Thursday, October 23, 2014

CÔNG TỘI VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN : SỰ THẬT LỊCH SỬ BỊ BÓP MÉO ?

 KIẾN HÀO
  
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, toàn bộ những giá trị kinh tế - xã hội của miền Nam đều bị xóa bỏ và được thay thế bởi những khái niệm, chuẩn mực mới của miền Bắc XHCN. Riêng về lịch sử, triều Nguyễn (1802 – 1945) chịu sự phê phán, lên án hết sức nặng nề. Sách giáo khoa rất ít ghi công mà toàn là những lời lên án, thóa mạ cay độc cố tình giống như một cuộc trả hận. Tất cả đường phố Sài Gòn có biển tên vua quan triều Nguyễn đều bị xóa bỏ, thay bằng những tên khác như Nguyễn Hoàng (Trần Phú), Gia Long (Lý Tự Trọng), Thành Thái (An Dương Vương), Minh Mạng (Ngô Gia Tự), Hiền Vương (Võ thị Sáu), Lê Văn Duyệt (Cách Mạng tháng 8), Võ Di Nguy (Phan Đình Phùng), Nguyễn Huỳnh Đức ( Huỳnh Văn Bánh), Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ), Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), Võ Tánh ( Hoàng văn Thụ) … Những ngôi trường miền Nam nổi tiếng một thời, mang tên vua chúa và các khai quốc công thần triều Nguyễn cũng chịu chung số phận bị xóa tên như Gia Long, Petrus Ký, Lê Văn Duyệt, Trịnh Hoài Đức, Châu Văn Tiếp, Phan Thanh Giản …Đặc biệt địa danh “Gia Định” để chỉ một vùng đất là thủ phủ miền Nam đã tồn tại hơn 200 năm cũng bị xóa mất. Người viết không có tham vọng “tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời” nhưng cũng trộm nghĩ bản thân vốn dĩ là người dân miền Nam, theo gia phả thì tổ tiên là lưu dân theo đức Cao Hoàng vào Nam lập nghiệp từ rất sớm, lẽ nào đi ngược lại đạo lý “uống nước nhớ nguồn’ truyền thống của dân tộc Việt mà vào hùa với bọn bá đạo bắn súng vào quá khứ, nói theo ngôn ngữ hiện đại là “chọi lựu đạn” vào những người đã có công đi trước, mở cõi cho đến hôm nay cháu con còn thụ hưởng thành quả để lại. Chỉ ước mong sao có ngày, lịch sử sẽ được viết lại, trả lại sự thật như nó vốn có chứ không phải viết theo định hướng, lập trường hoặc chỉ đạo của cá nhân ai .    


1. KHAI HOANG MỞ CÕI :

a/. Vùng đất hứa của dân phiêu tán :

Năm 1558, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng xin vào Nam trấn thủ đất Thuận Hóa sau khi người anh là Nguyễn Uông đã bị Trịnh Kiểm giết chết để tranh quyền. “ Ô châu ác địa” không ngờ là mảnh đất dung thân, nơi các Chúa Nguyễn đứng vững và mở đầu cuộc Nam tiến của dân tộc Việt suốt ba thế kỷ, trải chín đời chúa. Văn thần triều Lê – Trịnh là Lê Quý Đôn mặc dù đứng trên lập trường đối nghịch cũng viết những nhận xét khách quan về Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) trong Phủ Biên tạp lục như sau : “ Đoan Quận Công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn 10 năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dụng pháp công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quan dân hai xứ ( Thuận Hóa- Quảng Nam) thân yên tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng …” .(1)

Nửa cuối thế kỷ 16, cuộc chiến tranh Lê – Mạc đã vắt cạn kiệt nguồn lực của xứ Bắc Hà,  đói kém, mất mùa liên tiếp khiến dân cư hết sức khổ sở, tạo thành một làn sóng di dân vô vùng đất phía Nam giàu có của chúa Nguyễn. Đại Việt Sử ký toàn thư (2) ghi chép lại tình cảnh khốn cùng của dân Đàng Ngoài qua các năm như sau :

Năm 1570 Bấy giờ nhân dân các huyện ở Thanh Hoa tan tác tháo chạy, ruộng đồng bỏ không cày cấy, nhiều người bị chết đói.
Năm 1571 Năm ấy đất Thanh Hoa mất mùa, dân đói to, nhiều người xiêu giạt
Năm 1572 Năm ấy, các huyện ở Nghệ An, đồng ruộng bỏ hoang, không thu được hạt thóc nào, dân đói to, lại bị bệng dịch, chết đến quá nửa, nhiều người xiêu giạt, kẻ thì lần vào Nam, người thì giạt ra Bắc, trong hạt rất tiêu điều
Năm 1589 Ngày 15, mặt trăng phạm vào sao Tuế. Đại hạn, Gạo kém. Nhiều người xiêu tán.
Năm 1592 Tháng 7 ngày mồng 6, lụt thình lình, nước sông chảy tràn, gò đống bị ngập, đạo Thanh Hoa lúa má mất mùa. Ngày 15 lại bị lụt. Dân miền Tây Nam cũng bị đói kém
Năm 1594 Bấy giờ nhân dân các huyện ở Hải Dương mất mùa to, đói kém đến ăn thịt lẫn nhau, chết đói đến một phần ba.
Năm 1595 Bấy giờ nhân dân mất mùa, đói to, lại thêm ôn dịch, người chết xác gối lên nhau.
Năm 1596 Bấy giờ đại hạn, thóc lúa vụ chiêm đều không thu được, đầm phá khô cạn, cây cỏ úa vàng, hoa không kết trái. Trộm cướp quần tụ trong dân gian, bọn lớn đến bảy tám trăm đứa, bọn nhỏ cũng không dưới vài trăm, ngày đêm đốt phá nhà cửa, cướp đoạt của cải gia súc, thủy bộ không thông, đường sá bế tắc, dân đói nhiều, chết đến quá nửa.

