tiền về quê vợ ở Chơn Thành, tậu đất lập vườn. Người mẹ theo đứa con gái, thuê phòng trọ ở gần chợ Bình Phước từ lâu, gần nơi cô làm là Xí nghiệp đay Indira Gandhi. Chỉ còn lại người cha là ông Sáu, thường gọi là ông Sáu Mập, đang tá túc trong ngôi nhà cũ mái ngói vách ván nền gạch tàu xuống cấp trầm trọng chỉ chờ ngày tháo dỡ. Ông còn lưỡng lự chưa dứt khoát không biết nên về ở với bà vợ và con gái hay nên ở với con trai. Sự thật là dù ở với ai thì ông cũng sẽ thành một gánh nặng cho họ với chứng bệnh hen suyễn mãn tính nay yếu mai đau, mà dân gian hay gọi là đau rề rề, kéo dài năm này tháng nọ chớ không chết có phước như mấy người đứt mạch máu. Sở dĩ ông còn có giá trong mắt họ chỉ vì cái một phần tư kia, mà nếu ông quyết định theo về ở với người nào thì người đó sẽ được hưởng. Đó là nguyên cớ khiến bà vợ và người con trai của ông ăn ngủ không yên, phập phồng như mấy con bạc sắp tới giờ xổ đề.

2.
Văn phòng tạm của công ty đặt tại tầng hai của trụ sở Xã, chủ yếu trong thời kỳ bồi thường giải tỏa và hội họp tiếp xúc với dân, cần sự hổ trợ của chính quyền, nhất là bộ phận địa chính. Rất nhiều trường hợp, số tiền chi trả được gia đình thoả thuận phân chia tại chỗ dưới sự chứng kiến của đại diện Ủy Ban. Chiều nay cũng vậy, khi gia đình ông Sáu đã hoàn tất mọi thủ tục, ký tên lăn tay vào giấy chuyển nhượng, giao lại sổ đất cho công ty, nộp lại tiền thuế nông nghiệp mấy năm qua còn thiếu, ký nhận vào phiếu chi; thì cô thủ quỹ bắt đầu lôi mấy cọc tiền vuông vức còn thơm mùi mực, nguyên dấu niêm phong và dây nhợ bó chặt ra đặt lên bàn, chia làm bốn phần đều nhau. Từng người tiến đến, kiểm đếm cẩn thận và tự tay bỏ vào bao xốp màu đen do công ty chuẩn bị sẵn.

Đến lượt chót, phần của ông Sáu. Vị đại diện chính quyền lên tiếng trước, nhắc lại yêu cầu người nào được ông Sáu ủy quyền nhận phần của ông phải làm giấy cam kết cấp dưỡng nuôi ông suốt đời, không được bạc đãi. Ông đã đưa ra quyết định theo về sống với vợ và con gái. Người con trai lẳng lặng ra về trước, không một lời giã từ. Bà mẹ và cô con gái cũng ra về tiếp theo với cái bọc ba phần tư, sau khi có lời cảm ơn Công ty và Ủy Ban nhưng không cảm ơn ông Sáu. Ra về cuối cùng là ông Sáu, sau khi chắp tay chào khắp mọi người.

3.
Tin ông Sáu treo cổ tự vận gây xôn xao cả ấp, có người chê trách bà vợ quên nghĩa tào khang, có người chê ông ngu, có người chê hai con ông bất hiếu. Con trai ông từ Chơn Thành về làm đám cho ông tại ngôi nhà cũ, chỉ một ngày rồi đem hỏa táng bên Dĩ An, hủ cốt gởi luôn tại chùa. Còn bà vợ và đứa con gái biệt dạng. Không phải họ không tưởng đến ông, nghĩa tử là nghĩa tận mà, nhưng chắc họ sợ dư luận đàm tiếu chịu không nổi.

