Tuesday, May 8, 2012

HẬN VONG QUỐC


KIẾN HÀO
  
Đồ Bàn vong quốc ca :

Thành Đồ Bàn hay Chà Bàn (Vijaya ) do vua Chiêm Harivarman II xây dựng cuối thế kỷ X sau khi kinh đô cũ là Indrapura bị quân đội Lê Hoàn của Đại Cồ Việt tấn công và phá hủy năm 982. Trải qua gần 800 năm tồn tại trong đó có 472 năm là  kinh đô Chăm Pa, Đồ Bàn trở thành mục tiêu bị đánh phá trong những cuộc chiến tranh giữa Chiêm Thành với các nước chung quanh như Xiêm La , Chân Lạp, Nguyên Mông nhưng nhiều nhất vẫn là với Đại Việt. Có thể ghi lại năm tháng diễn ra những trận đánh lớn mà kinh đô Đồ Bàn trở thành chiến địa như sau : 1044, 1069, 1074 chiến tranh với triều Lý của Đại Việt ; 1145, 1190 ( Chân Lạp); 1283 ( Nguyên Mông) ; 1252, 1312, 1377 ( triều Trần) ; 1313 ( Xiêm La) ; 1403 (  triều Hồ) ; 1446, 1471 ( Triều Lê ).

Lần sau cùng năm 1471, Đồ Bàn bị vua Lê Thánh Tôn của Đại Việt bao vây, triệt hạ và ra lịnh phá hủy . Sau trận đánh này , Chiêm Thành chỉ còn lại vùng đất ven biển từ phía nam đèo Cù Mông đến Phan Rang và bước vào thời kỳ suy tàn , đến năm 1691 thì vùng đất cuối cùng bị chúa Nguyễn Phúc Chu sát nhập hẳn vào Đại Việt lập thành phủ Bình Thuận [1].

Thành Đồ Bàn một thời gian dài  bị bỏ quên trong cảnh hoang phế, năm 1778 Nguyễn Nhạc xưng Trung Ương Hoàng Đế và cho tu sữa lại làm kinh đô triều Tây Sơn, nên còn gọi là thành Hoàng Đế. Năm 1799, Nguyễn Vương chiếm thành và đổi tên là thành Bình Định. Năm 1816, vua Gia Long cho phá bỏ thành, dời thủ phủ về Quy Nhơn ở phía nam. Cùng với Chiêm quốc, thành Đồ Bàn (Vijaya ) rơi dần vào quên lãng, đến nay chỉ còn là một phế tích thuộc xã Nhơn Hậu cách thành phố Quy Nhơn 27 km về hướng Bắc.

Trong quá khứ , cũng như các nước trong vùng Nam Á khác, vương quốc Chăm Pa từng chịu ảnh hưởng văn hóa và tôn giáo của Ấn Độ từ rất sớm. Trong lúc Đại Việt ( từ Hoành Sơn trở ra ) còn đang là một quận huyện của nhà Hán thì Chăm Pa đã giành được độc lập tự chủ . Một trùng hợp lịch sử là từ thế kỷ thứ XV đế quốc Angkor và vương quốc Chăm bắt đầu suy tàn , cũng là lúc Xiêm La và Đại Việt trở nên hai quốc gia hùng mạnh trong vùng Đông Nam Á.

Người đọc sử thường chỉ nhớ đến những trận đánh của Chế Bồng Nga ( Che Bonguar ) vào kinh đô Thăng Long của Đại Việt hay Chế Chí ( Jaya Indravarman IV ) vào kinh đô Khmer nhờ vào những đội hải thuyền hùng mạnh từng làm chủ vùng biển Đông Nam Á, xuống đến tận quần đảo Malacca chứ ít ai biết rằng Chăm Pa còn là một quốc gia có nền văn minh phát triển cao lúc đó so với các nước trong vùng, có ngôn ngữ chữ viết riêng, hình thành phong tục tập quán riêng cũng như tín ngưỡng Hindu từ rất sớm; một nền thương mãi hàng hải vươn ra xa tầm cỡ châu lục và trình độ tiểu thủ công nghiệp bậc cao như gốm sứ , thổ mộc, nhất là lĩnh vực đóng tàu thuyền.
  
