KIẾN HÀO
-----------------------------------------------------------------------------------------
Trăm
năm bia đá thì mòn
Nghìn
năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
Trấn Hải Dương vốn là đất
phát tích của nhà Mạc. Còn Thanh Hoa là đất thang mộc của Lê triều. Thời kỳ Nam
- Bắc phân tranh ( 1533 – 1592 ), từ Ninh Bình trở ra thuộc họ Mạc, từ Thanh
Hóa trở vào thuộc Lê – Trịnh. Cuộc nội chiến kéo dài đã tiêu hao biết bao sinh
mạng, của cải khiến nền kinh tế kiệt quệ, vườn ruộng tiêu điều, đời sống nhân
dân hai miền hết sức cơ cực. Dù triều Mạc đã lui vào dĩ vãng, chôn vùi dưới bao
lớp sóng phế hưng, nhưng có lẽ nỗi niềm của con cháu vẫn còn vương vấn bao thế
hệ. Hai cuộc hội thảo về nhà Mạc tại Hải Phòng năm 1994 và tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long 2010 có nhiều ý kiến mới mẻ , khác hẳn quan điểm của
sử gia thời Lê, Nguyễn hay ngay cả giới sử học hai miền Nam Bắc hậu bán thế kỷ
20. Thường thường nếu muốn tìm sự đồng thuận để thay đổi một quan điểm chung đã
định hình là hết sức khó ; trừ khi những lý lẽ phản biện phải rất thuyết phục,
khách quan, khoa học và hợp lý; còn nếu chỉ lượm lặt, cóp nhặt từ trong sử cũ
những sự kiện riêng lẽ không điển hình, gán ghép một cách khiêm cưỡng theo ý kiến
chủ quan thì khó mà nhận được sự đồng tình của mọi người. Huống chi việc viết lại
giáo trình lịch sử hay sách giáo khoa cho hàng triệu học sinh các thế hệ con
cháu đời sau học hỏi là một việc hết sức hệ trọng ; không nên vì phục vụ cho
quan điểm chính trị ngoại giao đương thời hoặc cục bộ địa phương mà uốn cong
ngòi bút, làm vẫn đục cả bức tranh lịch sử dân tộc.
ĐẶT TÊN ĐƯỜNG ĐỂ CHẤM DỨT TRANH CÃI
?
Năm 2014, Hà Nội đã từng đề xuất đặt tên đường phố Mạc Thái Tổ và
Mạc Thái Tông nhưng đại biểu Quốc hội - nhà sử học Dương Trung Quốc đã gửi thư
tới lãnh đạo Hà Nội phản đối đề xuất này. Theo ông Dương Trung Quốc, việc đặt
tên đường phố Hà Nội mang tên hai nhân vật này là “chưa thích hợp”. Sau đó, Ủy
Ban nhân dân TP Hà Nội đã rút tờ trình để củng cố tư liệu. Năm 2015, Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố đặt tên đường Mạc
Thái Tổ và Mạc Thái Tông lần hai. Lần này, nhà sử học Dương Trung Quốc chỉ đồng
tình đặt tên đường Mạc Thái Tông. Quan điểm của nhà sử học Dương Trung Quốc
cũng là quan điểm của nhiều học giả, nhà khoa học. Theo đó, việc chỉ đặt tên
đường Mạc Thái Tông là dấu mốc ghi nhận tính chính thống và những đóng góp của
vương triều Mạc với đất nước. Còn với đề xuất đặt tên đường Mạc Thái Tổ, do tư
liệu về ông vẫn còn nhiều “khoảng mờ” lịch sử cùng với bối cảnh chính trị, xã
hội hiện tại chưa thích hợp nên tạm gác việc đặt tên phố Mạc Thải Tổ lại.
