Thursday, July 16, 2015

MẠC TRIỀU NGÀN NĂM CÔNG TỘI

KIẾN HÀO
-----------------------------------------------------------------------------------------

Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Trấn Hải Dương vốn là đất phát tích của nhà Mạc. Còn Thanh Hoa là đất thang mộc của Lê triều. Thời kỳ Nam - Bắc phân tranh ( 1533 – 1592 ), từ Ninh Bình trở ra thuộc họ Mạc, từ Thanh Hóa trở vào thuộc Lê – Trịnh. Cuộc nội chiến kéo dài đã tiêu hao biết bao sinh mạng, của cải khiến nền kinh tế kiệt quệ, vườn ruộng tiêu điều, đời sống nhân dân hai miền hết sức cơ cực. Dù triều Mạc đã lui vào dĩ vãng, chôn vùi dưới bao lớp sóng phế hưng, nhưng có lẽ nỗi niềm của con cháu vẫn còn vương vấn bao thế hệ. Hai cuộc hội thảo về nhà Mạc tại Hải Phòng năm 1994 và tại Hà Nội nhân dịp kỷ  niệm ngàn năm Thăng Long 2010 có nhiều ý kiến mới mẻ , khác hẳn quan điểm của sử gia thời Lê, Nguyễn hay ngay cả giới sử học hai miền Nam Bắc hậu bán thế kỷ 20. Thường thường nếu muốn tìm sự đồng thuận để thay đổi một quan điểm chung đã định hình là hết sức khó ; trừ khi những lý lẽ phản biện phải rất thuyết phục, khách quan, khoa học và hợp lý; còn nếu chỉ lượm lặt, cóp nhặt từ trong sử cũ những sự kiện riêng lẽ không điển hình, gán ghép một cách khiêm cưỡng theo ý kiến chủ quan thì khó mà nhận được sự đồng tình của mọi người. Huống chi việc viết lại giáo trình lịch sử hay sách giáo khoa cho hàng triệu học sinh các thế hệ con cháu đời sau học hỏi là một việc hết sức hệ trọng ; không nên vì phục vụ cho quan điểm chính trị ngoại giao đương thời hoặc cục bộ địa phương mà uốn cong ngòi bút, làm vẫn đục cả bức tranh lịch sử dân tộc.

ĐẶT TÊN ĐƯỜNG ĐỂ CHẤM DỨT TRANH CÃI ?

Năm 2014, Hà Nội đã từng đề xuất đặt tên đường phố Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông nhưng đại biểu Quốc hội - nhà sử học Dương Trung Quốc đã gửi thư tới lãnh đạo Hà Nội phản đối đề xuất này. Theo ông Dương Trung Quốc, việc đặt tên đường phố Hà Nội mang tên hai nhân vật này là “chưa thích hợp”. Sau đó, Ủy Ban nhân dân TP Hà Nội đã rút tờ trình để củng cố tư liệu. Năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố đặt tên đường Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông lần hai. Lần này, nhà sử học Dương Trung Quốc chỉ đồng tình đặt tên đường Mạc Thái Tông. Quan điểm của nhà sử học Dương Trung Quốc cũng là quan điểm của nhiều học giả, nhà khoa học. Theo đó, việc chỉ đặt tên đường Mạc Thái Tông là dấu mốc ghi nhận tính chính thống và những đóng góp của vương triều Mạc với đất nước. Còn với đề xuất đặt tên đường Mạc Thái Tổ, do tư liệu về ông vẫn còn nhiều “khoảng mờ” lịch sử cùng với bối cảnh chính trị, xã hội hiện tại chưa thích hợp nên tạm gác việc đặt tên phố Mạc Thải Tổ lại.

Ngày 6.7.2015, HĐND Hà Nội đã nhất trí thông qua nghị quyết về việc đặt tên 19 tuyến đường phố mới, trong đó có hai tuyến đường mang tên hai vị vua đầu triều Mạc. Theo lời một vị lãnh đạo, “trước khi trình phương án đặt tên đường, phố lần này, hội đồng tư vấn “đặt tên, đổi tên đường phố” đã họp nhiều lần. Sau khi thống nhất, hội đồng tư vấn cũng đã lấy ý kiến của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch”. Báo chí trong nước cũng lên tiếng ủng hộ bằng việc phỏng vấn, dẫn lời các nhà nghiên cứu Sử trong các Hội, Viện. Tuy nhiên, ngoài những ý kiến đa số là đồng tình, không phải không có những ý kiến ngược lại, thí dụ bài viết của tác giả Trần Thị Băng Thanh trên báo Tiền Phong, số ra ngày 14.6.2015. Lối lập luận khúc chiết, dẫn chứng hợp lý của tác giả bài viết khiến người đọc sáng ra nhiều mối nghi ngờ trước đó. Căn cứ vào lối hành văn, có thể đoán người viết là một nhà nghiên cứu Sử có kiến thức sâu rộng về đề tài này, có thể đã ẩn  danh vì nhiều lý do.
THẦN PHỤC GIẢ VỜ, ĐỘC LẬP THẬT SỰ ?

Một số các nhà nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Việt Nam (mà hầu hết là ở Hà Nội) hiện nay như Ngô Đăng Lợi, Lê Văn Lan, Nguyễn Danh Phiệt, Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Phan Văn Các, Hoàng Lê, Phan Đăng Nhật …đều thống nhất quan điểm: Nhà Mạc thực sự không đầu hàng, Mạc Đăng Dung không hề mắc tội phản quốc. Nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng thậm chí còn nói rõ hơn : ““Hành động “đầu hàng” của nhà Mạc do Minh sử chép là một sự phóng đại để khoe khoang. Hành động của vua Mạc chẳng qua là một hành động “tượng trưng”, một sự “nhún mình” của một nước nhỏ đối với nước lớn trong điều kiện tương quan chính trị ngày xưa. Việc ông già Mạc Đăng Dung đã gánh nhục cho con, cho cháu và cho cả nước mà bị mang tiếng mãi e chừng không ổn. Tất cả ứng xử của Mạc với Minh cũng chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao thường xuyên của nước Việt nhỏ nước Hoa lớn: “thuần phục giả vờ, độc lập thực sự”. Cùng quan điểm với cố GS Trần Quốc Vượng, nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Tường cũng nhận xét: “Với hành động chịu nhẫn nhục của mình, Mạc Đăng Dung không chỉ tạo cho các tướng Cừu Loan, Mao Bá Ôn (tướng nhà Minh) cái cớ để rút quân mà còn làm nguội đi cái đầu bốc lửa của vị hoàng đế Trung Hoa lúc nào cũng sẵn sàng cử binh sát phạt các nước chư hầu”.

