KIẾN HÀO
Sử Ký của Tư Mã Thiên (145-86 TCN ) chép : Thôi Trữ dòng dõi quý tộc nước Tề, làm quan đại phu dưới thời Tề Trang Công. Năm 548 trước CN, vì tư thù, Thôi Trữ lập mưu giết vua và đưa người em vua lên thay tức Tề Cảnh Công. Vụ án Tề Trang Công bị giết được quan Thái sử nước Tề chép: “ Thôi Trữ giết vua là Quang”. Thôi Trữ bắt quan thái sử chép khác đi, thái sử không chịu nên bị Thôi Trữ giết chết. Người em quan thái sử chép lại như anh mình vào quốc sử nước Tề. Thôi Trữ nổi giận lại giết người đó. Đến người em thứ ba vẫn chép như vậy, không chịu thay đổi theo lệnh của Thôi Trữ. Ông đành thôi không giết người chép sử nữa.
Đó là chuyện xứ người. Thời phong kiến ở nước ta may mắn không có vị sử quan nào lâm vào tình cảnh như Thôi Trữ bên Tàu, dù cho nạn quyền thần lộng hành soán ngôi giết vua không phải là không có. Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần (Hậu) Lê, Nguyễn…gần ngàn năm, những quan Thái Sử dù làm quan ăn lộc vua nhưng vẫn giữ được chính khí của người cầm bút, không vì chuyện ưa ghét riêng tư mà thêm vào chỗ này bớt đi chỗ nọ, không vì chìu lòn xu nịnh mà múa bút viết cho đẹp dạ quân vương, không nhân danh các thế lực đương triều mà bôi đen chỗ này tô hồng chỗ nọ, làm cho hậu thế trăm năm ngàn năm sau đọc không phân biệt được bức tranh lịch sử đâu là chỗ sáng, đâu là chỗ tối.. Nhờ vậy mà kho tàng sử Việt (chính sử, dã sử) hết sức phong phú với những sự kiện lịch sử chống ngoại xâm hào hùng, tính cách các nhân vật lịch sử được khắc họa sinh động, làm đề tài gợi hứng cho các nhà viết truyện, kịch đời sau.
Nhân vô thập toàn. Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, kẻ thủ ác gây ra họa diệt tộc họ Lý và chủ xướng những cuộc hôn phối loạn luân chung huyết thống, nhưng chính sử cũng trang trọng ghi công ông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt chống họa xâm lăng phương bắc, với lời nói khảng khái : “đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”. Hay như Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn sau khi lên ngôi vua đã lập đại công phá Tống bình Chiêm giữ vững nền độc lập non trẻ của nước nhà sau ngàn năm Bắc thuộc, nhưng chính sử cũng không thể bỏ qua việc làm binh biến soán ngôi vua, giết hại công thần triều Đinh và quan hệ mờ ám với Thái hậu tiền triều của ông. Mạc Đăng Dung lợi dụng lòng tin của Lê Chiêu Tông, ngấm ngầm lập phe đảng riêng, loại trừ dần tay chân thân cận của vua Lê cuối cùng giết vua soán ngôi lập nên triều Mạc; nhưng trong chính sử vẫn ghi cảnh thái bình thịnh trị thời kỳ đầu nhà Mạc ( 1527-1540 ) : “ Người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về…đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên…” (*).
Như vậy, ta thấy các sử gia thời xưa đã chọn sự trung thực làm tôn chỉ dù nhiều khi sự thật ấy không phải lúc nào cũng có lợi cho chế độ phong kiến. Sử cận đại, dưới nhãn quan Mác xít thì không có khái niệm gọi là sử trung thực, sử khách quan chung chung cho mọi người mà chỉ có sử được viết dưới một ý thức hệ cụ thể, để phục vụ một giai cấp cụ thể, của một người viết sử chịu ảnh hưởng nhân sinh quan thế giới quan cụ thể nào đó. Việc ghi chép lại những sự kiện, hiện tượng lịch sử đều bị chi phối bởi lập trường tư tưởng của người cầm bút, thường là tuân theo khuynh hướng chính trị đương thời : sự thật phải phục vụ cho “sự nghiệp cách mạng”, nếu thiếu tính “đảng” hoặc thiếu tính “chiến đấu” hay đơn giản chỉ là không có “lợi” thì bỏ qua hoặc viết khác đi. Do đó, những sự kiện như Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Hoàng Sa, Trường Sa…bị mất đi vào tay phương bắc, hay anh hùng dân tộc Ngụy văn Thà, các tử sĩ Hoàng Sa, Trường Sa; các liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 không hề có đến một chữ nhắc đến hay giải thích trong sách giáo khoa; thậm chí những kẻ biên soạn sách, những bậc thức giả được ví như cây đa cây đề trong giới sử học Hà Nội, không dám gọi đích danh bọn giặc đã đánh giết hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị là bọn giặc nào (**). Thật muối mặt nhục nhã, thật cay đắng chua xót thay.