Ngày 6.7.2015, HĐND Hà Nội đã nhất trí thông qua nghị quyết về việc đặt
tên 19 tuyến đường phố mới, trong đó có hai tuyến đường mang tên hai vị vua đầu
triều Mạc. Theo lời một vị lãnh đạo, “trước
khi trình phương án đặt tên đường, phố lần này, hội đồng tư vấn “đặt tên, đổi
tên đường phố” đã họp nhiều lần. Sau khi thống nhất, hội đồng tư vấn cũng đã
lấy ý kiến của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch”. Báo chí trong nước cũng lên
tiếng ủng hộ bằng việc phỏng vấn, dẫn lời các nhà nghiên cứu Sử trong các Hội,
Viện. Tuy
nhiên, ngoài những ý kiến đa số là đồng tình, không phải không có những ý kiến
ngược lại, thí dụ bài viết của tác giả Trần Thị Băng Thanh trên báo Tiền Phong,
số ra ngày 14.6.2015. Lối lập luận khúc chiết, dẫn chứng hợp lý của tác giả bài
viết khiến người đọc sáng ra nhiều mối nghi ngờ trước đó. Căn cứ vào lối hành
văn, có thể đoán người viết là một nhà nghiên cứu Sử có kiến thức sâu rộng về đề
tài này, có thể đã ẩn danh vì nhiều lý
do.
THẦN PHỤC GIẢ VỜ, ĐỘC LẬP THẬT SỰ
?
Một số các nhà nghiên cứu và giảng dạy về
lịch sử Việt Nam (mà hầu hết là ở Hà Nội) hiện nay như Ngô Đăng Lợi, Lê Văn Lan, Nguyễn Danh Phiệt,
Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Phan Văn Các, Hoàng Lê, Phan Đăng Nhật …đều
thống nhất quan điểm: Nhà Mạc thực sự không đầu hàng, Mạc Đăng Dung không hề
mắc tội phản quốc. Nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng thậm chí còn nói rõ hơn : ““Hành
động “đầu hàng” của nhà Mạc do Minh sử chép là một sự phóng đại để khoe khoang.
Hành động của vua Mạc chẳng qua là một hành động “tượng trưng”, một sự “nhún
mình” của một nước nhỏ đối với nước lớn trong điều kiện tương quan chính trị
ngày xưa. Việc ông già Mạc Đăng Dung đã gánh nhục cho con, cho cháu và cho cả
nước mà bị mang tiếng mãi e chừng không ổn. Tất cả ứng xử của Mạc với Minh cũng
chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao thường xuyên của nước Việt nhỏ nước Hoa
lớn: “thuần phục giả vờ, độc lập thực sự”. Cùng quan điểm với cố GS Trần Quốc
Vượng, nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Tường cũng nhận xét: “Với hành động chịu nhẫn
nhục của mình, Mạc Đăng Dung không chỉ tạo cho các tướng Cừu Loan, Mao Bá Ôn
(tướng nhà Minh) cái cớ để rút quân mà còn làm nguội đi cái đầu bốc lửa của vị
hoàng đế Trung Hoa lúc nào cũng sẵn sàng cử binh sát phạt các nước chư hầu”.
Có thật Mạc Đăng Dung chỉ “hàng phục giả vờ”, “tượng
trưng”, “nhún mình”; thực sự là không đầu hàng phương Bắc hay không ? Phải
chăng Minh sử đã phóng đại để khoe khoang ?
Sách Khâm
định Việt sử thông giám cương mục
ghi chép về việc này như sau : “ … đến
kỳ đã định, Đăng Dung cùng cháu là Văn Minh và bè đảng là bọn Vũ Như Quế hơn 40
người do đường Nam Quan đi sang; ai nấy buộc dây vào cổ, đi chân không, gieo
mình vào mạc phủ tướng Minh, khúm núm, phủ phục, khấu đầu lạy, dâng tờ biểu xin
hàng, nộp trình sổ sách đất đai và nhân dân do mình cai quản. (Việt sử thông giám cương mục, Chính biên XXVII,
Bản dịch của Viện Sử học in năm 1959, tr. 1337). "Đăng Dung lại xin hàng,
dâng đất các động Ti Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, An Lương thuộc
châu Vĩnh An ở An Quảng để lệ thuộc vào Khâm Châu. Lại xin nhà Minh ban cho
chính sóc và ấn chương đã làm từ trước để Đăng Dung coi giữ việc nước trong khi
chờ đợi mệnh lệnh có thay đổi hoặc quyết định ra sao" (Sách đã dẫn tr.