Có thể nói, hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam sau khi được Nguyễn Hoàng an định, đã trở thành vùng đất hứa cho hàng ngàn người dân trải dài từ Thăng Long đến Thanh Nghệ, họ là nạn nhân của những năm mất mùa đói kém và chiến tranh thảm khốc giữa nhà Lê và nhà Mạc (3). Đợt di dân tự nguyện này cũng giúp giải quyết áp lực dân số trên một vùng đất nông nghiệp có giới hạn, mở đầu cho các cuộc Nam tiến sau này, những cuộc di dân đã làm tăng thêm sức mạnh dân tộc và giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ bị Hán hóa.  

b. Mở cửa thị trường trong nước, đẩy mạnh giao thương với các thương nhân nước ngoài:

Chính sách trọng thương của chúa Nguyễn đã khuyến khích các thương nhân nước ngoài vào làm ăn buôn bán khiến các thương cảng Thanh Hà, Hội An ở Đàng Trong trở nên sầm uất phát đạt lôi kéo theo các nghề thủ công, tiểu thủ công như trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, gốm sứ, nghề gỗ, đóng tàu … phát triển đến cực thịnh. Nguồn thu thuế, lợi tức từ việc trao đổi mua bán hàng hóa chính là nguồn hỗ trợ chu cấp quân lương cho chúa Nguyễn trong cuộc chiến với Đàng Ngoài. Chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Minh khiến hàng hóa Nhật muốn vào Trung Quốc và ngược lại đều phải trung chuyển qua các cảng Đàng Trong, vô tình khiến các thương cảng Hội An Thanh Hà càng thêm sầm uất. Số tàu buôn Trung Hoa đến thương cảng Hội An từ 1647 đến 1720 nhiều hơn số tàu đến bất cứ nước nào khác trong vùng. (4)    

Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, một người quê gốc Bình Định và có thiên kiến với triều Nguyễn cũng phải nhìn nhận : “ …nhìn lại trong sự phát triển quyền lực của họ Nguyễn, căn bản tổ chức tuy là theo khuôn mẫu của một chính quyền phương Đông nhưng trong tình thế riêng biệt của vùng và của thời thế, yếu tố thương mại đã có dáng quan trọng đến mức chứa chấp cả sự hưng vong của dòng họ. Không phải chỉ vì nhu cầu tự vệ với Trịnh mà Nguyễn bị buộc phải củng cố phát triển. Trong một trăm năm ngưng chiến, họ vẫn trên đà gia tăng cường thịnh để có những toan tính dòm ngó đất Đàng Ngoài, và chuẩn bị xưng vương lập nước …”.(5)

Nhà du hành hàng hải người Anh John Barrow (1764-1848) là một người vận động cho công cuộc giao thương giữa công ty Đông Ấn và xứ Nam Hà (6) đã có những nhận xét về kinh tế Đàng Trong như sau : “ …Theo ý tôi, sự liên kết thân thiết với Nam Hà sẽ mở ra một con đường lớn cho việc thực hiện mục tiêu này. Đất nước này sẽ cung cấp  nhiều mặt hàng có giá trị thích hợp với thị trường Trung Quốc, và sẽ mở ra một lối thoát rất lớn để tiêu thụ nhiều hàng hóa của chúng ta, và vị trí của nó nằm trên con đường đi thẳng từ Anh tới Trung Quốc là một điều không thể không suy nghĩ. Chẳng hạn như những khu rừng Nam Hà sẽ cung cấp nhiều loại gỗ hương liệu khác nhau như hồng đào, trầm hương, kỳ nam …tất cả đều được tán thưởng ở thị trường Trung Quốc, được trả với giá cực kỳ cao. Quế chi xứ Nam Hà, mặc dù hơi thô và hương vị cay nồng, nhưng người Trung Hoa vẫn thích nó hơn thứ quế Tích Lan (Ceyland) …Gạo là nhu cầu không thể thiếu của thành phố Quảng Châu đông đúc, còn đường và hạt tiêu cũng đều được hoan nghênh, tất cả các mặt hàng này đều được sản suất dồi dào trong các thung lũng phì nhiêu xứ Nam Hà. Ngoài những sản vật này, còn có thể kể thêm cau, sa nhân, gừng và các loại gia vị khác, cùng những tổ chim yến thu lượm được rất nhiều trên những cụm lớn các đảo chạy song song với bờ biển mà trên các hải đồ có tên là Paracels (Hoàng Sa)…”. (7)

c/. Mở rộng biên cương vạn dặm :

Nhà sử học Trần Trọng Kim trong tác phẩm Việt Nam sử lược ( Chương VI: Công việc họ Nguyễn làm ở miền Nam) đã viết : “ Còn những công việc họ Nguyễn làm ở phía Nam quan trọng cho nước Nam ta hơn cả, là việc mở mang bờ cõi, khiến cho nước lớn lên, người nhiều ra, và nhất là chiêu mộ những người nghèo khổ trong nước đưa đi khai hóa những đất phì nhiêu bỏ hoang, làm thành ra Nam Việt bây giờ phồn phú hơn cả mọi nơi, ấy là cái công họ Nguyễn với nước Nam thật là to lớn lắm vậy”. (8)

Đầu thế kỷ 17, xứ Quảng Nam (gồm cả Quảng Ngãi và Quy Nhơn) là vùng đất cực nam của Đại Việt giáp với Chiêm Thành. Năm Tân Hợi 1611 chúa Nguyễn Hoàng đánh Chiêm Thành lấy đất lập ra phủ Phú Yên, chia ra làm hai huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa.