Hãy chép sử một cách khách quan, trung thực; ghi chép sự thật như nó vốn có, đừng dụng công định hướng người đọc theo cảm nhận chủ quan của mình hoặc áp lực của “đương triều”, đừng đầu độc giới trẻ bằng những kiến thức sử bị bóp méo, thổi phồng, xuyên tạc . Đó phải chăng là cái dũng của người cầm bút và đạo đức của người chép sử muôn đời.
(*) Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên, quyển XV tờ 77a, NXB KH-XH 2004
(**) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/87108/hai-ba-trung-danh-giac-nao-.html
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bài đọc thêm : SIÊU BẢO TÀNG SIÊU HOÀNH TRÁNG
Kiến Hào mạn đàm : Sốt ruột trước hiện tượng tham nhũng tràn lan, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan đòi ngành Sử học cũng phải được…nhảy vào tranh phần thông qua việc xây dựng “bảo tàng quốc gia” với ước tính chi phí hơn 500 triệu USD, và chi phí hiện vật trưng bày cỡ 1,5 tỷ USD ! Quả thật bây giờ khắp đâu đâu, người ta cũng xem tiền thuế, một dạng máu mỡ của dân là cái kho tài nguyên vô tận, “mại dzô mại dzô, nhanh tay kẻo hết”.
Trả lời báo chí về việc nên hay không xây "siêu bảo tàng" 11.000 tỉ, GS Lê Văn Lan cho rằng: "Có và phải xây ngay... Chúng ta đã bị thất thoát số tiền còn nhiều hơn rất nhiều so với tiền xây bảo tàng này, thế thì phải đối xử một cách công bằng. Không thể vì bọn phá hoại làm mất rất nhiều tiền gây ra suy thoái kinh tế mà lại không cho xây bảo tàng.
Tôi nghĩ phải dùng việc xây bảo tàng này để chữa lại suy thoái kinh tế kia... Vấn đề lúc này là phải tập trung lo bày biện vận hành cái bảo tàng to ấy như thế nào"... Và "Việc trưng bày thế nào là cả 1 vấn đề lớn..., cho nên lo cho việc xây nhà 1, thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng lo cho việc trưng bày ở trong đó gấp 3"...
Những câu trả lời đó đã làm cho không ít người bức xúc, khó hiểu. Bởi không thể nào tin được GS Lê Văn Lan lại có thể phân tích 1 sự kiện lịch sử rất quan trọng như việc xây bảo tàng lịch sử Việt Nam bằng cách tầm thường hóa, chủ quan hóa, và phi logic hóa hàng loạt vấn đề liên quan...
Ông cho rằng nhiều kẻ xấu đã làm thất thoát hàng tỉ đồng vậy thì bây giờ cần phải xây bảo tàng cho nó công bằng? Tư duy logic như vậy phải chăng GS Lê Văn Lan muốn xây bảo tàng để cho nó tương đồng, tiếp tục thất thoát?
Người đọc không hiểu nổi là căn cứ vào đâu để GS Lê Văn Lan kết luận rằng chỉ cần xây một cái bảo tàng là có thể "chữa lại suy thoái kinh tế kia"(!)
Ai cũng biết việc tham nhũng và xây bảo tàng là hoàn toàn khác nhau và một công trình văn hóa của một dân tộc thì không bao giờ "có quyền" đóng vai trò chữa cháy cho một nền kinh tế.
GS Lê Văn Lan cho rằng việc xây bảo tàng tốn một thì việc bày biện trong bảo tàng đó phải gấp ba. Ông còn nhấn mạnh rằng đó là thông lệ của quốc tế. Ở đây chưa vội bàn về hai chữ "thông lệ" mà chỉ xin hỏi GS rằng tỉ lệ 1/3 là tương quan gì?
Phải chăng GS muốn nói tiền xây bảo tàng 1 thì phải tốn gấp 3 lần số tiền đó để trưng bày? GS cho rằng trí tuệ của những người trưng bày gấp 3 lần trí tuệ của những người xây bảo tàng. Hoặc thời gian để trưng bày dài gấp 3 lần thời gian xây bảo tàng?...
