Kiến Hào
Lại nói về nước Vệ từ khi giang san thu về một mối nhờ sự hỗ trợ “chí tình” của Tề quốc thì trở thành một nước phên giậu cho lân bang; tất cả các việc quốc gia đại sự từ ngoại giao, kinh tế, quốc phòng đến bổ dụng quan lại cấp cao…nhất nhất đều có “tham khảo” qua ý kiến của triều đình nước Tề. Thực ra cũng chẳng phải vì mối tình hữu hảo thắm thiết gì mà trước đó nước Tề hy sinh tài vật lực để giúp nước Vệ thôn tính nước Quắc là một nước máu mủ anh em, mà vì sự ích lợi của bản thân nước Tề do khuếch trương tầm ảnh hưởng và những mối lợi kinh tế do chiến thắng xương máu của nước Vệ đem lại. Từ đó con em nước Vệ đều được dạy phải yêu mến trân trọng tình hữu nghị giữa hai nước và quê hương của nước Vệ chính là … nước Tề. Đấu Tả, một nhà thơ nhờ tài văn chương (tụng ca) mà lên tới chức Đông Các Đại học sĩ hàm chánh nhất phẩm cũng có cả một chuỗi những bài thơ ca ngợi tình hữu nghị Tề - Vệ đời đời thắm thiết. Hàng hóa vật dụng, văn hóa phẩm Tề tràn ngập thị trường nước Vệ đến nổi trẻ con lên năm có thể kể vanh vách chuyện về những nhân vật lịch sử và huyền thoại nước Tề một cách hứng thú, còn bọn hương cống, tú tài thì mù tịt sử Vệ.
***
Theo thuyết “quy luật vận động biện chứng” của Giáo Mác tiên sinh ở Tây Vực thì phàm mọi sự ở đời không đứng yên một chỗ mà luôn luôn vận động không ngừng nên đến đời Vệ U Vương thì hai nước phát sinh mâu thuẩn vì tranh chấp mấy hòn đảo ngoài biển. Nguyên do trong lúc khói lửa chiến tranh thời tiên đế, để tranh thủ nước Tề chi viện vũ khí lương thực đánh Quắc nên quan Tể tướng đầu triều nước Vệ mới thảo tờ công văn hứa giao cho Tề mấy hòn đảo đó nếu chiếm được nước Quắc. Tờ công văn hết sức quan trọng đó bị ém nhẹm suốt mấy chục năm ròng vì vua quan nước Vệ sợ bị mang tiếng là bán nước. Trong hai hòn đảo đó, một bị thủy binh Tề chiếm được trong lúc Quắc đang kiệt quệ (nhưng Tề cũng hao binh tổn tướng vì sự kháng cự kiên cường của thủy binh Quắc) , một bị Tề đánh úp trong lúc thủy binh Vệ không phòng bị.
Mặc dù là đảo hoang, không có người sinh sống nhưng mấy hòn đảo đó có vị trí chiến lược hết sức quan trọng vì chắn ngang thủy lộ giao thương các nước trong vùng, lại tiềm tàng mấy cái mỏ hỏa khí tối cần thiết cho việc cung cấp chất đốt. Mất đảo nhưng triều đình nước Vệ vẫn yên tâm vì nghĩ rằng Tề đã thỏa mãn được tham vọng rồi thì sẽ không kiếm chuyện gây hấn nữa, so với những mối lợi do chiếm được nước Quắc đem lại thì mất vài ba cái hòn đảo đó có hề hấn gì. Nhưng mọi sự ở đời không đứng yên một chỗ nên sau khi đã cũng cố được cơ ngơi vững chắc trên mấy hòn đảo đó rồi thì nước Tề ra một bố cáo rằng, phàm nếu đảo là của Tề rồi thì mấy vùng nước bao quanh đảo ấy cũng là của …Tề luôn chớ sao (!) ; vậy là mấy chiếc thuyền nan đánh cá của ngư dân nước Vệ trở thành kẻ xâm phạm trên chính vùng biển kiếm sống của cha ông họ từ bao đời.
Dần dần những kẻ vì miếng cơm manh áo cố sống cố chết bám biển thưa thớt hẳn đi vì thủy binh Tề bắt bớ đánh đập hết sức dã man, lại còn đòi tiền chuộc mạng mới tha về. Lão ngư Mai Phụng Lưu ba lần bị bắt như thế trở thành kẻ tay trắng, nợ nần không biết lấy gì trả nổi, đội sớ kêu cứu lên quan sở tại nước Vệ cũng không thấy hồi âm. Có mấy vị sĩ phu nặng tình với đất nước cũng lên tiếng phản đối hành động của Tề liền bị công sai nước Vệ bắt giam vì tội “ xâm phạm an ninh và trất tự công cộng”. Bọn sinh đồ, văn thi sĩ, trí thức yêu nước ở kẻ chợ bất bình, hợp nhau xuống phố tuần hành liền bị bọn công sai chặn bắt trói như gà lợn, có người còn bị đạp vào mặt. Thật là “hèn với giặc ác với dân”. Các quan bộ Công, bộ Hình còn thảo công văn sức đi các nơi, lịnh cho các quan địa phương không được bàn luận chuyện nước Tề cướp biển ở chốn công đường, cùng là theo dõi chặt chẽ bọn yêu nước chống Tề trong dân chúng, hễ thấy có biểu hiện manh động là bắt giam liền.
