Thursday, April 28, 2011

FIRST LADY

LATHIEWS

Gia đình Ngô Đình Nhu trên đỉnh cao quyền lực

Ngày 24 tháng 4 năm 2011, báo chí đăng tin bà Trần Lệ Xuân, phu nhân của ông Ngô Đình Nhu, cố vấn Tổng thống VNCH và cũng được nhiều người biết đến như là vị Đệ nhất phu nhân nổi tiếng một thời , đã qua đời tại một bệnh viện ở Roma ( Ý)  vào ngày chủ nhật Lễ Phục Sinh, thọ 87 tuổi.

Bà Nhu là một nhân vật đặc biệt của chính thể Đệ nhất Cộng hòa, xuất hiện vào một giai đoạn đặc biệt của lịch sử mà cuộc đời hoạt động chính trị sôi nổi tạo ra nhiều nhận xét trái chiều, nhất là vai trò của bà trong cái gọi là đàn áp Phật giáo năm 1963, một vụ phản kháng bạo động mang màu sắc tôn giáo làm suy yếu chính thể và tạo bất ổn xã hội. Ngày nay nhìn lại quá khứ, nếu trách một bộ phận Phật Giáo cực đoan đã lạm dụng dân chủ để gây rối loạn thì cũng phải công tâm nhìn nhận bà Nhu đã có những lời lẽ xúc phạm đến Phật Giáo, một tôn giáo chiếm đa số trong dân chúng miền Nam lúc đó, gây bất mãn và ngộ nhận chính quyền kỳ thị tôn giáo [1]. Nhắc tới bà , mọi người nhớ tới những phát ngôn quá khích, thiếu kiềm chế như đổ thêm dầu vào lửa , những lời nói gây ra tác hại không nhỏ, được đối phương trong nước lợi dụng kích động gây chia rẽ tôn giáo sâu sắc, và dư luận phản chiến bên Mỹ vồ vập lấy như bắt được vàng, khiến anh chồng và chồng của bà lãnh đủ. Đó là những phát biểu của bà sau vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, đầy khiêu khích và mang tính mạ lỵ công khai, những lời nói không cân nhắc lợi hại tự làm suy yếu mình và tăng thêm sức mạnh cho đối phương [2].

Thật ra, không phải tất cả những phát ngôn của bà đều là thiếu chín chắn, võ đoán, úp chụp mà đều có thể hiện một phần sự thật, nhưng với một phụ nữ thiếu kinh nghiệm chính trường , không có cái khôn khéo giảo hoạt của một người làm chính trị , lại là một đệ nhất phu nhân của một nước, nên vô hình trung những lời nói sơ hở của bà chính là gậy ông đập lưng ông cho chế độ. Như trường hợp Hòa thượng Thích Trí Quang, người cổ xúy cho việc đem bàn thờ Phật xuống đường biểu tình chống chính quyền đàn áp tôn giáo, sau 1975 đã lộ nguyên hình là một người hoạt động chính trị đội lốt nhà sư, gây bất ổn để phục vụ cho mưu đồ riêng tư , đã bị bà vạch mặt chỉ tên “ sư hổ mang” ngay từ đầu [3].

Dù có thù ghét bà Nhu đến đâu thì người ta cũng không thể xóa bỏ công lao đóng góp của bà cho sự ra đời của Luật hôn nhân thời Đệ nhất Cộng Hòa, một đạo luật tiến bộ xóa bỏ tàn tích đa thê từ thời thực dân Pháp để lại hay Luật cấm nhà chứa, cờ bạc và hút á phiện. Những ai đã sống trải qua nhiều chế độ tại miền Nam, có dịp đối chiếu so sánh đều nhận thấy dưới thời Đệ nhất Cộng hòa nhất là những năm đầu, kỷ cương phép nước nghiêm minh, kinh tế vững vàng, bộ máy công quyền trong sạch, văn hóa giáo dục lành mạnh, quan hệ giao tiếp ngoài cộng đồng văn minh lịch sự, nói chung đời sống vật chất và tinh thần đều thấm nhuần đạo lý tình người. Trong khu vực Đông Nam Á , vị thế của Việt Nam ( miền Nam ) cao hơn nhiều so với Thái Lan , Philippine hay Cambodia . Con người ít biết đến giả trá  lừa lọc, các giá trị nhân văn truyền thống trong gia đình , nhà trường, xã hội đều được phát huy và tôn trọng. Sân trường không nghe tiếng chửi thề, rạp hát không thấy cảnh bỏ chân gát lên lưng ghế trước , tắt thuốc và đứng nghiêm khi chào quốc kỳ, mọi người đều tự giác chấp hành luật đi đường, gia đình có người đi tù là một nổi nhục…

Dù chỉ là đưa tin về cái chết của một người đã sống ẩn dật hơn nữa thế kỷ nhưng theo thói quen tuyên truyền, một bài báo [4] cũng không quên xới lại chuyện cũ , rằng năm 1956 bà Nhu sở hữu khối tài sản khổng lồ lên tới 18 tỷ USD, phần lớn gởi trong các ngân hàng nước ngoài (!) . Dĩ nhiên không ai tin rằng bà Nhu không tham nhũng , nhưng nhiều khi cường điệu hóa một sự việc lại có phản tác dụng vì người đọc sẽ nhận thấy sự vô lý do dụng ý không khách quan, ác cảm của người viết , làm sao trong có hai năm 1954-1955 mà vợ chồng bà Nhu lại có thể tom góp 18 tỷ đô la từ tham nhũng , buôn lậu và cắt xén viện trợ Mỹ được ?

