Thursday, February 23, 2012

ĐẠI VỆ CHÍ DỊ TÂN BIÊN – (tt)

KIẾN HÀO

Nói về nước Tề cuối thời Tề Cẩm Vương, tương ứng với triều Quý Vương nước Vệ. Bốn biển yên hòa, kinh tế phát triển kéo theo, bọn di địch rủ nhau về quy phục thiên triều, xưng phiên thần nộp cống lệ. Từ Tây Vực đến Đông Hải, từ bọn Khương Nhung phương Bắc đến những kẻ man di phương Nam đâu đâu cũng đều tung hô vạn tuế ca ngợi đời thái bình thịnh trị. So với cổ sử có kém gì đời Nghiêu Thuấn thuở trước.

Hằng năm đáo lệ, sau tiết Nguyên tiêu, bọn thái thú các nơi ở miền Mãn Châu, Đông Hải, Hồi Hột, Miêu Cương, Tây Vực…lục tục kéo về kinh đô Lâm Truy của Tề quốc để trình báo tình hình. Buổi thiết triều hôm ấy, đến lượt quan Thái trung đại phu Tôn mỗ là sứ giả Tề quốc tại nước Vệ (nếu là quận huyện phiên thuộc thì đặt thái thú trực tiếp cai trị, còn nếu là nước chư hầu thì đặt sứ giả bên cạnh triều đình) tiến lên tâu trình :

- Muôn tâu, nhờ hồng phúc của đại vương trong năm qua tình  hình nước Vệ hoàn toàn yên ổn, từ ngày đội binh thuyền Tề Nam hạ, tuần tra giương oai, thủy binh tất cả các nước đều khiếp sợ; bọn ngư dân Vệ sau nhiều lần bị bắt phải nộp tiền chuộc mạng, thuyền đánh cá bị đốt, nay không dám ra khỏi bờ quá hai dặm, toàn bộ vùng biển phía nam đều do ta khống chế. Mặc dù chưa thể làm chủ một sớm một chiều nhưng thế mạnh áp đảo của Tề ai ai cũng thấy. Còn tại kinh đô Triều Ca của Vệ, bọn cứng đầu cứng cổ xuống đường tuần hành chống Tề đều bị quân cấm vệ hoàng thành bắt giam hết, có đứa còn bị đạp vào mặt. Thần đã xuất bạc nén để ban khen cho bọn tích cực hoàn thành nhiệm vụ cùng hứa hẹn thăng chức cho chúng. Nội trong năm nay, thủy binh công xưởng  sẽ cho chiếc Đại mẫu hạm xuất bến trực chỉ Nam hải, làm thế ỷ giốc cho ngư dân Tề ta yên tâm chiếm lĩnh ngư trường…      
   
Nguyên viên sứ giả này xuất thân là kẻ võ biền, nhờ có tài binh nhung chinh chiến mà thăng quan tiến chức chứ không phải xuất thân từ khoa bảng. Các quan đồng triều đều có ý xem thường ông ta vì kiến thưcs hạn chế, nhãn quan hẹp hòi, chỉ thích khoa trương trấn áp người mà không biết che giấu ý đồ bên trong. Tề vương nhăn mặt tỏ vẻ không bằng lòng. Viên Tham tri tả thị lang biết ý tiến lên tâu :

- Muôn tâu, kể từ lúc đại vương phát động chính sách truyền bá văn hóa Đại Tề ra năm châu bốn biển, thái thú các nơi đều tích cực tài trợ cho các hoạt động phổ biến văn hóa tư tưởng (của Tề ) tại các nước chư hầu. Nay sách báo tranh truyện của Tề chiếm tỷ lệ áp đảo, trẻ con nước Vệ đâu đâu cũng đều xem Na Tra như thần tượng. Tới đây các quận huyện đều sẽ có trung tâm truyền bá văn hóa Tề gọi là Khổng Đường Hiếu Học. Đồng thời còn phát động thi đua tìm hiểu lịch sử Tề, phần thưởng là học bổng du học ở Quốc tử giám Lâm Truy, sau này thành tài sẽ được đưa trở về nước “cơ cấu” vào hàng quan lại trung ương và địa phương để làm tai mắt cho chúng ta. Ngoài ra lịch sử của Vệ cũng sẽ soạn lại cho trẻ con học tập, những phần nói về chiến tranh Tề - Vệ sẽ được cắt bỏ hoặc lược giản bớt đi. Ngoài chợ những kẻ nào xuyên tạc nói xấu hay lên án Tề xâm lược đều bị công sai Vệ bắt giam không cần xét xử để làm gương cho kẻ khác. Nay ở nước Vệ, từ bọn sĩ phu trí thức yêu nước đến tiểu lại chốn công đường, từ lão thần trí sĩ đến bọn tiến sĩ cử nhân, từ đám nho sĩ uyên thâm đến bọn thất phu hàng thịt ở Triều Ca đều rất sợ hãi, không còn kẻ nào còn dám mở miệng nói xấu triều ta. Thật là “phúc dương quang tỏ rạng muôn nhà, ơn mưa móc thấm nhuần ngọn cỏ”. Tưởng chưa bao giờ ảnh hưởng sức mạnh lịch sử-văn hóa của Tề đối với Vệ lại mạnh mẽ đến vậy.      