Mình đến thắp hương cho ông, mới hay sau ngày nhận tiền thì vợ con ông âm thầm đổi địa chỉ, không ai biết đi về đâu. Người con trai đã rút về quê vợ, bơ vơ không người chăm sóc ông mới sang tá túc bên nhà Bà Mười, là người em gái ruột nhưng chỉ được vài ba hôm, chịu không được sự lạnh nhạt của mọi người, ông quay về nhà cũ. Và ông đã nhờ đến sợi dây oan nghiệt để kết thúc cuộc đời…

Thực ra theo Luật Dân Sự thì cha mẹ có toàn quyền định đoạt tài sản, không nhất thiết phải chia cho con cái, nếu không ưng. Thậm chí chia cho con nuôi, bỏ con ruột cũng còn được. Trừ trường hợp con tật nguyền hay dưới trưởng thành thì luật buộc phải mặc nhiên chia cho một phần tối thiểu bằng hai phần ba một suất theo luật định. Rất ít người biết cái Luật này ./.

( 02 -2011)

Monday, February 14, 2011

THẰNG BỜM BÁN CÁI QUẠT MO

Lathiews

1.
Giám Đốc đang giận, rất giận, vì bị cái thằng không biết điều kia chọt gậy bánh xe, không phải là bánh xe lịch sử mà là bánh xe đền bù giải tỏa, một cái trục trong cổ máy Dự Án Khu Dân cư Cao cấp đang vận hành trơn tru. Miếng ăn đưa tới miệng còn rớt, hỏi ai không giận.

Hiếu, tên thằng không biết điều, phản đối quyết liệt cái giá mà công ty đưa ra cho năm công đất của …ba má nó, mà trên đó vợ chồng nó đang trồng cấy rau muống. Luật quy định nếu trên Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất ghi là cấp cho Hộ thì giấy tờ chuyển nhượng phải có đủ chữ ký của tất cả những người trên 18 tuổi có tên trong sổ hộ khẩu. Nên mặc dầu ba má anh chị em nó đã xiêu lòng mà nếu nó không chịu ký thì kể như huề.

Chẳng phải Hiếu có lòng tưởng nhớ công lao tổ tiên ông bà đã tạo ra mảnh đất mà không nỡ bán, mà thực ra tại nó lo cho nồi cơm của gia đình  bị bể một khi giao đất cho công ty. Hai ngày cắt rau một lần , thu nhập kể cũng tạm nuôi sống hai vợ chồng và mấy chiếc tàu há mồm đang trong thời kỳ mau ăn chóng lớn. Dù công ty có hứa hẹn sẽ để lại đám rau cho nó thu hoạch tới khi nào công ty tiến hành san lấp, nhưng nó thực sự không cảm thấy yên tâm. Nên nó chọn giải pháp cù nhây cù nhằng, chê lên chê xuống cái giá đề nghị của công ty để kéo dài thời gian. Còn các anh chị nó ở xa, tất cả đều đã có nhà cửa, công ăn việc làm ổn định, xem việc được cha mẹ chia cho một phần tiền bán đất như tiền trên trời rơi xuống, bi nhiêu cũng được không cần mặc cả.   

Giám Đốc chẳng sợ gì nó, một thằng khố rách áo ôm dám đội đá vá trời, nhưng bực mình ở chỗ mảnh đất của gia đình Hiếu nằm ở vị trí trung tâm, mấy mảnh đất xung quanh đã chuyển nhượng xong, không thể để đất dự án ở tình trạng xen cài lốm đốm da beo gây khó khăn cho san lấp và thi công sau này. Giải phóng mặt bằng là khâu rất quan trọng, ai ở trong nghề đều biết như vậy, cho nên một cuộc họp khẩn được triệu tập ngay trong phòng Giám Đốc, sau đó thì tất cả đều đồng ý với một giải pháp được xem như tối ưu. Một sứ giả ( gọi cho oai , thực tế là cò đất ) lãnh nhiệm vụ thực hiện với sự hỗ trợ của kế toán và thủ quỹ.