Năm Quý Tỵ 1653, vua nước Chiêm là Bà Thấm sang quấy nhiễu ở đất Phú Yên, chúa Hiền là Nguyễn Phúc Tần sai quan cai cơ là Hùng Lộc sang đánh. Bà Thấm xin hàng. Chúa Nguyễn lấy đất đặt làm phủ Diên Khánh ( Khánh Hòa bây giờ).

Năm Quý Dậu 1693, vua Chiêm là Bà Tranh bỏ không tiến cống, chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai quan tổng binh là Nguyễn Hữu Cảnh đem quân đi đánh, bắt Bà Tranh đem về Phú Xuân, đổi đất Chiêm Thành làm Thuận phủ, qua năm 1697 lại đổi làm phủ Bình Thuận, lấy đất Phan Rí, Phan Rang làm huyện Yên Phúc và huyện Hòa Đa. Nước Chiêm Thành bị diệt.

Năm 1698 chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh làm Khâm sai Kinh lược sứ, vào nam lập phủ Gia Định gồm hai huyện : huyện Phước Long ( Đồng Nai) dựng dinh Trấn Biên và huyện Tân Bình (Sài Gòn) dựng dinh Phiên Trấn (9); lại chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra thôn xã và tha thuế để khuyến khích khai khẩn ruộng đất. Những người Tàu di dân ở đất Trấn Biên thì lập làm xã Thanh Hà, những người ở đất Phiên Trấn thì lập làm xã Minh Hương. Những người Tàu này đều thuộc sổ bộ dân nước ta. Phủ Gia Định khi ấy dân số ước chừng bốn vạn hộ ( 20 vạn người).

Năm 1708, Mạc Cửu cai quản đất Hà Tiên (kể cả Phú Quốc) xin thuộc về Đàng Trong. Chúa Nguyễn chấp thuận, lập ra trấn Hà Tiên, để Mạc Cửu làm tổng binh giữ đất ấy.

Năm 1732, vua Sâtha của Chân Lạp xin cắt hai vùng Peam Mesar (Mỹ Tho) và Longhôr (Vĩnh Long) dâng chúa Nguyễn Phúc Chú (Trú) để tạ ơn dẹp loạn. Chúa Nguyễn đặt dinh Long Hồ và lập châu Định Viễn.

Năm 1735, Mạc Cửu qua đời, con là Mạc Thiên Tứ được chúa Nguyễn cho nối chức, tiếp tục mở rộng Hà Tiên đến Rạch Giá và Cà Mau. Năm 1757, chúa Nguyễn đặt ra đạo Kiên Giang (Rạch Giá) và đạo Long Xuyên (Cà Mau) đều thuộc về Trấn Hà Tiên.

Năm 1753, vua Chân Lạp là Chey Chêtthâ V (tức Nặc Nguyên) bị chúa Nguyễn Phúc Khoát sai Nguyễn Cư Trinh cử binh phạt tội vì thông sứ với chúa Trịnh và ức hiếp người Côn Man (dân Chămpa lưu vong). Năm 1755 vua Chân Lạp bị đánh thua, bỏ thành Nam Vang chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ giúp tâu với chúa Nguyễn xin nộp hai vùng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp ( Tân An và Gò Công) để tạ tội. Chúa Nguyễn cho nhập hai vùng đất ấy vào châu Định Viễn.

Năm 1759, Nặc Nguyên mất, chú là Nặc Nhuận xin dâng hai vùng đất Trà Vinh và Sóc Trăng để được công nhận là vua Chân Lạp. Đến đây thì toàn bộ bờ biển hình chữ S của nước ta đã định hình.

Năm 1760, Nặc Nhuận bị rể là Nặc Hinh giết chết. Quan tổng suất triều Nguyễn là Trương Phúc Du đem quân sang đánh. Nặc Hinh thua chạy và bị giết. Con Nặc Nhuận là Nặc Tôn (Ang Tong) được lên nối ngôi vua Chân Lạp, xin dâng đất Tầm Phong Long ( Sa Đéc) để tạ ơn. Đến đây thì quá trình Nam tiến kể như hoàn tất.

Nặc Tôn lại dâng năm phủ là Kampot, Kompong Som, Chal Chun, Bantey Méas, và Raung Veng để tạ ơn Mạc Thiên Tứ. Chúa Nguyễn Phúc Khoát cho nhập tất cả vào trấn Hà Tiên. Năm 1841, vua Thiệu Trị trả năm phủ ấy lại cho Chân Lạp, ngày nay là hai tỉnh Kampot và Tà Keo.

Nhà thơ Nguyễn Duy trong dịp về thăm đền thờ các chúa Nguyễn ở xã Hà Long, Hà Trung, Thanh Hóa đã viết những dòng ray rứt : “ Nhà Nguyễn đã có công lao rất lớn đối với nước Việt Nam, đó là một sự thật hiển nhiên, vậy mà không hiểu tại sao và từ lúc nào, lại bị bóp méo đến biến dạng, bị sai lệch đi trong cái nhìn chính thống, bị hạ thấp một cách oan ức về thang bậc giá trị lịch sử và văn hóa, bị ruồng bỏ nhiều bài vị tôn kính, bị xóa tên đường phố nhiều vua chúa kiệt xuất. Tại sao ?” (10)


2. THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC SAU 300 NĂM PHÂN LIỆT :


Có lẽ chưa từng có đất nước nào mà sự cát cứ, chống đối giữa các thế lực phong kiến lại kéo dài như Đại Việt, suốt từ nửa đầu thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19, bức tranh lịch sử với những sự kiện bi hùng xảy ra dồn dập. Cuộc chiến Nam Bắc triều vừa chấm dứt thì cuộc chiến Trịnh – Nguyễn lại tiếp tục đưa đất nước vào cảnh chia cắt hàng trăm năm lần thứ hai. Xen vào đó là phong trào Tây Sơn nổi lên cuối thế kỷ 18. Những cuộc chiến làm suy yếu nội lực đất nước, gây chia rẽ giữa các vùng miền và tạo cơ hội cho các cuộc ngoại xâm, cũng như để lại hệ quả là những dấu ấn khác biệt về văn hóa, tính cách, ngôn ngữ, tập quán trong quá trình phát triển đất nước, con người Việt Nam giữa các địa phương.

 a/. Chiến tranh Nam –Bắc triều :

Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra triều Mạc mở đầu giai đoạn chiến tranh Nam – Bắc triều suốt thế kỷ 16. Bắc triều lấy Dương Kinh (Hải Dương) làm kinh đô thứ hai, dựa vào quân bốn trấn Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam và Kinh Bắc để chống lại quân Nam triều cát cứ vùng Thanh Nghệ. Chiến trường khi thì ở trong Thanh Hóa, Nghệ An khi thì tại kinh đô Thăng Long hoặc Sơn Nam, Hải Dương tùy tình hình tương quan lực lượng hai bên nhưng nhìn chung cuối cùng chỉ nhân dân là gánh chịu tất cả thiệt hại. Năm 1592, Trịnh Tùng thắng trận quyết định lấy lại kinh đô Thăng Long và giết chết Mạc Mậu Hợp. Tàn quân họ Mạc tuy còn chiếm giữ đất Cao Bằng do được nhà Minh chống lưng cho nhưng suy yếu dần, đến 1625 thì dứt hẳn. Tính ra họ Mạc làm chủ miền Bắc được 65 năm, sau đó tàn dư kéo lên Cao Bằng nối dài thêm được 33 năm nữa, vị chi là 98 năm. Cuộc chiến Lê-Mạc đã làm suy yếu nội lực của Đại Việt, một quốc gia cường thịnh lúc bấy giờ trong vùng Đông Nam Á, trước đó không kể Chăm Pa, Ai Lao, Chân Lạp mà cả các tiểu vương quốc trong vùng Malacca (quần đảo Nam Dương) cũng phải giao hảo và nộp cống. Những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được thời Lê sơ dưới triều đại các vị anh quân Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông đều bị chiến tranh làm mai một, chất lượng cuộc sống bị kéo lùi hàng trăm năm, nạn đói xảy ra khắp nơi ngay cả tại vùng lưu vực sông Nhị Hà là vựa lúa lớn nhất thời bấy giờ.
   
b/. Trịnh – Nguyễn phân tranh :

Việt Nam sử lược ( chương III, trang 274, sđd) viết : “ Năm Kỷ Hợi 1599, đời vua Thế tông nhà Lê, Trịnh Tùng thu xếp xong việc thông sứ với nhà Minh, và đã chịu nhường đất Cao Bằng cho con cháu nhà Mạc rồi, trong nước đã yên dần, bèn tự xưng làm Đô nguyên súy tổng quốc chính Thượng phụ Bình An vương, rồi định lệ cấp bổng cho vua được thu thuế một ngàn xã gọi là lộc thượng tiến, cấp cho vua 5000 lính để làm quân túc vệ. Còn những việc đặt  quan, thu thuế, bắt lính, trị dân đều thuộc về quyền họ Trịnh cả. Chỉ có khi nào thiết triều hay là tiếp sứ thì mới cần đến vua mà thôi. Từ đó về sau, họ Trịnh cứ thế tập làm vương, tục gọi là chúa Trịnh …”. Năm 1627, Trịnh Tráng đem quân vào nam đánh Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) lần thứ nhất, mở đầu cho cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn. Trong 45 năm đối đầu, họ Trịnh chủ động vào đánh 6 lần, họ Nguyễn chỉ đánh ra một lần nhưng đều bất phân thắng bại. Sau trận chiến năm Nhâm Tý 1672, sông Gianh (Linh Giang) được chọn làm ranh giới phân chia Nam Bắc. Kể từ đó, đất nước bị chia cắt hơn một trăm năm nữa, miền Bắc (Đàng Ngoài) sống dưới chế độ vua Lê-chúa Trịnh mà vua Lê chỉ là bù nhìn (11); miền Nam (Đàng Trong) các chúa Nguyễn tiếp tục mở rộng cương vực Đại Việt đến tận mũi Cà Mau. Năm Giáp Ngọ 1774,  nhân nhà Nguyễn có nội loạn (Tây Sơn khởi binh), họ Trịnh cho tướng Hoàng Ngũ Phúc đánh lấy đất Thuận Hóa và Quảng Nam. Đây là lần đánh nhau cuối cùng giữa hai thế lực Trịnh - Nguyễn.

c/. Phong trào Tây Sơn :

