Friday, January 31, 2014

THÁNG GIÊNG NHỚ NGỤY VĂN THÀ

Lathiews

Buổi sáng đọc tin tức trên báo mạng, thấy báo Thanh Niên có bài phỏng vấn chị Sinh vợ anh Thà, bồi hồi xúc động, nghe cay cay nơi sống mũi. Người chết thì đã chết rồi, sao người sống còn chịu khổ mãi thế này. Lâu nay mình cứ ngỡ chị không còn ở trong nước nữa, không ngờ cuộc sống của chị và các cháu, là vợ và các con của người anh hùng chống ngoại xâm phương Bắc lại khốn khổ thế này. Truyền thống người Việt sống có mái nhà , chết có nấm mồ. Bây giờ chị sống chưa có được mái nhà, anh chết không có được nấm mộ dù là mộ gió. Đau nhất là không có được sự thừa nhận của nhà nước VN XHCN về sự hy sinh cao cả của anh sau 40 năm hòa bình , thống nhất đất nước. Đọc bàn tin vừa buồn lại vừa mừng. Buồn vì nhắc nhớ đến người đàn anh cựu học sinh Trịnh Hoài Đức lớp lớn ( khóa 1) mình hằng ngưỡng mộ, mừng vì cuối cùng tên anh cũng được trả về đúng vị trí vốn có, và đã từng đã có.

Vội vội, vàng vàng mail cho bạn đường link với yêu cầu post vào trang nhà cho mọi người cùng đọc, cùng hãnh diện với sự kiện mới: tên anh đã được chính thức nhắc đến trên trang báo chính thống sau nhiều năm quên lãng. Tuy nhiên , chỉ sau giây lát bạn nhắn cho biết báo Thanh niên đã “ gỡ” bài xuống rồi. Mình tiếc ngẩn tiếc ngơ, tự giận mình sao không chịu save as ngay khi đọc xong, thật là đồ nghiệp dư. Và giận “người ta” quen sống dưới cái bóng của gã khổng lồ, đến nỗi sợ bóng sợ gió, đến người chết cũng còn sợ.

Vào wikipedia, gõ tên anh thấy hiện ra những hàng chữ viết về anh thật trang trọng , không chút xúc phạm hay mai mỉa. Mở trang lịch sử trường, tên anh đứng đầu tiểu sử học sinh các khóa. Một vị trí xứng đáng cho một cựu học sinh Trịnh Hoài Đức xứng đáng .
Vào danh sách khóa 1, lại thấy tên anh nằm giữa hai anh Trần văn Te và Phan Hữu Thành, với dòng chữ đã mất trong dấu ngoặc, thật đơn giản. Đơn giản như cuộc sống của gia đình nhỏ của anh, rất đỗi đời thường như bao gia đình miền nam khác. Và một chút nhẫn nhịn, như khi chị Sinh yêu cầu cô phóng viên báo Thanh niên: “Cô có viết thì cũng viết khéo khéo một chút , đừng để người ta làm khó cho tui …” . Người phụ nữ quê Ba Xuyên với giọng nói hiền lành lẫn chút nghẹn ngào khi thổ lộ sự bất lực, không có nổi một ban thờ cho chồng cho khách niệm hương, vì đang ở nhờ nhà người em gái.

Người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi trong bài Bình Ngô đại cáo đã viết :

“…Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có …”

Thưa anh Thà, khi em vào lớp đệ thất thì anh đã rời trường, nhưng có người cựu học sinh Trịnh Hoài Đức nào không biết đến anh, người anh cả đã hy sinh vì sự độc lập của đất nước, và nay lại đang tiếp tục làm cầu nối cho sự nghiệp đoàn kết dân tộc, một dân tộc vẫn còn chia rẽ sau bao nhiêu năm nội chiến.