Toàn những câu hỏi rất khó trả lời nhưng theo tôi, nếu được mời tư vấn cho công tác trưng bày thì tiền công cho tôi dứt khoát phải gấp 3 lần tiền công tư vấn xây bảo tàng.
Trong thời gian gần đây, bất kỳ cuộc tranh luận nào dù là thơ, chùa Trăm Gian, bảo tàng, thi hoa hậu, tuyển sinh đại học..., thì các TS, PGS, GS rất hay đăng đàn và gần như đa số họ khi bảo vệ cho những cái sai, sắp sai, đang sai, nhất định sẽ sai, đều chung một vũ khí duy nhất đó là ngụy biện.
Đánh tráo khái niệm hoặc dùng uy của mình để "cả vú lấp miệng em", dùng cái hao hao đúng, gần đúng để bảo vệ cho cái đúng trong khi họ quên mất rằng 99,9% sự thật vẫn chưa phải là sự thật.
Và, họ cũng quên luôn rằng chỉ cần một ít tình cảm đã là biểu hiện đủ của sự chân thành còn mọi ý đồ nhân danh sự chân thành để ngụy biện cho sự sai trái thì không bao giờ đủ.
Xin dẫn chứng. GS Lê Văn Lan cho rằng :"Chúng ta đang có một hệ thống bảo tàng vừa thiếu vừa yếu. Chính sự vừa thiếu vừa yếu ấy đã tạo ra nhiều nét tiêu cực trong công cuộc phát triển của đất nước. Phải có 1 bảo tàng chính thống ra trò để duy trì sự nghiệp bảo tàng của đất nước ta".
Chỉ trong một câu mà GS Lê Văn Lan sai nhiều, liên tục như enegigez.
Một là, căn cứ vào đâu để GS kết luận gần 1000 bảo tàng trên cả nước hiện nay là yếu kém?
Hai là, GS đổ lỗi cho sự yếu kém đó của bảo tàng là một trong những nguyên nhân gây nên sự trì trệ của đất nước.
Là GS sử học, tại sao ông lại dùng từ không chính xác một cách thoải mái như thế? Bởi vì nếu bảo tàng có thiếu và yếu thì cũng chỉ yếu và thiếu ngành bảo tàng thôi chứ không phải làm yếu toàn bộ đất nước.
Ba là, tại sao phải "chính thống, ra trò thì mới làm tốt được công tác bảo tàng?
Đất nước đang nghèo không thể vung tay quá trán bằng cách xây dựng những công trình to lớn đồ sộ, xây xong rồi để đó, trong khi không biết tiền dân của nước thất thoát ở đường nào.
Ai cũng biết việc tham nhũng và xây bảo tàng là hoàn toàn khác nhau và 1 công trình văn hóa của 1 dân tộc thì không bao giờ "có quyền" đóng vai trò chữa cháy cho một nền kinh tế.
|
GDP Việt Nam ước tính vào năm 2012 chỉ khoảng 130 tỉ USD. Tại sao có thể bỏ 5% tổng số tiền đó để xây nhà bảo tàng cho đẹp, cho oai. Tại sao không chờ khi GDP của Việt Nam lên đến 500 tỉ đô la thì có thể bỏ ra 1% để xây nhà bảo tàng hiện đại hơn?
GS Lê Văn Lan cho rằng "bày biện" phải công phu phải khó nhọc. Thử hỏi sau 1000 Bắc thuộc, hàng trăm cuộc chiến tranh, trong đó có 130 năm chiến tranh với Pháp, Nhật, rồi Pháp, Mỹ, Trung Quốc; thử hỏi hiện vật bảo tàng đáng giá tin cậy chúng ta có bao nhiêu để lấp đầy hàng trăm căn phòng trống của bảo tàng hiện đại? Một kết quả như bảo tàng Hà Nội là rất dễ nhìn thấy...
Trong bài trả lời của mình GS Lê Văn Lan đã nhấn mạnh rằng nếu được mời tư vấn cho công tác trưng bày ở siêu bảo tàng "thì tôi sẽ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi đóng góp ý kiến (quy hoạch việc trưng bày thế nào cho chuẩn)".
Xin hỏi GS, giả sử trong 2 năm nữa bảo tàng xây xong, ông có thể bỏ ra 6 năm để suy nghĩ (gấp ba)? Trong thời gian chờ đợi ông suy nghĩ, những cán bộ yếu kém của bảo tàng hiện nay (như ông nói) sẽ làm gì.
Nói lấy được đang là một căn bệnh khá phổ biến trong cả nước. Không ít vị có tiếng ưa chi nói nấy, ưng chi làm nấy đến nỗi người dân không biết đường nào mà lần.
