Monday, August 26, 2013

Aỉ Nam Quan

LATHIEWS


“ Các người chớ quên nước lớn thường làm điều trái đạo. Họa muôn đời của nước ta là nước Tàu. Họ không tôn trọng quy ước và biên giới. Luôn luôn bày đặt chuyện để gây hấn. Không thôn tính được thì gặm nhắm đất đai của ta. Vậy các ngươi phải nhớ lời ta dặn. Một tấc đất cũng không lọt vào tay kẻ thù. Đây là di chúc cho con cháu muôn đời.”
Vua Trần Nhân Tôn


“Một thước núi, một tấc sông, lẽ nào lại đem vứt bỏ ? Phải kiên quyết tranh biện chớ cho họ lấn dần… Kẻ nào dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di”
Vua Lê Thánh Tôn

1. Vài hàng lược sử :

Ải Nam Quan nằm ở địa đầu phía Bắc của tổ quốc Việt Nam, thuộc tỉnh Lạng Sơn , cách trung tâm thị trấn Đồng Đăng hơn 4km :

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô thị, có chùa Tam Thanh
(Ca dao)

 Là con dân nước Việt, hầu như không ai không biết đến Ải Nam Quan mặc dù rất nhiều người chưa từng một lần đến đó. Thực ra gọi Ải Nam Quan cũng giống như gọi “sông Trường Giang”, “cửa Ngọ Môn” hoặc “đường Quốc Lộ”, nghĩa là dư đi một từ nhưng theo thói quen lâu dần mọi người thấy là bình thường. Người Tàu gọi là Mục Nam Quan hay Trấn Nam Quan. Trong Sử Việt, Ải Nam Quan được nhắc đến nhiều lần, phần lớn là những sự kiện liên quan đến sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của quân dân Đại Việt, chống lại những đạo quân xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Thử điểm lại những đạo quân Tàu trong lịch sử đã sử dụng Ải Nam Quan làm bàn đạp để tiến xuống phía Nam như sau :

Năm 981 tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đem quân đánh vua Lê Đại Hành qua ngã Ải Nam Quan. Đạo quân xâm lược bị đánh bại tại Chi Lăng ( Lạng Sơn), Hầu Nhân Bảo bị giết, quân chết quá nửa. Bọn Lưu Trừng phải đem thủy quân lui về.

Năm 1076, nhà Tống sai Quách Quì phản công đạo quân của Lý Thường Kiệt; đại quân của Quách Quì từ Tư Minh, Bằng Tường vượt qua biên giới nước ta, theo đường cửa ải Nam Quan.

Năm 1284, 1287 giặc Nguyên - Mông tấn công Đại Việt bằng đường bộ qua ải Nam Quan. Cả hai lần quân xâm lược đều bị quân dân Đại Việt đánh cho tan tác.

Năm 1409, tướng nhà Minh là Trương Phụ mang quân sang đánh Giản Định Đế và Trùng Quang Đế. Cuộc kháng chiến thất bại, đất nước ta bị Tàu đô hộ suốt 20 năm ( 1407-1427), thời gian dù ngắn ngủi nhưng hết sức đau thương, mất mát to lớn không kể xiết do chủ trương Hán hóa của quân xâm lược, nhất là những di sản văn hóa quý hiểm như các bộ sách sử, điển lệ, hình luật, thi văn thời Lý, Trần đều bị thủ tiêu*.