            Có thật Mạc Đăng Dung chỉ “hàng phục giả vờ”, “tượng trưng”, “nhún mình”; thực sự là không đầu hàng phương Bắc hay không ? Phải chăng Minh sử đã phóng đại để khoe khoang ? 

            Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục  ghi chép về việc này như sau : “ … đến kỳ đã định, Đăng Dung cùng cháu là Văn Minh và bè đảng là bọn Vũ Như Quế hơn 40 người do đường Nam Quan đi sang; ai nấy buộc dây vào cổ, đi chân không, gieo mình vào mạc phủ tướng Minh, khúm núm, phủ phục, khấu đầu lạy, dâng tờ biểu xin hàng, nộp trình sổ sách đất đai và nhân dân do mình cai quản. (Việt sử thông giám cương mục, Chính biên XXVII, Bản dịch của Viện Sử học in năm 1959, tr. 1337). "Đăng Dung lại xin hàng, dâng đất các động Ti Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, An Lương thuộc châu Vĩnh An ở An Quảng để lệ thuộc vào Khâm Châu. Lại xin nhà Minh ban cho chính sóc và ấn chương đã làm từ trước để Đăng Dung coi giữ việc nước trong khi chờ đợi mệnh lệnh có thay đổi hoặc quyết định ra sao" (Sách đã dẫn tr. 1338). "Năm Mạc Minh Đức thứ 2 (1528), Sử cũ chép Mạc Đăng Dung sợ nhà Minh hỏi tội, bèn tính chuyện cắt đất đem dâng hai châu Quy, Thuận, vua Minh thu nhận. Từ đó Nam Bắc lại đi lại thông hiếu".(Sách đã dẫn tr. 1338).  "Nhà Minh đổi nước An Nam làm An Nam đô thống sứ ty, trao cho Đăng Dung chức Đô thống sứ, đổi đặt toàn quốc làm mười ba tuyên phủ ty, cho lệ thuộc vào đất nhà Minh" (Sách đã dẫn tr. 1340). "Nhà Minh bèn đổi nước An Nam làm Đô thống sứ ti, cho Đăng Dung làm Đô thống sứ, phẩm trật vào bậc tòng nhị (còn kém chánh nhị phẩm), ban cho ấn chương khác và cho đời đời được cha truyền con nối. Còn các nghi thức mà Đăng Dung tiếm dùng đều bắt tước bỏ hoặc cải chính lại. Trong mười ba lộ như Hải Dương, Sơn Nam vân vân đều đặt tuyên phủ ty, mỗi ty đặt một tuyên phủ đồng tri, một tuyên phủ phó sự và một tuyên phủ thiêm sự, dưới quyền cai quản của đô thống sứ. Tất cả các ty trên đây đều cho lệ thuộc vào Quảng Tây phiên ty (Sách đã dẫn tr. 1341).Cũng theo Cương mục thì Mao Bá Ôn (nhà Minh) còn đem gấp tờ tấu lên vua Minh đề xuất việc hàng năm bắt nhà Mạc "phải lên Nam Quan lĩnh lịch được ban", lễ cống năm trước còn thiếu, kiểm tra theo lệ ngạch, "bắt năm sau phải nộp bổ sung cho đầy đủ" (Sách đã dẫn tr. 1340).
             Đại Việt Sử ký Toàn thư , tờ 3a,3b quyển XVI chép : “ …Mùa Đông, tháng 11 (1540), Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn Nguyễn Như Quế, Đỗ Chế Khanh, Đặng Văn Tri, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi Trí Vĩnh, qua Trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước buộc dây ở cổ, đi chân không đến phủ phục trước mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước để chờ phân xử, dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. Lại xin ban chính sóc, cho ấn chương, để kính cẩn coi giữ việc nước và chờ lệnh thay đổi hay quyết định khác. Lại sai bọn Văn Minh, Nguyễn văn Thái, Hứa Tam Tỉnh mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh”.
            Xem như trên, sử Việt (chứ không phải Minh sử) thời Lê, Nguyễn đã ghi chép khá rõ : Đại Việt bị xóa tên, trở thành một đô thống sứ ty lệ thuộc Quảng Tây phiên ty, Mạc Đăng Dung được phong Đô thống sứ, hàng năm nộp cống, nhận lịch … Một đất nước trãi hàng ngàn năm tồn tại do công đóng góp bao xương máu của tiền nhân, nay phút chốc bị xóa bỏ. Kẻ đứng đầu đất nước không còn là vua nữa mà chỉ là một viên quan cấp địa phương của nhà Minh. Cương giới Đại Việt bị chia nhỏ ra làm mười ba tuyên phủ ty, lệ thuộc vào Quảng tây phiên ty. Đất nước bị kẻ thù chia để trị như vậy mà còn ngụy biện là đầu hàng giả vờ (!) thì không biết thế nào mới là đầu hàng thực sự . Nếu Mạc triều là bên thắng trong cuộc chiến Lê-Mạc sau đó thì không biết tương lai của “An Nam đô thống sứ ty” sẽ còn lừng lẫy tới đâu. “ Dân ta phải biết sử ta”, lẽ nào các vị là cây đa , cây đề trong giới sử học Việt Nam lại không biết mà phải dựa vào Minh sử ?
            Mạc phủ, nơi bọn tướng nhà Minh tiếp nhận sự đầu hàng của Mạc Đăng Dung và hơn 40 thuộc hạ, về sau được gọi là “Thành Thụ hàng”. Hơn hai trăm năm sau, Ngô Thì Nhậm đi sứ qua đây, nhìn cảnh cũ cảm khái làm bài thơ Thụ hàng thành :
 Thụ Hàng thành
Lộ kinh Mạc phủ nhập Bằng Tường,
Cố Thụ Hàng thành thị cố cương.
Sơn tự Lạng Sơn, khê giảo thiểu,
Thạch xưng Hạ Thạch lý thiên trường.
Thủy xa chuyển trục lôi huyên ngạn,
Hỏa hiệu tiêu đài tuyết mãn đường.
Đô thống Hàng Thành thành thậm sự,
Linh nhân thiên tải mạ Nghi Dương.