1338). "Năm Mạc Minh Đức thứ 2 (1528), Sử cũ chép Mạc Đăng Dung sợ nhà
Minh hỏi tội, bèn tính chuyện cắt đất đem dâng hai châu Quy, Thuận, vua Minh
thu nhận. Từ đó Nam Bắc lại đi lại thông hiếu".(Sách đã dẫn tr. 1338). "Nhà Minh đổi nước An Nam làm An Nam đô
thống sứ ty, trao cho Đăng Dung chức Đô thống sứ, đổi đặt toàn quốc làm mười ba
tuyên phủ ty, cho lệ thuộc vào đất nhà Minh" (Sách đã dẫn tr. 1340).
"Nhà Minh bèn đổi nước An Nam làm Đô thống sứ ti, cho Đăng Dung làm Đô
thống sứ, phẩm trật vào bậc tòng nhị (còn kém chánh nhị phẩm), ban cho ấn
chương khác và cho đời đời được cha truyền con nối. Còn các nghi thức mà Đăng
Dung tiếm dùng đều bắt tước bỏ hoặc cải chính lại. Trong mười ba lộ như Hải
Dương, Sơn Nam vân vân đều đặt tuyên phủ ty, mỗi ty đặt một tuyên phủ đồng tri,
một tuyên phủ phó sự và một tuyên phủ thiêm sự, dưới quyền cai quản của đô
thống sứ. Tất cả các ty trên đây đều cho lệ thuộc vào Quảng Tây phiên ty (Sách
đã dẫn tr. 1341).Cũng theo Cương mục thì
Mao Bá Ôn (nhà Minh) còn đem gấp tờ tấu lên vua Minh đề xuất việc hàng năm bắt
nhà Mạc "phải lên Nam Quan lĩnh lịch được ban", lễ cống năm trước còn
thiếu, kiểm tra theo lệ ngạch, "bắt năm sau phải nộp bổ sung cho đầy
đủ" (Sách đã dẫn tr. 1340).
Đại Việt Sử ký
Toàn thư
, tờ 3a,3b quyển XVI chép : “ …Mùa
Đông, tháng 11 (1540), Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn
Nguyễn Như Quế, Đỗ Chế Khanh, Đặng Văn Tri, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô văn Tốc,
Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi Trí Vĩnh, qua Trấn Nam Quan, mỗi người đều
cầm thước buộc dây ở cổ, đi chân không đến phủ phục trước mạc phủ của quân Minh
quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và
quan chức cả nước để chờ phân xử, dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu
Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào
Khâm Châu. Lại xin ban chính sóc, cho ấn chương, để kính cẩn coi giữ việc nước
và chờ lệnh thay đổi hay quyết định khác. Lại sai bọn Văn Minh, Nguyễn văn
Thái, Hứa Tam Tỉnh mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh”.
Xem như trên, sử Việt (chứ không phải
Minh sử) thời Lê, Nguyễn đã ghi chép khá rõ : Đại Việt bị xóa tên, trở thành một
đô thống sứ ty lệ thuộc Quảng Tây phiên ty, Mạc Đăng Dung được phong Đô thống sứ,
hàng năm nộp cống, nhận lịch … Một đất nước trãi hàng ngàn năm tồn tại do công
đóng góp bao xương máu của tiền nhân, nay phút chốc bị xóa bỏ. Kẻ đứng đầu đất
nước không còn là vua nữa mà chỉ là một viên quan cấp địa phương của nhà Minh. Cương
giới Đại Việt bị chia nhỏ ra làm mười ba tuyên phủ ty, lệ thuộc vào Quảng tây
phiên ty. Đất nước bị kẻ thù chia để trị như vậy mà còn ngụy biện là đầu hàng
giả vờ (!) thì không biết thế nào mới là đầu hàng thực sự . Nếu Mạc triều là
bên thắng trong cuộc chiến Lê-Mạc sau đó thì không biết tương lai của “An Nam
đô thống sứ ty” sẽ còn lừng lẫy tới đâu. “ Dân ta phải biết sử ta”, lẽ nào các
vị là cây đa , cây đề trong giới sử học Việt Nam lại không biết mà phải dựa vào
Minh sử ?