Năm 1414, đoàn tù binh Việt thất trận bị giặc bắt dẫn giải về Tàu qua ngã Ải Nam Quan, cảnh chia ly bi hùng của hai cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi trên cửa ải trở thành một sự kiện nổi tiếng trong văn học sử, với lời căn dặn của người cha nay đã trở thành một nội dung giáo dục lòng yêu nước trong sách giáo khoa ( trước 1975) : “… con hãy trở về tìm chơn chúa mà phò, mưu đồ phục quốc, trả thù cho cha, chớ đi theo khóc lóc như đàn bà phỏng có ích gì…”

Năm 1427, tướng nhà Minh là Liễu Thăng hung hăng kiêu ngạo đem 10 vạn quân và 2 vạn ngựa vượt ải tiến xuống phía nam để cứu viện cho Vương Thông đang bị Lê Lợi vây  trong thành Đông Quan. Ngày 20 tháng 9 năm Đinh Mùi 1427, Liễu Thăng bị phục binh giết chết tại Ải Chi Lăng ( Lạng Sơn). Vương Thông mở cửa thành xin giảng hòa ( thực chất là đầu hàng) rút quân về. Đại Việt trở thành một quốc gia hùng mạnh trong vùng Đông Nam Á.

Năm 1540, Ải Nam Quan chứng kiến nỗi ô nhục nghìn đời với sự kiện cha con Mạc Đăng Dung và một số quan lại ngụy triều nhà Mạc mặc đồ tang, quấn dây trói quanh mình, đi chân đất qua ải Nam Quan, phủ phục trước quan binh nhà Minh, dâng ấn tín, sổ sách dân đinh, bản đồ Đại Việt và cắt đất đầu hàng, xin nội thuộc Trung Quốc.

Năm 1788, 29 vạn quân Thanh xâm lược Đại Việt bằng nhiều ngã, Tổng Đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị lãnh đạo đạo quân Quảng Tây kéo vào Ải Nam Quan. Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, Hoàng đế Quang Trung đánh cho bè lũ bán nước và cướp nước một trận tan tác, Ải Nam Quan chứng kiến cảnh Lê Chiêu Thống và Tôn Sĩ Nghị đang “ ngáp ngáp” gặp nhau trên đường trốn chạy về Tàu qua cửa ải này.

Năm 1979, Trung Cộng (TC) tung 60 vạn quân đánh vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, trong đó có cánh quân Quảng Tây, xâm nhập vào thị xã Lạng Sơn đi theo đường Ải Nam Quan. Cuộc chiến tuy ngắn ngủi nhưng khốc liệt, cả hai đều thiệt hại nặng*. Quân chính quy Trung Cộng đông hơn nhiều, lại cộng thêm yếu tố bất ngờ nhưng vũ trang kém và thiếu kinh nghiệm chiến trường, đã gặp sức kháng cự mạnh của dân quân và bộ đội địa phương Việt Nam. Sau cuộc chiến, đường phân ranh biên giới và các công trình kiến trúc tại Ải Nam Quan đã bị biến dạng rất nhiều, phần lớn là lùi xuống phía nam, theo hướng có lợi cho Trung Cộng.

Sách báo nước ngoài hay dẫn những nguồn tin trên các phương tiện truyền thông chính thống Trung Cộng (TC), nhắc lại những đóng góp to lớn của TC đối với VN trong suốt cuộc chiến tranh chống Pháp giành độc lập và nhất là cuộc chiến “ giải phóng” miền Nam của miền bắc XHCN và mắng VN là “vô ơn”. Thật ra chiến tranh đã qua lâu , bây giờ bình tâm nhìn lại cuộc chiến huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt khiến đất nước tụt lùi hàng vài thập kỷ * so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, nhiều người đã thấy rõ nguồn gốc của cuộc chiến đau thương đó chỉ vì VN là điểm nóng trên bàn cờ chiến tranh lạnh lúc đó; phục vụ cho những toan tính, mưu đồ của những cường quốc hai phe nhân danh vì đại cục nhưng thực ra chỉ để phục vụ cho quyền lợi của đất nước, dân tộc họ mà thôi.

Việt Nam “vô ơn” ? Hay chính nhờ phần đóng góp bằng núi xương sông máu của người Việt cùng với những phương tiện giết người  “Made in China” mà TC có cơ hội mặc cả trên bàn đàm phán quốc tế, nâng cao uy thế với các cường quốc trên lưng Hà Nội, đem lại cho TC những lợi thế khu vực địa- chính trị và những mối lợi gián tiếp nhưng to lớn về các mặt kinh tế-ngoại giao mà chỉ có đứng trên cái nhìn toàn cục mới thấy rõ, cũng như những giải pháp phên giậu phân chia hai nước Triều Tiên năm 1953 và Việt Nam năm 1954 đã mang lại sự ổn định cần thiết cho nhà nước Trung Hoa lục địa non trẻ.