(Đường đi qua phủ mạc vào Bằng Tường, Thành Thụ Hàng xưa là cương giới cũ của nước ta. Núi non giống như ở Lạng Sơn nhưng suối khe ít hơn. Đá thì gọi là Hạ thạch, riêng đường càng dài. Trục guồng nước chuyển, tiếng nước đổ như sấm huyên náo bên bờ, Trên đài pháo hiệu tàn bay như tuyết khắp nhà. Đô thống, Thành Hàng là cái trò gì vậy, khiến người ta nghìn năm còn chửi mắng kẻ Nghi Dương (Mạc Đăng Dung người Nghi Dương).
Nguyễn Sĩ Lâm dịch thành thơ như sau:
Lối qua Mạc phủ tới Bằng Tường,
Thành Thụ Hàng xưa, dấu cố cương.
Núi tựa Lạng Sơn, dòng suối ít,
Mốc nêu Hạ Thạch, dặm đường trường.
Tuyết bay tàn pháo đồn canh khắp,
Sấm chuyển guồng xe, bến nước vang.
Đô thống xin hàng, trò khốn nạn,
Nghìn năm bán nước tiếng Nghi Dương
(Ngô Thì Nhậm toàn tập (Tập 3), Nxb Khoa học xã hội, 2005.
MẠC ĐĂNG DUNG CÓ DÂNG ĐẤT CHO NHÀ MINH KHÔNG ?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Tường dẫn lại lời của cố giáo sư Trần Quốc Vượng : “Còn về việc “dâng đất” nhà Minh, chính sử nhà Minh có viết: “Họ Mạc nộp toàn đất khống (có địa danh mà không có thực) hoặc là đất nhà Minh từ trước rồi, mà tương kế tựu kế đem nộp. Các quan nhà Minh không hay cứ yên trí đem dâng đất về kinh sư. Khi đi kiểm tra để thu hồi mới hay sự thật là họ Mạc nộp vờ”. Có thực là Mạc Đăng Dung chỉ nộp đất “khống” để lừa vua quan nhà Minh không ?

Theo Đại Việt sử ký toàn thư thời Lê thì Đăng Dung cắt dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An, trấn Yên Quảng xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. Nhưng theo Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (chính biên, quyền 27) thì có thể sách trên chép nhầm vì theo Khâm Châu chí của nhà Minh và Quảng Yên sách của ta thì An Lương vẫn thuộc châu Vạn Ninh nước ta. Theo Việt Nam sử lược, năm động bị dâng là : Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sung, Liễu Cát và La Phù, có lẽ chép thep Cương mục. (Cương mục dẫn Quảng Yên sách cho rằng động An Lương là phố An Lương thuộc châu Vạn Ninh nước ta, sau đổi thành phủ Hải Ninh).

Theo Đại Việt Thông sử thì trong tờ hàng biểu, Mạc Đăng Dung tâu rõ :“ …hai đô Như Tích, Chiêm Lãng và bốn động Tư Phiêu, La Phù, Cổ Sâm, Liễu Cát là đất cũ của Khâm Châu tỉnh Quảng Đông. Nếu quả như vậy thì những đất ấy do triều trước họ Lê mạo nhận. Nay hạ thần xin tình nguyện dâng các xứ ấy lệ thuộc vào Khâm Châu…”.

Trong bản tổng kết Hội thảo khoa học về vương triều Mạc tại Kiến Thụy- Hải Phòng ( 18.7.1994), Phan Huy Lê đã nêu ra một ý mới: “ Đánh giá xung quanh vấn đề này có những ý kiến khác nhau, nhất là chính sách đối ngoại của nhà Mạc đối với nhà Minh. Nhưng cuối cùng đã đi đến thống nhất : phải đặt nhà Mạc trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nhà Mạc phải đối phó với nhiều thế lực phong kiến. Đòi hỏi phải có nhiều sách lược mềm mỏng. Sách lược đó là tránh chiến tranh bảo vệ chủ quyền của mình. Việc dâng đất nhà Minh: Nhà Mạc cắt bốn động thuộc hai châu cho nhà Minh điều đó là có thật. Vì đất đó thực chất là của nhà Minh. Về phương diện nào đó nhà Minh đòi hỏi, nhà Mạc phải trả lại. Và cũng về mặt nào đó, nhà Mạc phải trả lại cho nhà Minh. Tuy nhiên việc làm này không thể chấp nhận được. Vì đó là nguyên tắc trong mối quan hệ bang giao. Nên dù sao trong chính sách đối với nhà Minh, nhà Mạc còn một số hạn chế ”.

Lối nói đẩy đưa nước đôi của Phan Huy Lê khiến người đọc có thể hiểu nhầm việc cắt đất dâng nhà Minh của Mạc Đăng Dung không phải là phản quốc, vì đất đó là của nhà Minh nay Đăng Dung trả lại cho nhà Minh. Sự thực ra sao ? Vùng đất biên viễn ấy , nguyên khi xưa thời Lê sơ, động trưởng các động tự nguyện xin phụ thuộc vào nước ta . Nhà Lê nhập các đất ấy vào châu Vạn Ninh. Như vậy, đất ấy đã nội thuộc nước ta đến thời Mạc gần 100 năm rồi, nhất là bằng con đường hòa nhập chứ không phải bằng bạo lực xâm lược, không hiểu Phan Huy Lê dựa vào đâu để gọi là của nhà Minh ? Nếu đất ấy là của nhà Minh thì việc vua Quang Trung đòi nhà Thanh trả lại đất Lưỡng Quảng là sai sao ? Và miền Nam đúng là đất của Campuchia như hoàng thân Sihanouk đòi chăng ? Việc Đăng Dung đem dâng trả đất đã nội thuộc vào nước ta cho nhà Minh chính là đã chính thức công nhận chủ quyền của họ. Trong ngoại giao đó là một việc thất thố, tổn hại đến lợi ích quốc gia.