Năm 1765, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát từ trần, cường thần Trương Phúc Loan chuyên quyền đẩy sự nghiệp hai trăm năm chúa Nguyễn vào thế tuyệt địa : kinh tế yếu kém, lòng dân ly tán, nội bộ chia rẽ. Nhân cơ hội đó, một hào phú vốn là chức sắc trong bộ máy thu thuế địa phương là Nguyễn Nhạc (Biện Nhạc) (12) tự xưng “Tây Sơn trại chủ” đã đứng lên tập hợp dân nghèo dưới lá cờ “cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo” chống lại chính quyền Đàng Trong. Chỉ trong ba năm , quân khởi nghĩa chiếm trọn một dải đất từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, trở thành một lực lượng đối trọng với chính quyền Lê-Trịnh ngoài Bắc và họ Nguyễn trong Nam. Bị đánh dồn ép từ hai phía, Định vương Nguyễn Phúc Thuần bỏ Phú Xuân vào Gia Định tính chước khôi phục. Năm 1775, tướng Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc thỏa hiệp với Nguyễn Nhạc rút quân về chiếm đóng Phú Xuân, nhường đất Quảng Nam cho Tây Sơn cai quản. Tháng ba năm Đinh Dậu (1777), Nguyễn Huệ đem quân vào Nam bắt giết Định Vương ở Long Xuyên và Tân Chính Vương ở Bến Tre (13). Tháng năm năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ tiến chiếm Phú Xuân, thừa thắng tiến thẳng ra Bắc,  giương cờ “Phù Lê diệt Trịnh” truy đuổi và bắt giết Trịnh Tông, giao lại quyền cai quản xứ Bắc Hà cho dòng chính thống là vua Lê Chiêu Thống (14).  

d/. Đại Việt trước nguy cơ tan rã :

Năm 1786, sau khi chiến thắng quân Trịnh trở về, đất Tây Sơn được chia ba : Nguyễn Nhạc tự xưng Trung Ương Hoàng Đế đóng đô tại Quy Nhơn, phân phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương cai quản hai xứ Quảng Nam và Thuận Hóa, còn Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương cai quản toàn bộ đất Gia Định kể cả Bình Thuận. Mỗi nơi đều có hệ thống chính quyền riêng, độc lập với hai nơi kia, thậm chí đối địch nhau mặc dù vẫn mang tên gọi chung là Tây Sơn. Phong trào khởi nghĩa nông dân với chiêu bài “ cướp của người giàu chia cho dân nghèo” đã đi đến điểm kết thúc với sự thành lập nhà nước quân chủ phong kiến mới! Chính sự phong kiến hóa quá sớm đó vô hình chung đã giúp cho chúa Nguyễn có cơ hội trung hưng vì nhờ mảnh đất của vua Thái Đức làm trái độn, tránh đối đầu trực tiếp với kẻ thù mà ông chỉ toàn đánh thua. Nếu kể thêm xứ Bắc Hà (An Nam cũ) do vua Lê Chiêu Thống cai trị thì lúc này bức dư đồ Đại Việt như mảnh áo vá rách chia làm bốn mảnh : từ Lạng Sơn đến Thanh Hóa thuộc vua Lê, từ Nghệ An đến Quảng Nam thuộc Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, từ Quảng Ngãi đến Phú Yên thuộc vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, từ Bình Thuận vào nam là của Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Nhiều người thất vọng vì viễn tượng tập đại thành thống nhất đất nước đã không xảy ra, chẳng những thế ở cả ba miền Bắc Trung Nam sau đó đều xảy ra chiến tranh dữ dội, cục diện xoay chiều liên tục giữa các thế lực phong kiến.

Đầu năm 1787, (15) Nguyễn Huệ đem quân Tây Sơn Thuận Hóa vào bao vây đánh phá kinh thành Quy Nhơn, Nguyễn Lữ phái Đặng Văn Chân (Trân) đem quân Tây Sơn Gia Định về cứu viện bị Nguyễn Huệ đánh tan tại Phú Yên, bản thân Chân bị bắt sống (16). Thành Quy Nhơn ( Đồ Bàn cũ) bị vây ba vòng, quân Tây Sơn Thuận Hóa đắp núi đất trên đặt súng lớn bắn vào trong thành, Nguyễn Nhạc phải lên mặt thành khóc lóc, kêu gọi : “ Nồi da nấu thịt lòng em sao nỡ thế”, Nguyễn Huệ mới thu quân giảng hòa. Bản Tân (Quảng Ngãi) trở thành địa giới giữa Tây Sơn Thuận Hóa và Tây Sơn Quy Nhơn. Nguyên nhân là do bất đồng giữa hai người trong việc phân chia số chiến lợi phẩm quý giá thu được trong phủ chúa Trịnh (17), việc tranh giành cai quản đất Quảng Nam và nhất là việc Nhạc bạo ngược giết công thần Nguyễn Thung, thông dâm với vợ Nguyễn Huệ khiến ông tức giận mà từ chối lịnh đi chầu (Đại Nam Liệt truyện, quyển 30, trang 13b, 14a). Từ nay mối rạn nứt giữa hai anh em Nhạc - Huệ không còn cơ hội hàn gắn nữa mà kéo dài đến tận thế hệ sau giữa hai anh em chú bác ruột là Nguyễn Bảo và Quang Toản, kết cục Toản giết chết Bảo cuối năm Mậu Ngọ 1798. Ngay cả khi vua Quang Trung mất (năm 1792), Quang Toản cũng không cho người bác ruột ra viếng tang, khiến Nguyễn Nhạc đi đến đầu địa giới phải quay trở lại Quy Nhơn.