2. Hiện trạng Ải Nam Quan  :

Theo Công ước về việc phân định đường biên giới giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ (Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin) được ký kết giữa Pháp và nhà Thanh năm 1887, ranh giới giữa hai nước tại Ải Nam Quan được phân định bằng cột mốc số 18, cách cửa nam Ải 100 m về phía nam. Như vậy thực dân Pháp đã nhường hẳn Ải cho nhà Thanh, tuy nhiên các điểm cao khống chế lân cận vẫn còn nằm trong phần đất Việt Nam. Mỗi nước đều có cửa cổng và bức tường liền cổng để làm thủ tục và kiểm soát người – vật trước khi sang nước kia. Khoảng cách giữa hai cổng là đường biên giới chung.


Ảnh 1 : Ải Nam Quan đầu thế kỷ 20. Ải nhỏ của Việt Nam có khoảng cách rất gần với Ải lớn của TQ
Ảnh  SEQ Figure \* ARABIC 1: Ải Nam Quan đầu thế kỷ 20

Cuộc chiến biên giới Việt – Trung năm 1979 đã để lại hệ quả là cột mốc số 18 bị thủ tiêu, chỉ còn cột mốc số 19 gần đó trên một triền đồi . Nhờ cuộc chiến đó, mọi người mới hiểu rõ một phần sự thực qua lời tố cáo của Đảng CSVN thông qua bản “ Bị vong lục” của Bộ ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố ngày 15.3.1979 tại Hà Nội. Một chút ánh sáng được vén lên sau bức màn mây , nay lại tiếp tục bị phủ lên do quan hệ nồng ấm của hai đảng và chế độ hai nước : “… phía Trung Quốc đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam Quan 100 m trên đường quốc lộ để xóa vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột ki-lô-mét 0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100m, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này…” .

Cột mốc biên giới số 18

Như vậy đã rõ, mốc địa giới 18 phân ranh hai nước theo Hiệp Định Pháp – Thanh 1887 đã bị ủi nát xóa mất dấu vết, còn cột Km số 0 là cột giao thông trên QL 1, điểm khởi đầu của con đường bộ xuyên Việt. Kể từ đó, cột km số 0 của đường QL số 1 cách cửa Ải hơn 300 mét về phía Nam được mặc nhiên công nhận là cột mốc biên giới, dù nhiều nhà nghiên cứu trong ngoài nước đã chỉ rõ những điểm bất hợp lý của đường phân ranh mới và thủ đoạn mập mờ đánh tráo giữa hai cột mốc biên giới số 18cột cây số 0 của hệ thống giao thông đường bộ.

Cột cây số 0 (không phải là cột mốc biên giới)

Năm 1999, ngày 30 tháng 12, tại Hà Nội, hai Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm của Việt Nam và Đường Gia Triền của Trung quốc đại diện cho chính phủ hai nước kết bản ‘Hiệp ước biên giới trên đất liền’, theo đó Ải Nam Quan nằm sâu trong phần đất thuộc về TQ. Các trạm kiểm soát biên giới của Việt Nam như Hải Quan, Biên phòng, kiểm dịch, kiểm lâm, Thuế vụ, Công an kinh tế, Quản lý thị trường …đều đặt nằm sau cột km số 0 của con đường cái quan QL1. Số phận của cột mốc biên giới số 18 bị cố tình cho rơi vào quên lãng.

