Thursday, April 28, 2011

FIRST LADY

LATHIEWS

Gia đình Ngô Đình Nhu trên đỉnh cao quyền lực

Ngày 24 tháng 4 năm 2011, báo chí đăng tin bà Trần Lệ Xuân, phu nhân của ông Ngô Đình Nhu, cố vấn Tổng thống VNCH và cũng được nhiều người biết đến như là vị Đệ nhất phu nhân nổi tiếng một thời , đã qua đời tại một bệnh viện ở Roma ( Ý)  vào ngày chủ nhật Lễ Phục Sinh, thọ 87 tuổi.

Bà Nhu là một nhân vật đặc biệt của chính thể Đệ nhất Cộng hòa, xuất hiện vào một giai đoạn đặc biệt của lịch sử mà cuộc đời hoạt động chính trị sôi nổi tạo ra nhiều nhận xét trái chiều, nhất là vai trò của bà trong cái gọi là đàn áp Phật giáo năm 1963, một vụ phản kháng bạo động mang màu sắc tôn giáo làm suy yếu chính thể và tạo bất ổn xã hội. Ngày nay nhìn lại quá khứ, nếu trách một bộ phận Phật Giáo cực đoan đã lạm dụng dân chủ để gây rối loạn thì cũng phải công tâm nhìn nhận bà Nhu đã có những lời lẽ xúc phạm đến Phật Giáo, một tôn giáo chiếm đa số trong dân chúng miền Nam lúc đó, gây bất mãn và ngộ nhận chính quyền kỳ thị tôn giáo [1]. Nhắc tới bà , mọi người nhớ tới những phát ngôn quá khích, thiếu kiềm chế như đổ thêm dầu vào lửa , những lời nói gây ra tác hại không nhỏ, được đối phương trong nước lợi dụng kích động gây chia rẽ tôn giáo sâu sắc, và dư luận phản chiến bên Mỹ vồ vập lấy như bắt được vàng, khiến anh chồng và chồng của bà lãnh đủ. Đó là những phát biểu của bà sau vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, đầy khiêu khích và mang tính mạ lỵ công khai, những lời nói không cân nhắc lợi hại tự làm suy yếu mình và tăng thêm sức mạnh cho đối phương [2].

Thật ra, không phải tất cả những phát ngôn của bà đều là thiếu chín chắn, võ đoán, úp chụp mà đều có thể hiện một phần sự thật, nhưng với một phụ nữ thiếu kinh nghiệm chính trường , không có cái khôn khéo giảo hoạt của một người làm chính trị , lại là một đệ nhất phu nhân của một nước, nên vô hình trung những lời nói sơ hở của bà chính là gậy ông đập lưng ông cho chế độ. Như trường hợp Hòa thượng Thích Trí Quang, người cổ xúy cho việc đem bàn thờ Phật xuống đường biểu tình chống chính quyền đàn áp tôn giáo, sau 1975 đã lộ nguyên hình là một người hoạt động chính trị đội lốt nhà sư, gây bất ổn để phục vụ cho mưu đồ riêng tư , đã bị bà vạch mặt chỉ tên “ sư hổ mang” ngay từ đầu [3].

Dù có thù ghét bà Nhu đến đâu thì người ta cũng không thể xóa bỏ công lao đóng góp của bà cho sự ra đời của Luật hôn nhân thời Đệ nhất Cộng Hòa, một đạo luật tiến bộ xóa bỏ tàn tích đa thê từ thời thực dân Pháp để lại hay Luật cấm nhà chứa, cờ bạc và hút á phiện. Những ai đã sống trải qua nhiều chế độ tại miền Nam, có dịp đối chiếu so sánh đều nhận thấy dưới thời Đệ nhất Cộng hòa nhất là những năm đầu, kỷ cương phép nước nghiêm minh, kinh tế vững vàng, bộ máy công quyền trong sạch, văn hóa giáo dục lành mạnh, quan hệ giao tiếp ngoài cộng đồng văn minh lịch sự, nói chung đời sống vật chất và tinh thần đều thấm nhuần đạo lý tình người. Trong khu vực Đông Nam Á , vị thế của Việt Nam ( miền Nam ) cao hơn nhiều so với Thái Lan , Philippine hay Cambodia . Con người ít biết đến giả trá  lừa lọc, các giá trị nhân văn truyền thống trong gia đình , nhà trường, xã hội đều được phát huy và tôn trọng. Sân trường không nghe tiếng chửi thề, rạp hát không thấy cảnh bỏ chân gát lên lưng ghế trước , tắt thuốc và đứng nghiêm khi chào quốc kỳ, mọi người đều tự giác chấp hành luật đi đường, gia đình có người đi tù là một nổi nhục…

Dù chỉ là đưa tin về cái chết của một người đã sống ẩn dật hơn nữa thế kỷ nhưng theo thói quen tuyên truyền, một bài báo [4] cũng không quên xới lại chuyện cũ , rằng năm 1956 bà Nhu sở hữu khối tài sản khổng lồ lên tới 18 tỷ USD, phần lớn gởi trong các ngân hàng nước ngoài (!) . Dĩ nhiên không ai tin rằng bà Nhu không tham nhũng , nhưng nhiều khi cường điệu hóa một sự việc lại có phản tác dụng vì người đọc sẽ nhận thấy sự vô lý do dụng ý không khách quan, ác cảm của người viết , làm sao trong có hai năm 1954-1955 mà vợ chồng bà Nhu lại có thể tom góp 18 tỷ đô la từ tham nhũng , buôn lậu và cắt xén viện trợ Mỹ được ?