Mùa đông năm Đinh Mùi (1787), sau khi đã giảng hòa với vua anh, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ sai Vũ văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh mang tội chuyên quyền, lấy oán báo ơn, mưu đối địch. Chỉnh bị giết chết, vua Lê bỏ kinh thành trốn tránh trong các hương ấp, nay Hải Dương, mai Sơn Nam rồi lại trở về Kinh Bắc. Tây Sơn áp đặt chế độ quân quản lên các trấn xứ Bắc Hà, hoàng thân Lê Duy Cận được cử làm Giám quốc bù nhìn chỉ biết ngày ngày đến tướng phủ Tây Sơn chờ mệnh lệnh (18). Tháng ba năm Mậu Thân 1788, Bắc Bình Vương lại thân ra Bắc diệt Nhậm (19). Những rối loạn thay bậc đổi ngôi liên tục diễn ra trong một thời gian ngắn khiến tình hình Bắc Hà thực sự rối ren, các võ tướng cũ của chúa Trịnh và các hào mục địa phương nổi lên quy tụ từ vài trăm đến vài ngàn thổ binh tự quản lấy, phép nước không còn ai tôn trọng. Trong lúc ấy tình hình miền Nam cũng không hơn gì.     

e/. Nguyễn Vương Ánh lấy lại Gia Định :

Năm 1786, Nguyễn Lữ được phong làm Đông Định Vương, cai quản một vùng đất trù phú rộng lớn từ Bình Thuận trở vào. Tuy nhiên, lực lượng quân Tây Sơn đóng trên đất Gia Định giống như một đạo quân chiếm đóng hơn là quân phò chính diệt tà. Quan hệ giữa quân với dân vẫn giữ khoảng cách nếu không muốn nói là thù địch. Hệ thống chính quyền quân quản do các võ quan đứng đầu chỉ quen ra những mệnh lệnh tịch thu, sung công, cấm đoán, bắt bớ chứ không biết ra những chính sách an dân như chính quyền Tây Sơn Bắc Hà. Người Minh Hương ở Trấn Biên và Phiên Trấn vẫn còn nhớ vụ đốt phá Nông Nại Đại Phố năm 1777, vụ tàn sát người Hoa để trả thù quân Hòa Nghĩa sau cái chết của Phạm Ngạn năm 1782, gần nhất là vụ ép dời chợ Bến Nghé về Cầu Sơn cho dễ thu thuế của Nguyễn Lữ. Tóm lại, quân Tây Sơn chỉ biết “bình” chứ không biết “định”, dù thời gian chiến đóng có ngắn nhưng không phải là không có cơ hội tổ chức quản lý lãnh thổ. Phàm lòng dân không theo thì dù lực lượng quân sự có mạnh đến đâu cũng giống như cây tầm gửi, rể không bén đất thì làm sao tính kế lâu dài cho được. Nên cứ mỗi lần quân Tây Sơn chủ lực rút về Quy Nhơn, Nguyễn vương mộ binh khôi phục thì dân chúng miền Nam vẫn còn nhớ ơn chúa cũ bèn “xứ xứ tịnh khởi”.

Tháng 7 năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn vương từ Xiêm La trở về, thu phục một số hàng tướng Tây Sơn như Nguyễn văn Trương, Nguyễn Đăng Vân và tập hợp được một số quân tướng cũ, lực lượng lại mạnh lên. Từ Long Xuyên, chúa Nguyễn tiến lên đóng ở Ba Giồng (Tiền Giang ngày nay), lại được Võ Tánh đem quân ở Gò Công về giúp, quân Nguyễn dùng hỏa công phá tan lũy Ngũ Kiều của Tây Sơn, thừa thắng tiến lên chiếm lại đất Đồng Nai, vây chặt thành Gia Định. Tháng bảy năm Mậu Thân 1788, Nguyễn vương đánh thắng một trận lớn ở rạch Thị Nghè (Bến Nghé), lại bịt kín đường thoát ra biển khiến Phạm văn Tham phải rút về Hàm Luông rồi về Ba Thắc. Tháng tám năm đó, chúa Nguyễn nhập thành Gia Định, chiêu an trăm họ, sửa sang phép tắc và phong thưởng cho các tướng sĩ. Qua năm sau 1789, Phạm văn Tham đầu hàng vì tuyệt lương mà không thấy viện binh. Tây Sơn mất toàn bộ đất Gia Định. Quân Nguyễn từ đây chuyển dần từ thế thủ sang thế công còn quân Tây Sơn thì ngược lại. 

g/. Nhà Tây Sơn tự gây ra họa diệt vong :

Là người dân Việt, hầu như không ai là không biết đến chiến thắng Đống Đa oanh liệt, một chiến thắng chống ngoại xâm giúp giữ vững chủ quyền lãnh thổ, ngăn ngừa âm mưu đưa đất nước vào vòng Bắc thuộc một lần nữa của những kẻ đặt quyền lợi cá nhân, sự tồn tại của dòng tộc cao hơn sự thiêng liêng của đôc lập dân tộc. Chiến thắng của hoàng đế Quang Trung đã đem lại chính danh cho vương triều mới, đẩy triều đại Lê Trịnh mục ruỗng lùi vào quá khứ và thu phục được lòng dân xứ Bắc. Tiếc thay, cái chết đột ngột của người anh hùng áo vải đuổi Nguyễn, diệt Lê, tuyệt Trịnh, đánh tan hai đạo binh xâm lược ở hai đầu đất nước xảy ra quá sớm đã khiến cho vương triều Tây Sơn lụi tàn vì không có người kế thừa xứng đáng.

