Sunday, July 15, 2012

THIỆT LÀ HẾT “ Í ”

Lathiews

Mỗi năm hết hè lòng man mác buồn. Mùa tựu trường sắp đến, các điểm bán sách giáo khoa đông vui như trẩy hội. Vào một chi nhánh Fahasa (công ty Phát hành sách thành phố Hồ Chí Minh) tìm mua bộ sách lớp 6 cho đứa cháu đang háo hức được vào lớp đầu cấp, người viết bỗng dưng hết hồn khi thấy trang bìa quyển sách địa lý lớp 6 đặt trang trọng trên kệ ghi rõ : Địa lí lớp 6. Trời ạ, sao mà vô lý, ủa quên vô lí quá vậy. Kể từ lúc đó, mình có cảm giác bần thần như một kẻ vừa bị móc túi, và tức anh ách như một người dừng xe đèn đỏ bị húc vào phía sau. Về nhà, cất công vào mạng lục tìm căn nguyên chủ trương cải cách i/y, tìm cơ sở pháp lý của cái chuyện chuyển đổi oái oăm này thì thấy có quy định của Bộ Giáo dục do thứ trưởng Võ Thuần Nho ký, tiêu đề : “Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục” ban hành ngày 30.11.1980. Trong đó quy định viết thống nhất i cho tất cả những từ có vần i/ y đứng cuối (vần mở, không có phụ âm cuối), như kỳ dị thành kì dị, lý trí thành lí trí, mỹ vị thành mĩ vị…(cái khôn của nhà cải cách là biết chừa ra biệt lệ cho vần uy chứ nếu không thúy sẽ thành ra thúi mất), còn i hay y đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết thì viết tùy theo thói quen. Theo quy định này, phần lớn những từ có sáu phụ âm đầu là h, k, l, m ,t , s đều phải đổi từ y thành i như hy vọng-hi vọng, hy sinh-hi sinh, ly kỳ-li kì, kỹ sư-kĩ sư, lý luận-lí luận, địa lý-địa lí, mỹ lệ-mĩ lệ, mỵ dân-mị dân, sy tình-si tình, kẻ sỹ-kẻ sĩ, nô tỳ- nô tì, tỷ lệ- tỉ lệ…

 Như vậy một chủ trương lớn, làm thay đổi một cách viết quốc ngữ truyền thống, một yếu tố văn hóa của dân tộc đã ổn định hàng trăm năm, chỉ do một quan chức cấp bộ phán bảo là xong. Tiếc thay, ông Thứ trưởng chưa phải là ông… Trời, nên văn bản chỉ có giá trị thi hành trong ngành GD chứ không nhận được sự đồng thuận của xã hội. Và nay xu hướng quay về viết phân biệt i/y càng ngày càng phổ biến, chứng tỏ chủ trương ‘nhất thể i’ thất bại là khó tránh khỏi. Thí dụ mọi người nay đều viết là “nước Mỹ” chứ không ai viết là “nước Mĩ” nữa. Xin trích một đoạn trong bài viết của ThS Đào Tiến Thi * để chứng minh:
“…Việc nhất thể i trong Quy định 1980 được thực thi ở sách giáo khoa cải cách giáo dục, bắt đầu từ 1980 (lớp 1), hoàn tất 1992 (lớp 12). Trong khoảng thời gian đang thay sách thì có văn bản mới thay thế. Tuy nhiên NXB Giáo dục vẫn tiếp tục cách viết nhất thể i. Phải chăng để khỏi “tiền hậu bất nhất”, những người làm sách đã vận dụng phần “để ngỏ” trong Quy định 1984? Hoặc họ là những người ủng hộ quan điểm nhất thể i. Vì như ta thấy, trong đợt thay SGK mới đây (2002 – 2008), NXB Giáo dục và NXB Đại học Sư phạm (Hà Nội) vẫn tiếp tục nhất thể i. Cả một lớp người đông đảo đã được nhất thể i thông qua ghế nhà trường suốt 30 năm qua!
 Mặt khác, các cơ quan xuất bản và báo chí không thuộc Bộ Giáo dục không chịu sự tác động pháp lý của các văn bản trên vẫn tự lựa chọn chính tả theo quan niệm của mình, cho nên hầu hết họ vẫn duy trì việc phân biệt i/y như trước năm 1980. Tìm hiểu sách của 49/59 nhà xuất bản hiện nay chúng tôi thấy 46 nhà xuất bản vẫn phân biệt i/y. Khảo sát hơn 100 tờ báo và tạp chí (viết), cũng chỉ thấy mấy tạp chí chuyên ngành ngôn ngữ là nhất thể i, gồm Ngôn ngữ (Viện Ngôn ngữ học), Ngôn ngữ và đời sống (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam), Từ điển học và bách khoa thư (Viện Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam), còn lại đều viết phân biệt i/y, kể cả một số báo và tạp chí của ngành giáo dục như Giáo dục và thời đại, Thế giới mới, Thế giới trong ta. Một số tác giả có sách ở NXB Giáo dục đã đề nghị phân biệt i/y trong một số sách nghiên cứu. Các tên riêng trong sách của NXB Giáo dục, trước áp lực của xã hội, cũng dần đổi từ i ngắn sang y dài...”

