Saturday, May 31, 2014

ĐẠI VỆ CHÍ DỊ TÂN BIÊN

KIẾN HÀO
------------------------------------------------------------------

Lại nói về nước Vệ triều Sản năm thứ 69 đời Vệ Quý Vương. Kinh tế khốn khó, từ nông dân, công nhân đến dân nghèo chốn thị tứ đều phải lo chạy gạo hàng bữa , duy chỉ có bọn quan tham là no ấm, nhà cao càng cao, cửa rộng càng thêm rộng, ra sức vơ vét như sắp đến ngày tận thế bất kể liêm sĩ. Đến lúc dân tình oán thán, tiếng kêu rên vọng đến cửa cung khuyết, triều đình liệu thế không thể ngoảnh mặt làm ngơ, giả đui giả điếc được nữa, bèn ra một tờ chế cáo, một mặt kêu gọi toàn dân ra sức chống tham nhũng, một mặt hứa sẽ thẳng tay trừng trị bọn sâu dân mọt nước cho yên lòng dân. Tờ chế cáo vừa niêm yết chưa ráo mực, đùng một cái lại có tin từ biên cương truyền về: nước Tề xua quân xâm phạm sâu vào lãnh hải nước Vệ để đặt máy đo tìm khoáng sản quý dưới lòng biển. Triều đình Vệ tỏ ra hết sức lúng túng vì cùng một lúc vừa phải lo chống giặc nội xâm lẫn ngoại xâm.   

Có viên tú tài đất Đông Châu, nhân dịp đến kinh đô Triều Ca thăm thú nhân tình, thấy đám đông đang chen nhau xem bảng yết thị, bèn ghé vào coi thử. Xong, lui ra nén tiếng thở dài, xoay người định rảo bước. Bất chợt có kẻ nắm tay giử lại, kèm theo lời khẩn khoản: “Dám xin ngài thư thả cho tiện nhân có ít lời thưa gởi”. Nhìn kỹ cách ăn vận thì không phải công sai, cũng không ra vẻ quan chức, viên tú tài mới gật đầu, cùng bước vào trà quán đàm đạo.
Kẻ tiện  nhân :  
            - Khi nảy trộm thấy ngài xem xong bản cáo thị rồi thở dài lui gót, xin hỏi nguyên cớ ra sao ?
            - Sở dĩ ta không nén được tiếng thở dài, là vì quá bất bình trước những bọn bất lương mặt dạn mày dày, táng tận lương tâm, dùng xảo ngôn ngụy ngữ để lừa mị người dân, chứ không phải ta cố tình ra vẻ cao ngạo. Những kẻ đã từng đọc sách thánh hiền, cúi đầu ra vào cửa Khổng sân Trình, biết thế nào là nhân nghĩa thì không thể viết được những dòng chữ như trên. Con dại cái mang, bọn tham nhũng là sản phẩm của triều Sản, do vậy diệt tham nhũng là trách nhiệm của triều đình, hà cớ gì lại gán ghép trách nhiệm cho người dân thấp cổ bé miệng. Này, quan chi phụ mẫu, muốn giáo hóa người dân trước phải tu thân, tức rèn lại mình. Còn nếu thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Há miệng mắc quai, nay có quan Phủ nào trị được quan Huyện đâu, còn nói gì đến bọn hàng tổng hàm cửu phẩm, tha hồ tác yêu tác quái vì biết quan trên quan dưới đều là cá mè một lứa. Lá đơn tố cáo thưa vượt cấp còn chưa ráo mực, hôm sau đã nằm chình ình trên bàn bên bị. Còn có kẻ nào ngây thơ tin vào công lý, làm “ dân oan” về Triều Ca dốc lòng đội sớ mong có ngày ngữa mặt hưởng ơn mưa móc, than ôi kìa áo vá sứt bâu, quần thâm rũ bụi, lang thang lếch thếch như lũ ngạ quỹ xổng lên dương gian ngày rằm tháng bảy, tình cảnh hết sức bi thương không kể xiết. Ngươi có biết vì cớ làm sao không ?