Nghe xong, thiên tử sẽ gật đầu không nói gì, chỉ đưa mắt nhìn về hàng quan văn bên tả. Quan thị trung Bình Chuẩn  biết ý cầm hốt ngọc tiến lên :

- Muôn tâu, kể từ khi triều đình triển khai chính sách quyền lực mềm, trói buộc chặt chẽ nền thương mãi các nước chư hầu lệ thuộc vào kinh tế Tề, tập trung thu hút tối đa tài nguyên thô các nước đem về Tề để chế biến thành hàng hóa xuất ngược lại vào nước họ thì hiện nay tại thị trường nước Vệ hàng hóa Tề tràn ngập, từ hàng tiêu dùng thông thường đến hàng xa xí phẩm, từ thực phẩm chế biến đến đông y dược, từ vải vóc đến kim khí điện máy, từ thiết bị công nghệ đến kỹ thuật khai khoáng xây dựng đến nổi nay chỉ cần Tề ngưng xuất hàng hóa sang Vệ ba tháng thì kinh tế nước Vệ khốn đốn ngay. Còn ngược lại nếu Tề ta  đóng cửa khẩu không cho hàng nông thổ sản Vệ vào thì nền nông nghiệp của họ sẽ suy sụp vô phương cứu vãn. Số tiền chênh lệch giữa xuất hàng hóa bán ra cho Vệ và nhập hàng hóa vào Tề ta lên đến hàng trăm vạn lượng bạc mỗi năm. Công khố Vệ luôn thâm hụt dù liên tiếp đúc tiền ngày càng nhiều đến nỗi nay dân Triều Ca kinh đô Vệ đi chợ phải xâu tiền đeo vào cổ như mang gông.

Quan thú đất Trường Sa giáp ranh với Vệ tiến lên tâu tiếp :

- Cũng bởi do thiếu hụt nên nước Vệ đang khai thác bán non xuất thô mấy cái mỏ than ven biển cùng dăm mỏ sắt vùng biên giáp với quận Trường Sa. Thần đã cho xuất công khố thu gom toàn bộ không để một nước nào xen vào tranh mua, số lượng giá cả hoàn toàn do ta khống chế. Nay mai sẽ tiến tới đổ quân khai thác chế biến thu gom tài nguyên quý hiếm của Vệ là mấy cái mỏ nhôm phía Tây và cát hiếm phía Đông Nam chở về Tề để rèn binh khí. Còn mấy cái rẻo đất của Vệ giáp giới vùng biên, thần đã cho khoanh vùng quản lý chặt chẽ với chiêu bài thuê mướn dài hạn với giá rẻ như cho không, chỉ tốn vài trăm lượng bạc lót tay bọn quan địa phương. Đất ấy dù mang danh là của Vệ nhưng không còn một tên dân Vệ nào dám léo hánh tới gần. Từ kho bãi đến trường học, từ công trường khai thác đến cơ quan giám quản đều treo cờ đại Tề …  

Nghe thái thú Trường Sa báo cáo xong, Tề vương nhìn quan Thái bảo kiêm Thượng thư Bộ Lễ hàm chánh nhất phẩm đứng đầu triều, phán:

-Chuyện ta bảo ngươi đã làm đến đâu ?

-Muôn tâu, năm trước nhân tiếp sứ giả của Vệ Vương là Phạm mỗ, thần cũng đã tuân theo ý chỉ của đại vương, vừa vuốt ve vừa hăm dọa khiến cho hắn phải tâm phục khẩu phục mà cam kết từ nay phải xem nước Tề như phụ mẫu không dám có ý chi khác. Hai nước cũng đã âm thầm ký kết mật ước định lại cương vực, theo đó Vệ Vương nhượng bộ cho ta khá nhiều về lãnh thổ lãnh hải, nhất là mấy cái hải đảo ngoài Nam Hải cùng quyền cai quản vùng biển ấy, Vệ cũng đã cam kết chỉ ra tuyên ngôn phản đối chiếu lệ cho yên lòng dân còn ngoài ra vẫn ủng hộ nước Tề ta trong việc tranh chấp quyền sở hữu biển ấy với các nước khác. Đổi lại là sự cam kết hổ trợ của Tề trong việc trấn áp bọn phản loạn trong nước Vệ và ủng hộ chính sách chuyên chế toàn trị của Vệ Vương. Tóm lại, họ không cần ta viện trợ kinh tế, không cần cung cấp vũ khí, lương thực, đạn dược hay chuyển giao kỹ thuật công nghệ mà chỉ cần Tề dùng thế mạnh quân sự ngoại giao làm rào chắn cho Vệ trước sự cô lập của các lân bang giống như Cao Ly, hầu bảo toàn ngai vàng và sự giàu sang phú quý của vua tôi nước Vệ. Nước ấy nay xem như đã nằm trong ống tay áo đại vương rồi vậy.  