Thiếu người cầm chịch, các quan đại thần ghen ghét tìm cách vu cáo hãm hại lẫn nhau khiến sức mạnh Tây Sơn bị suy yếu đi. Thái sư Bùi Đắc Tuyên giẫm lên vết xe đổ của Trương Phúc Loan năm nào: tự chuyên lộng quyền, truy bức công thần, hiếp chế ấu chúa, tham lam tư lợi. Năm 1795, Vũ Văn Dũng nghe theo lời xúi giục của Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ đem quân từ Bắc Hà về bắt giết Bùi Đắc Tuyên và con là Bùi Đắc Trụ. Sau đó lại cho bắt Đại tư mã Ngô văn Sở về Phú Xuân, dìm nước chết đi. Nghe tin, Trần Quang Diệu đem quân từ Diên Khánh về toan bắt Dũng hỏi tội. Nhờ Quang Toản và các tướng hết sức can ngăn, cả hai mới chịu giải hòa. Năm 1798 Quang Toản nghe theo lời xúi giục của bọn cận thần giết chết Thiếu phó Nguyễn văn Huấn và Đại tư lệ Lê Trung, con Trung là Lê Chất bèn về hàng chúa Nguyễn. Từ đấy quá trình suy sụp của Tây Sơn diễn ra nhanh chóng vô phương cứu vãn. Lịch sử đất nước rẽ sang một chương khác.
                         
h/. Vua Gia Long thống nhất đất nước :

Tháng năm năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn vương đem quân ra vây thành Quy Nhơn. Trấn thủ Lê Văn Thanh chống giữ không nổi phải mở cửa thành đầu hàng. Quy Nhơn bị đổi tên thành Bình Định. Tháng giêng năm Tân Dậu (1801) quân Nguyễn đánh thắng một trận thủy chiến lớn ở cửa Thị Nại, tiêu diệt gần hết tàu thuyền chủ lực của Tây Sơn, từ đó làm chủ mặt bể. Ba tháng sau, quân Nguyễn lại thắng trận thủy chiến ở cửa Thuận An, tiến lên vây đánh thành Phú Xuân. Vua Tây Sơn Quang Toản bỏ chạy, chúa Nguyễn thu phục lại được đô thành sau 27 năm bị chiếm đóng. Bấy giờ là ngày mồng 3 tháng 5 năm Tân Dậu (1801).

Tháng giêng năm Nhâm Tuất (1802), vua Tây Sơn đem quân 4 trấn Bắc Hà và quân Thanh Nghệ vào đánh lũy Trấn Ninh, lại sai tướng đem 100 chiến thuyền vào giữ cửa Nhật Lệ (Quảng Bình ngày nay). Bị thủy quân của chúa Nguyễn đánh bại, quân Tây Sơn phải rút lên bộ rồi bỏ Trấn Ninh chạy về Nghệ An. Đây cũng là cố gắng tận lực cuối cùng của vua tôi Quang Toản trước lúc triều Tây Sơn cáo chung. Tháng năm năm Nhâm Tuất, Nguyễn vương lên ngôi tôn tại Phú Xuân, đặt niên hiệu là Gia Long nguyên niên. Tháng sáu, quân Nguyễn triều Bắc tiến, thế như chẻ tre, nội trong một tháng đánh lấy Thanh Nghệ rồi tràn ra Thăng Long, tướng Tây Sơn là Nguyễn văn Thọ mở cửa thành ra hàng, vua Gia Long nhập thành chiêu an, đổi tên Thăng Long thành Bắc thành. Tháng bảy cùng năm, vua Gia Long trở về kinh đô Phú Xuân, mở đầu giai đoạn thống nhất đất nước từ Nam tới Bắc, thu giang sơn về một mối.
   
Nhận xét về sự kiện này, nhà nghiên cứu lịch sử Đỗ Bang đã viết trong tham luận “Triều Nguyễn-sau 200 năm nhìn lại” (20), xin trích dẫn một đoạn : “…Một số ý kiến cho rằng triều Nguyễn là phản động vì đã đánh bại triều Tây Sơn, một triều đại có những cống hiến to lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, lật đổ được chế độ phong kiến cát cứ Đàng Trong-Đàng Ngoài cũng không đúng. Vì những yếu tố tích cực, tiến bộ của phong trào Tây Sơn mà nhân dân ta đã giành được dưới thời Nguyễn Huệ đã không còn phát huy sau ngày vua Quang Trung mất (1792). Triều đại Tây Sơn dưới thời vua Cảnh Thịnh đã thoái hóa, biến chất, suy đồi dẫn đến mâu thuẫn nội bộ và mâu thuẫn xã hội vô cùng gay gắt, là nguyên nhân dẫn đến thất bại trước áp lực quân sự của Nguyễn Ánh. Vương triều Tây Sơn đã làm mất lòng dân, không được nhân dân đồng tình ủng hộ nên quân Nguyễn thắng Tây Sơn là việc thường tình và dễ hiểu…”.

Như vậy kể từ năm 1527 đến năm 1802 là 275 năm chia cắt, đất nước mới trở lại thống nhất. Năm 1527, lãnh thổ phía nam Đại Việt chỉ đến núi Đá Bia (Phú Yên). Nếu tính từ đời chúa Nguyễn Hoàng (1558) đến đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1765), trải 8 đời chúa trong 207 năm đã mở rộng cương vực Đại Việt lớn gấp đôi; trong lúc đó ở phía Bắc, năm 1540, Mạc Đăng Dung đã cắt đất 4 động châu Vạn Ninh (Quảng Ninh ngày nay) dâng cho triều Minh để cầu phong. Công lao to lớn của các chúa Nguyễn trong sự nghiệp mở rộng đất nước, cũng như công lao thống nhất, quy giang sơn về một mối của vua Gia Long cho dân Việt yên nghiệp làm ăn, đem lại một cuộc sống thái bình cho lê dân sĩ thứ sau gần ba trăm năm loạn lạc là một sự thật không thể chối cãi.