***
Có một cậu ấm con quan Thị lang tình cờ mục sở thị cảnh công sai trấn áp dã man những người yêu nước giữa đường phố kinh thành, lòng lấy làm ngạc nhiên và bất bình vì thái độ hung hăng xem dân như kẻ thù của chúng, mới về nhà hỏi cha cho rõ sự tình :
- Tại sao lũ công sai của cha lại ra tay đánh bắt những người dân yêu nước tuần hành biểu lộ tinh thần yêu nước chống Tề cướp đất đai biển đảo của Vệ? Chẳng lẽ yêu nước là có tội hay sao ?
- Đó là chủ trương và mệnh lệnh của triều đình buộc ta phải thi hành, nào phải đâu là ý riêng của ta. Thực ra đó là một việc hết sức phức tạp và nhạy cảm. Triều đình đang ở vào thế khó giữa hai phải chọn một: một là hy sinh một phần đất đai biên cương, biển đảo để đổi lấy sự ủng hộ của Tề và hai là kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ nghĩa là chống lại chủ trương giành đảo lấn biển của Tề quốc, ra sức bảo vệ ngư dân bám ngư trường. Sau khi cân nhắc lợi hại thì triều đình ta đi đến quyết định chọn phương án liên minh hợp tác toàn diện với Tề bỏ qua tranh chấp lãnh hải, để đổi lấy cam kết của Tề ủng hộ triều đình Vệ U Vương ta hết lòng. Tề là một nước lớn, mất đi sự ủng hộ của Tề là mất đi chỗ dựa, triều đình Vệ ta sẽ sụp đổ, triều đình mà sụp đổ thì sự nghiệp gia sản ta cũng tiêu vong, thậm chí không biết có còn đất để đặt chân đứng hay không. Nên nay dù có mất đi một hai hòn đảo cho Tề nhưng đổi lại ta có được sự bảo đảm cho sự trường tồn của triều đình và phe cánh, vẫn hay hơn là dung dưỡng bọn chống Tề như nuôi dưỡng mầm họa, chính vì thế mà triều đình ta phải lịnh cho đám công sai dập tắt những cuộc tuần hành của bọn chúng như dập đám lửa nhỏ ngừa cháy lan.
- Như vậy vô hình trung chúng ta đứng về phía đối nghịch với nhân dân, với những người yêu nước Vệ hay sao? Chỉ vì cốt giữ lấy lợi ích của triều đình này và vài chục gia tộc mà chúng ta nỡ khom lưng uốn gối và trấn áp sự phản kháng chính đáng của người dân Vệ?
- Nhiệm vụ của con chỉ là cố công học hành cho tốt, hầu mong sau này đổ đạt được bổ dụng làm quan chức vinh thân phì gia, lấy vợ đẹp, đẻ con xinh, nhà cao cửa rộng thế là thành đạt trong cõi nhân sinh, còn nghĩ chi đến chuyện quốc sự cho mệt người lại thiệt thân. Nông dân lo cày cấy sớm chiều, công nhân lo tích cực tăng ca, thợ thủ công lo rèn nghề cho tinh xảo, kẻ buôn bán lo buôn may bán đắt… còn chuyện nước hãy để triều đình lo. Thế là thiên hạ thái bình còn mong gì hơn.
- Nhưng chính nhà trường cũng có dạy chúng con : “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” , chẳng lẽ những người có học, biết chút ít chữ nghĩa thánh hiền lại khoanh tay đứng nhìn kẻ cướp ngang nhiên xâm phạm đất nước Vệ?
- Câu đó không sai, nhưng không còn phù hợp với ngày nay. Nhà trường nay chỉ dạy cho con kiếm sống chứ không dạy cho con cách sống, dạy cho con cách tồn tại chứ không dạy cho con đạo làm người, dạy cho con trung thành với triều đình chứ không trung thành với tổ quốc nhân dân. Đất nước là đất nước chung, còn chức vị bổng lộc là của riêng; đất nước thì trừu tượng còn bổng lộc thì cụ thể. Mất đất thì chỉ thiệt chung, còn mất chức vụ bổng lộc thì ta mất tất cả. Nên bọn ta thà quy phục Tề, chịu mang tiếng Lê Chiêu Thống mãi quốc cầu vinh mà còn giữ được vinh hoa phú quý đầu tư tâm huyết cả đời; còn hơn theo bọn nhân sĩ lỡ thời, trí thức rách việc mà chuốc lấy danh hão …
Viết đến đây thì vì quá đau lòng , tôi không thể tiếp tục được nữa , mong bạn đọc lượng thứ