2.
Tiết lộ của Wikileaks :
….Dù công ty có cơi giá lên thêm vài lai thì tiền đó cũng chia năm xẻ bảy, anh đâu có được chia thêm bao nhiêu đâu. Công ty rất thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh, nên đề nghị hỗ trợ riêng một khoản là năm chục triệu đồng, nếu anh đồng ý có thể nhận ngay bây giờ. Chuyện này chỉ có tôi và vợ chồng anh biết, còn ngoài ra sẽ không tiết lộ cho bất cứ ai, kể cả người trong gia đình anh…

3.
Sáng ngày hôm sau thì bản hợp đồng chuyển nhượng với đầy đủ chữ ký và dấu lăn tay đã được đặt ngay ngắn trên bàn Giám Đốc. Tất cả người trong gia đình Hiếu đều có mặt đông đủ tại phòng kế toán, chờ làm thủ tục lãnh tiền. Giao dịch xem như thành công, mọi người đều hể hả vui mừng, nhưng phải nói mừng nhất là Giám Đốc, qua lời nói của ông với kế toán trưởng trong phòng riêng: “ Đéo quả, thí cho nó năm chục quá rẽ. Nó mà đòi lên thêm hai lai thì mình cũng đi đứt tỷ bạc! ”.  

( 2 – 2011 ) 

Sunday, February 13, 2011

ĂN CƠM CỦA CHÚA…

Lathiews

“ Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”
Luật Đất Đai 2003

        Đang giám sát mấy chiếc phà bơm cát san lấp, cao trình đã gần đạt “cốt” nền, chuẩn bị bàn giao cho các đơn vị thi công hạ tầng thì điện thoại réo, gọi mình về công ty có việc gấp. Khi đẩy cửa bước vào văn phòng thì cô nhân viên văn thư đã chực chờ sẵn từ hồi nào, đưa ra ngay một phong bì bên ngoài có đóng dấu đỏ, kèm theo khẩu lệnh của Giám Đốc là bằng mọi cách phải chuyển đến tận tay người nhận, đồng thời phải có chữ ký của người nhận trên bao thư đem về nộp lại làm hồ sơ lưu. Gì mà ghê vậy ? Thấy thư không dán kín, mình bèn rút ra xem nội dung trước. Thì ra là công văn yêu cầu tự tháo dở nhà ở và các công trình phụ của công ty gởi Em Nhỏ, một trong bảy hộ chưa chịu “hợp tác” , nghĩa là còn nấn níu chưa chịu giao lại mặt bằng, nói trắng ra là còn ngoan cố. “…làm chậm trễ tiến độ thực hiện dự án…thiệt hại đến quyền lợi các bên liên quan… sau ngày 12 tháng 5 năm 200..; công ty sẽ tiến hành cưỡng chế tháo gở, mọi thiệt hại xảy ra nếu có chủ hộ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm… đồng kính gởi UBND các cấp…”. Nội dung thông báo vẻn vẹn có hơn trăm chữ trên một nửa tờ A4 nhưng có sức nặng nghìn cân, quyết định đến vận mạng của năm con người đang co cụm dưới mái một căn nhà cấp 4C nằm chơ vơ cô lẽ giữa một cánh đồng hoang phế, từ lâu đã không còn trồng cấy gì nữa.