Đây cũng không phải là lần đầu mà những “í” tưởng vĩ đại , tự ví mình như đỉnh cao trí tuệ, có chỉ số IQ cao trong thượng tầng kiến trúc của bộ máy nhà nước VN cụ thể hóa sự thông thái của mình. Nhiều người còn nhớ đợt cải cách chữ viết hơn hai mươi năm trước đã để lại di chứng kéo dài cho đến tận ngày nay: cả một thế hệ học sinh tiểu học thập niên 80 viết cùng một kiểu chữ phải gọi là xấu đau xấu đớn, dùng bút pháp sổ dọc kéo ngang như chữ Tàu để viết những ký tự như l, h, t, g…thay thế cho những nét viết có bụng mềm mại uyển chuyển đã thành hình từ hàng trăm năm nay. Hồi ấy những lớp tập huấn viết chữ kiểu mới cho các thầy cô diễn ra rầm rộ khắp các tỉnh thành trong cả nước, sau đó những hạt giống lại về triển khai cho các đồng nghiệp trong trường.

Hậu quả nhỡn tiền : chữ viết của các “ nạn nhân ” vừa xấu xí, nhỏ li ti như con kiến vừa so le giống như hàm răng cải mã hay nghiêng ngã như các hàng cọc gỗ trên sông Bạch Đằng. Cuối cùng thì có chỉ thị của “trên” yêu cầu quay về viết theo lối cũ. Khi báo chí lên tiếng truy vấn ai là tác giả của “tối kiến” trên thì bóng đổ thầy, thầy đổ bóng không ai nhận chịu trách nhiệm, thật là bi hài. Một công trình tầm cỡ quốc gia, ảnh hưởng đến hàng triệu người, do một cái đầu óc vĩ cuồng nào đó tạo dựng trong phút chốc hứng chí, vậy mà cả nước cũng hăm hở làm theo ! Bây giờ ( 2012 ), thỉnh thoảng nếu tinh ý bạn sẽ bắt gặp những nét chữ cải cách của lứa học sinh ngây thơ trong trắng ngày đó, hầu hết nay đang ở độ tuổi trên dưới 30. Mới thấy tác hại kéo dài của một ý tưởng sai lầm, khi đem lĩnh vực giáo dục thế hệ trẻ ra làm phòng thí nghiệm.  