            - Thưa, kẻ tiện nhân hết sức mong được nghe những lời vàng ngọc của ngài …

            - Thứ nhất, bọn sâu dân mọt nước cùng với bọn công sai đầu trâu mặt ngựa kia, dù có tham ô nhũng lạm làm mất lòng dân đến đâu, suy cho cùng cũng một mực trung thành với triều Sản, chính chúng là nanh vuốt của chế độ. Chế độ còn chúng còn. Diệt bọn chúng như lời trong bảng yết thị, hóa ra triều đình lại tự chặt tay mình ư ? Đem bọn khác thế vào, liệu có tốt hơn không? Cho nên ta nói, trừ khi thay đổi cơ chế cai trị như lòng dân mong mõi, hòng ngăn ngừa lòng tham từ trong trứng nước không cho phát tác, còn ngày nay hô hào chống tham nhũng có khác gì lấy cao dán trị ghẻ ngứa ngoài da để trị bịnh trong gan ruột. Thứ hai, bọn dân đen thấp cổ bé họng kia như vịt như gà mà đám quan lại nhung nhúc kia như diều như quạ. Thử hỏi lấy gì mà “chống” tham nhũng ? Chỉ có triều đình mới có khả năng chống tham nhũng bằng cách sửa đổi luật lệ nghiêm minh, không tạo cơ hội cho tham nhũng có đất sinh sôi nảy nở hoặc bãi bỏ những đặc quyền đặc lợi của bọn quan tham. Chứ như hiện nay chặt đầu kẻ này thì lại có kẻ khác thay thế ngay, có khi lại còn ăn bạo hơn kẻ trước, như trong dân gian có lời nói đùa : không biết bầu đình trưởng cho ai thì cứ bầu đại cho thằng mập, có khi nó ăn ít hơn thằng ốm. Thứ ba, nạn tham nhũng đã câu kết dày đặc từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên thành một mạng lưới, chứ có phải là hành vi đơn độc của một “con sâu” nào đâu. Tiền nhũng lạm chia năm xẻ bảy, làm sao đứa này xử đứa kia cho được ? Cho nên suy cho cùng, tham nhũng không phải là lượng nữa, mà đã phát triển thành chất, hay nói khác đi tham nhũng không phải là hiện tượng nữa mà đã thành bản chất của bọn quan lại triều Sản rồi ! Than ôi, không tham nhũng mới lạ. Nhà ngươi ở đất này đã lâu, có còn nhớ vụ lão chài trên sông Nhuệ hay không?

            - ?!!!

Nguyên sông Nhuệ vốn là hợp lưu của hai con sông nhánh trước khi đổ vào Hoàng Hà, nổi tiếng lắm tôm nhiều cá. Nhưng kể từ khi có bọn thương buôn mở xưởng ven sông chế biến món nước uống “tăng lực”, xổ nước thải ra sông làm ô uế cả một vùng , không còn cá tôm nào sống được, thậm chí mục đồng cũng không dám cho trâu bò uống thứ nước ấy. Đơn kiến nghị, tố cáo liên tục gởi đi các nơi nhưng không hề có phản hồi. Tức nước vỡ bờ, người dân quanh đấy bèn thừa đêm tối lấp đất chẹn ngang con mương dẫn nước thải ra sông. Sáng hôm sau, rùng rùng bọn công sai tay thước tay đao, cùng với bọn lính lệ mặt sắt đen xì hộ tống quan phủ, quan huyện cùng các quan hàng tổng hùng hổ đến hiện trường, đứng chống nạnh ngó nghiêng tìm hung thủ. Chợt thấy lão chài đang thả lưới giăng câu gần đó, chúng bèn hô lính bắt trói giải về tra khảo ép nhận tội “ phá hoại sản xuất”. Hôm sau, người nhà được gọi lên nhận xác vì ông lão đã “thắt cổ tự tận” trong nhà ngục ! Từ đấy không ai còn dám động đến bọn thương buôn ấy nữa, điền trang bọn quan lại lại mở rộng thêm vài dặm.

            - Thưa, còn cái vụ bọn người Tề mới đây vào lãnh hải của nước Vệ ta đặt máy đo tìm khoáng sản quý thì ngài thấy sao ạ ?

            - Hành vi ấy là hậu quả chứ không phải nguyên nhân, nói khác đi ấy là do chính sách của Vệ vương trước kia, dựa vào Tề mà thôn tính nước Quắc. Diệt được Quắc thì Vệ cũng chẳng mạnh lên bao nhiêu, mà lại lệ thuộc hoàn toàn vào Tề, như muốn cử ai làm Tể tướng, Thượng thư đều phải trình qua Tề vương xem xét, được đồng ý rồi mới dám ban bố, như vậy còn gì là chủ quyền nước độc lập nữa. Ngày trước Tề cậy mạnh lấn hiếp nước Tống thì Vệ ta cũng không lên tiếng ủng hộ ( Tống), đến khi Tề chiếm mấy đảo của Trịnh ngoài Đông Hải thì Vệ cũng làm thinh. Như vậy chuyện phải với người ta mà Vệ làm im ngậm miệng ăn tiền, tới lúc Vệ bị Tề uy hiếp thì ai hô hào cho mình. Tề là nước thâm độc, không thôn tính được Vệ thì lấn dần như tằm ăn lá dâu, từ đất biên giới đến ngoài hải đảo, vậy mà Vệ vương lại nói Tề là nước anh em, ăn ở với nhau như bát nước đầy, có gì đóng cửa cùng nhau giải quyết. Bây giờ Tề xâm phạm Vệ thì Tống, Trịnh, Sở, Yên, Tấn … đều bất động, nói : chuyện anh em chúng nó, để chúng nó đóng cửa giải quyết với nhau. Như vậy cái thế cô độc của Vệ hiện nay là chính do triều đình của Vệ tạo ra còn oán trách ai. Mà nếu có ai hô hào ủng hộ bằng cửa miệng thì Vệ cũng đừng có lấy thế làm mừng, chẳng qua là thủ thuật ngoại giao mà thôi. Chẳng ai cho lấy một hòn đạn đâu mà hòng. Bao năm theo giũ đuôi cho Tề, nay mới thấy chuốc lấy bao nhiêu là thù oán.