Mạc phủ, nơi bọn tướng nhà Minh tiếp
nhận sự đầu hàng của Mạc Đăng Dung và hơn 40 thuộc hạ, về sau được gọi là
“Thành Thụ hàng”. Hơn hai trăm năm sau, Ngô Thì Nhậm đi sứ qua đây, nhìn cảnh
cũ cảm khái làm bài thơ Thụ hàng thành :
Thụ Hàng thành
Lộ kinh
Mạc phủ nhập Bằng Tường,
Cố Thụ
Hàng thành thị cố cương.
Sơn tự
Lạng Sơn, khê giảo thiểu,
Thạch
xưng Hạ Thạch lý thiên trường.
Thủy xa
chuyển trục lôi huyên ngạn,
Hỏa hiệu
tiêu đài tuyết mãn đường.
Đô thống
Hàng Thành thành thậm sự,
Linh nhân
thiên tải mạ Nghi Dương.
(Đường đi qua phủ mạc vào Bằng
Tường, Thành Thụ Hàng xưa là cương giới cũ của nước ta. Núi non giống như ở
Lạng Sơn nhưng suối khe ít hơn. Đá thì gọi là Hạ thạch, riêng đường càng dài.
Trục guồng nước chuyển, tiếng nước đổ như sấm huyên náo bên bờ, Trên đài pháo
hiệu tàn bay như tuyết khắp nhà. Đô thống, Thành Hàng là cái trò gì vậy, khiến
người ta nghìn năm còn chửi mắng kẻ Nghi Dương (Mạc Đăng Dung người Nghi
Dương).
Nguyễn Sĩ Lâm dịch thành thơ như
sau:
Lối qua
Mạc phủ tới Bằng Tường,
Thành Thụ
Hàng xưa, dấu cố cương.
Núi tựa
Lạng Sơn, dòng suối ít,
Mốc nêu
Hạ Thạch, dặm đường trường.
Tuyết bay
tàn pháo đồn canh khắp,
Sấm
chuyển guồng xe, bến nước vang.
Đô thống
xin hàng, trò khốn nạn,
Nghìn năm
bán nước tiếng Nghi Dương
(Ngô Thì Nhậm toàn tập (Tập 3), Nxb
Khoa học xã hội, 2005.
MẠC ĐĂNG DUNG CÓ DÂNG ĐẤT CHO NHÀ MINH
KHÔNG ?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Tường dẫn lại lời của cố giáo sư Trần
Quốc Vượng : “Còn về việc “dâng đất” nhà Minh, chính sử nhà Minh có viết: “Họ
Mạc nộp toàn đất khống (có địa danh mà không có thực) hoặc là đất nhà Minh từ
trước rồi, mà tương kế tựu kế đem nộp. Các quan nhà Minh không hay cứ yên trí
đem dâng đất về kinh sư. Khi đi kiểm tra để thu hồi mới hay sự thật là họ Mạc
nộp vờ”. Có thực là Mạc Đăng Dung chỉ nộp đất “khống” để lừa vua quan nhà Minh
không ?
Theo Đại Việt sử ký toàn thư
thời Lê thì Đăng Dung cắt dâng
các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An,
trấn Yên Quảng xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. Nhưng theo Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (chính biên, quyền 27) thì
có thể sách trên chép nhầm vì theo Khâm
Châu chí của nhà Minh và Quảng Yên
sách của ta thì An Lương vẫn thuộc châu Vạn Ninh nước ta. Theo Việt Nam sử lược, năm động bị dâng là :
Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sung, Liễu Cát và La Phù, có lẽ chép thep Cương mục. (Cương
mục
dẫn Quảng Yên sách cho rằng động An Lương là phố An Lương thuộc châu Vạn Ninh
nước ta, sau đổi thành phủ Hải Ninh).