              Cũng có tác giả như Phạm Văn Sơn trong Việt sử tân biên so sánh việc nộp đất của Đăng Dung với việc cắt nhượng tô giới cho các nước phương Tây của nhà Thanh mà cho rằng đó là hành động khôn khéo để bãi một cuộc binh đao tai hại, “gây chết chóc muôn vàn sinh mạng”. Ở đây có một sự lầm lẫn, hoặc tác giả Việt Sử tân biên cố tình đánh đồng hai khái niệm khác nhau, bởi “nộp đất” nghĩa là trao trọn chủ quyền đất đai vĩnh viễn cho giặc, còn “cắt nhượng tô giới” là một thỏa hiệp có hạn chế về không gian và thời gian, chủ yếu khai thác về mặt kinh tế, thương mại; về một mặt nào đó bên cắt nhượng vẫn còn chủ quyền trên đất đó. 

Sự kiện Đăng Dung cắt đất dâng cho giặc là một việc làm có thật, không phải nộp “vờ”, dựa vào Minh sử để biện minh cho hành động bán nước của nhà Mạc là đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Hơn nữa, không dễ gì gạt được những kẻ mà lòng “tham đất” đã ăn sâu vào huyết quản, truyền từ đời này sang đời kia. Lê Thánh Tôn, một vị vua anh minh của Đại Việt (1460-1497) đã từng có câu mệnh lệnh nổi tiếng : “ Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ ?...kẻ nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”.

            Sự thật, gọi việc dâng đất cho giặc của Mạc Đăng Dung là “tránh chiến tranh bảo vệ chủ quyền” là một lối nói xảo ngôn, ngụy ngữ, là lập luận hết sức nguy hiểm của những kẻ có tinh thần chủ bại, chưa đánh đã hàng , khiếp hãi nước lớn, cam tâm làm nô lệ cho giặc, tay sai cho ngoại bang ; đi ngược lại truyền thống bốn ngàn năm giữ nước và dựng nước của ông cha. Sách lược ấy, tư tưởng ấy chỉ khuyến khích lớp hậu sinh trở nên hèn yếu , nhu nhược; chấp nhận cho kẻ thù lấn cướp mà không dám lên án và bảo vệ chủ quyền đất nước. Đó chính là lời ngụy biện của Trần Ích Tắc, kẻ đã đầu hàng và nhận tước An nam quốc vương của giặc Nguyên: “ để tránh cảnh can qua, núi xương sông máu cho dân tộc ”. Đó cũng là chủ trương của Lê Chiêu Thống khi rước voi về dày mả tổ. Nếu tư tưởng chủ bại, hèn nhát này quán xuyến suốt chiều dài lịch sử thì làm sao dân Việt ta có được những vị anh hùng dân tộc như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ hay gương trung trinh lẫm liệt của Nguyễn Biểu, Trần Bình Trọng…

SỰ THẬT ĐẰNG SAU VIỆC LẬT LẠI LỊCH SỬ :

Hành động đầu hàng nhục nhã của Mạc Đăng Dung là một vết nhơ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử xếp Mạc Đăng Dung vào hàng nghịch thần, hoặc Phan Huy Chú trong Lịch triều Hiến chương loại chí xem nhà Mạc như một dị biệt. Phan Bội Châu trong Việt Nam Quốc sử khảo cũng lên án Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lấy đất đai, nhân dân dâng lên nhà Minh là tội đáng chém. Quyển “ Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng liệt nhà Mạc vào hạng triều đại tiếm nghịch, thí vua tiếm ngôi, không được kể là chính thống , nên gọi là ngụy triều, chức quan gọi là ngụy quan hoặc ngụy chức.

Nặng lời phê phán nhất là sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử lược : “ …Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ. Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục ? Cho nên dẫu có lấy được giang sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cái cơ nghiệp dựng lên bởi sự gian ác hèn hạ như thế, thì không bao giờ bền chặt được. Cũng vì cớ ấy cho nên con cháu họ Lê mới trung hưng lên được”.

Sách Lịch sử Việt Nam, tập 1 của Ủy ban Khoa học-Xã hội Hà Nội xuất bản năm 1971, tái bản năm 1976 đã ghi như sau : “…Họ Mạc còn dựa vào thế lực của ngoại bang, đầu hàng , thỏa hiệp với nhà Minh để hòng đổi lấy sự “ ủng hộ” của nước ngoài. Độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và thanh danh của đất nước, đó là những điều thiêng liêng đối với người Việt Nam từ ngàn xưa, nay bị xúc phạm vì sự bất lực và hèn nhát của tập đoàn thống trị họ Mạc.”

Như vậy, cho tới hậu bán thế kỷ 20, giới Sử gia hai miền Nam Bắc dù khác quan điểm chính trị nhưng vẫn cùng chung một nhận xét đánh giá về Mạc Đăng Dung, xác định đó là nhân vật lịch sử đã nộp nước đầu hàng vì khiếp sợ thế lực phương Bắc, kẻ đã đem dâng đất đai cho giặc để củng cố ngai vàng, kẻ đã cố chịu nhục để giữ cho được ngai vàng họ Mạc bằng bất cứ giá nào chứ không phải hy sinh chịu nhục vì nước vì dân gì cả. Sách giáo khoa lịch sử hai miền Nam Bắc đều thống nhất Mạc Đăng Dung là kẻ giết vua cướp ngôi gây ra họa nội chiến nồi da xáo thịt làm suy yếu sức mạnh Đại Việt, tội nặng nhất là cắt đất dâng giặc đến nay vẫn chưa đòi lại được (trong lúc ấy các chúa Nguyễn đã mở cõi đến Phú Yên). Nếu gọi sử là tấm gương sáng soi rọi hành vi tiền nhân, người viết sử phải giữ lòng trung trinh khách quan để hậu thế nhìn vào đó mà noi theo hoặc xa lánh thì những ghi chép về trường hợp Mạc Đăng Dung nói riêng và dòng họ Mạc nói chung, toàn bộ các nhà viết sử Đại Việt -Việt Nam hơn 500 năm qua đều không có dị biệt. 