 Nhớ về Chiêm Thành, cũng nhớ đến gương trung trinh tiết liệt của vương phi Chăm Mỵ Ê, một điểm sáng của bậc quần thoa biết hy sinh thân mình để giữ vẹn lòng trung với chúa và giữ trọn nghĩa phu thê [2], thiết nghĩ cũng xấu hổ thay cho Dương Vân Nga và Trần Thị Dung của Đại Việt là phường trốn chúa lộn chồng lại làm bậc mẫu nghi thiên hạ trong một quốc gia vốn vẫn đề cao lễ giáo [3].

Ngày nay, dân tộc Chăm là một trong những sắc dân thiểu số trong đại gia đình Việt Nam gồm 64 dân tộc, tập trung đông nhất ở Phan Rang và An Giang nhưng di tích cổ tháp Chăm hiện diện rải rác khắp từ Quảng Bình đến Nam Trung Bộ kể cả ở Tây Ninh. Nổi tiếng nhất là quần thể tháp Mỹ Sơn ( Duy Xuyên Quảng Nam ) được xây dựng trong thời kỳ hưng thịnh của vương quốc Chăm Pa, Tháp Bà ở Nha Trang, và các ngôi tháp còn sót lại trong thành Đồ Bàn .

Bài hát “ Hận Đồ Bàn ” thật bi thương, hùng tráng do nhạc sĩ Xuân Tiên sáng tác năm 1962 làm người nghe ngậm ngùi , tưởng nhớ đến một quốc gia Đông Nam Á hùng mạnh oanh liệt một thời, một dân tộc có nền thương mãi hàng hải phát triển và tiểu thủ công nghiệp thật tinh xảo, đã bị diệt vong dưới bao lớp sóng phế hưng chỉ vì sai lầm của các vì vua đã chọn chiến tranh làm quốc sách .

Lời bài hát “ Hận Đồ Bàn ” :

Rừng hoang vu!
Vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù
Ngàn gió ru
Muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù.
Vạc kêu sương!
Buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường.
Đèn đóm vương
Như bóng ai trong lúc đêm trường về.
Rừng trầm cô tịch
Đèo cao thác sâu
Đồi hoang suối reo
Hoang vắng cheo leo
Ngàn muôn tiếng âm
Tháng, năm buồn ngân...
Âm thầm hòa bài hận vong quốc ca.
Người xưa đâu?
Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu.
Lầu các đâu?
Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu.

 Đồ Bàn miền Trung đường về đây...
Máu như loang thắm chưa phai dấu
xương trắng sâu vùi khí hờn căm...khó tan.
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng xa xa tắp!
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga...
Vượt khơi

 Về kinh đô
Ngàn thớt voi uy hiếp quân giặc thù ...
Triền sóng xô
Muôn lớp quân Chiêm tiến như tràn bờ ...
Tiệc liên hoan
Nhạc tấu vang trên xứ thiêng Đồ Bàn
Dạ yến ban
Cung nữ dâng lên khúc ca Về Chàm.
Một thời oanh liệt
Người dân nước Chiêm
Lừng ghi chiến công
Vang khắp non sông.
Mộng kia dẫu tan.
Cuốn theo thời gian nhưng hồn ngàn đời còn theo nước non.
Người xưa đâu?
Mồ đắp cao nay đã sâu thành hào.
Lầu các đâu?
Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu

 Đồ Bàn miền Trung đường về đây...
Máu như loang thắm chưa phai dấu
xương trắng sâu vùi khí hờn căm...khó tan.
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng xa xa tắp !
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga...
Người xưa đâu?
Thuật Hoài – một bài thơ vong quốc thời Trần :