Theo Đại Việt Thông sử
thì trong tờ hàng biểu, Mạc Đăng Dung tâu rõ :“ …hai đô Như Tích, Chiêm Lãng và
bốn động Tư Phiêu, La Phù, Cổ Sâm, Liễu Cát là đất cũ của Khâm Châu tỉnh Quảng
Đông. Nếu quả như vậy thì những đất ấy do triều trước họ Lê mạo nhận. Nay hạ
thần xin tình nguyện dâng các xứ ấy lệ thuộc vào Khâm Châu…”.
Trong bản tổng kết Hội
thảo khoa học về vương triều Mạc tại Kiến Thụy- Hải Phòng ( 18.7.1994), Phan
Huy Lê đã nêu ra một ý mới: “ Đánh giá xung quanh vấn đề này có những ý kiến
khác nhau, nhất là chính sách đối ngoại của nhà Mạc đối với nhà Minh. Nhưng cuối
cùng đã đi đến thống nhất : phải đặt nhà Mạc trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ,
nhà Mạc phải đối phó với nhiều thế lực phong kiến. Đòi hỏi phải có nhiều sách
lược mềm mỏng. Sách lược đó là tránh chiến tranh bảo vệ chủ quyền của mình. Việc
dâng đất nhà Minh: Nhà Mạc cắt bốn động thuộc hai châu cho nhà Minh điều đó là
có thật. Vì đất đó thực chất là của nhà Minh. Về phương diện nào đó nhà Minh
đòi hỏi, nhà Mạc phải trả lại. Và cũng về mặt nào đó, nhà Mạc phải trả lại cho
nhà Minh. Tuy nhiên việc làm này không thể chấp nhận được. Vì đó là nguyên tắc
trong mối quan hệ bang giao. Nên dù sao trong chính sách đối với nhà Minh, nhà
Mạc còn một số hạn chế ”.
Lối nói đẩy đưa nước
đôi của Phan Huy Lê khiến người đọc có thể hiểu nhầm việc cắt đất dâng nhà Minh
của Mạc Đăng Dung không phải là phản quốc, vì đất đó là của nhà Minh nay Đăng
Dung trả lại cho nhà Minh. Sự thực ra sao ? Vùng đất biên viễn ấy , nguyên khi
xưa thời Lê sơ, động trưởng các động tự nguyện xin phụ thuộc vào nước ta . Nhà
Lê nhập các đất ấy vào châu Vạn Ninh. Như vậy, đất ấy
đã nội thuộc nước ta đến thời Mạc gần 100 năm rồi, nhất là bằng con đường hòa
nhập chứ không phải bằng bạo lực xâm lược, không hiểu Phan Huy Lê dựa vào đâu để
gọi là của nhà Minh ? Nếu đất ấy là của nhà Minh thì việc vua Quang Trung đòi
nhà Thanh trả lại đất Lưỡng Quảng là sai sao ? Và miền Nam đúng là đất của
Campuchia như hoàng thân Sihanouk đòi chăng ? Việc Đăng Dung đem dâng trả đất
đã nội thuộc vào nước ta cho nhà Minh chính là đã chính thức công nhận chủ quyền
của họ. Trong ngoại giao đó là một việc thất thố, tổn hại đến lợi ích quốc gia.
Cũng có tác giả như Phạm
Văn Sơn trong Việt sử tân biên so
sánh việc nộp đất của Đăng Dung với việc cắt nhượng tô giới cho các nước phương
Tây của nhà Thanh mà cho rằng đó là hành động khôn khéo để bãi một cuộc binh
đao tai hại, “gây chết chóc muôn vàn sinh mạng”. Ở đây có một sự lầm lẫn, hoặc
tác giả Việt Sử tân biên cố tình đánh
đồng hai khái niệm khác nhau, bởi “nộp đất” nghĩa là trao trọn chủ quyền đất
đai vĩnh viễn cho giặc, còn “cắt nhượng tô giới” là một thỏa hiệp có hạn chế về
không gian và thời gian, chủ yếu khai thác về mặt kinh tế, thương mại; về một mặt
nào đó bên cắt nhượng vẫn còn chủ quyền trên đất đó.
