Lathiews
Xưa nay thiệp cưới ở Việt Nam theo đúng truyền thống văn hóa Á Đông, góc trên thiệp báo tin là nơi trang trọng nhứt, dành để ghi họ tên các đấng sinh thành của cô dâu chú rể, dù ghi Ông Bà…nhưng chỉ ghi họ tên người chồng, người nhận thiệp đọc biết ngay ấy là hai…vợ chồng, bởi vì… xuất giá tòng phu, người phụ nữ khi lấy chồng thì sẽ được gọi theo tên người chồng, thí dụ như vợ ông A thì sẽ được gọi là chị A hoặc bà A. Trong gia tộc, nếu người chồng thứ hai thì mọi người sẽ gọi người vợ là chị Hai .v..v…
Nếu người chồng không còn ( điều này là phổ biến , vì ông thường hay “đi” trước bà ) thì thiệp báo tin sẽ ghi là bà quả phụ Nguyễn Văn…, bên dưới mới ghi nhủ danh Nguyễn Thị….Bia mộ song táng cũng ghi như vậy.
Bên trời Tây, người phụ nữ khi lấy chồng cũng mang họ của chồng, thí dụ như bà ngoại trưởng Hillary Clinton của Mỹ, lấy theo họ của chồng là cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Như vậy ở Việt Nam, việc người phụ nữ lấy họ tên theo chồng là điều bình thường không có gì mới lạ. Ít nhất là trong thời buổi người vợ chỉ làm công việc nội trợ, hiếm có tham gia công việc ngoài xã hội. Cho nên cổng hoa trong ngày cưới của đàng gái mới có biển đề hai chữ “Vu Quy” nghĩa là “đi về”, dù mới ngày hôm qua, cái nhà ấy hãy còn là nhà của người dưng.
Thời “Bảo Đại”, ít có tiệc cưới nào đãi quá hai ba chục bàn, khách mời chỉ là thân tộc hoặc người quen thân, mọi người tham gia đều biết rõ nhau. Đồ đạc thì mượn của lối xóm mỗi nơi một ít, đâu có dịch vụ bao trọn gói như bây giờ. Nên thiệp báo tin dù chỉ ghi tên người chồng cũng chẳng sao.
Không biết tự bao giờ, có lẽ cũng trong vòng mươi năm trở lại đây, thiệp báo tin dù cũng ghi Ông Bà …nhưng in thêm họ tên người vợ phía dưới tên họ người chồng.
Thoạt nhìn thì có vẽ phi chính thống, kỳ kỳ làm sao … nhưng lâu dần cũng thấy quen. Người dưng Nguyễn Văn A cộng với người dưng Trần Thị B = chú rể ( hoặc cô dâu)…
Ảnh minh họa : Tân cổ giao duyên, vừa theo xưa vừa theo nay…
Tuy nhiên trong thời buổi phụ nữ tham gia công việc xã hội nhiều, có khi nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước và kinh tế dẫn đến quan hệ rộng, việc in thêm tên người vợ là điều cần thiết. Như ở trường hợp trên, Bà B là một giám đốc doanh nghiệp, còn ông A là một nhân vật ít tiếng tăm hơn vợ. Ghi tên cả hai người có vẽ hợp lý hơn.
Cũng có ý kiến cho rằng, có tên ông thì phải có tên bà chớ, thời buổi nam nữ bình quyền mà. Đó là chưa kể “mốt” đặt tên công ty, bảng hiệu …bây giờ tên bà còn đứng trước tên ông nữa đó.
Bây giờ tiệc cưới thường hay đãi ở nhà hàng cho tiện chứ ít khi đãi ở nhà, mà ở các nhà hàng lớn thì cùng một lúc diễn ra nhiều đám cộng chung cả vài ngàn người tham dự.
Người viết đã từng chứng kiến nhiều cảnh dở khóc dở cười vì lỡ đi lộn “tiệm”, nhất là đã bỏ bao thơ vào thùng rồi mới phát giác ra là… nhầm. Chắc là tâm thần không ổn định do chạy sô một ngày hai ba đám (!). Nên có thêm tên người vợ càng chắc ăn chớ sao.
Phàm ở đời cái gì hợp lý thì sẽ tồn tại, cái gì không hợp lý thì sẽ bị đào thải. Đó là quy luật tự nhiên, huống gì đây chẳng những là một sự việc mang ý nghĩa truyền thống đạo lý mà còn bao hàm yếu tố văn hóa dân tộc nữa.
Nên dù có bảo thủ như Nguyễn Bính cũng chẳng làm gì được…