Quyển “ Trần Lệ Xuân , giấc mộng chính trường” của Lý Nhân Phan Thứ Lang do nhà xuất bản Công An nhân dân phát hành năm 2005 có nói về cuộc sống của gia đình bà Nhu thời kỳ này như sau : “…đến năm 1952, gia đình Nhu kiệt quệ tài chánh, đến nỗi hàng ngày Lệ Xuân phải đi xe đạp ra chợ ( Đà Lạt – NV) mua từng bó rau, từng lạng thịt về ăn mỗi bữa. Theo lời gia nhân của Lệ Xuân kể lại, bà ta đành phải tháo chiếc vòng vàng đeo ở cổ từ ngày cưới bán lấy tiền độ nhật; Nhu thì còn độc nhất bộ quần áo sơ-mi cộc tay, và quần gabardin…”. Tháng 6 năm 1954, Ngô Đình Diệm được Quốc trưởng Bảo Đại mời ra làm Thủ tướng, cũng quyển sách trên nói về cuộc sống của bà Nhu như sau : “…trong thời gian này vợ chồng Ngô Đình Nhu vẫn chưa có vị trí xứng đáng đối với Diệm. Cả hai vợ chồng ở nhờ tại một dưỡng đường tư của bác sĩ Cao Xuân Cẩm ( anh ruột Cao Xuân Vỹ ) mang tên Saint Pierre nằm trên đường Armand Rousseau ( nay là đường Nguyễn Văn Tráng ) , hàng ngày Nhu từ đó vào dinh Độc Lập bàn bạc với Diệm kế hoạch chống Hinh và Bảy Viễn…”. Vậy đó , vậy mà chỉ hai năm sau , không biết vợ chồng bà Nhu tham ô nhũng lạm ra sao mà sở hữu khối tài sản lên đến 18 tỷ USD ? Hay suy bụng ta ra bụng người chăng ? Thời đó , trúng số độc đắc chỉ có 1 triệu đồng là thành triệu phú thứ thiệt, mỗi chiều cứ nghe Trần Văn Trạch hát trên radio là ai cũng nghe nao nao : “ Xổ số kiến thiết quốc gia mong ở lòng ta sẽ giúp bao người làm nên cửa nhà…triệu phú đến nơi năm mười đồng thôi mua lấy xe nhà giàu sang mấy hồi…”. Cũng kèm theo bài báo trên là mấy tấm hình chụp biệt thự Hồng Ngọc , Bạch Ngọc, Lam Ngọc của bà trước kia ở Đà Lạt nay đã là tài sản quốc doanh và đã được trùng tu, với lời chú thích là “ xa hoa, tráng lệ ” . Trời đất , nếu vậy thì phải gọi hàng chục ngàn cái biệt thự hoành tráng của các vị đầy tớ nhân dân khắp nước hiện nay là gì nhỉ ?    

Trong một bài báo khác, của Ngọc Lan đăng trên báo Người Việt và được trang web Diễn đàn thế kỷ đăng lại  [5], ông Trương Phú Thứ là người chịu trách nhiệm biên tập và xuất bản quyển hồi ký của bà Nhu sau này, cho biết bà không hề nói về những tư tưởng hận thù, những lời nói động chạm, hay nặng nề đến những người đã làm đảo chánh, lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm và giết chết chồng bà, cố vấn Ngô Đình Nhu,  đều không được nhắc đến trong hồi ký. Có lẽ ông Thứ ngụ ý muốn nói đến đại tướng Dương Văn Minh, một vị tướng mà cuộc đời binh nghiệp luôn gắn liền với chữ “ phản”, về cuối đời sống chui lủi trên đất Mỹ không dám xuất hiện nơi công cộng vì sợ dân Mỹ gốc Việt đòi nợ.

Cuộc sống ẩn cư , an nhiên tự tại của bà Nhu ở Paris sau khi rời bỏ nước Mỹ , nhất là tư cách nghiêm cẩn của bà trong cuộc sống riêng tư và sùng đạo khiến những kẻ lắm điều , chuyên nghề moi móc phỉ báng không có cơ hội đặt điều, bôi bẩn. Đó chính là câu trả lời chính xác nhất cho những hoài nghi về nhân cách của bà , những lời thêu dệt về chuyện tình của bà với tướng phản trắc Trần văn Đôn, chuyện chiếc áo dài cổ thuyền cách tân, chuyện pho tượng hai Bà Trưng ở bến Bạch Đằng, những cánh rừng giá tỵ, sao dầu và đường mòn chở gỗ mang tên Trần Lệ Xuân ở miền Đông .v..v
Dù sao thì bà cũng còn may mắn hơn chồng, vì bà thanh thản về nước Chúa với đông đủ con cháu vây quanh , dư luận cũng công tâm hơn khi nhận xét về bà , khi mà lớp hỏa mù lịch sử bao quanh con người này đã tan đi , trừ một số nhận định thiếu khách quan , cay cú, hằn học thể hiện những quan điểm hẹp hòi đi ngược với truyền thống hòa giải dân tộc. Cay cú hằn học ngay cả với những người đã chết.