Sự kiện
Đăng Dung cắt đất dâng cho giặc là một việc làm có thật, không phải nộp “vờ”, dựa
vào Minh sử để biện minh cho hành động bán nước của nhà Mạc là đi ngược lại lợi
ích của dân tộc. Hơn nữa, không dễ gì gạt được những kẻ mà lòng “tham đất” đã
ăn sâu vào huyết quản, truyền từ đời này sang đời kia. Lê
Thánh Tôn, một vị vua anh minh của Đại Việt (1460-1497) đã từng có câu mệnh lệnh
nổi tiếng : “ Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ ?...kẻ
nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải
tru di”.
Sự thật, gọi
việc dâng đất cho giặc của Mạc Đăng Dung là “tránh chiến tranh bảo vệ chủ
quyền” là một lối nói xảo ngôn, ngụy ngữ, là lập luận hết sức nguy hiểm của những
kẻ có tinh thần chủ bại, chưa đánh đã hàng , khiếp hãi nước lớn, cam tâm làm nô
lệ cho giặc, tay sai cho ngoại bang ; đi ngược lại truyền thống bốn ngàn năm giữ
nước và dựng nước của ông cha. Sách lược ấy, tư tưởng ấy chỉ khuyến khích lớp hậu
sinh trở nên hèn yếu , nhu nhược; chấp nhận cho kẻ thù lấn cướp mà không dám
lên án và bảo vệ chủ quyền đất nước. Đó chính là lời ngụy biện của Trần Ích Tắc,
kẻ đã đầu hàng và nhận tước An nam quốc vương của giặc Nguyên: “ để tránh cảnh
can qua, núi xương sông máu cho dân tộc ”. Đó cũng là chủ trương của Lê Chiêu
Thống khi rước voi về dày mả tổ. Nếu tư tưởng chủ bại, hèn nhát này quán xuyến
suốt chiều dài lịch sử thì làm sao dân Việt ta có được những vị anh hùng dân tộc
như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ hay gương trung trinh lẫm
liệt của Nguyễn Biểu, Trần Bình Trọng…
SỰ THẬT ĐẰNG SAU VIỆC LẬT LẠI LỊCH SỬ :
Hành động đầu hàng nhục
nhã của Mạc Đăng Dung là một vết nhơ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc,
Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử xếp
Mạc Đăng Dung vào hàng nghịch thần, hoặc Phan Huy Chú trong Lịch triều Hiến chương loại chí xem nhà
Mạc như một dị biệt. Phan Bội Châu trong Việt
Nam Quốc sử khảo cũng lên án Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lấy đất đai,
nhân dân dâng lên nhà Minh là tội đáng chém. Quyển “ Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều
Nguyễn cũng liệt nhà Mạc vào hạng triều đại tiếm nghịch, thí vua tiếm ngôi,
không được kể là chính thống , nên gọi là ngụy triều, chức quan gọi là ngụy
quan hoặc ngụy chức.
Nặng lời phê phán nhất
là sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử
lược : “ …Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi,
ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem
cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ
được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến
quỳ lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho
một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ. Đối với vua
là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là
không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục ? Cho nên dẫu có lấy được
giang sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cái cơ
nghiệp dựng lên bởi sự gian ác hèn hạ như thế, thì không bao giờ bền chặt được.
Cũng vì cớ ấy cho nên con cháu họ Lê mới trung hưng lên được”.
Sách Lịch sử Việt Nam,
tập 1 của Ủy ban Khoa học-Xã hội Hà Nội xuất bản năm 1971, tái bản năm 1976 đã
ghi như sau : “…Họ Mạc còn dựa vào thế lực của ngoại bang, đầu hàng , thỏa hiệp
với nhà Minh để hòng đổi lấy sự “ ủng hộ” của nước ngoài. Độc lập dân tộc, toàn
vẹn lãnh thổ và thanh danh của đất nước, đó là những điều thiêng liêng đối với
người Việt Nam từ ngàn xưa, nay bị xúc phạm vì sự bất lực và hèn nhát của tập
đoàn thống trị họ Mạc.”