Tuy nhiên đến những năm cuối của thế kỷ 20 (chính xác là sau mật nghị Thành Đô 1990), bắt đầu xuất hiện những nổ lực nhằm “minh oan” cho Mạc Đăng Dung và chế độ nhà Mạc của các sử gia Việt Nam và Hội Sử học Hải Phòng , qua việc liên kết tổ chức các cuộc “hội thảo khoa học về vương triều Mạc ”. Nếu việc “trăn trở” của các thế hệ con cháu nhà Mạc còn có thể hiểu được (cùng với việc trùng tu những di tích nhà Mạc thời gian gần đây) thì quan điểm của các quan Thái sử thời nay là hết sức nguy hiểm vì nó cổ võ cho  tư tưởng thần phục nước lớn, chấp nhận những nhượng bộ thiệt hại về đất đai, chủ quyền dưới chiêu bài “ giữ vững ổn định, tránh chiến tranh”, thực chất là hy sinh quyền lợi dân tộc để bảo toàn lợi ích phe đảng.

Ngày nay, công cuộc bảo vệ chủ quyền quê hương biển đảo Việt Nam đang bị uy hiếp trầm trọng vì tham vọng bá quyền của Trung Quốc, muốn nuốt trọn Biển Đông trong đường lưỡi bò 9 khúc, hàng ngày trên báo chí đầy dẫy những tin “tức” về những vụ tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm, ngư cụ bị trấn lột, thiết bị bị đập phá;  đồng thời Trung Quốc quân sự hóa các đảo chìm trong quần đảo Trường Sa chuẩn bị hướng tới việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng trời Biển Đông. Khác với phản ứng quyết liệt của Philippine , Việt Nam giữ thái độ hòa hoãn, thậm chí “hợp tác” với nước đàn anh XHCN trong việc giải quyết tranh chấp lãnh hải song phương và đa phương. Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đều bị cấm đoán nghiêm ngặt.

            Đến đây thì có lẽ bạn đọc đã biết tại sao Hà Nội lại đặt tên đường cho Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh rồi !
  

Friday, July 10, 2015

HÀNG THẦN LƠ LÁO

KIẾN HÀO


Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?
( Truyện Kiều – Nguyễn Du )

 Nguyễn Hữu Chỉnh – kẻ sĩ Bắc Hà :

Hoàng Lê  nhất thống chí chép : “ Chỉnh vốn người làng Đông Hải, huyện Chân Phúc, trấn Nghệ An. Cha Chỉnh nhờ nghề buôn bán trở nên giàu có, Chỉnh phong tư đẹp đẽ, trí tuệ hơn người, năm 16 tuổi đỗ Hương cống. Giỏi làm thơ quốc âm ( chữ Nôm) . Tính Chỉnh lại hào hiệp giao du khắp thiên hạ. Trong nhà lúc nào cũng có vài chục người khách, mười mấy ca nhi và vũ nữ. Chỉnh tự tay soạn ra bài hát, phổ vào đàn sáo , bắt ca nhi vũ nữ ca múa để mua vui. Vì thế , Chỉnh được xem là tay phong lưu bậc nhất ở đất Trường An hồi đó”.

Buổi đầu binh nghiệp, Chỉnh làm gia thần dưới trướng Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc , sau đó làm Hữu tham quân cho Trấn thủ Nghệ An Huy Quận công Hoàng Tố Lý. Khi loạn kiêu binh nổi lên (1782) thì Chỉnh đang là một viên tì tướng trấn Nghệ An. Được tin Quận Huy bị giết, Đặng tuyên phi và vương tử Cán bị bức tử, Chỉnh hốt hoảng bỏ Nghệ An vượt biển vào Quy Nhơn theo Nguyễn Nhạc, nhờ lập công đầu trong nhiều trận đánh nên được Nguyễn Nhạc tin dùng.

Năn 1786, quân Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân, nhân đấy Chỉnh tham mưu cho Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc dưới danh nghĩa Phù Lê diệt Trịnh. Các tướng dưới trướng của Nguyễn Huệ như Vũ Văn Nhậm, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân…vẫn giữ sự đố kỵ đối với Chỉnh, xem việc Chỉnh dẫn đường cho quân Tây Sơn ra Bắc diệt Trịnh giống như Ngũ Tử Tư rước quân Ngô về đánh Sở để trả thù cho cha anh; còn dân chúng Bắc Hà vẫn xem Chỉnh là kẻ bội phản, rước giặc vào nhà khiến sự nghiệp hai trăm năm nhà Chúa ra tro.

Kịp khi quân Tây Sơn rút về Nam, Chỉnh cũng lật đật rút theo, đến Nghệ An thì theo kịp. Chỉnh được Nguyễn Huệ giao trấn thủ xứ ấy để làm rào giậu. Vua quan triều Lê đã sẵn hậm hực vì mất đất Nghệ An vào tay Tây Sơn, lại thấy thanh thế Chỉnh ngày càng to nên lấy làm ghét lắm nhưng không làm gì được. Sự nghiệp của Chỉnh lên đến đỉnh điểm khi được vua Chiêu Thống vời về kinh diệt bọn phò chúa như Dương Trọng Tế, Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ, đuổi chúa Án Đô vương Trịnh Bồng chạy dài. Cậy có quân công, Chỉnh trở thành kiêu lộng quá mức, lại có ý làm phản chống lại Tây Sơn, rốt cuộc bị chết dưới tay tướng Tây Sơn là Vũ văn Nhậm.

Thất bại của Chỉnh một phần do không được sự ủng hộ của dân chúng Bắc Hà, vốn vẫn xem Chỉnh như một kẻ phản bội cõng rắn cắn gà nhà; khi về hàng Tây Sơn lại bị Nguyễn Huệ và các tướng nghi ngờ, xem như một hàng tướng gian xảo, không đáng tin cậy. Tuy nhiên, nếu công tâm nhận xét thì nếu Chỉnh không bỏ vào Nam theo Tây Sơn thì biết theo ai ? Hào khí Thăng Long đang đi vào giai đoạn thoái trào, chả lẽ lại theo phò cái thây ma Lê-Trịnh đang mục nát hay theo làm tỳ tướng cho bọn giặc cỏ ở các trấn như Dương Trọng Tế, Hoàng Phùng Cơ, Đinh Tích Nhưỡng ? Thế đứng độc lập của Chỉnh ở Bắc Hà thành ra lại có hại hơn là có lợi. Hậu thế có người thắc mắc tại sao Chỉnh không vượt biển vào nam theo chúa Nguyễn ? Thì đó, tấm gương Đặng Trần Thường, Lê Chất cho ta thấy phe  bên kia chiến tuyến có bao giờ xem bọn hàng tướng là phe mình đâu ?  