Ngôi mộ của ông Ngô Đình Nhu tại Lái Thiêu-Bình Dương ( 2011)


(4-2011)

Chú thích :
[1] Xem Trần Lệ Xuân , Wikipedia tiếng Việt.
[2] “ Phật tử đã nướng thịt sư của họ ( tiếng Pháp : rôti ) sau khi đã đánh thuốc mê ông ta. Nướng thịt người như vậy mà cũng không có nhiên liệu tự túc, chúng phải dùng xăng của Mỹ”. Trích trong “ Trần Lệ Xuân, giấc mộng chính trường”, trang 153.
[3] “ chúng ta không thể khuất phục và chìu ý mấy  tay nhà tu làm loạn do CIA giật dây. Nếu vị nào chân tu ta vẫn kính trọng và giúp đỡ, còn ông nào làm loạn ta nhốt cổ lại”, Sđd trang 144

Thursday, April 21, 2011

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI

Lathiews
  Ảnh 1 : Khai thác than của TKV
 1.     Từ TKV …
KẾT LUẬN THANH TRA
          Tháng 3 năm 2011, Thanh tra Nhà nước đã công bố kết quả thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam ( TKV) trong đó nêu lên sai sót chủ yếu tập trung ở ba vấn đề lớn : Hạch toán thiếusai quy định các khoản chịu thuế dẫn tới thất thoát hơn 200 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước ; thứ hai là khai thác, vận chuyển than mà chưa có giấy phép khai thác,  buông lỏng quản lý việc tiêu thụ than dẫn tới xuất lậu than; lỗi thứ ba là chưa tuân thủ đầy đủ về bảo vệ môi trường.
Theo Phạm Huyền , tác giả bài viết trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ( Vef.vn), con số hơn 200 tỷ đồng thuế phải truy thu của TKV bắt nguồn từ việc bỏ sót các khoản thu nhập phải chịu thuế, vi phạm quy định trong quản lý tài chính , kế toán…Ví dụ như năm 2009, TKV đã nhận một khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng mua than từ khách hàng ICC trị giá tới 1,05 triệu USD tức hơn 18,679 tỷ đồng với mức thuế thu nhập doanh nghiệp đáng lẽ phải nộp là hơn 4,66 tỷ đồng ( 25%) , nhưng do TKV không đưa vào hạch toán khoản thu này nên ngân sách đã bị thất thu. Hay như khoản chi phí 8,2 tỷ đồng của kỳ kinh doanh năm trước, nay mới phát hiện bị bỏ sót và bèn … ghi vào kỳ kinh doanh này. Nhưng ngoạn mục nhất là số dư trị giá 570 tỷ đồng tại 5 quỹ của TKV, khoản thu nhập này bị bỏ ra ngoài kết quả sản xuất kinh doanh nên nhà nước mất đi một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp là 142,72 tỷ đồng ( khoảng 6,8 triệu USD ) .
     Cũng theo kết luận thanh tra, TKV đã có một số vi phạm trong quá trình tổ chức , khai thác, vận chuyễn than như 16 điểm vỉa mỏ đang khai thác mà chưa có giấy phép khai thác, giao cho 21 đơn vị bên ngoài tập đoàn thực hiện tất cả các công đoạn khai thác than, kể cả việc vận chuyển than ra khỏi khai trường trong khi quy định trong ngành là cấm. Vì quản lý không chặt chẽ nên TKV đã để xảy ra tình trạng thất thoát than rất lớn ; móc ngoặc gian lận trong kê khai về số lượng , chủng loại than xuất khẩu làm lãng phí tài nguyên quốc gia và thiệt hại ngân sách nhà nước.
     Cuối cùng là những vi phạm về Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường : TKV cho phép một số đơn vị thành viên như CT Than Hạ Long, CT Than Uông Bí, Quang Hanh , Mạo Khê, Khe Chàm, Hà Ráng…khai thác lộ thiên những vỉa mỏ đáng ra phải khai thác hầm lò để bảo vệ lớp đất mặt . Nguyên nhân vi phạm rất dễ hiểu : chi phí khai thác lộ thiên rẻ hơn nhiều so với phương pháp hầm lò , nhưng tác hại hủy hoại môi trường rất lớn và kéo dài , dù sau này có hoàn thổ khi kết thúc quá trình khai thác thì nơi đó vẫn chỉ là một vùng đất chết.  

Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC

          Trong bản giải trình gởi Thủ tướng , tân TGĐ Lê Minh Chuẩn không thừa nhận TKV làm thất thoát 200 tỷ mà lý do chủ yếu là do “ khách quan ” (!). Cụ thể giấy báo Có của ngân hàng không ghi nội dung khoản thu nên kế toán hạch toán nhầm là khoản thu tiền hàng thay vì là khoản thu tiền phạt bồi thường vi phạm hợp đồng.  Hay như khoản chi phí phát sinh 8,2 tỷ đồng là chi phí của kỳ trước ( năm trước) nhưng do bị bỏ sót , không đưa vào để xác định kết quả kinh doanh nên đưa bù vào kỳ này. Còn số tiền trong 5 quỹ không phải là TKV dấu thu nhập để trốn thuế mà do trước đó thanh tra Bộ Tài chính đã không bắt buộc TKV phải kết chuyễn sang lãi. 
          Ông Chuẩn cũng cho biết đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc nộp lại hơn 200 tỷ đồng tiền thuế bị truy thu, nghĩa là TKV đã thừa nhận những sai phạm kể trên, bản giải trình chỉ là để biện minh đổ tội sang cho “thằng” khách quan chứ không phải tại “thằng” chủ quan.
          Ông còn hết sức tự tin khi nhận xét về đợt thanh tra vừa qua : “ Làm doanh nghiệp , việc thanh tra kiểm tra của cơ quan nhà nước là vấn đề bình thường. Qua thanh tra , giúp cho tập đoàn chấn chỉnh công tác quản lý là điều tốt (!). Không phải cứ thanh tra là có tội. Vì thế khi tại doanh nghiệp có những việc chưa chuẩn , Thanh tra hướng dẫn để tập đoàn thực hiện cho đúng , tốt hơn.” Có điều ông không nói là nếu không có đợt thanh tra vừa rồi thì số tiền 200 tỷ kia ( có người nói nếu là kiểm toán vào cuộc thì sẽ không phải là 200 ) ngân sách có thu lại được không ? Ai chịu trách nhiệm thất thoát trước dân vì đó là số tiền của người dân ? Trong lúc đó , chỉ vì không khai báo thu nhập cho thuê căn phố mà blogger Điếu Cày Nguyễn Vũ Hải bị quy tội trốn thuế thu nhập, bỏ tù hai năm rưởi đến nay chưa thả. Đâu có chuyện “chấn chỉnh” với “hướng dẫn” như lời vị TGĐ của TKV.         
SỰ THỰC RA SAO ? 
          1.Bài học vỡ lòng cho các học viên kế toán là số liệu ghi chép vào sổ sách phải tuân thủ nguyên tắc chính xác , kịp thời, đầy đủ và hợp lý. Nói theo ngôn ngữ kế toán là việc ghi chép dùng để xác định chi phí và doanh thu để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ . Chi phí kỳ nào thì có doanh thu tương ứng của kỳ đó, và nhà nước mà đại diện là cơ quan Thuế ấn định khoảng thuế thu nhập phải nộp căn cứ vào thu nhập của doanh nghiệp. Một em bé học chưa hết Tiểu học cũng biết rằng muốn tìm tiền lời em lấy tiền bán trừ tiền mua ( vốn). Và cũng đâu có chuyện xí quên , hôm trước tính lộn hôm nay tính…lại. Hoặc là vị TGĐ này không rành về kế toán nên ngộ nhận , hoặc là bộ phận kế toán của TKV quá yếu về nghiệp vụ. Hoặc cả hai. Có thể đối với TKV , 8,2 tỷ đồng là một số tiền không lớn và việc bỏ sót là việc nhỏ , nhưng với một cơ sở tư nhân quy mô loại nhỏ hoặc vừa thì đó là một số tiền rất lớn, khoảng sai sót này là không thể chấp nhận được và nhân viên kế toán bị cho nghĩ việc là cái chắc. Việc Thanh tra nhà nước xuất toán khoảng chi phí kỳ trước ra khỏi kỳ kinh doanh kỳ sau là đúng theo Luật kế toán và các Chuẩn mực kế toán hiện hành, chứ không phải như ngài TGĐ lập luận rằng : “ …vì kỳ trước chưa hạch toán nên phải được tính vào chi phí kỳ sau và ngược lại nếu phải loại trừ khỏi kỳ sau thì phải được tính vào kỳ trước khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp ..”.  Đó là lý do tại sao những ngày cuối năm , kế toán có trách nhiệm thường phải làm việc quên ăn quên ngũ để tập hợp đầy đủ số liệu về chi phí , doanh thu trong năm để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ . Xin dành cho bạn đọc , nhất là những người am tường về nghiệp vụ kế toán đánh giá trình độ chuyên môn của bộ sậu TKV.  
          2. Giấy báo Có của ngân hàng có thể không ghi nội dung khoản thu nhưng bất cứ một nhân viên kế toán nào cũng biết yêu cầu ngân hàng cung cấp Tờ kê chi tiết để biết nội dung mà ghi chép vào sổ sách ( ở trường hợp này là tài khoản 112 Tiền gửi ngân hàng) , chỉ cần một tờ fax là xong. Huống chi TKV là một tập đoàn lớn cơ đấy. Thứ hai là hệ thống tài khoản kế toán Việt Nam là hệ thống kế toán kép, một nghiệp vụ kinh tế phát sinh được ghi đồng thời trên hai tài khoản tương ứng , nên khó có chuyện ghi nhầm. Theo lời giải trình của người đứng đầu TKV cho Thủ tướng, khi nhận được giấy báo Có từ ngân hàng , kế toán TKV đã ghi nhầm như sau :
Nợ TK 112 : Tiền gởi ngân hàng
                    Có TK 131 : Phải thu của khách hàng 
Thay vì đúng ra anh ( chị ) ta phải ghi như sau : 
Nợ TK 112 : Tiền gởi ngân hàng
                    Có TK 711 : thu nhập khác 
Đến đây thì ta thấy lòi ra cái đuôi vô lý là nếu không biết nội dung giấy báo Có của ngân hàng thì làm sao biết là số tiền đó là của ai mà hạch toán , mà ghi vào sổ sách theo dõi TK 131. Chẳng lẽ kế toán “ phang ” đại vô là tiền của anh A , chị B, ông C nào đó trả tiền mua than ? Cho nên chỉ có thể kết luận như Thanh tra nhà nước là TKV cố tình dấu khoản thu nhập này . Đã bị bắt quả tang cố tình gian dối mà còn lấp liếm chạy tội, định qua mặt Thủ tướng nữa chứ.
          3. Cuối cùng là việc không kết chuyễn số tiền 5 quỹ là 570 tỷ đồng sang TK 911 Xác định kết quả kinh doanh , nhằm tránh chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 25% là 142,72 tỷ đồng. Đây là một hành vi trốn thuế, vi phạm Luật kế toán rõ ràng mà đáng ra TKV phải chịu chế tài rất nặng. Dù TKV có biện bạch rằng thanh tra Bộ Tài chính trước đó đã kiểm tra và đã không đề nghị kết chuyển số dư sang lãi , nhưng chỉ đạo của Bộ Tài chính làm sao có hiệu lực cao hơn Luật kế toán được ?       
2 . …liên hệ lại về Vinashin