Tôi tin rồi sẽ có một ngày, tên anh sẽ được vinh danh. Nhưng thôi có hề chi, dẫu sao thì anh cũng đã có một vị trí trang trọng trong lòng mọi người rồi, đó mới là vĩnh cữu. Xá gì bia đá, đền đài. Xá gì ngụy tác cho nguy nga. Tháng giêng, chắc anh sẽ về họp mặt truyền thống đầu năm của khóa 1 cựu học sinh  Trịnh Hoài Đức tại Bình Dương. Tháng giêng, vô Chợ Lớn có việc, tôi chọn lộ trình Hiền Vương – Trần Quốc Toản – Nguyễn Kim thay vì Hồng Thập Tự - Hùng Vương quen thuộc. Xa hơn một chút nhưng được gần hơn một chút …

----------------------------------------------------------------------------------
( 19 . 1. 2014 )


CÔ GÁI ĐỒ LONG

Lathiews


1

Dương Phá Thiên là chưởng môn nhân đời thứ 33 của Minh Giáo, một giáo phái có xuất xứ từ Ba Tư ( Iran ngày nay ), thờ thần lửa hay đúng hơn là sự tinh khiết của ngọn lửa. Võ công siêu phàm, thiên hạ vô địch cộng với tư cách đạo đức khoan hòa nhân ái nên ngài giáo chủ nhận được sự thần phục của các môn đệ và giáo chúng dưới trướng. Lại thêm cưới được sư muội là một mỹ nhân về làm vợ, tưởng cuộc đời không còn gì là sướng hơn ( nói theo ngôn ngữ hiện đại là “ tròn vo” ). Không ngờ bi kịch xuất hiện : vì quá ham mê luyện công, bế môn nhập thất, nên tình nghĩa vợ chồng nguội lạnh. Kẻ thứ ba xen vào là người sư đệ bất nghĩa Thành Khôn, đã lợi dụng tình trạng cô đơn gối chiếc của người chị dâu mà buông lời ong bướm, lung lạc tinh thần người thiếu phụ đang độ tuổi xuân mơn mỡn.

Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, cả hai ngày càng mê đắm trong bể sắc dục, nơi hò hẹn ưa thích là đường hầm bí mật trên Quang Minh Đỉnh, một nơi cấm kỵ không ai được phép bén mảng trừ giáo chủ. Trời bất dung gian đảng, một hôm cả hai bị Dương Phá Thiên bắt gặp, ông đau đớn vận hết nội công đánh sập một đoạn hầm, mục đích để cả ba cùng chết, mà ông là người chết trước vì tức khí lộn ngược, máu trào thất khiếu , giới võ lâm gọi là “tẩu hỏa nhập ma” ( nói theo y học hiện đại là tai biến mạch máu não ). Người vợ hối hận dùng đoản đao tự sát theo chồng, duy có Thành Khôn là trốn thoát được ra ngoài, từ đó thay tên đổi họ, gây nên bao nhiêu sóng gió trên chốn giang hồ…

Minh giáo là một môn phái lớn, giáo chúng hành hiệp rất đông. Sự mất tích bí ẩn, đột ngột của giáo chủ khiến Minh Giáo trải qua một phen sóng gió vì không có người cầm đầu, không ai đủ oai đức để ra hiệu lệnh : Tả Hữu Quang Minh Sứ Giả, Tứ Đại Hộ Giáo Pháp Vương, Ngũ Tảng Nhân, Ngũ Hành Kỳ sứ … mỗi người mỗi ý, ngờ vực nghi kỵ lẫn nhau. Người có võ công cao nhất lúc bấy giờ là Bạch Mi Ưng Vương bèn tự tách ra lập một môn phái riêng, tự xưng là Bạch Mi giáo chủ. Quang Minh Hữu Sứ tự hủy gương mặt , thay đổi ngoại hình, lánh ra nước ngoài dò tìm tung tích cựu giáo chủ. Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn rơi vào âm mưu của Thành Khôn trở thành kẻ cuồng sát, Ngũ Tảng Nhân cũng bất phục không tuân theo hiệu lệnh của Tả sứ. Lợi dụng tình trạng chia rẽ, tự làm suy yếu nội lực của Minh Giáo, sáu đại môn phái ở Trung nguyên là Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Côn Luân, Hoa Sơn và Không Động cùng hè nhau đánh lên Quang Minh Đỉnh, đại khai sát giới để tiêu diệt “ Ma giáo”…