Quyển “ Trần Lệ Xuân , giấc mộng chính trường” của Lý Nhân Phan Thứ Lang do nhà xuất bản Công An nhân dân phát hành năm 2005 có nói về cuộc sống của gia đình bà Nhu thời kỳ này như sau : “…đến năm 1952, gia đình Nhu kiệt quệ tài chánh, đến nỗi hàng ngày Lệ Xuân phải đi xe đạp ra chợ ( Đà Lạt – NV) mua từng bó rau, từng lạng thịt về ăn mỗi bữa. Theo lời gia nhân của Lệ Xuân kể lại, bà ta đành phải tháo chiếc vòng vàng đeo ở cổ từ ngày cưới bán lấy tiền độ nhật; Nhu thì còn độc nhất bộ quần áo sơ-mi cộc tay, và quần gabardin…”. Tháng 6 năm 1954, Ngô Đình Diệm được Quốc trưởng Bảo Đại mời ra làm Thủ tướng, cũng quyển sách trên nói về cuộc sống của bà Nhu như sau : “…trong thời gian này vợ chồng Ngô Đình Nhu vẫn chưa có vị trí xứng đáng đối với Diệm. Cả hai vợ chồng ở nhờ tại một dưỡng đường tư của bác sĩ Cao Xuân Cẩm ( anh ruột Cao Xuân Vỹ ) mang tên Saint Pierre nằm trên đường Armand Rousseau ( nay là đường Nguyễn Văn Tráng ) , hàng ngày Nhu từ đó vào dinh Độc Lập bàn bạc với Diệm kế hoạch chống Hinh và Bảy Viễn…”. Vậy đó , vậy mà chỉ hai năm sau , không biết vợ chồng bà Nhu tham ô nhũng lạm ra sao mà sở hữu khối tài sản lên đến 18 tỷ USD ? Hay suy bụng ta ra bụng người chăng ? Thời đó , trúng số độc đắc chỉ có 1 triệu đồng là thành triệu phú thứ thiệt, mỗi chiều cứ nghe Trần Văn Trạch hát trên radio là ai cũng nghe nao nao : “ Xổ số kiến thiết quốc gia mong ở lòng ta sẽ giúp bao người làm nên cửa nhà…triệu phú đến nơi năm mười đồng thôi mua lấy xe nhà giàu sang mấy hồi…”. Cũng kèm theo bài báo trên là mấy tấm hình chụp biệt thự Hồng Ngọc , Bạch Ngọc, Lam Ngọc của bà trước kia ở Đà Lạt nay đã là tài sản quốc doanh và đã được trùng tu, với lời chú thích là “ xa hoa, tráng lệ ” . Trời đất , nếu vậy thì phải gọi hàng chục ngàn cái biệt thự hoành tráng của các vị đầy tớ nhân dân khắp nước hiện nay là gì nhỉ ?    

Trong một bài báo khác, của Ngọc Lan đăng trên báo Người Việt và được trang web Diễn đàn thế kỷ đăng lại  [5], ông Trương Phú Thứ là người chịu trách nhiệm biên tập và xuất bản quyển hồi ký của bà Nhu sau này, cho biết bà không hề nói về những tư tưởng hận thù, những lời nói động chạm, hay nặng nề đến những người đã làm đảo chánh, lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm và giết chết chồng bà, cố vấn Ngô Đình Nhu,  đều không được nhắc đến trong hồi ký. Có lẽ ông Thứ ngụ ý muốn nói đến đại tướng Dương Văn Minh, một vị tướng mà cuộc đời binh nghiệp luôn gắn liền với chữ “ phản”, về cuối đời sống chui lủi trên đất Mỹ không dám xuất hiện nơi công cộng vì sợ dân Mỹ gốc Việt đòi nợ.

Cuộc sống ẩn cư , an nhiên tự tại của bà Nhu ở Paris sau khi rời bỏ nước Mỹ , nhất là tư cách nghiêm cẩn của bà trong cuộc sống riêng tư và sùng đạo khiến những kẻ lắm điều , chuyên nghề moi móc phỉ báng không có cơ hội đặt điều, bôi bẩn. Đó chính là câu trả lời chính xác nhất cho những hoài nghi về nhân cách của bà , những lời thêu dệt về chuyện tình của bà với tướng phản trắc Trần văn Đôn, chuyện chiếc áo dài cổ thuyền cách tân, chuyện pho tượng hai Bà Trưng ở bến Bạch Đằng, những cánh rừng giá tỵ, sao dầu và đường mòn chở gỗ mang tên Trần Lệ Xuân ở miền Đông .v..v
Dù sao thì bà cũng còn may mắn hơn chồng, vì bà thanh thản về nước Chúa với đông đủ con cháu vây quanh , dư luận cũng công tâm hơn khi nhận xét về bà , khi mà lớp hỏa mù lịch sử bao quanh con người này đã tan đi , trừ một số nhận định thiếu khách quan , cay cú, hằn học thể hiện những quan điểm hẹp hòi đi ngược với truyền thống hòa giải dân tộc. Cay cú hằn học ngay cả với những người đã chết.

Ngôi mộ của ông Ngô Đình Nhu tại Lái Thiêu-Bình Dương ( 2011)


(4-2011)

Chú thích :
[1] Xem Trần Lệ Xuân , Wikipedia tiếng Việt.
[2] “ Phật tử đã nướng thịt sư của họ ( tiếng Pháp : rôti ) sau khi đã đánh thuốc mê ông ta. Nướng thịt người như vậy mà cũng không có nhiên liệu tự túc, chúng phải dùng xăng của Mỹ”. Trích trong “ Trần Lệ Xuân, giấc mộng chính trường”, trang 153.
[3] “ chúng ta không thể khuất phục và chìu ý mấy  tay nhà tu làm loạn do CIA giật dây. Nếu vị nào chân tu ta vẫn kính trọng và giúp đỡ, còn ông nào làm loạn ta nhốt cổ lại”, Sđd trang 144