Ảnh 2 : Con tàu Vinashin 

Cuối năm 2010 , Vinashin công bố công khai không có khả năng thanh toán trả nợ gốc đợt 1 đúng hạn là 60 triệu USD cho khoảng vay thương mại 600 triệu USD do ngân  hàng Credit Suisse làm môi giới và đại diện chủ nợ. Ngoài ra Vinashin còn đang chịu khoản nợ 750 triệu Mỹ kim vay lại của chính phủ từ khoản phát hành trái phiếu tại thị trường tài chánh NewYork chưa đến hạn trả nợ gốc ( năm 2015 ) . Chỉ riêng khoản nợ các chế độ lương thưởng và bảo hiểm của Vinashin đối với công nhân các đơn vị trực thuộc là trên 200 tỷ đồng .
Góp phần vào việc làm thủng đáy con tàu Vinashin , không thể không nhắc tới trách nhiệm của bộ phận kế toán làm tham mưu cho lãnh đạo. Đối với các doanh nghiệp lớn như Vinashin, bản báo cáo tài chính và  kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm buộc phải thông qua các tổ chức kiểm toán độc lập là một quy định bắt buộc . Bản kết luận kiểm toán của công ty kiểm toán quốc tế KPMG dựa trên bản báo cáo tài chính về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2009 của tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin đã đưa ra những nhận xét rất bất lợi cho tập đoàn này : KPMG cho biết Vinashin không có những thủ tục kiểm soát nội bộ có hiệu quả để bảo đảm rằng hồ sơ của các công ty con , công ty trực thuộc là cập nhật, chính xác và đầy đủ cho nên họ ( KPMG ) kết luận không thể tiến hành kiểm toán một cách thỏa đáng * . Thuật ngữ tài chính trong nghề kiểm toán rất chuẩn mực, thận trọng nên người viết mạn phép dịch thoát nghĩa như sau : “  hồ sơ sổ sách, số liệu kế toán ghi chép, theo dõi cung cấp không đầy đủ hoặc đầy đủ nhưng không đáng tin cậy do đó công ty kiểm toán không thể đưa ra một kết luận trung thực  sau kiểm toán được ”. Không biết bộ phận kế toán mà đứng đầu là kế toán trưởng lập báo cáo tài chính thiếu sót, gian dối vì có dây máu ăn phần hay cố ý làm trái vì áp lực của cấp trên, nhưng nhận xét của KPMG đã nói lên năng lực chuyên môn của họ một cách rõ ràng rồi. Nên nhớ tính công khai , minh bạch là những đòi hỏi tiên quyết mà các tổ chức tín dụng luôn luôn đặt ra khi xem xét mức độ tín nhiệm đối với các khách hàng.
Chắc chắn những người làm công tác kế toán là những người đầu tiên tiên liệu được sự sập tiệm của Vinashin qua những con số biết nói mà họ ghi chép cập nhật từng ngày, nhưng vì ăn cây nào rào cây nấy nên không ai dại gì nói ra. Trong những vụ án kinh tế phức tạp , cơ quan điều tra luôn luôn chọn hướng tiếp cận bộ máy kế toán , mà đứng đầu là kế toán trưởng ( ở các công ty nước ngoài, kế toán trưởng chỉ là một nhân viên kế toán cấp cao, không quan trọng bằng giám đốc tài chính, do chú trọng phần quản trị và đối ngoại, nhưng thực ra kế toán trưởng là người điều hành bộ phận kế toán, chỉ đạo việc ghi chép sổ sách phản ánh mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp) để “ quần” cho ra bã trước khi chụp đến ông Giám Đốc. Trong truyện kiếm hiệp, chiêu này gọi là “cách sơn đả ngưu”. Rất hiệu quả .
Nói thêm về tái cơ cấu .Thực hiện chỉ đạo của chính phủ Việt nam, Vinashin bàn giao một số tài sản cho tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn vận tải biển để chỉ tập trung vào nghề tay phải là lo đóng tàu thôi. Bàn giao tài sản dĩ nhiên cũng kèm theo nợ hay nói cách khác, giãm nợ luôn luôn đi kèm giãm tài sản , đến nay thì thì tài sản của Vinashin trên bảng cân đối kế toán không còn là 86 tỷ nữa.Một phần nợ của Vinashin là để mua vật tư nguyên liệu đóng tàu, biến thành sản phẩm dỡ dang , nghĩa là một hình thức biến thái, chuyễn từ tài sản nợ sang tài sản có. Khi thành phẩm nhập kho, xuất xưởng bàn giao thì kế toán sẽ kết chuyễn toàn bộ chi phí sản xuất sang giá vốn hàng bán , đồng thời chuyễn khoản nhận ứng trước của khách hàng sang doanh thu phải thu. Nếu