Như vậy, cho tới hậu
bán thế kỷ 20, giới Sử gia hai miền Nam Bắc dù khác quan điểm chính trị nhưng vẫn
cùng chung một nhận xét đánh giá về Mạc Đăng Dung, xác định đó là nhân vật lịch
sử đã nộp nước đầu hàng vì khiếp sợ thế lực phương Bắc, kẻ đã đem dâng đất đai
cho giặc để củng cố ngai vàng, kẻ đã cố chịu nhục để giữ cho được ngai vàng họ
Mạc bằng bất cứ giá nào chứ không phải
hy sinh chịu nhục vì nước vì dân gì cả. Sách giáo khoa lịch sử hai miền Nam Bắc
đều thống nhất Mạc Đăng Dung là kẻ giết vua cướp ngôi gây ra họa nội chiến nồi
da xáo thịt làm suy yếu sức mạnh Đại Việt, tội nặng nhất là cắt đất dâng giặc đến
nay vẫn chưa đòi lại được (trong lúc ấy các chúa Nguyễn đã mở cõi đến Phú Yên).
Nếu gọi sử là tấm gương sáng soi rọi hành vi tiền nhân, người viết sử phải giữ
lòng trung trinh khách quan để hậu thế nhìn vào đó mà noi theo hoặc xa lánh thì
những ghi chép về trường hợp Mạc Đăng Dung nói riêng và dòng họ Mạc nói chung,
toàn bộ các nhà viết sử Đại Việt -Việt Nam hơn 500 năm qua đều không có dị biệt.
Tuy nhiên đến những năm
cuối của thế kỷ 20 (chính xác là sau mật nghị Thành Đô 1990), bắt đầu xuất hiện
những nổ lực nhằm “minh oan” cho Mạc Đăng Dung và chế độ nhà Mạc của các sử gia
Việt Nam và Hội Sử học Hải Phòng , qua việc liên kết tổ chức các cuộc “hội thảo
khoa học về vương triều Mạc ”. Nếu việc “trăn trở” của các thế hệ con cháu nhà
Mạc còn có thể hiểu được (cùng với việc trùng tu những di tích nhà Mạc thời
gian gần đây) thì quan điểm của các quan Thái sử thời nay là hết sức nguy hiểm
vì nó cổ võ cho tư tưởng thần phục nước
lớn, chấp nhận những nhượng bộ thiệt hại về đất đai, chủ quyền dưới chiêu bài “
giữ vững ổn định, tránh chiến tranh”, thực chất là hy sinh quyền lợi dân tộc để
bảo toàn lợi ích phe đảng.
Ngày nay, công cuộc bảo
vệ chủ quyền quê hương biển đảo Việt Nam đang bị uy hiếp trầm trọng vì tham vọng
bá quyền của Trung Quốc, muốn nuốt trọn Biển Đông trong đường lưỡi bò 9 khúc,
hàng ngày trên báo chí đầy dẫy những tin “tức” về những vụ tàu cá của ngư dân
Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm, ngư cụ bị trấn lột, thiết bị bị đập phá; đồng thời Trung Quốc quân sự hóa các đảo chìm
trong quần đảo Trường Sa chuẩn bị hướng tới việc thiết lập vùng nhận dạng phòng
không (ADIZ) trên vùng trời Biển Đông. Khác với phản ứng quyết liệt của
Philippine , Việt Nam giữ thái độ hòa hoãn, thậm chí “hợp tác” với nước đàn anh
XHCN trong việc giải quyết tranh chấp lãnh hải song phương và đa phương. Các cuộc
biểu tình phản đối Trung Quốc đều bị cấm đoán nghiêm ngặt.
Đến
đây thì có lẽ bạn đọc đã biết tại sao Hà Nội lại đặt tên đường cho Mạc Đăng
Dung và Mạc Đăng Doanh rồi !