2

Sau ngày 30.4.1975, Hội Hướng Đạo Việt Nam ( HĐVN) tự động giải tán, trụ sở Hội ở Sài Gòn bị tịch thu sung công, bắt đầu cảnh chia đàn xẽ nghé. Năm 1978, phong trào di tản bằng thuyền ( thuyền nhân ) nở rộ sau các chiến dịch đánh tư thương Hoa kiều, đổi tiền và cải tạo tư sản công thương nghiệp; trên các đảo tị nạn người Việt khắp vùng Đông Nam Á, sinh hoạt Hướng Đạo lại phát triển một cách tự phát, trở thành một chỗ dựa tinh thần cho những người xa quê hương trong lúc chờ cứu xét đi định cư ở một nước thứ ba. Khi đó, sinh hoạt hướng đạo được xem như liều thuốc tinh thần giúp các Huynh trưởng tiếp tục phục vụ lý tưởng HĐ và giúp các em thiếu niên tự rèn luyện bản thân. Kể cả sau này, khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ người thì các Huynh Trưởng HĐVN lại tiếp tục phục hoạt Hướng Đạo dưới danh nghĩa các đơn vị HĐ bản xứ nhưng thành viên 100 % là người gốc Việt. Lúc này, Hướng Đạo mang thêm ý nghĩa như là một sợi dây nối kết giữa những người chung một giòng máu, tổ tiên và cùng chung một nền văn hóa. Hội HĐVN thì không còn, nhưng phong trào Hướng Đạo thì tồn tại mãi mãi.

Ở quốc nội, từ năm 2002, tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Ban Mê Thuộc, Cần Thơ… Hướng Đạo bắt đầu nhen nhóm chơi lại ở các công viên. Thoạt đầu trông có vẻ thuận lợi : chính quyền đô thị ngó lơ, thông cảm; các Huynh trưởng xa nhau lâu ngày gặp lại tay bắt mặt mừng. Từ Thiếu đoàn, Ấu đoàn tiến lên thành Liên Đoàn, rồi Đạo, rồi Châu…rồi phát sinh rắc rối : không có người cầm chịch, không có một tổ chức thống nhất, phân công phân nhiệm rõ ràng, ai nói nấy nghe. Bức tranh Hướng Đạo Việt Nam trông thật ảm đạm : đối ngoại thì không có pháp nhân, không còn là hội viên Hội Hướng Đạo thế giới ( WOSM ), trong nước thì sinh hoạt bán công khai, không được chính quyền công nhận, lại chia rẽ phân nhánh ra thành nhiều khuynh hướng khác nhau, dĩ nhiên là không ‘chơi’ với nhau thậm chí nói xấu nhau, thành phần cơ hội chui vào đội ngũ các huynh trưởng HĐ phá phách lung tung : tự gắn mề đai cho nhau, ban phát đẳng cấp tùy thích …đỉnh điểm là trường hợp một huynh trưởng viết đơn gửi chính quyền tố cáo một huynh trưởng khác là …phản động. Trước sự chia rẽ của phong trào HĐ hiện nay, người chịu thiệt thòi nhiều nhứt chính là thế hệ các em thiếu niên, thiếu nhi trong nước; mất đi cơ hội được tiếp cận với một phương pháp giáo dục tiên tiến, những trò vui chơi bổ ích để rèn luyện nhân cách sống cao đẹp; nhất là trong tình hình đạo đức xã hội suy đồi, cái xấu cái ác lên ngôi, nội dung giáo dục nhà trường xơ cứng , giáo điều lạc hậu, xa rời thực tế …và các tổ chức Đoàn, Hội, Đội… trở thành một cơ quan công quyền, một công cụ để chính quyền quản lý, kiểm soát thanh thiếu niên chứ không phải là một tổ chức tự thân vận động vì lợi ích của chính các em. 