chỉ lo đóng tàu để trả nợ đã ứng trước thì tiền đâu để tái sản xuất ? Hổng lẽ bán cà rem bán luôn cái thùng ? Cho dù chi phí đóng tàu bằng vốn tự có cũng đâu phải nếu không bán được tàu cho người này thì ta đem bán cho người khác. Chưa chắc, vì còn rất nhiều điều kiện, mà tiên quyết là phụ thuộc thái độ của khách hàng có chấp nhập giá trị của lô hàng hay không ? Giá trị trên sổ sách và giá trị thực tế luôn luôn có sự chênh lệch, vì thế mà các công ty kiểm toán luôn luôn ưu tiên đặt vấn đề kiểm kê hàng tồn kho và tài sản cố định lên trên. Đơn cử một thí dụ có thật, một công ty quốc doanh sập tiệm, phần kê khai tài sản còn lại sau khấu hao là hai tỷ nhưng khi mời các chủ vựa ve chai Chợ Lớn đến xem thì họ chỉ thuận mua với giá hai trăm rưởi triệu, sau khi đã trừ đi phần chi phí tháo gỡ, vận chuyển và “ bôi trơn” ! Thử hỏi đống sắt thép nằm phơi mưa phơi nắng ngoài bãi kia của Vinashin, liệu có còn giá trị sử dụng như nguyên giá trên sổ sách kế toán hay không ? Đó là chưa kể không khấu hao tài sản cố định là một thủ thuật của các kế toán quốc doanh để giấu lỗ, một điều mà ai cũng biết. 
Bây giờ người ta hiểu khái niệm “ kinh tế quốc doanh là chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ” chỉ có nghĩa là tạo ra một sự ưu ái bất bình đẳng cho các doanh nghiệp quốc doanh trước các thành phần kinh tế khác , bất chấp hiệu quả kinh doanh. Các tập đoàn , Tổng công ty nhà nước được trao quá nhiều quyền hạn mà không có cơ chế kiểm soát giám sát có hiệu quả đi kèm, được hưởng quá nhiều vốn vay ưu đãi mà không chịu hậu kiểm luồng tiền đầu tư từ vốn vay, được can thiệp từ cấp trên để tránh thanh tra kiểm toán hòng kéo dài sai phạm, được ưu ái báo cáo vượt cấp để tranh thủ sự đồng tình. Hiện tượng Vinashin không phải là cá biệt ; nhiều người tin rằng ở các tập đoàn, tổng công ty lớn gọi là  “ quả đấm thép ” của nền kinh tế cũng có những chỉ dấu như Vinashin, chẳng qua là chưa bị công khai thôi. Ở đâu có lãng phí là ở đó có tham ô, ở đâu phát hiện có tham ô là ở đó bắt gặp có lãng phí, chúng là anh em sanh đôi mà. Làm sao mà các quan đầu ngành chịu buông bỏ cơ chế chủ quản hàng mấy trăm doanh nghiệp trực thuộc được chớ ? Nếu chỉ giữ chức năng quản lý nhà nước thì còn ai nhớ tới mấy ông Tham tri, Thị lang ở Lục Bộ mà mỗi lần rời kinh thăm hỏi sự tình, quan lớn quan bé ở địa phương và các tập đoàn , tổng công ty đua nhau chào mời tiếp rước quá Lê Chiêu Thống hầu Tôn Sĩ Nghị.
Một sơ hở nữa là các chuyên viên thẩm định tín dụng Credit Suisse đã bé cái nhầm khi quá tin tưởng rằng nhà nước sẽ ra tay tế độ trả thay khi Vinashin không trả, do đó tuyên bố “xù’ nợ của Vinashin  làm cho các vị như bị dội một gáo nước lạnh. Việc hạ thấp mức tín nhiệm chỉ là một hành động cay cú, còn việc bị lừa thì đã quá rõ. Rõ ràng đây là một khoản vay thương mại hai bên cùng có lợi của hai pháp nhân độc lập, đâu có điều khoản thế chấp nào ràng buộc đâu.
Bà Tư bán cơm , giới thiệu H , người bỏ mối gà làm sẵn cho bà mỗi ngày, được mua gối đầu gà của ông Hai “ gà”, một đại gia có mạng lưới thu mua và phân phối  gà sống giá sỉ. Khi đã lấy được tín nhiệm của ông Hai rồi thì một gối thành hai gối, ba gối, bốn gối…cuối cùng H tém gọn một phát rồi dông luôn. Ông Hai thưa bà Tư ra tòa , buộc bà phải liên đới chịu trách nhiệm vì chính có việc giới thiệu của bà ông mới bán chịu cho H. Bà Tư phản pháo lại là giới thiệu chỉ hoàn toàn là… giới thiệu, hai bên thuận mua vừa bán chứ bà có chia chác đồng lãi nào đâu, cũng đâu có cam kết trả nợ thay khi hợp đồng đổ bể. Cuối cùng toà xử cho bên bị thắng kiện, ông Hai chỉ còn có nước… hạ mức tín nhiệm của bà Tư xuống vài bậc, nhưng xem ra bà Tư cũng không hề hấn gì vì có ông Hai thì chợ cũng đông, không có ông Hai thì chợ cũng chả không bữa nào.
( 4-2011)