Em Nhỏ là tên thường gọi, còn tên trong khai sanh là Trần Văn Hiếu, nhưng ít người biết. Làm nông, chạy chợ Đầu mối Nông Sản Thủ Đức, công nhân Khu công nghiệp Sóng Thần, rồi Khu công nghiệp Đồng An, cuối cùng ra ngã tư Gò Dưa đội nắng đội mưa với chiếc xe Dream Trung Quốc hành nghề xe ôm. Vợ làm công nhân hãng mì gói A-One bên kia cầu Bình Phước thuộc quận 12, còn ba đứa nhỏ hàng ngày đạp xe đi học tận phường Bình Chiểu, Thủ Đức dù hộ khẩu ở Bình Dương vì dù sao cũng còn gần hơn trường học ở thị trấn Lái Thiêu. Cái đáng quý của Em Nhỏ là nghèo nhưng biết lo cho tương lai các con và giữ gìn tài sản đất đai ông bà để lại chứ không ham tiền quy hoạch. Hôm hiệp thương, dù thấy rõ phương án đất đổi đất quá thiệt nhưng cuối cùng Em Nhỏ cũng đành chấp nhận: sáu mét đất vườn (hoặc mười mét đất ruộng) lấy một mét đất nền tái định cư đã hoàn chỉnh hạ tầng; kết quả là Em Nhỏ nhận được một nền nhà một trăm mét vuông (trên giấy) và bảy mươi tám triệu tiền bồi thường tài sản trên đất. Rắc rối là khi được dỗ ngon dỗ ngọt ký vào hợp đồng và giao sổ đất, Em Nhỏ và đa số người dân đều không phát hiện bên A lờ đi cam kết thời hạn giao đất mà chỉ ghi chung chung khi đã hoàn tất hạ tầng (?), trong khi buộc bên B phải giao lại mặt bằng chỉ ba tháng sau ngày ký. Nghĩa là mọi người phải tự lo lấy nơi ở tạm trong thời gian chờ đợi, có thể là hai năm, năm năm hoặc hơn nữa tùy theo khả năng của công ty. Trong số gần tám mươi nóc gia nằm trong diện giải tỏa thì hơn phân nửa là nhận tiền, số còn lại thuộc diện hoán đổi đất chỉ Em Nhỏ là tứ cố vô thân. Những con người hả hê với những cọc tiền vuông vức, dây nhợ phong kín trong những bao túi màu đen kia, nhìn những người đổi đất bằng ánh mắt tội nghiệp, thương hại như nhìn những kẻ ngây thơ bị mắc lỡm mà không biết vậy! Phải , những con người ly nông kia đã đạt được giấc mơ đổi đời, giã từ cái cuốc cái liềm, giã từ đồng ruộng hai mùa mưa nắng, giã từ chiếc áo lao động bạc màu khô cứng để tập làm quen với nếp sống thị dân. Từ bỏ luôn nếp sống khoáng đạt để gia nhập vào dòng đời chen chúc, chật hẹp với bao ưu phiền tỵ nạnh. Trước tiên hãy sắm sửa thụ hưởng cái đã , mọi việc tính sau… Đồng tiền quy hoạch thường tỷ lệ nghịch với  những giá trị đạo lý truyền thống trong gia tộc, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường, tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi già ,là  cái đà danh vọng , là cái lọng che thân , là cái cân công lý… Những đồng tiền đó cắt đứt tình máu mủ, như hội chứng ung thư phá hủy các tế bào xã hội đã được vun đắp từ hàng bao thế hệ đi trước.

        Mình là một thành viên trong đoàn kiểm kê áp giá bồi thường , khi xuống dân đo đạc kiểm đếm thì thường hay bị lườm nguýt, nói kháy thậm chí chửi rủa thô tục. Biết sao được, ăn cây nào rào cây nấy chớ sao. Nhưng cách tính rộng rãi của mình đôi khi có lợi cho người dân nên nhận được cảm tình của họ: đo nền thì áp từ mái chiếu xuống chứ không đo móng; đếm cây thì dư dôi, nâng tuổi… Một lần Em Nhỏ tâm sự với mình: “ Em không muốn lấy tiền vì muốn giữ lại đất đai của ông bà cho tụi nhỏ sau này, dù có khó khăn trước mắt nhưng ăn vào phần của ông bà để lại cho con cháu sao đành…”. Câu nói khí khái của một kẻ thất học mới cảm động làm sao! Hơn xa những kẻ tự khoe trí thức nhưng không còn nhân tính, tự hào đỉnh cao trí tuệ nhưng đã đứt sợi dây mắc cở.