Cuộc kháng chiến chống quân Minh của vua tôi nhà hậu Trần dù thất bại nhưng tiết tháo của Trùng Quang Đế, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy vẫn là tấm gương yêu nước ngời sáng cho hậu thế . Một bài thơ rất nổi tiếng mà những ai yêu văn học sử nước nhà đều biết, đó là bài Thuật Hoài của Đặng Dung , “ một trong những áng hùng thi kiệt xuất của văn học dân tộc ”[4] . Lý Tử Tấn , một nhà thơ lớn của nước ta thời Lê sơ, có lời bình : “ Phi hào kiệt chi sĩ , bất năng ” ( Nếu không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể làm nổi bài thơ này ). Nay Kiến Hào xin mạo muội viết thêm : “ Phi vong quốc nô , bất cảm ” ( Nếu không phải kẻ chịu cảnh nước mất nhà tan không thể cảm thông hết được ).

Phiên âm :
Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phò địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

Dịch nghĩa
Việc đời dằng dặc mà tiếc thay tuổi đã già,
Trời đất rộng lớn cùng nhập vào cuộc say ca.
Thời cơ đến, bọn hàng thịt ( ngoài chợ ), bọn đi câu ( ngoài sông ) vẫn có thể thành công dễ dàng,
Lỡ vận, người anh hùng cũng phải uống nhiều tủi hận.
Phò vua, có lòng nâng trục đất,
Rửa binh khí, tiếc là không có lối kéo sông Ngân Hà xuống.
Nợ nước chưa đền mà đầu đã sớm bạc,
Bao phen, thanh gươm Long Tuyền đem mài dưới ánh trăng.

Dịch thơ :
Sự đời bề bộn , tiếc mình già,
Trời đất quay cuồng cuộc say ca.
Gặp thời, đồ điếu thành công dễ,
Lỡ vận anh hùng ngậm xót xa.
Phò chúa dốc lòng ghì địa trục,
Rửa gươm chẳng lối kéo Ngân Hà.
Nợ nước chưa đền, đầu đã bạc,
Gươm mài bao bận dưới trăng ngà. [5]

Hoài Lê vong quốc thi :

Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu
( Kiều )
Nhà ( Hậu ) Lê là vương triều Việt Nam có thời gian trị vì lâu nhứt trong lịch sử, kéo dài hơn 360 năm, kể từ vua Lê Lợi lên ngôi 1428  đến 1789 là năm vua Quang Trung đại thắng quân Thanh, đặt dấu chấm hết cho chế độ vua Lê – chúa Trịnh mục ruổng, thối nát. Dù ngay khi cai quản Bắc Hà, Tây Sơn đã có yết bảng chiêu an và cầu hiền nhưng đa số quan lại cựu trào nhà Lê vẫn còn giữ tấm lòng yêu mến vua xưa chúa cũ. Một số ít chạy theo vua và Thái hậu sang Tàu rồi gởi nắm xương tàn bên đó, còn lại đa số chọn thái độ bất hợp tác bằng cách lui về ở ẩn. Điều đó phù hợp với đạo lý thánh hiền ( tôi ngay không thờ hai chúa ) và lòng tự trọng của kẻ sĩ ( ơn vua lộc nước cao dày, hạt cơm của chúa còn dính kẻ răng ). Chỉ một số rất ít những kẻ cơ hội là các quan chức có tì vết dưới chế độ cũ mới ra hợp tác với chính quyền mới với vỏ bọc là “ thức thời” như Ngô Thời Nhiệm hay Phan Huy Ích [6]. Ngay cả thi hào Nguyễn Du cũng bị bắt giam ba tháng và bị “ quản chế ” tại gia ( Hà Tỉnh ) vì cái tội định “ vượt biên ” vào Nam theo chúa Nguyễn. Như vậy đủ hiểu tấm lòng hoài Lê của dân xứ Bắc sâu đậm đến nhường nào.
Hoàng Lê Nhất Thống Chí có nhắc đến những sự kiện liên quan đến giai đoạn này như sau : [7]
“…Lúc Nhậm thừa thắng kéo quân ra Bắc, như vào làng bỏ không, không một người nào dám chống cự. Nhậm có vẻ dương dương tự đắc. Kịp khi bắt sống được Nguyễn Hữu Chỉnh, Nhậm tự cho là uy vũ của mình đủ khiến người ta phải phục, khu xử việc Bắc hà không có gì khó. Khi nghe vua Lê chạy sang phía Bắc, nương tựa vào Nguyễn Trọng Linh, Nhậm liền tức tối gởi thư bắt buộc Linh phải đem vua Lê ra nộp. Nhậm lại cho đòi các người trong tôn thất và các quan văn võ phải đến cửa quân chờ hầu; thường dùng cách hất hàm, đưa mắt, dùng bộ điệu khí sắc để sai khiến mọi người mà chẳng ai dám làm gì. Thế nhưng rốt cuộc Nguyễn Trọng Linh vẫn không đến mà các viên quan có thế lực cũng chẳng ai tới…

Khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Nhậm chuyên quyền, cắt đặt lại quan chức cai trị các trấn, cử Lê Duy Cận làm Giám quốc thay vua Lê đang ẩn trốn trong dân, triệu tập các cựu thần triều Lê để an ủi vỗ về nhưng không một ai tin :

…Bắc Bình Vương tạm dùng lời nói ngọt để giá ngự chúng ta chứ không phải thật bụng. Văn Sở cầm quân ở đây, thì Sùng Nhượng Công làm gì mà có nước ? Hể cử động gì liền bị họ nắm lấy cánh ta, ông ấy còn làm được chi ?Ví như cây tầm gửi, bám vào cành cây khác, rễ không bén đất, sống lâu dài làm sao được ? Chúng ta, người nào có thể đi theo vua lo việc khôi phục thì đi đi, nếu không thì nên ẩn xa cho sạch mình, chớ để cho người ta lừa phỉnh mà rước lấy vạ …

Dù sau này nước nhà thống nhất ( 1802 ), các vua đầu triều Nguyễn có vời một số quan lại cựu trào ra giúp triều đình mới ( dĩ nhiên lý lịch phải sạch , không dính tới Tây Sơn NV) nhưng nổi niềm hoài Lê u uất , tiếc thương chúa cũ cùng với việc Thăng Long đổi làm Hà Thành, trung tâm văn hóa chính trị cả nước dời về phương nam ( Huế ) khiến giới sĩ phu , quan lại Bắc Hà được lưu dụng mang tâm trạng vừa tự ti vừa tự tôn như một nàng góa bụa nhà giàu tái giá. Điển hình là trường hợp của Nguyễn Du, qua những ghi chép của Sử quan triều Nguyễn [8] :

 Du người huyện Nghi Xuân , trấn Hà Tĩnh, là con Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, và là em Tham tụng Nguyễn Khản; Du là con nhà tướng, có văn tài sẵn khí tiết, không chịu theo giặc. Gia Long sơ , bổ làm tri phủ Thường Tín, rồi  vì ốm xin cáo từ; Năm ( Gia Long ) thứ ba, triệu bổ Đông các học sĩ; năm thứ tám ra làm Cai bạ Quảng Bình, trị dân có chính tích; năm thứ 12, thăng Cần chính điện học sĩ, sung Chánh sứ sang nước Thanh tuế cống, đến khi về, thăng Hữu Tham tri bộ Lễ [9]. Minh Mạng năm thứ 1, lại có mệnh đi sứ, chưa đi thì chết.   
Thánh Tổ Nhân Hoàng đế rất tiếc, cho 20 lạng bạc, hai cây gấm Tàu, khi đưa tang về cho thêm 300 quan tiền. Du là người ngạo nghễ tự phụ, mà bề ngoài tỏ ra kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến có vẽ sợ hãi như không nói được. Vua thường bảo rằng :” Nhà nước dùng người, chỉ cần người hiền, vốn không phân biệt Nam Bắc, ngươi cùng với Ngô Vị đã được đối đãi hậu, làm quan đến bậc Á khanh, nên biết thì phải nói để hết chức phận, khá nên do dự rụt rè chỉ cốt dạ vâng làm gì ”.
Du rất giỏi về thơ, làm thơ quốc âm rất hay, khi sang sứ nước Thanh về, có tập thơ”Bắc hành” và truyện “Thúy Kiều” lưu hành ở đời. Du trước vì gia thế làm quan nhà Lê, gặp loạn Tây Sơn không có chí lại ra giúp đời nữa, còn tự ý đi chơi săn bắn núi Hồng Sơn 99 ngọn, vết chân hầu khắp. Khi bị lệnh triệu không thể từ được mới ra làm quan, thường phải chịu khuất với cấp trên, lấy làm uất ức bất đắc chí. Đến khi bệnh kịch, không chịu uống thuốc, sai người nhà mở duỗi chân tay, nói đã lạnh cả, Du bảo rằng :”Tốt”, nói xong thì chết, không nói một câu nào đến việc sau khi chết….  