Saturday, April 9, 2011

THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT

LATHIEWS
Bình nguyên Segenreti ở nam Tanzania là một công viên quốc gia rộng lớn hàng chục ngàn km vuông, nơi tập trung những đàn thú ăn cỏ đông đúc như linh dương đầu bò, trâu rừng , ngựa vằn, linh dương gazen…và những bầy thú ăn thịt như sư tử vua đồng cỏ, báo gepa , báo đốm, linh cẩu, chó rừng…nhưng đáng kể nhất vẫn là hình ảnh hàng triệu con linh dương đầu bò tha thẩn kiếm ăn trên đồng cỏ bao la ; và những cuộc di cư tìm thức ăn theo mùa hàng năm của chúng từ Segenreti lên khu bảo tồn Masai Mara của Kenya ở hướng Bắc .
Trên đường di chuyển hàng ngàn km để đến vùng đất hứa, chúng phải đối phó với nhiều hiểm nguy chực chờ sẵn , nhất là những lúc phải vượt sông Masai đầy cá sấu hung dữ hay những bầy sư tử nấp trong đám cỏ cao rậm trên thảo nguyên mênh mông. Để tự bảo vệ , thiên nhiên chỉ ban cho chúng khả năng trốn chạy trên đôi chân và tập tính trà trộn cá thể trong bầy đàn đông đúc để gây mất tập trung cho kẻ thù.
Mùa xuân ở Segenreti cũng là mùa sinh sản chính của linh dương, hàng chục ngàn con non ra đời chỉ trong vòng mươi ngày, bản năng sinh tồn truyền qua bao thế hệ khiến chúng tự biết phải mau chóng cứng cáp, hòa nhập vào bầy đàn để được bảo vệ khỏi nanh vuốt của chó sói và linh cẩu. Bảy phút sau khi chào đời, linh dương con đã có bộ lông khô ráo và đứng vững trên bốn chân, ba mươi phút sau đã có thể lửng cửng chạy theo mẹ tìm vú. Việc sinh nở đồng loạt giúp bảo đảm số đông con non sẽ tồn tại trước hiểm họa rình rập của bọn thú ăn thịt , dù một số không ít chạy không kịp , bị rơi vào nanh vuốt của kẻ thù.
Ba tháng sau đó, khi cánh đồng Segenreti bước vào mùa khô , nước và cỏ tươi bắt đầu khan hiếm thì bọn linh dương con đã có thể tham gia vào cuộc thiên di hoành tráng hàng năm của cả triệu con linh dương, ngựa vằn ngược lên hướng Bắc , vượt qua biên giới Tanzania – Kenya để đến Maasai Mara, nơi còn có những cánh đồng cỏ cao. Đến tháng mười , chúng lại làm một cuộc hành trình ngược lại. Về đến quê hương Segenreti, đàn linh dương chia nhỏ tản mát khắp thảo nguyên cỏ mọc xanh mướt trong mùa mưa, một chu kỳ mới lại bắt đầu. Đó là cách mà thiên nhiên chọn lọc để bảo đảm chỉ những cá thể mạnh mẽ, ưu tú mới tồn tại được trong môi trường  và di truyền lại những nguồn gene quý cho thế hệ mai sau.
 **
Quy luật đấu tranh sinh tồn của động vật hoang dã trong tự nhiên thật khắc nghiệt. Cái chết của một con vật này chính là nguồn sống và giúp duy trì nòi giống cho những con thú khác. Chúng ta dễ dàng tìm trên Internet một đoạn video clip ghi lại hình ảnh hàng ngàn con linh dương đầu bò chạy trối chết chỉ do một hoặc hai con sư tử cái săn đuổi, mục đích của chúng là cố tìm cách tách con mồi ra khỏi đám đông. Cái đám đông tội nghiệp gồm nhiều cá thể chỉ- biết- lo-cho- bản -thân- mình, thiếu hẳn tính tổ chức và kỷ năng tự vệ tập thể, một điều kiện căn bản của quy luật sinh hoạt bầy đàn. Và khi đã vồ được con linh dương xấu số , sư tử thản nhiên vật ngữa nó ra mà moi ruột, xé đùi. Xa xa , bên kia màn bụi đã từ từ lắng xuống là bầy linh dương thoát chết vừa hoàn hồn, thản nhiên đứng nhìn kẻ thù xé xác đồng loại khi nguy hiểm đã qua đi.
Thật ra chỉ cần từ bốn đến sáu con linh dương trưởng thành đồng loạt nghênh chiến là đủ sức đánh lại một con sư tử hay hổ báo , nhưng thiên nhiên không phú cho chúng khả năng đó giống như loài trâu rừng mà ta đã thấy. Suốt đời linh dương chỉ biết chạy, chạy và chạy trốn kẻ thù. Có lẽ đó cũng là cách để đào thải những con vật già yếu, tàn tật, bệnh hoạn; một cuộc chọn lọc tự nhiên tàn nhẫn. Ưu thế duy nhất của linh dương là số đông, và ngày nào mà môi trường sinh thái còn giữ được sự cân bằng thì ngày ấy sự tồn tại của linh dương còn chưa bị đe dọa , và chúng cũng cứ là cái kho thịt vô tận cho lũ sư tử ,hổ báo, chó sói, linh cẩu, kên kên.
 ***
Một chú linh dương con tận mắt chứng kiến cảnh lũ sư tử khát máu hành hình đồng loại , quay sang hỏi mẹ một cách buồn bã :
-         Sao chúng ta không tổ chức chống lại bọn chúng để tự vệ hả mẹ ?
-         Bởi vì từ lâu giống loài chúng ta đã không còn biết sử dụng vũ khí mà thiên nhiên đã ban tặng là cặp sừng, cũng như thói ích kỷ xưa nay đã khiến các cá thể chúng ta không tin vào sự đoàn kết con ạ ! Sự sợ hãi lâu ngày đã biến thành căn bệnh liệt kháng trong cộng đồng , nay chúng ta chỉ còn tin vào móng vó của mình, và cầu mong sao an bình đến với ta và rủi ro xui xẻo đến với những kẻ khác.
-         Mẹ ơi , như vậy ta phải chấp nhận trật tự này mãi mãi sao ?
-         Chính kẻ thù cũng biết chúng sinh tồn được nhờ duy trì được sự sợ hãi trong mỗi cá thể chúng ta , và điều chúng sợ là ngày nào đó loài linh dương chúng ta chiến thắng được sự sợ hãi của bản thân mà đoàn kết lại thành một sức mạnh vô địch.
-         Điều đó sẽ bắt đầu từ đâu hả mẹ ?
-         Thôi con ạ ! Tốt nhất là ta hãy biết tận hưởng những gì đang có sẵn trước mắt kia :  cỏ xanh mơn mởn, nắng vàng rực rỡ và khoảng không bao la vô tận sẽ giúp cho đôi chân con cứng cáp hơn. Con chỉ là một con linh dương nhỏ bé đáng yêu của mẹ mà thôi.
( 04 – 04 - 2011 )