Một số Huynh trưởng còn tâm huyết với phong trào, không nỡ ngồi nhìn Hướng Đạo VN chìm đắm mới thành lập cái gọi là “Ban vận động tái lập Hội HĐVN” mà tác dụng thật không khác gì viên đá ném xuống ao bèo. Lại có trưởng hăng hái ngược Bắc, trở về với cái nôi của phong trào với hy vọng chim phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn nhưng than ôi, cây khế phương nam xum xuê trái ngọt khi đem trồng nơi đất bắc thì héo úa còi cọc do khác biệt thổ nhưỡng. Một số cựu huynh trưởng lại lánh vào trong khuôn viên các nhà thờ công giáo, hưởng “ ké” quy chế sinh hoạt đoàn thể tôn giáo được nhà nước cho phép, được lợi về mặt sinh hoạt công khai nhưng vô tình làm mất đi tính chất thế tục, nhân  gian của tôn chỉ HĐVN. Cuối cùng là nhóm nhỏ các huynh trưởng bị thôi thúc bởi lửa nhiệt tình HĐ, tự đứng ra thành lập các đơn vị Ấu, Thiếu, Kha , Tráng chơi riêng hoặc liên kết thành liên đoàn độc lập. Phải công nhận đó chính là những đốm lửa sáng soi chiếu đêm trường hay “lửa dặm đường” * giúp phong trào HĐ còn đứng vững được, nhưng các Trưởng phải tự thân bỏ ra công sức, tiền bạc, nhất là tấm lòng kiên định với điều luật thứ tám *, thật không dễ chút nào. Xin tung nón AAA* ba lần các Huynh trưởng với tấm lòng tri ân chân thành. Cầu chúc cho các Trưởng sức khỏe dồi dào để “vác ngà voi” lâu lâu.

Ít ai ( kể cả đa số cán bộ) biết rằng Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã công nhận quyền tự do lập hội từ lâu ( 1946) nhưng chưa cụ thể hóa chi tiết bằng các văn bản hướng dẫn như luật, nghị định, thông tư …nên tất cả đành chịu. Đó cũng là một đặc thù của nền chính trị VN hiện nay : dự thảo luật do các bộ ngành liên quan của chính phủ soạn thảo đệ trình Quốc hội thông qua chứ không phải do các nghị sĩ chuyên trách của Quốc hội soạn. Và khác với tất cả các nước trên thế giới, ở VN nếu đã thành Luật rồi mà chưa có văn bản dưới Luật hướng dẫn thì cũng chưa có giá trị thi hành. Thậm chí nhiều trường hợp Luật “mở” ra mà Nghị định, Thông tư, Chỉ thị … “đóng” lại thì cũng chào thua.  Tóm lại, nếu một dự thảo luật như Luật lập hội bị xếp vào diện “nhạy cảm” để có cớ lần khân tránh né từ năm này qua năm nọ thì quyền tự do lập hội trong Hiến pháp chỉ là vật trang trí mà thôi. Nhìn Sao Bắc Đẩu, HĐ Phật tử, HĐ Công Giáo ( còn gọi là Thiếu nhi Thánh thể ) sinh hoạt công khai, những tấm lòng còn nặng với phong trào HĐ không khỏi chua chát : những Bạch Mi giáo, Hải Sa bang, Thần Quyền môn … kia chỉ là biến tướng của Minh Giáo chính thống;  kế thừa những kỹ thuật chuyên môn, khả năng tổ chức sinh hoạt, vui chơi dã ngoại hoặc giáo dục nhân cách … chỉ là một phần của nội dung HĐ mà thôi. Ngày nào HĐ còn chưa được sinh hoạt công khai thì ngày ấy thế hệ các em thiếu niên còn chịu thiệt thòi, mất đi khả năng tiếp thu một phương pháp giáo dục vui tươi lành mạnh, nền tảng giáo dục dựa trên ba kiềng gia đình – nhà trường – xã hội mất đi sự phong phú đa dạng đáng ra vốn có. Ngay tại “ao làng” Đông Nam Á, đại hội HĐ các nước ASEAN diễn ra hai năm một lần ( chỉ có VN và Lào vắng mặt ), cùng ghi nhận sự hồi sinh ngoạn mục của HĐ Campuchia nhờ được HĐ Nhật và HĐ Pháp giúp đỡ.