2. Ngô Thời Nhiệm, nhà nho thọ lộc hai triều:

Ngô Thời Nhiệm (Ngô Thì Nhậm) xuất thân từ một gia đình khoa bảng trí thức, cha là Ngô Thì Sĩ làm quan trãi hai triều chúa Trịnh là Trịnh Doanh và Trịnh Sâm. Khi vụ án năm Canh Tý (1780) xảy ra, Thì Nhậm đang giữ chức Đốc Đồng trấn Kinh Bắc, còn cha là Thì Sĩ đang làm Đốc trấn Lạng Sơn. Theo Việt sử Thông giám Cương mục thì chính Thì Nhậm đã hợp mưu cùng Huy Bá làm tờ khải dâng lên Trịnh Sâm để tố cáo Trịnh Tông “mưu phản”, trước đó Ngô Thì Sĩ đã cố sức can ngăn mà Nhậm vẫn không nghe. Sau nghe tin Nhậm đã phát giác việc ấy, Sĩ buồn bực bèn uống thuốc độc tự tử. Nhậm vì có công tố giác, được thăng Hữu thị lang bộ Công (Thứ trưởng bây giờ-KH). Do đó, người đương thời có câu rằng “ sát tứ phụ nhi thị lang” (giết bốn người cha để được làm Thị lang). Bốn người cha là : Thì Sĩ, thân phụ, Trịnh Tông, quân phụ, hai người bạn của bố là Nguyễn Khắc Tuân và Nguyễn Khản.

Khâm định Việt sử Thông giám cương mục chép việc này như sau: “Ngô Thì Nhậm, đốc đồng Kinh Bắc, trước kia giữ việc hàng ngày giảng nghĩa sách cho Khải, rất được Khải thân yêu kính trọng. Hà Như Sơn, một tên đầy tớ nhỏ, là học trò Thì Nhậm, hiện làm người giữ sách cho Khải. Như Sơn biết được việc này, đem nói với Nhậm, Nguyễn Huy Bá, cấp sự trung là người giảo hoạt thâm hiểm, vì tội tham tang, bị bãi chức. Bá cho con dâu vào làm thị tỳ hầu hạ Đặng Thị (Huệ), lại sai người thân tín cầu cạnh làm hầu hạ Nguyễn Khắc Tuân, nên dò biết việc này, bèn vào phủ tố  cáo với Đặng Thị. Thì Nhậm định tự mình phụ hoạ với Đặng Thị, bèn cùng Huy Bá hợp mưu cáo tố là Khải lén lút cấu kết với hai viên trấn thủ, mưu toan làm việc trái phép. Sâm giận lắm, cho triệu Đình Bảo vào phủ bảo về việc này, ý Sâm muốn phê phó giao xuống để trị tội ngay. Đình Bảo can rằng: "Khải dám làm việc to lớn này, chính do viên quan hai trấn ở Tây và Bắc chủ mưu, nay họ đều cầm quân ở ngoài nếu trị tội một cách vội vàng, e sẽ xảy ra biến cố khác. Vậy chi bằng trước hết triệu hai viên trấn thủ ấy về triều, rồi sau sẽ dần dà phát giác sự trạng để trị tội". Sâm nhận là phải, bèn hạ lệnh triệu Nguyễn Lệ trấn thủ Sơn Tây. Khi Lệ về đến nơi, Sâm yên ủi có phần hơn trước. Cách mấy hôm sau, mật bắt được bè đảng của Lệ; nhân đấy lại cho triệu Nguyễn Khắc Tuân, trấn thủ Kinh Bắc. Khi Tuân đã về, bắt giam lại cùng với Nguyễn Lệ và Nguyễn Phương Đĩnh, rồi sai Ngô Thì Nhậm cùng với hoạn quan là Phạm Huy Thức tham dự việc tra hỏi. Gặp lúc ấy,Thì Nhậm vì cha mất, từ chức về, nên đổi sai Lê Quý Đôn tra hỏi lại, bọn Xuân Thụ, Thế và Thẩm nhận hết tội lỗi. Sâm bèn truất Khải xuống làm con út (quý tử), giam ở nội phủ. Bọn Xuân Thụ đều bị giết. Nguyễn Lệ và Nguyễn Khắc Tuân bị giam vào ngục. Phương Đĩnh vì nuôi dưỡng Trịnh Khải không thành công trạng gì, nên bị lột hết chức tước đuổi về làng. Khắc Tuân và Chu Xuân Hán đều uống thuốc độc chết. Trịnh Khải đã bị phế, ở ngôi nhà ba gian, ăn uống ra vào không được tự do, người ta đều lo ngại cho Khải, nhưng không người nào dám nói. Lúc ấy có viên tri châu cũ là Lê Vĩ, dâng thư biện bạch cho Khải là bị tội oan, nhưng không được Trịnh Sâm xét đến. Trước kia, NgôThì Nhậm sắp phát giác tội của Khải, đem việc ấy bàn với cha NgôThì Sĩ, Sĩ cố sức can ngăn, đến nổi phải đem cái chết để thề bồi với con, nhưng chung quy Nhậm vẫn không theo. Kịp khi nghe tin Nhậm đã phát giác việc ấy, Sĩ buồn bực, bèn uống thuốc độc tự tử. Về phần Nhậm, vì có công phát giác, được thăng hữu thị lang bộ Công. Lúc ấy người ta có câu rằng: "Sát tứ phụ nhi thị lang", nghĩa là giết 4 người cha để mà làm thị lang. Câu ấy là có ý khinh bỉ Thì Nhậm đó”.