        Thực ra mình cũng biết rất rõ khó khăn của công ty, càng chậm tiến độ thì càng è cổ trả lãi ngân hàng; cơn sốt đất đi vào thoái trào thì càng khó huy động vốn. Mỹ từ “ huy động vốn ” thực ra chỉ là một cách nói; còn trên giấy tờ gọi là Hợp đồng hợp tác đầu tư, nghĩa là bên ứng trước tiền, bên cam kết sẽ bán nền. Một phần số tiền đó chi trả cho người có đất bị quy hoạch, phần còn lại gồm chi phí vô hình và hữu hình. Giới địa ốc gọi hóm hỉnh phương thức kinh doanh này là tay không bắt giặc. Chỉ những người có thế lực như tay Giám Đốc của mình;  nhờ tập ấm mà hưởng lộc; mới có thể tiếp cận các dự án còn nằm trong trứng nước mà nhanh tay xí phần. Cười ra nước mắt là những kẻ có khả năng mua nền hầu hết là những người đầu cơ kiếm lợi mà không có nhu cầu sử dụng, còn những người có nhu cầu thực sự thì suốt đời không bao giờ vói tới vì phải cái tội nghèo. Ngay cả những người có tiêu chuẩn tái định cư như Em Nhỏ, sau này khi được giao nền cũng chưa chắc lo được tiền để xây nhà theo quy định của khu dân cư mới; nơi mà người ta buộc phải lên một tấm hai tấm theo quy định để giữ mỹ quan đô thị !

Trời xui đất khiến thế nào mà khi mình còn tần ngần chưa quay bước thì vị Giám Đốc lại xuất hiện đi ngang qua, thân mật vỗ vai kéo mình vào phòng riêng để trao đổi. Ai hay đất bằng dậy sóng chỉ vì một cái vỗ vai như vậy. Toàn công ty chỉ mình là người địa phương, thuộc lòng đường ngang ngõ tắt toàn khu đất, lại quen biết hầu hết dân địa phương và chính quyền cơ sở. Việc được xếp tham vấn là chuyện thường, giống như cán bộ phụ trách dân vận, có khi thành dân “giận”. Cho nên cái việc đi giữa hai làn đạn là sự thường, nhiều lần mình đã tháo ngòi nổ thành công, giúp cho ổn thỏa cả đôi bề, nhưng lần này mình cảm nhận được tầm quan trọng sự việc qua tính thừa quyết liệt nhưng thiếu cơ sở pháp lý của nội dung tờ thông báo, rõ ràng do một kẻ xu nịnh mà mình có thể vạch mặt chỉ tên đã thảo ra để chiều lòng cấp trên. Nội việc băn khoăn của Giám Đốc cũng chứng tỏ trong lòng ông cảm thấy có điều gì đó không phải, không hoàn toàn đúng hết khi đặt bút ký. Khi cánh cửa khép lại sau lưng thì mình quyết định lần này sẽ nói thẳng nói thực, không thỏa hiệp tránh né, rồi tới đâu thì tới.