Trở lại vấn đề thay thế y bằng i, có lẽ các nhà ký âm pháp có thiện ý muốn tạo ra một chuẩn mực thuận tiện cho việc viết chính tả vì tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, dù là i hay y thì thời lượng phát âm cũng dài như nhau chứ không phải y phát âm kéo dài hơn i, nhưng tự bao đời nay dù có phát âm theo giọng điệu đặc thù vùng miền, hầu hết người Việt vẫn biết phân biệt rõ ràng i/y và viết đúng chính tả, trừ những người có học vấn quá kém. Cũng như nhờ phân biệt rõ ngữ nghĩa và nhớ mặt chữ mà hầu hết đều viết đúng d/gi, g/gh, ng/ngh, hoặc khó hơn như c/k/q. Những âm trên còn khó phân biệt hơn i/y nhiều. Chưa kể về mặt thẩm mỹ nhất là danh từ riêng, y đẹp hơn i nhiều. Ngôn ngữ dân tộc nào khi thể hiện bằng chữ viết cũng có những bất hợp lý và biệt lệ riêng không theo quy luật, đòi hỏi người học phải nhớ thuộc lòng nhưng đâu có ai đem tiếng mẹ đẻ ra đo may ni tấc cho vừa chữ viết. Do đó, lý do nhất thể i để tạo thuận tiện cho người viết nghe hơi khiêm cưỡng, không thuyết phục. Thí dụ người miền Nam dù giọng nói không phân biệt d/v/g… như nói :…dĩ dãng dễ dầu dì dấu diếm , nhưng vẫn viết đúng: …dĩ vãng dễ dầu gì giấu giếm. Thật dễ dàng(!).

Gần đây , để nói tắt cụm từ Nhóm các nước phát triển  ( G7), người phát ngôn đài truyền hình Hà Nội đọc là Gờ bảy chứ không đọc là Giê bảy như truyền thống. Ngôn ngữ Việt Nam được ký âm bằng chữ la tinh ( bảng chữ cái ). Khi đánh vần thì các phụ âm đứng trước nguyên âm như  b, c, d , g…đọc là bờ, cờ , vờ , gờ ; còn khi các phụ âm trên đứng một mình thì được đọc là bê, xê, dê , giê theo phát âm Pháp ngữ . Thí dụ chữ cái G đứng một mình đọc là giê nhưng chữ Gỗ đánh vần là : gờ - ô - gô - ngã - gỗ. Đọc Gờ là hết sức khiêm cưỡng. Có lẽ họ chê đọc “giê bảy” là còn tư tưởng lệ thuộc vào thực dân Pháp chăng ?

Nhưng đâu có ai chối bỏ được nguồn gốc chữ Việt là do người phương Tây đem lại. Ví thử bây giờ có người yêu nước nào đó kêu gọi quay về viết chữ Nôm như thời Quang Trung thì cả nước phải đi học viết chữ Tàu sao ? Tiếp thu cái mới thì có gì là tội lỗi chứ ? Đáng trách chăng là những kẻ ăn cơm Việt, nói tiếng Việt mà đi thờ ngoại bang kia kìa .

Nên cùng chung một hệ thống đài quốc gia mà đài truyền hình Sài Gòn thì đọc là giê bảy, còn đài truyền hình Hà Nội thì đọc là gờ bảy, nhưng cả hai đài vẫn đọc HTV là hát tê vê, VTV là vê tê vê chứ không đọc hờ tờ mờ, vờ tờ vờ (!).  Thật là gờ gờ gờ gờ ( gật gà gật gưỡng ). Không thấy mười ngàn ông tiến sỹ-sĩ có vị nào lên tiếng bảo ban giùm cho.

Trước khi lên giường ngũ để kết thúc một ngày đau khổ, người viết chợt nảy ra một suy luận : biết đâu mốt mặc áo thun lửng quần sooc ngắn thay vì quần dài của thế hệ nữ tuổi teen ngày nay là để hưởng ứng phong trào lấy i ngắn thay y cờ rết (?!!!) Hay ngược lại , bởi vì thấy mặc quần ngắn dễ thương quá nên người ta mới nảy ra ý đem i ngắn thay thế cho y dài ? Dù sao cũng may là người ta còn giữ lại dấu chấm trên đầu chữ i, chứ nếu bỏ luôn thì ngắn phải biết (!); hay mai mốt lại có một bộ óc vĩ cuồng ( lại vĩ cuồng ) nào đó lệnh cho những người biên soạn sách giáo khoa thay phụ âm cuối c thành k thì học tập sẽ viết thành ra họk tập, ăn mặc thành ra ăn mặk… vui ra phết nhể !

 ( 7- 2012 )


* http://ngonnguhoc.org/index.php?option=com_content&view=article&id=605:ban-tip-v-chuyn-i-ngn-y-dai&catid=29:bai-nghien-cuu&Itemid=39