            - Nhưng người dân Vệ ta vốn có truyền thống chống ngoại xâm, ngày trước cha ông cũng từng thắng giặc mạnh với thế nước yếu hơn nhiều. Nếu cả nước Vệ đồng lòng thì có sợ gì bọn giặc Lâm Truy kia …

            - Mỗi thời mỗi khác, nay Tề là nước lớn , có nền kinh tế bá chủ Trung Nguyên nên sức mạnh quân sự cũng vì thế lớn theo. Trong khi Vệ là nước nhỏ, không may nằm sát cạnh kẻ ỷ mạnh hiếp yếu. Lại thêm mấy chục năm nay bọn quan tham nhũng bất lương ra sức bòn rút đã làm kinh tế Vệ suy kiệt lắm rồi, ví thử Vệ Vương có tỉnh ngộ, muốn lấy lại lòng tin của dân  mà tịch thu gia tài bọn chúng thì số tiền ấy may ra cũng chỉ đủ để đóng thêm mấy chiếc thuyền chiến con con, e rằng chưa ra khỏi lãnh hải thì đã bị thủy binh Tề bắn cháy tan xác. Bởi vì chúng cũng đã tính trước mà chuyển cả của chìm ra nước ngoài rồi. Huống chi việc xâm phạm lãnh hải của Vệ đã có thỏa thuận trước giữa hai triều đình. Nếu có phải đánh đổi một số đất đai lãnh hải cho Tề mà giữ được triều Sản cùng ngai vàng của Vệ Vương thì đương nhiên Vệ, Tề sẽ đồng tình vì cả hai bên cùng có lợi : bên có thêm đất thêm biển, bên có chỗ dựa làm thế ỷ dốc mà giữ nghiệp báu được trường tồn. Năm trước Vệ vương sang Tề hội minh, hai bên đã cắt máu ăn thề. Có ai ngờ khi ấy, Tề đã manh nha âm mưu xâm lấn Vệ. Thế mới thấy thủ đoạn thâm độc của Tề vương: một tay thò ra vẻ “ hữu hảo”, một tay giấu đao kiếm sau lưng. Như vậy nếu xét về bản chất lưu manh thì Vệ vương phải gọi Tề vương là thầy. Đầu tiên là chiếm đảo, sau đó đến cấm biển, tịch thu đâm chìm tàu cá và bắt giữ đánh đập ngư dân đòi tiền chuộc. Giờ là đến khoan đáy biển tìm khoáng sản quý. Sắp đến sẽ là lập vùng quản lý trên không trung, cấm các nước không được tự do thả diều ngoài Đông Hải để Tề thu tiền mãi lộ, tiến tới xây dựng bến cảng cho thủy binh Tề khống chế toàn bộ Đông Hải rồi cuối cùng ra tay chiếm nốt các đảo còn lại của Vệ. Đến khi đó thì bọn bán nước và cướp nước xem như hoàn thành nhiệm vụ (giai đoạn đầu). Bọn dân đen các ngươi nên biết rõ lộ trình ấy để khỏi bị bất ngờ mà manh động vì bức xúc, làm mồi cho bọn công sai có cớ trấn áp.

            - Nếu mọi sự đúng như lời ngài tiên đoán thì chẳng lẽ chúng ta khoanh tay ngồi nhìn nước Vệ mất dần vào tay ngoại nhân mà không chút phản kháng hay sao ? “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, mong ngài hãy dùng tuệ nhãn mà chỉ cho tiện nhân chút điểm sáng trong đêm đen…

            - Ngươi hãy cố mà nghe những lời giải thích của triều đình nước Vệ, nào là không sử dụng giải pháp quân sự mà tích cực thương thảo hòa bình trên cơ sở công ước Trung Nguyên về luật biển, nào là tranh thủ sự đồng tình của các nước chư hầu, lên án dã tâm xâm lược của Tề, nào là nghiêm trị những hành vi gây rối chống Tề trong nước, nào là giải quyết bất đồng với Tề trên cơ sở đàm phán song phương chứ không tham gia liên minh đa phương, nhất là tuyên bố mới đây của quan Thượng thư bộ binh cam kết sẽ không liên minh quân sự với bất cứ ai cho yên lòng Tề. Tất cả chỉ vì Vệ đã quá lệ thuộc vào Tề hầu như mọi mặt, từ chính trị cho đến kinh tế. Chỉ cần Tề đóng cửa biên giới là Vệ gặp khốn khó ngay. Thế của Vệ là thế yếu, lực của Vệ là lực bất tòng tâm, nói “yêu chuộng hòa bình” chỉ vì có đánh cũng không thắng được địch. Than ôi, vật cùng tắc biến,  cơ trời có phải chiều theo ý của bất cứ kẻ nào đâu. Thiên cơ bất khả lậu, nay cảm tạ cơ duyên gặp gỡ, chỉ khuyên ngươi “ dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Ý tại ngôn ngoại, mong ngươi hiểu cho.  
 

- Xin đa tạ.

------------