Saturday, March 26, 2011

LỀ PHẢI, LỀ TRÁI

Lathiews

Nhà văn Lỗ Tấn nói: “Trên mặt đất không có đường, nhiều người đi lại hóa thành đường”. Có lẽ thời của ông, mọi người chỉ quan tâm đến rộng hẹp dài ngắn của con đường chứ không quan tâm đến cái lề đường, bởi vì giao thông chưa chật chội hỗn độn như bây giờ, luật lệ cũng đơn sơ ít phức tạp, người đi đường phần nhiều là tự giác chấp hành không cần hô hào khẩu hiệu.
Người Pháp đem ánh sáng văn minh “khai hóa” cho dân tộc Việt, đem luôn cái luật đi lề bên phải vào; từ đó hình thành nếp quen cho mọi người, từ trẻ già trai gái gì đều biết giử lề phải khi tham gia giao thông. Thực ra không phải tất cả các nơi trên thế giới đều đi bên phải như vậy.
Vương quốc Anh và những xứ thuộc địa của thực dân Anh có luật giao thông đi theo lề bên trái, vô lăng xe hơi cũng bên trái (gọi là tay lái nghịch); nên khi xem TV, phim ảnh có những cảnh xe hơi chạy lề trái, người xem rất dễ thót tim ngỡ sắp xảy ra tai nạn, nhất là khi xe đến ngã tư quẹo sang phải, trời đất hỡi !
Khái niệm lề phải chỉ đúng với nhận định chủ quan của người đang đi bên đây đường, chứ đối với nhận định của người đang đi ngược chiều bên kia đường, thì cái lề phải của bạn chính là cái …lề trái của anh ta, và ngược lại ! Nghĩa là tùy theo chỗ đứng của một người mà xác định cái lề đó là lề phải hay là lề trái. Chỉ có đường một chiều thì mới rõ ràng minh bạch, duy nhất một lề phải và duy nhất một lề trái cho tất cả mọi người. Không có dáo dác nhìn qua nhìn lại, cũng không có trở đầu thối lui.
Có người nói nghe chơi, những người thuận tay trái (cỡ 20 % ) có khiếu văn chương và thể thao. Không biết đúng vậy không, nhưng hiện tay vợt số 1 thế giới là Rafael Nadal cầm vợt tay trái đó. Thuở còn chơi bóng bàn, nhờ cầm vợt tay trái nên mình có cú giao xoáy “ác” lắm , đối phương chỉ trở mặt vợt mà đỡ chứ không bạt đôi công được. Đá banh thuận chân trái, cầm kéo tay trái, may quần kêu thợ bỏ bên trái.
Có thằng cháu ở quê, nghỉ hè lên thành phố chơi nhà mình cho biết thế nào là hiện đại hóa công nghiệp hóa. Vì nó chỉ quen đường làng đất đỏ nắng bụi mưa sình, nên mỗi lần sai nó đi đâu mình cẩn thận dặn nó đi lề bên phải. Chưa an tâm, mình còn vỗ vỗ lên cánh tay phải nó, bên phải là bên này nè nhớ nghe “ông”. Nó gật đầu thật quả quyết.
Lần đó nó đi về nhà khập khiểng, cùi chỏ tươm máu, lác hết.
-         Tại mầy đi trật nên xe tông chớ gì.
-         Con nghe lời dượng, đi đúng lề bên phải chớ bộ. Có hàng cây xanh đó đó.
-         Lúc về mầy cũng đi cặp theo đó hở?
-         Dạạạạ !
-         Trời đất, vậy là mầy đi lề trái rồi con ơi. Mầy phải đi bên kia rồi băng qua đường chớ!
Thấy hướng dẫn cho nó “phải , trái” phức tạp quá tại vì chỉ số IQ của nó hơi thấp nên mình khuyên nó tránh đi đường hai chiều, chuyển sang đi đường một chiều, bụng nghĩ thầm: “Cho mày đi tới… sáng luôn coi có bị gì hông”. Được vài hôm, “Hai Lúa ” tập tểnh bước vào nhà, tay cầm chiếc dép Lào sứt quai, ống quần tét một khúc.
-         Mầy hết chối nghe, đi sao xe đụng ?
-         Dạ, tại con tính đi bên đây cho tiện, khỏi băng qua đường.
-         Rồi sao?
-         Mấy bà bán hàng rong ngồi chật vĩa hè, con phải đi xuống lòng đường chớ sao.
Như vậy là thằng cháu tôi vì né một cái sai mà vô tình phạm phải cái sai khác. Suy cho cùng, cũng khó mà giử cái lề phải hoài lắm, như làn đường dành cho xe hai bánh và xe đạp quá nhỏ mà mật độ lại quá đông, nên bắt buộc phải lấn tuyến mới chạy được, khi nào gặp “nó” thì chạy chậm lại, nép vô thì thôi.
Nghe nói có nhà lãnh đạo kêu gọi báo chí viết bài phải tuân thủ lề bên phải. Vâng, ở VN lề phải là phù hợp quy định của pháp luật, nhưng ở nhiều nước phương Tây, cụ thể là khối Liên Hiệp Anh,  lề phải là cái lề không được đi vào, nếu đi vào sẽ bị “tuýt còi” ngay. Cho nên theo lề phải không phải lúc nào cũng là lẽ phải.