Một nhân vật “hoài Lê” khác, một nữ sĩ cũng nức tiếng văn chương, dân Hà Thành chánh gốc là Bà Huyện Thanh Quan với những bài thơ hoài cổ, chan chứa nỗi thương nước ( cũ ) nhớ nhà ( xưa ) khiến người đọc xiết bao ngậm ngùi thương cảm. Buồn nhưng không bi lụy , thất vọng nhưng không oán thán; mượn cảnh để tỏ nổi lòng, những bài thơ nôm của nữ sĩ Thanh Quan đều bất hủ với thời gian và không một ai không khâm phục[10]. Bà từng được vua Minh Mạng biết tiếng , mời vào kinh đô Huế làm Cung trung giáo tập, dạy các cung phi và công chúa.


THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

QUA ĐÈO NGANG
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại : trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

CHÙA TRẤN BẮC
Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu,
Khách đi qua đó chạnh niềm đau.
Mấy tòa sen rớt mùi hương ngự,
Năm thức mây phong nếp áo chầu.
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn,
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá ?
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu.

CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn.
Gác mái ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn chương đài người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nổi hàn ôn ?

   
LỜI BÀN CỦA KIẾN HÀO :

Than ôi , lẽ đời cực thịnh đến suy, hết hưng tới bỉ, có phải bao giờ chính nghĩa cũng thắng gian tà đâu, nếu phải thế thì rợ Mông kia ngồi trên lưng ngựa mà chiếm Trung Nguyên cả trăm năm để giải phóng cái gì ? Một dúm bọn rợ Mãn nhân danh cái gì mà khai hóa Hán tộc suốt ba trăm năm lịch sử ? Dẫu tống cựu nghinh tân, đổi xấu lấy tốt là quy luật của tạo hóa, cơ trời đã định nhưng lẽ thường tình đứng trước cảnh ruộng dâu bể muối mấy ai không nảy lòng thương cảm. Đó chính là sự phân biệt giữa con người và cỏ cây muông thú.

Để đánh đổ cái cũ dựng lên cái mới, có thế lực nào mà không nhân danh những điều tốt đẹp để lấy lòng dân và huy động sức người sức của. Đánh giá công tội tốt xấu một vương triều, tưởng chỉ nên xét hành trạng lúc cầm quyền, có xem “ dân vi quý , xã tắc thứ chi , quân vi khinh ” hay không, hay đến lúc cầm quyền rồi thì dùng định chế hà khắc để trói buộc, coi người dân như một dạng tài nguyên để khai thác, lợi dụng quyền hành mà vơ vét của cải, có khác chi cùng một giuộc với bọn ăn cướp. Bản chất thì giống nhau, chỉ khác cái bề ngoài mà thôi !
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
( Tháng 4 – 2012 )