Năm 1782, loạn kiêu binh nổi lên đưa Trịnh Tông trở lại ngôi chúa, nhũng kẻ tham dự vào việc tố giác chúa năm xưa đều bị kiêu binh lùng bắt và phá nhà tan tành. Ngô Thì Nhậm bỏ trốn về quê vợ ở Thái Bình, đường công danh kể như chấm dứt. Âu đó cũng là cái giá phải trả cho những kẻ dùng âm mưu thủ đoạn chốn quan trường, hãm hại người khác để làm bậc tiến thân. Nếu chúa Trịnh không bị Tây Sơn lật đổ thì Thì Nhậm kể như hết đường tiến thủ trong lúc suốt đời phải chịu điều tiếng giết cha của bia miệng. Điều này giải thích tại sao sau này, cùng với Phan Huy Ích,  Ngô Thời Nhiệm là một trong vài viên quan nhà Lê sốt sắng ra hợp tác với Tây Sơn sớm nhất trong lúc đa số quan lại Bắc Hà nếu không chạy theo vua Lê được đều chọn con đường tạm lánh ở ẩn. Vua Quang Trung đã thấu hiểu tình thế “nhạy cảm” của Nhiệm nên đã có lời an ủi, vỗ về cho kẻ sĩ Bắc Hà yên lòng : “ Ngày trước, ngươi vì chúa Trịnh không dung, một mình bỏ nước mà đi.Nếu ta không đến đây, ngươi làm sao được thấy bóng mặt trời ? Có lẽ đó là ý trời muốn để dành người tài cho ta dùng. Vậy ngươi hãy cố gắng mà lo việc báo đáp, thế là được”. (Hoàng Lê Nhất Thống chí)
    
Giống như thái độ đối xử với hàng tướng Hữu Chỉnh, bọn quan tướng Tây Sơn không bao giờ xem Thì Nhậm là “người mình” hay “quân ta”. Năm 1788, trước khi về nam, Nguyễn Huệ biết bọn tỳ tướng của mình sẽ phân biệt đối xử với bọn hàng thần Bắc Hà nên đã để lại lời dặn dò tâm huyết : “ Sở và Lân là nanh vuốt của ta, Dụng và Ngôn là tâm phúc của ta, Tuyết là cháu của ta, còn Nhậm vừa là bề tôi vừa là khách của ta, lại là dòng văn học Bắc Hà, thông thạo việc đời. Nay ta giao cho các ngươi cả mười một trấn trong toàn hạt. Những việc quan trọng trong nước, đều cho tùy tiện mà làm. Mọi việc cùng nhau họp bàn ổn thỏa, chớ vì kẻ cũ người mới mà xa cách nhau….”.

Khi quân Thanh sang xâm lấn, Thì Nhậm khuyên Ngô Văn Sở chớ xem thường quân địch thì Sở đang hồi đắc ý nên không nghe, còn giễu cợt Thì Nhậm trước mặt bá quan : “…nếu quân giặc có sang thì phiền ông làm một bài thơ để lui chúng…”. Cũng vì xem thường, không nghe lời bàn của Nhậm nên Phan Văn Lân đã “nướng” năm ngàn quân tiên phong vào trận đánh bên bờ sông Hồng . Theo Hoàng Lê Nhất thống chí : “…lúc ấy tiết trời giá rét, Lân kéo quân qua sông thách đánh. Tướng sĩ vốn sợ oai của Lân, phải liều với khí lạnh mà lội bừa xuống nước. Ra đến giữa sông những kẻ cóng quá không thể qua được đều bị chết đuối. Còn những kẻ vào tới được bờ cũng đều bị quân Thanh giết chết. Lân liệu chừng không thể giao chiến được nữa bèn vẫy quân chạy lui. Đám quân tan vỡ chạy trốn vào các làng, đều bị dân chúng bắt nộp cho quân Thanh. Lân chỉ trơ một mình một ngựa mà quay về…”.  

Sau chiến thắng Kỷ Dậu (1789), Nhậm được vua Quang Trung ủy thác đảm đương mặt trận ngoại giao với nước Thanh. Đây là thời kỳ văn tài của Nhậm được phát huy hết mức. Khi vua Quang Trung mất, Nhậm bị thất sủng không được Quang Toản và đình thần Tây Sơn tin dùng, bèn lui về nhà nghiên cứu Phật học.

 Sau khi vua Gia Long tiêu diệt nhà Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch và một số viên quan triều Lê hàng Tây Sơn bị đánh bằng roi tại Văn Miếu (1803). Sau trận đòn, về nhà, vài hôm sau thì Ngô Thì Nhậm chết. Về cái chết của Ngô Thì Nhậm, người đời thêu dệt thêm chuyện Đặng Trần Thường dụng hết pháp để trả tư thù, nhưng xét ra luật trời có vay có trả, phải chăng chính những oan hồn của vụ án năm Canh Tý đã vận vào nghiệp chướng của Thì Nhậm như một cách báo thù của người cõi âm ? Câu chuyện Đặng Trần Thường tẩm thuốc độc vào roi hoặc sai hình quan cố ý đánh vào chổ hiểm của Thì Nhậm chỉ là truyền thuyết, không có chứng cứ. Đánh roi cũng còn là hình phạt nhẹ so với tội “phản quốc” dưới thời phong kiến. Dù sao hình phạt ấy cũng mang tính nhân văn cao hơn so với ngay cả các hình thức xử phạt tương tự thời nay của một số chế độ vẫn tự xưng là văn minh, nhân đạo. Sử gia đời sau cứ trách hình luật triều Nguyễn tàn nhẫn hơn luật Hồng Đức nhưng xem ra cũng có ngoại lệ. Có thể vua Gia Long vẫn còn chút biệt nhãn đối với đất và người Thăng Long ngàn năm văn vật. Ai cũng biết thói đời, kẻ thừa hành xu nịnh thường hay đoán ý mà làm vui lòng quan trên. Huống chi mối hiềm khích Thì Nhậm-Trần Thường công khai trên sảnh đường ngày nào, ai ai cũng biết: Thì Nhậm đang hồi đắc ý được Tây Sơn giao cho chức quan to xứ Bắc, sỉ nhục Trần Thường trước bá quan văn võ. Thời cuộc xoay vần, nay (1803) kẻ ngồi trên ngôi cao mắng người trở thành kẻ chịu tội, còn kẻ bị mắng trở thành vị phán quan xét xử. Vậy thì bọn chấp pháp kia dù có ngu dốt cũng biết cách làm thế nào để vui lòng quan trên của chúng. Bị phạt trượng đau một, nhưng bị chịu nhục ngay cửa Khổng sân Trình, đối với một nhà nho đau gấp hai ba lần. Trong lịch sử Việt Nam , cũng có một trường hợp chết vì không chịu nổi nỗi sỉ nhục : đó là kẻ cướp ngôi nhà Lê Mạc Đăng Dung. Năm 1541, Mạc Đăng Dung dẫn bộ thuộc lên Ải Nam Quan, mặc đồ trắng, giắt roi trên lưng, tự trói mình, cúi đầu quỳ lạy trước bọn võ quan nhà Minh, nộp sổ sách đất đai xin đầu hàng, chịu phiên thuộc, nhận tước phong và nộp cống hàng năm. Trở về Dương Kinh (Hải Dương), bị ám ảnh bởi nỗi nhục quá lớn, Đăng Dung lâm bịnh và từ trần.
   