Hãy nghe lời ngụy biện của Thứ trưởng ngoại giao VN Lê Công Phụng ( 2002)  :  “Ví dụ như ở Bắc Luân thì hai cửa khẩu cách nhau khoảng 100m. Còn các khu vực trên đất liền, sát với sông suối, thì tùy địa hình của từng bên. Chúng ta cũng biết là ải Nam Quan là cuối khúc sông. Nếu chúng ta bắt đầu tính biên giới từ chân tường hoặc chia đôi cửa mục Nam Quan thì cũng không được. Còn cột mốc số không - nhân dân Lạng Sơn báo cáo với Trung ương, Chính phủ và các nhà đàm phán rằng cột mốc có từ khi những người già còn chưa ra đời. Chúng ta tôn trọng cơ sở pháp lý đã có, tôn trọng thực tiễn, nhất là vì lâu nay quản lý đã như vậy. Cho nên hiện nay chúng ta công nhận mục Nam Quan là của Trung Quốc, cách cột mốc số 0 trên 200m. Tính cột mốc số 0 trở về phía Nam là lãnh thổ của Việt Nam. Từ cột mốc số 0 trở về phía Bắc là của Trung Quốc.”.Điều đáng chú ý là Lê Công Phụng không hề đá động gì tới cột mốc số 18, như nó chưa từng xuất hiện trên cõi đời này.


Ảnh 2: Cột km số 0 nay được tân trang lại thành điểm phân cách biên cương hai nước chứ không phải là cột mốc giao thông của VN nữa.
 Ảnh  SEQ Figure \* ARABIC 15: Cột mốc 1116 – “vật thay thế” của cột Km số 0

Chưa hết, cách Ải Nam Quan về phía Đông khoảng 500 mét là tuyến đường xe lửa Lạng Sơn- Bằng Tường mà điểm nối ray đã lùi sâu vào bên trong đất VN hơn 300 mét, cũng nhờ cuộc chiến biên giới 1979 mà ta mới biết được sự thật. Bị vong lục của Bộ ngoại giao VN năm 1979 giải thích lý do bị mất đất vào nước láng giềng như sau :  “Năm 1955, tại khu vực Hữu Nghị Quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ biên giới Việt-Trung đến Yên Viên, gần Hà Nội, lợi dụng lòng tin của Việt Nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt-Trung sâu trong lãnh thổ Việt Nam trên 300 m so với đường biên giới lịch sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới giữa hai nước đi qua. Ngày 31 tháng 12 năm 1974, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đề nghị Chính phủ hai nước giao cho ngành đường sắt hai bên điều chỉnh lại điểm nối ray cho phù hợp với đường biên giới lịch sử nhưng họ một mực khước từ bằng cách hẹn đến khi hai bên bàn toàn bộ vấn đề biên giới thì sẽ xem xét. Cho đến nay, họ vẫn trắng trợn nguỵ biện rằng khu vực hơn 300 mét đường sắt đó là đất Trung Quốc với lập luận rằng không thể có đường sắt của nước này đặt trên lãnh thổ nước khác”

Trong cuộc họp báo ngày 24.2.2009, Thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng cho biết:

“Về các mốc Pháp - Thanh, mốc 19 vẫn còn tồn tại và nằm đúng vị trí cũ. Mốc 18 đối diện với mốc 19, do yếu tố thời gian, hai bên đều không thể xác định được. Về điểm nối ray, do bị lệch về phía Việt Nam so với đường biên giới lịch sử, hai bên đồng ý điều chỉnh. Kết quả giải quyết: đường biên giới đi qua Km0 rồi đến mốc 19 cũ và đến điểm cách điểm nối ray 148 mét về phía Bắc.”