     
GHI CHÚ :
[1] :      Đại Nam Liệt truyện - tập 2- chính biên - sơ tập - quyển 33
            NXB Thuận Hóa – 2005
[2] :      Năm 1044 vua Lý Thái Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, giết vua Chiêm là Sạ Đẩu, tịch thu rất nhiều của cải, voi ngựa và cung nữ đem về, trong số có vương phi Mỵ Ê . Khi xa giá về về đến sông Lý Nhân Hà Nam, Thái Tông cho đòi Mỵ Ê sang chầu bên thuyền ngự. Mỵ Ê giữ tiết không chịu, quấn chiên quấn quanh người rồi lăn xuống sông mà tự tử.
[3] :      Dương thị là hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng, khi vua bị thích khách giết chết con là Đinh Toàn lên nối ngôi khi mới 6 tuổi, Dương thị được tôn làm Thái Hậu .  Dương thị tư thông với tướng Lê Hoàn từ trước khi Hoàn soán ngôi lập nên triều ( Tiền ) Lê, sau được Hoàn lập làm Hoàng Hậu . Mặc dù Lê Hoàn có công đánh thắng giặc Tống xâm lược, giữ vững nền độc lập tự chủ còn non trẻ của nước nhà nhưng quan điểm người chép sử là công tội phải rạch ròi phân minh, sử quan các triều sau đều nghiêm khắc phê phán Dương thị dâm loàn. Do tạo nghiệp ác nên họ Lê chỉ truyền được 3 đời thì dứt , anh em tranh giành chém giết lẫn nhau và vua Ngọa triều Lê Long Đỉnh là một tên vua cùng hung cực ác. Mới hay gieo nhân nào gặt quả ấy là vậy. Họ Lý ( Lý Công Uẩn ) làm vua là điều hợp với ý trời lòng dân.
            Trần Thị Dung là vợ ngoại hôn của vua Lý Huệ Tông. Do không có con trai nối dõi nên Huệ Tông bị quyền thần Trần Thủ Độ ép phải nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng, lại sắp đặt cho vua lấy cháu là Trần Cảnh. Sau khi Huệ Tông bị bức tử, Trần Thị Dung về làm vợ Trần Thủ Độ, hai người là chị em chú bác ruột . Giống như Lê Hoàn, Trần Thủ Độ dù có hành vi tàn độc với tôn thất họ Lý nhưng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, giữ vững nền độc lập tự chủ nước nhà. Sau này bị họ Trần bị họa ngoại thích, mất nghiệp vào tay  họ Hồ âu cũng là quả báo vậy.  
[4]:       Nguyễn Khắc Thuần – Việt sử giai thoại – NXB Giáo Dục 2007
[5]:       Phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ của Nguyễn Khắc Thuần , sách đã dẫn.   
[6] :      Ngô Thời Nhiệm ( có sách ghi Ngô Thì Nhậm ) làm quan dưới triều vua Lê – chúa Trịnh . Do có công cáo giác vụ mưu phản của Thế tử Trịnh Tông nên được thăng Hữu thị lang bộ Công. Sau vụ kiêu binh làm binh biến đưa Trịnh Tông lên ngôi chúa, Nhiệm bị phế hết các chức quan , phải trốn tránh trong dân.
            Phan Huy Ích là văn quan nhưng chúa Trịnh lại cử đem quân chống lại Nguyễn Hữu Chỉnh . Ích đánh thua , bị Chỉnh bắt giam. Khi Tây Sơn ra Bắc diệt Chỉnh, Ích cùng với Nhiệm là những người ra cộng tác với Tây Sơn sớm nhất.
[7] :      Hoàng Lê nhất thống chí , NXB Văn học 2006, trang 281
[8] :      Đại Nam liệt truyện – Quyển 20 - NXB Thuận Hóa 2006
[9] :      Tương đương Thứ trưởng Bộ Văn Hóa bây giờ.
[10]      Kiều Văn – Thi ca Việt nam chọn lọc – NXB Đồng Nai 2009