Nghe xong, Tề Cẩm Vương hết sức hài lòng, ngã người tựa vào ngai vàng tõ vẻ thư thái rồi thong thả buông lời vàng ngọc :

-Nước Vệ sở dĩ nhỏ bé mà lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của thiên triều là vì cái vai trò vị trí địa – chính trị đặc biệt của nó, nhất là cái vũng nước nhỏ mà Vệ gọi là biển Đông, nơi hầu hết thương thuyền các nước từ Nam lên Bắc, từ Tây sang Đông đều phải hải hành qua đó. Chiều dài bờ biển Vệ trải đến hàng ngàn dặm, ví thử có nước nào manh tâm độc chiếm biển ấy làm của riêng, thử hỏi liệu có chịu nổi sự quấy phá của Vệ từ đất liền hay không. Vả chăng nay ta đã áp đặt được sự lệ thuộc lên nó về mọi mặt, há chẳng phải là đã đạt được điều mà các đời tiên vương mong mỏi hay sao? Ta không cần phải dụng binh điếu phạt làm náo động dân tình, hao tổn quốc khố, tạo cớ cho bọn bất mãn trong nước nó tạo phản gây mầm loạn, tránh lặp lại sai lầm của các đời trước. Tuy Tề là một nước lớn so với Vệ, có thể chiếm được nhưng không thể giữ được do khác biệt về thủy thổ, lam sơn chướng khí, phong tục tập quán, nhất là tinh thần quật khởi của dân xứ đó, dù có lấy số đông áp đảo chiếm được thì rốt cục cũng phải chấp nhận hao binh tổn tướng, nhục nhã mà lui binh về. Bài học đó bọn ngươi nên dạy cho con cháu thuộc nằm lòng.

Đối với việc xin thanh viện của Vệ, bọn ngươi cần phải hết sức cẩn thận đừng để bị lôi kéo vào ý đồ riêng. Ta chủ trương chỉ hư trương thanh thế chứ tuyệt nhiên không động binh, dứt khoát dùng kế sách tằm ăn lá dâu và bẻ đủa từng chiếc để phá thế hợp tung liên hoành chúng nó như sách lược Trương Nghi Tô Tần trước kia. Ta nhắc thêm cho bọn ngươi nhớ: tuyệt đối trong bang giao không nhắc đến hai tiếng nhân quyền, dù có thấy bọn quan lại, công sai nước Vệ dùng cực hình lạm sát dân nó cũng đừng manh động. Hãy lấy mồi lợi mà dử (quan lại) bọn chúng, hứa hẹn bảo toàn cái địa vị chúng đang có được cho đời đời con cháu chúng cùng được hưởng, cam kết sẽ ra sức bảo vệ chúng nó nếu bị dân Vệ nổi lên lật đổ hoặc bị nước thứ ba uy hiếp, vạn nhất nếu có xảy ra biến cố thì nước Tề sẽ là quê hương thứ hai của chúng. Cái đó gọi là lấy mỡ nó rán nó. Phận sự làm sứ giả của các ngươi ngẫm ra cũng không có chi là khó, chỉ là thường xuyên vỗ về cho bọn chúng yên lòng mà ra sức báo đáp thiên triều, chấp nhận làm rào giậu cho Tề quốc chúng ta, cứ như vậy kiên trì nhìn về toàn cục tất sẽ có lúc Vệ đương nhiên trở thành một quận huyện nội thuộc của Tề ta chứ không còn là một nước chư hầu triều cống hàng năm nữa. Binh pháp Tôn Tử nói lấy vô chiêu để chế thắng hữu chiêu là như thế.

Nghe Tề vương phán bảo xong, các quan chỉ còn biết cúi đầu bái phục và tung hô vạn tuế, vạn vạn tuế !

Mùa Đông năm Tân Mão, nước Tề cử viên quan đại thần Bộ Lễ làm sứ giả đến viếng thăm triều đình nước Vệ để tỏ tình hữu hảo lân bang và khẳng định lại tình gắn bó keo sơn đã hứa giữa hai nước. Trong lễ tiếp rước sứ bộ Tề quốc thật long trọng, dân chúng nước Vệ bỗng há hốc mồm kinh ngạc khi thấy lá đại kỳ nước Tề có thêm hình tiểu long vốn là biểu trưng hồn thiêng sông núi của Vệ quốc. Hay chuyện, một vị ẩn sĩ đất Triều Ca, kinh đô nước Vệ, vuốt râu cười mà rằng: “ Đó chỉ là một bước thăm dò, nắn gân bọn dân Vệ xem phản ứng ra sao. Rồi đây sang năm mới sẽ còn nhiều trò hay hơn nữa, những việc hệ trọng quốc gia đại sự do bọn mưu sĩ bàn bạc chốn thâm cung mà bọn dân đen nước Vệ chỉ có thể biết được khi sự đã rồi, hàhàhà…”.  

( Nguyên Tiêu Nhâm Thìn 2012 )