Có người nói HĐ đã làm tròn bổn phận, đã chấm hết vai trò lịch sử của nó ( ý nói chức năng tập hợp thanh niên yêu nước, đóng góp nhân tài cho công cuộc kháng chiến giành độc lập ), nay nhà nước đã có đầy đủ các hội  như Hội Nông dân, Công Đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Thiếu niên tiền phong, Cựu chiến binh, Cựu giáo chức, Người cao tuổi, Chim Cá Hoa kiểng, Thể dục dưỡng sinh, Hội sưu tầm tem, Chơi xe cổ, Máy bay mô hình …phục vụ nhu cầu cho quần chúng mọi lứa tuổi, mọi thành phần từ em bé cho đến người sắp xuống lỗ, hà cớ gì cứ khăng khăng đòi tái lập HĐ. Xin thưa : cái phân biệt giữa một nhà nước độc tài hay dân chủ chính là người dân có được làm những gì mà nhà nước không cấm hay chỉ được làm những gì nhà nước cho phép mà thôi. Nếu bạn phỏng vấn con cá vàng trong bể hay con chim trong lồng, nó sẽ phát biểu vô cùng sung sướng, hạnh phúc vì được hoàn toàn làm những gì nó thích : đói được ăn no, khát được nước uống, không sợ chi kẻ thù hay mưa gió, bệnh tật … đời còn gì hơn. Nhưng hậu quả là vài trăm năm sau ( hay có thể ít hơn), con cá thoái hóa các vây mang vây đuôi, còn con chim thì không bay được nữa hoặc chân chỉ còn có …hai móng thôi.       

Kết cục của Cô Gái Đồ Long là nhân vật nữ hối lỗi, cải tà quy chính; còn nhân vật nam rũ bỏ quyền cao chức trọng “ Minh chủ võ lâm” để ngày ngày kẻ chân mày cho vợ yêu. Minh Giáo trở thành một lực lượng kháng Nguyên giành lại trung nguyên cho tộc Hán. Chu Nguyên Chương, giáo chủ Minh Giáo, trở thành anh hùng dân tộc, người khai sáng triều Minh trong lịch sử Trung Quốc. Vậy đó. Có bạn cắc cớ hỏi tôi, đoán thử hậu vận HĐVN sẽ ra sao ? Thưa : tôi đã ngoài 60 tuổi, sắp đi cắm trại với BP rồi * , cái gì biết thì nói là biết , cái gì không biết thì nói là không biết, ấy là biết vậy. Chỉ biết bắt chước Lỗ Tấn, lên gân chút chút để tỏ nỗi lòng :

Trợn mắt coi khinh nghìn Giám Đốc
Cúi đầu làm ngựa cưởi (cho) nhi đồng

( 31-1-2014)

Chú thích :

* Lửa dặm đường : Ngày xưa khách đi trên đường thiên lý khi trời chiều, sương sa hay tấp lại bên đường tìm đống lửa sưởi và trú qua đêm. Hình ảnh nhóm người xa lạ cùng quây quần bên ngọn lửa là hứng thú cho đoàn sinh HĐ sáng tạo nghi thức “ Lửa dặm đường”, quây quần trong đêm hơ ấm bên ngọn lửa và rủ rỉ rù rì bên nhau. Chính trong đêm “ lửa dặm đường” mà các em học hỏi được rất nhiều điều từ các Huynh Trưởng truyền cho. Có ai đi trại mà quên “ lửa dặm đường” thời thơ ấu.
* Điều luật thứ tám : Hướng Đạo Sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi.
* Tung nón : Một hình thức bộc lộ sự phấn khởi, thán phục trong các trò chơi tập thể.
* Đi cắm trại với BP : BP ( Baden Powell) là người sáng lập phong trào HĐ nước Anh và trên toàn thế giới. Đi cắm trại với BP nghĩa là rời bỏ cuộc chơi, nghĩa là …qua đời.