Sunday, April 3, 2011

KHÔNG PHẢI CHUYỆN CỦA MÌNH

 Lathiews

Nếu như những người dân trong xã hội này chỉ quan tâm những việc gì liên quan tới họ thôi, thì những người như anh ta thích thú biết bao.
( Trích blog ngươibuongio1972.multiply.com)

     Lâu nay bà vợ tôi rất tự hào về cái triết lý sống của bả: không phải chuyện của mình thì không để tâm làm gì. Ai sao mặc kệ. Sống thế cho bớt ưu phiền, đỡ bực tức và  giãm stress. Theo lý tưởng thực dụng của bả thì sống sao không phiền hà ai và cũng không ai phiền hà tới mình là được.
     Đang chạy xe chở bả  trên đường mà thấy có tai nạn vừa xảy ra , định giãm ga rà thắng xem chuyện gì thì bả vỗ ngay vào …đít: “ Thôi đi đi, không phải chuyện của mình ! ”.
     Có lần chở bả đi trên đường Bạch Đằng (Gò Vấp), thấy sờ sờ trước mắt cảnh một người phụ nữ đi xe honda bị hai thằng quái xế giật giỏ xách, mình định la lên thì bả nói nhỏ: “ Coi chừng có cản địa, ông mà la lên là nó chém ông trước à ”. Ngoái lại phía sau thì y như rằng,  hai thằng mặt mũi cô hồn vừa lườm nguýt vừa nẹt pô như cảnh cáo mọi người chớ có xem vào chuyện thiên hạ. Bả tự “ sướng ”: “Ông thấy chưa? Tôi nói rồi , không phải chuyện mình thì đừng xía vô ”.
     Chạy xe trên đường Võ Thị Sáu, thấy đám dân oan lôi thôi lếch thếch như đám tàn binh mà 90% là đàn bà con nít đang giơ cao mấy tấm biểu ngữ làm bằng bìa carton, trên vẽ nguệch ngoạc mấy chữ…mình định ngoái cổ đọc thì bả la: ‘ Dòm dòm cái gì, bộ muốn giống họ lắm hở ? Chạy xe lo nhìn đằng trước kìa, ông sao cứ để ý ba cái chuyện thiên hạ không vậy ”.
     Đọc báo mạng nói về cậu ấm đỏ đang bị câu lưu vì không thuộc bài, bà chép miệng: “Khéo rỗi hơi. Đang ấm êm không muốn, muốn ăn thử cơm tù (!) cho biết. Không phải chuyện của mình mà cũng xía vô. Mà tiến sĩ luật sư đó chớ, sao dại (!) vậy không biết”. Vừa nói bà vừa liếc xéo, làm như mình là đồng phạm của ông tiến sĩ không bằng.
Nghe tôi phàn nàn vụ tàu cá dân miền Trung bị Tàu đâm chìm, bắt giam đánh đập đòi tiền chuộc thì bà “phản biện” :
-         Ai biểu đi vô vùng biển của nó làm chi ?
-         Trời đất, tới bà là cô giáo mà còn nói vậy hả? Ba đời ông Mai Phụng Lưu đã đánh cá trên vùng biển Hoàng Sa này rồi chớ phải mới đây ha.
-         Kệ ổng, chuyện ổng có nhà nước lo ông khỏi lo, chuyện không phải của mình.
     Nói vậy chớ thực ra bả cũng rất quan tâm tới mấy cái vụ như bà Tâm đốt chồng, lễ giỗ Trịnh Công Sơn, Backstreet boys đến VN, Hương Lan, Tuấn Ngọc về thăm quê hương… ; mặc dù mấy cái chuyện này cũng đâu có liên quan gì tới bả, có điều bả không biết rằng đó là những thông tin có định hướng cả đó chớ không phải vô tình đâu.

     Một đêm mưa, chuông điện thoại réo đột ngột báo hung tin thằng con đang bị tai nạn giao thông gần nhà. Khi vợ chồng tôi đến nơi thì mưa đã ngớt nhưng thằng bé vẫn đang nằm hôn mê trên mặt đường sũng nước. Còn kẻ gây ra tai nạn thì đã được đồng bọn thuê taxi chở đi cấp cứu. Bên kia đường , khách đang uống café trong tiệm đổ ra đứng xem lố nhố nhưng không hề có một ai bước ra. Thằng bạn con tôi, kẻ đi chung xe nhưng may mắn chỉ bị trầy sướt, là kẻ đã điện thoại báo tin, phân trần: “ Cháu đã chạy đến cổng công an huyện (chỉ cách đó không đầy 200 mét ) nhờ gọi cấp cứu nhưng mấy người trực cổng nói là …không phải việc của mấy ổng ! ”.      


4.2011
( Cảm hứng từ lời kể của một người bạn )