Ông Dũng tuy có khá hơn ông Phụng về sự trung thực vì công nhận mốc 18 là có thực nhưng cũng né tránh không dám nói là bị Tàu phá nát trong chiến tranh mà nói tránh là do bị thời gian bào mòn (!), cũng như công nhận điểm nối ray lệch sâu vào nội địa VN hơn 300 thước so với đường biên giới nhưng không dám nói tại sao bị lệch. Như vậy, dù hiện nay đường biên giới đã được kéo lùi về phía Bắc so với điểm nối ray là 148 mét thì VN cũng còn mất trên 152 mét so với đường biên giới cũ. Hệ quả là quả đồi ở phía Đông Nam cửa Ải  ( ảnh 2) đã nằm trọn trong phần đất Tàu, đường biên giới thay vì đi vòng phía sau đồi thì nay chạy trước đồi. Ở đấy, họ cho đào hai đường hầm cao tốc đi Nam Ninh , phía trước xây phiến đá to đề mấy chữ “Nam cương quốc môn đệ nhất lộ”. Vở kịch lấn chiếm đến đây là hạ màn, mọi người đều hể hả xoa tay mừng thắng lợi.

Bạn đọc nào quan tâm, có thể nghiêu cứu sâu hơn về Ải Nam Quan ở các địa chỉ sau :
http://www.talawas.org/?p=17208
http://www.talawas.org/?p=17241
http://www.talawas.org/?p=17256
http://lichsuvn.info/forum/showthread.php?t=6686

Có điều xin nói trước là những vị có máu nóng phải cố nén cục tức đi mà giữ cái đầu lạnh thì mới hiểu hết bản chất của sự việc : So với diện tích hàng chục triệu km2 của TQ thì hai ngọn núi đá bên trái và núi đất bên phải ( nhìn từ phía VN) cửa ải Ải Nam Quan quá nhỏ bé, hà cớ gì mà một nước lớn phải cố công chiếm đoạt làm chi ? Thêm một chút đất thì TQ cũng đâu có rộng hơn, mà lại gây ra bao phiền toái , mất lòng và tạo ra một hiềm khích kéo dài từ đời này qua đời nọ ? Thì ra, với cái nhìn của các nhà quân sự thì ta mới biết được tầm quan trọng của những điểm cao chiến lược ấy: ai chiếm được thì sẽ  khống chế toàn bộ khu vực. Mà không riêng gì Ải Nam Quan, hầu hết các điểm cao dọc biên giới đều thuộc về TQ, có nơi TQ phải đổ máu để chiếm cho bằng được như ở Lão Sơn*. Một tính toán cho những mưu đồ về sau chăng ? Thật trái ngược với hình ảnh đường biên giới hòa bình, thân thiện giữa các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu, có khi một quán cà phê lại nằm trên ranh giữa hai quốc gia như Bỉ- Hà Lan. Đối xử với “ bạn” thâm hiểm như vậy mà ai đó còn đặt tên mới cho cửa ải là Hữu Nghị, thật mai mỉa làm sao !


3. Ải Nam Quan trong lòng người dân Việt :

Ngoài chức năng là địa giới phân chia hai quốc gia Việt - Trung, Ải Nam Quan còn là biểu tượng của tinh thần độc lập tự chủ của người Việt : “ Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”. Cụm từ Nam Quan-Cà Mau từ lâu được dùng để diễn tả hai vùng đất địa đầu của Tổ quốc Việt Nam, cũng là khái niệm biểu trưng cho một nước Việt Nam thống nhất Bắc – Trung – Nam. Rất nhiều thế hệ trước và sau 75 thuộc lòng bài hát “ Về với mẹ cha” của Nguyễn Đức Quang mà sau này người ta chỉ quen miệng gọi là bài “ Từ Nam Quan – Cà Mau”.

Từ Nam Quan Cà Mau
Từ non cao rừng sâu
Gặp nhau cho non nước ta xây cầu
Người thanh niên Việt Nam
 Quay về với xóm làng
Tiếng reo vui rộn trong lòng
Cùng đi lay Trường Sơn
Cùng đi xoay Hoành Sơn
Cùng đi biến ruộng hoang ra lúa thơm
Vượt khơi ra biển xa
Lướt ngàn nước non nhà
Ta đắp bồi cho mẹ cha…