Rất mong mỏi rằng những vị lãnh đạo có trách nhiệm và những vị trí thức có chút ít tên tuổi nên biết cách phát ngôn cẩn trọng, đúng mức, đúng tầm và, thật tuyệt nếu, đúng tâm...
Hà Việt Khuê
Nguồn : http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/89342/cu-xay--cu-bay-bien-cho-no----cong-bang-.html
(**)
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/87108/hai-ba-trung-danh-giac-nao-.html
(**)
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/87108/hai-ba-trung-danh-giac-nao-.html
Hai Bà Trưng đánh giặc nào?
Trước ngày nhập học, cháu gái tôi hầu như không rời mấy cuốn SGK còn thơm mùi giấy mới. Đang đọc say sưa bỗng nó chạy đến bên tôi, chỉ vào bài tập đọc Hai Bà Trưng (Tiếng Việt 3, tập 2, trang 4, 5) nói ông ơi, cháu đọc hoài mà vẫn không hiểu Hai Bà Trưng đánh giặc nào.
Biết ngay “mặt mày” kẻ xâm lược nhưng nghĩ con bé đọc lớt phớt nên không nắm được nội dung, tôi chưa vội chia sẻ mà tranh thủ dạy cho cháu cách đọc sách. Rằng phải đọc từ từ cho thấm, kết hợp đọc với suy nghĩ, đừng đọc theo kiểu lấy được, lướt con mắt cho xong… Giờ cháu đọc lại đi. Làm gì có chuyện viết về khởi nghĩa Hai Bà Trưng mà không nêu đích danh giặc ngoại xâm.
Con bé nhăn mặt nói cháu đọc kỹ lắm rồi, vẫn không biết hai Bà đánh bọn xâm lược nào. Tôi nhổm dậy, cầm quyển sách, giương mục kỉnh lên. Và chợt ngớ ra: Lời con trẻ đúng quá. Bài học tuyệt không một chữ nào vạch mặt chỉ tên kẻ cướp mà toàn những danh từ nhợt nhạt, mập mờ, chung chung: tướng giặc, quân thù, giặc ngoại xâm, kẻ thù, quân xâm lược.
Viết về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc (năm 40 - 43) gắn với tên tuổi Hai Bà Trưng lừng lẫy nhưng SGK không hề dám nửa lời chỉ đích danh bọn xâm lược. Thậm chí cụm từ có tính hàm ngôn “phương Bắc” sách cũng không dám đặt sau cụm từ “kẻ thù”.
Vì sao SGK không cho các cháu biết quân giặc nào đã bắt tổ tiên của chúng lên non tìm ngà voi, xuống biển mò ngọc trai, để phải làm mồi cho hùm beo, thuồng luồng, cá sấu?
Vì sao SGK không cho các cháu biết giặc ngoại xâm nào đã khiến “lòng dân oán hận ngút trời”?
Và vì sao SGK không nói rõ cho các cháu biết Hai Bà Trưng đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược nào, chúng từ đâu đến?
Cốt lõi của lịch sử là sự thật. Mỗi dòng lịch sử nước ta đều được viết bằng mồ hôi và máu của nhiều thế hệ. Nên có thể nói mỗi trang sử là một mảnh hồn thiêng sông núi. Không thể chấp nhận bài học lịch sử… nửa vời với cách trình bày ngắc ngứ, lấp lửng, loanh quanh, thiếu minh bạch, nếu không muốn nói là né tránh, bưng bít như thế.
Ở Lạng Sơn từng xảy ra chuyện tấm bia kỷ niệm chiến thắng của bộ đội ta bị đục bỏ những chữ điểm tên chỉ mặt quân thù. Người ta đã đổ thừa cho mưa nắng, cho sức tàn phá của thời gian. Còn với SGK Tiếng Việt 3, người làm sách đổ thừa như thế nào? Người lớn sao lại làm khuất lấp tên tuổi kẻ thù của Hai Bà Trưng để trẻ con phải băn khoăn? Thật khó giáo dục HS niềm tự hào, lòng yêu nước khi SGK đã thiếu công bằng, thiếu trung thực đối với lịch sử.
Trong lúc hy vọng bài học này sẽ được các nhà làm sách trả lại sự phân minh trắng đen sòng phẳng, tôi phải nói ngay trước đôi mắt mở to của cháu tôi rằng bọn giặc xâm lăng nước ta bị Hai Bà Trưng đánh không còn manh giáp chính là giặc Hán (Trung Quốc).
Theo Trần Cao Duyên (Thanh Niên)