2.
Trích một phần nội dung cuộc trao đổi :

- Việc mua bán là sòng phẳng theo đúng trình tự thủ tục và quy định của nhà nước , nào chúng ta có o ép ai đâu ?
-Ở đây không nói vấn đề mua bán hợp lệ hợp pháp hay không vì thực ra người ta đâu có rao bán nhà đất mà anh nói là mua sòng phẳng; chẳng qua chúng ta được nhà nước giao quyền sử dụng đất theo quy hoạch, còn họ là những người bị nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất, thế thôi.
- nhưng cái nhà đó là tài sản của công ty chúng ta, phải vậy không? Chúng ta đã thanh toán tiền bồi thường rồi, chính anh là người kéo thước đo đạc, áp giá cũng như có mặt trong lúc thanh toán. Công ty chúng ta đã hào phóng cho lại toàn bộ số tài sản đó, như vậy chưa đủ tỏ thiện chí sao? Ngày tháo gỡ theo quy định cũng qua lâu rồi, nếu không quyết liệt thì chừng nào ta mới khởi công được ?
- Chúng ta định giá căn nhà là để xác định khoảng tổn thất cần phải bồi thường chứ đâu phải mua bán gì. Thực tế người ta đâu có bán đâu mà chúng ta mua. Số tiền đó liệu người ta có cất lại được căn nhà giống như vậy ở nơi khác không? Anh nên nhớ căn nhà của Em Nhỏ đã trải qua tới thế hệ thứ ba rồi, nghĩa là đã có gần trăm tuổi, rất lâu trước khi Luật Đất Đai ra đời. Chúng ta ở đâu tới đây, trương cái bảng quy hoạch to đùng lên, rồi họp dân công bố, rồi động thổ khai trương, rồi đền bù giải tỏa… Những việc đó đã gây xáo trộn rất lớn đến đời sống của người ta. Những thiệt hại vật chất dễ thấy, còn những tổn thất vô hình khác như xáo trộn việc làm, học hành, chợ búa, thay đổi nếp sống … không dễ thấy.
- Họ đi đâu ở đâu thì cũng không phải việc của chúng ta, bởi vì chúng ta là một doanh nghiệp kinh doanh kiếm lợi nhuận chứ đâu phải một cơ quan xã hội chuyên làm từ thiện ? 
- Nếu không phải là trách nhiệm của chúng ta thì là trách nhiệm của ai ? Anh có nghĩ đến tình huống khi chúng ta cào nhà Em Nhỏ thì hắn sẽ bồng bế dắt díu nhau lên ăn vạ Ủy ban, cắm lều ở tạm trước sân trụ sở Xã không vậy ? Đến chừng đó nếu báo đài vào cuộc thì hậu quả khôn lường… Trường hợp Em Nhỏ rất đặc biệt, chính đáng nằm trong diện đổi đất lấy đất, cũng có lợi cho chúng ta trước mắt đỡ phải chi một khoản tiền mặt, giãm bớt áp lực tài chánh, hơn nữa trong phương án bồi thường tái định cư cũng có nói đến trường hợp này là chúng ta phải thực hiện chính sách tạm cư cho đến ngày giao nền … mong anh nghĩ lại.
- Giải quyết cho một Em Nhỏ thì sẽ có hàng chục lá đơn Em Nhỏ khác, liệu chúng ta có kham nổi không ?
- Anh nên tranh thủ sự đồng tình của bảy hộ còn lại, dù sao cũng còn rẻ hơn chi phí cưỡng chế… Mỗi phòng trọ giá năm trăm thì mỗi tháng công ty chúng ta chỉ mất hơn năm triệu, mà tạo được sự đồng thuận rất có lợi…   
- Anh là người ăn cơm của công ty, lãnh lương của công ty mà sao tôi thấy phát biểu toàn là binh dân không vậy ?  
-  Thực lòng tôi rất muốn gắn bó lâu dài với công ty, vì công ty có ăn nên làm ra thì bản thân tôi và vợ con mới có phận nhờ,  nhưng tôi mong thực lòng công ty chúng ta làm giàu chính đáng bằng công sức và trí tuệ chứ không phải bằng những thủ đoạn o ép như vậy….
Có lẽ không cần ghi chép đoạn kết ra đây vì các bạn đọc thông minh của mình dư sức đoán được đoạn kết như thế nào rồi…

3.
Câu chuyện đã xảy ra lâu rồi, mình cũng đã lâu không về chốn cũ một phần vì không muốn nhắc nhớ lại những kỹ niệm buồn, một phần vì bị lôi cuốn vào công việc mới. Chỉ những đêm khuya nằm thao thức, nghe văng vẳng tiếng rao “chưng, gai, giò…đây” cứ ngờ ngợ phải chăng người bạn cũ ? Hay những chiều tan sở, từ trong phòng máy lạnh bước ra ngoài trời hâm hấp đầy gió bụi, thoáng giật mình vì bóng một người bán bắp nấu bên vệ đường sao giống vợ Em Nhỏ năm xưa quá. Cầu trời xin phò hộ cho gia đình Em Nhỏ sống bình yên. Lẽ nào những con người trung thực lại chịu thiệt thòi mãi sao ?

( 2-2011)