Trải qua hàng ngàn năm với biết bao thăng trầm, Ải Nam Quan trở thành một chứng tích lịch sử thiêng liêng không phai mờ theo năm tháng. Có ngậm ngùi chua xót nhưng phần nhiều là kiêu hãnh tự hào. Lạ thay và không biết xuất phát từ đâu, trên báo chí VN chính thống hiện nay, chiều dài đất nước với khái niệm “Nam Quan- Cà Mau” dần dần được thay bằng “Quảng Ninh – Cà Mau” (!). Vì lý do gì đó không tiện nêu lên, người ta tránh nói đến hai từ Nam Quan chăng ? Thực ra đem Quảng Ninh thay thế cho Lạng Sơn là rất khiêm cưỡng vì không ai đo chiều cao một người lại đo từ vai trở xuống !  

Dựng mốc biên giới để giữ sự ổn định, hòa hiếu cho muôn đời sau ? Hay nhượng bộ đất đai cha ông để lại vì sự an nguy của phe đảng và tài sản tích cóp cho con cháu ? Ai là người Việt Nam yêu nước mà lại không thấy lòng đau quặn khi thấy non sông đất nước bị cắt xẻo vào tay giặc, không biết đến bao giờ những mảnh đất ấy mới trở về với Tổ quốc. Và những Lê Chiêu Thống, Mạc Đăng Dung … thời nay đã quá khôn khéo khi núp vào trong sự chở che của hai từ “ tập thể” để tránh búa rìu của lịch sử. Kính bẩm vong linh hai vua Trần Nhân Tôn và Lê Thánh Tôn anh minh, hãy giáng phạt tội thật nặng những kẻ bán nước cầu vinh, đem đất đai cha ông ra làm vật mặc cả với ngoại bang,

Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Thiển nghĩ bất cứ ai còn ý thức mình là người Việt Nam yêu nước đều có bổn phận phải giáo dục cho con cháu đời sau biết Ải Nam Quan Là Biểu Tượng Bất Khuất Của Truyền Thống Chống Ngoại Xâm, dù ngày nay Ải đã nằm trọn trong phần đất Trung Quốc nhưng vẫn tồn tại trong lòng mỗi người một hình ảnh Ải Nam Quan kiêu hùng . Đó mới chính là một Ải Nam Quan trường tồn vĩnh cửu, không âm mưu thế lực nào có thể xóa đi được.
   

( 8- 2013 )

GHI CHÚ :
* Năm 1974, khi miền Nam VN suy yếu vì bị Mỹ bỏ rơi và bị phe XHCN vây đánh hội đồng, TC tập kích chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa . Năm 1988, biết được thế yếu của VN do sự suy sụp vô phương cứu vãn của LX, TC xua quân chiếm một số đảo của VN trong quần đảo Trường Sa. Những hành động hèn hạ kiểu “ giậu đổ bìm leo”, “thừa gió bẻ măng”.

* Trước 1975, kinh tế miền Nam phồn vinh ngang Thái Lan, Indonesia, Malaysia, hơn Philippine, Miến Điện, Cambodia và Lào. Chỉ thua Singapore. Còn tại TQ khi ấy, cơn bão Cách mạng Văn Hóa đã làm cuộc sống người dân trở về thời kỳ đồ đá.

* Bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu gồm 30 quyển là tài liệu quý hiếm nhất bị giặc Minh lấy đi đem vê Tàu. Đây là một tổn thất to lớn cho ngành sử học và văn học nước ta.

* Quân số thương vong của hai bên trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 đều được giữ bí mật , con số hiện được nhiều người chấp nhận là VN hơn 30 ngàn và TC hơn 20 ngàn. Như vậy tính ra mỗi ngày có gần 2 ngàn người thương vong.

* Sau Thế chiến II, phong trào giải phóng thuộc địa dâng cao, đa số đều giành được độc lập thông qua con đường đấu tranh phi bạo lực. Bốn nước bị chia cắt theo thỏa thuận của các cường quốc là Trung Quốc, Việt Nam, Đức và Triều Tiên.

Một số hình ảnh khác:



Có hai cửa ải : Ải lớn là của Trung Quốc, ải nhỏ là của Việt Nam