3.Thành phần thứ ba :

Một trong những giải pháp hòa bình được nêu trong Hội nghị Paris là thành lập Chính phủ liên hiệp ba thành phần tại miền Nam, mà thành phần thứ ba là những người trung lập, sống và hoạt động chính trị-ngoại giao dưới chế độ VNCH. Những người thuộc thành phần thứ ba không bao giờ thừa nhận mình là cộng sản hay công cụ của công sản, đa số đều tự cho mình là những người bất đồng chính kiến đang đấu tranh cho tự do dân chủ. Mà chỉ đấu tranh một phía, với thể chế của chính quyền VNCH , đấu tranh một cách rất có ý thức trong việc lợi dụng các quyền tự do như ngôn luận hay biểu tình, gây bất ổn  trong một xã hội vốn đã bất ổn vì chiến tranh. Cao điểm là những năm sau Mậu Thân, lúc tương quan lực lượng quân sự có những thay đổi đáng kể, và cái bánh vẽ “chính phủ ba thành phần” đang được nhắc tới như một giải pháp thiết thực được các bên (vờ) quan tâm để lập lại hòa bình, lực lượng thứ ba với những trò thọc phá sau hậu phương nhân danh đấu tranh cho hòa bình và độc lập dân tộc lại càng diễn ra quyết liệt trong các phong trào đô thị.
Ngày 29 tháng 4 năm 1975, một số thành viên trong lực lượng thứ ba vẫn còn ảo tưởng, ôm mộng sẽ được chia phần trong chính phủ tương lai, đến trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất xin gặp phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cái mà họ nhận được sau đó là một bản sao của Bản tuyên bố ngày 26-4 : yêu cầu chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, giải tán tất cả các thể chế không còn phù hợp trong tình hình mới. Nghĩa là giải pháp “Chính phủ liên hiệp ba thành phần” chỉ là một nước cờ trong cuộc chiến ngoại giao, nay không còn cần thiết trước một thắng lợi quân sự đã rõ ràng. Hình ảnh một Trịnh Công Sơn trưa ngày 30 tháng 4 lên đài phát thanh ôm đàn gẩy và tự hát “Nối vòng tay lớn”, sau tuyên bố đầu hàng của Dương văn Minh, rồi cũng ngay sau đó bị “mời” ra khỏi đài phát thanh là một hình ảnh hết sức ý nghĩa, tượng trưng cho một “lực lượng thứ ba” đang …hết tác dụng, như anh kép hát bị đoàn cải lương cắt hợp đồng, như một ca sỹ quần chúng bị lịch sự vỗ tay mời xuống khỏi sân khấu “hát với nhau” .

Ngày 2.5.1975 chính quyền quân quản ra tuyên bố giải thể mọi tổ chức, đoàn thể chính trị được thành lập dưới chế độ cũ, những người tự nhận là thành phần thứ ba phân hóa thành nhiều xu hướng khác nhau : một số lộ ra là Đảng viên Đảng CS tiếp tục tham chính, một số bỏ của chạy ra nước ngoài (!), một số (ít) nổi tiếng được chính quyền mới lưu dụng lại trong bộ máy cầm quyền như một hình thức trả công, tuy không được trọng dụng. Và cũng như những hàng tướng trong thời phong kiến, dù không bị kỳ thị ra mặt nhưng những kẻ này không bao giờ được tin tưởng giao cho những vị trí quan trọng, có thực quyền. Xin dẫn chứng bằng hai câu nói của những nhân vật nổi tiếng trong giới “thành phần thứ ba” ( xin đừng nhầm với “giới tính thứ ba”) như sau : “Sau 30 năm, tôi vẫn phải gánh trên lưng mình cái lý lịch “viên chức cao cấp chế độ cũ” như một cục bướu...,  tôi chưa bao giờ là một thành viên trọn vẹn của chế độ mới. Tôi vẫn hiểu được rằng thật khó cho người cộng sản  tin dùng trọn vẹn một người không phải của mình..Một trong những câu nói đầu tiên sau thời gian cha tôi bị tắt tiếng là nói với tôi một cách giận dữ: “ Tao không muốn gặp mầy nữa. Gia đình mày như thế này, cha mày như thế này, mà mày còn viết báo cho cộng sản. Tao từ mày.” ( Lý Quý Chung- Hồi ký không tên- Nhà xuất bản Trẻ TP Hồ Chí Minh). “Thật rất tiếc. Đáng lý ông Minh nên ở lại đất nước bởi chính ông là người từng kêu gọi dân chúng không nên bỏ quê hương ra đi. Nhiều người vì nghe ông ở lại. Thế mà bây giờ ông lại ra đi ...” ( Thích Trí Quang- Sách đã dẫn).

Ngày nay bình tâm nhìn lại, ta cảm thương cho số phận những thanh niên miền Nam đã phải lên đường nhập ngũ và bỏ xác nơi chiến trường, lại càng khinh miệt những hàng tướng trong “lực lượng thứ ba”, những kẻ xuống đường đòi hỏi hòa bình ngay lập tức, cao giọng rao giảng đấu tranh cho sự tồn vong của dân tộc, đấu tranh nhân danh bảo vệ quyền con người (thậm chí là quyền …sướng), đấu tranh bảo vệ cho độc lập tự do, cho hòa hợp hòa giải dân tộc …nhưng sau đó im thin thít trước cảnh hàng vạn người trầm luân trong các trại cải tạo, hàng vạn người bỏ xác nơi Biển Đông, hàng vạn người lìa bỏ nhà cửa đi vùng kinh tế mới, hàng vạn người bị cướp mất đồng tiền tích góp bằng mồ hôi, nước mắt vì đổi tiền bất công, hàng vạn người tán gia bại sản vì cải tạo công thương nghiệp. Những nỗi đau, mất mát vật chất còn có thể kể ra được, còn những nỗi thống khổ tinh thần, ai có thể đo đếm được ?