3. THỬ TÌM CĂN NGUYÊN CỦA NHỮNG ĐỊNH KIẾN CAY NGHIỆT :

a/. Vì sao Thăng Long trở thành phế đô  :

Thăng Long ngàn năm văn hiến, với vai trò vị trí là kinh đô của nước Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18, niềm tự hào của sĩ phu và dân chúng Bắc Hà, sự thực đã chấm dứt vai trò lịch sử từ năm 1788 dưới triều Tây Sơn chứ không phải năm 1802 dưới thời Gia Long, vị vua mở đầu  triều Nguyễn như nhiều người lầm tưởng. Năm 1786, họ Trịnh thất bại trong việc khôi phục lại địa vị, Trịnh Bồng chạy khỏi kinh thành, Lê Chiêu Thống ngầm cho người đốt phủ chúa đi. Đám cháy lan khắp hai phần ba kinh thành và cháy trong mười ngày liền, làm mất đi một quần thể kiến trúc đẹp của Thăng Long - Hà Nội. Điều này được sách Hoàng Lê nhất thống chí chép như sau: “ Sớm hôm sau, hoàng thượng mới biết là Án Đô vương đã trốn đi lúc ban đêm tức thì ngầm sai người phóng hoả đốt hết phủ chúa. Khi phủ cháy, khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt..Thế là hai trăm lâu đài cung khuyết huy hoàng bỗng chốc đã thành bãi đất cháy đen. Xa gần nghe thấy tin đó, ai cũng thương chúa và trách vua làm quá đáng. Hôm ấy nhằm ngày mồng 8 tháng chạp năm Bính Ngọ (1786)…”(21). Như vậy đã rõ, chính Lê Chiêu Thống là kẻ đã ra lịnh hủy hoại công trình kiến trúc có giá trị vào loại bậc nhất của Thăng Long chứ không phải Nguyễn Hữu Chỉnh làm chuyện này như nhiều sách đã viết (22).

 Năm sau 1787, Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Chiêu Thống bỏ kinh đô bôn tẩu và Thái hậu chạy sang Quảng Tây cầu viện nhà Thanh (23). Xứ Bắc Hà trở  thành một phần lãnh thổ của Tây Sơn và kể từ đây Thăng Long không còn là kinh đô nữa. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế Quang Trung tại kinh đô Phú Xuân trước khi Bắc tiến tiêu diệt 29 vạn quân Thanh. Mười ba năm sau (1802), Nguyễn Vương lên ngôi hoàng đế cũng tại kinh đô Phú Xuân trước khi Bắc tiến tiêu diệt bọn Quang Toản, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, kinh đô Phú Xuân hai lần chứng kiến hai cuộc lên ngôi chính danh của hai vị hoàng đế trước khi Bắc phạt , một để đánh đuổi quân xâm lược ngoại bang, giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc, một chấm dứt cuộc nội chiến, thu giang san về một mối. Trong cả hai lần , Thăng Long đều đóng vai trò chứng nhân lịch sử một cách thụ động.

Có thể nói Thăng Long trở thành phế đô là một tất yếu của lịch sử, do sự tác động chính từ bên trong (sự mục ruỗng thối nát của chế độ Lê-Trịnh) chứ không phải do một thế lực bên ngoài nào, Tây Sơn chỉ đóng vai trò là người kết thúc mà thôi. Nếu không phải là Tây Sơn thì cũng là một lực lượng khác từ phía Nam hoặc từ phía Bắc tiến vào xóa sổ nhà Lê mạt như lời của Vũ Văn Nhậm (24). Ai ở trong cảnh nước mất nhà tan thì mới hiểu cho nổi niềm của kẻ nhà tan nước mất, chúng ta hết sức thương cảm cho tấm lòng trung trinh hoài Lê của Nguyễn Du và Bà Huyện Thanh Quan nhưng xâu chuổi các sự kiện lại thì Thăng Long sụp đổ là một biến cố rất logic (!) bởi vượng khí đã lụi tàn. Lòng riêng ai đó có thể vì nuối tiếc mà sinh lòng oán ghét cái mới nhưng nếu bình tâm xem xét thì Thăng Long lúc ấy thua xa Phú Xuân và Gia Định về mọi mặt : kinh tế suy thoái, trật tự suy đốn, đạo lý lụi tàn, dép mũ đảo lộn. Điển hình là việc viên trấn thủ Kinh Bắc Nguyễn Cảnh Thước trấn lột cả vua Lê Chiêu Thống thế cô đang trên đường bôn tẩu “ …Vua cho Thước tất cả. Thước liền gọi lái đò đưa thuyền đến bến, chở nhà vua cùng đám người cùng đi qua sông. Khi vua đã lên bờ, Thước lại cho người đuổi theo lột chiếc áo ngự bào vua đang mặc. Vua ứa nước mắt cởi áo ngự bào trao cho chúng, rồi chạy về núi Như Thiết”.(25) Thật khác với vua Gia Long, dù bao phen bị Tây Sơn truy đuổi gay gắt thập tử nhứt sinh nhưng đều vượt qua được nhờ sự chở che của người dân miền Nam. Hoặc trường hợp tên tiểu lại làng Hạ Lôi Nguyễn Trang phản thầy bán chúa:  “ Quán nghe tin có việc biến (chúa bị bắt-KH), thân hành đến tận chỗ chúa, rập đầu xuống đất mà nói : Làm lầm chúa đến nông nỗi này, là do tội của tôi cả. Tông đáp : người ta ai có bụng nấy, khanh có can dự gì. Quán lui trở vào, bảo Trang : Chúa là chúa chung của thiên hạ. Mà ta lại là thầy anh.Vua tôi là nghĩa lớn, sao anh nỡ làm như thế . Trang đáp : Sợ thầy chưa bằng sợ giặc, yêu chúa chưa bằng yêu thân mình, tôi không để cho quan lớn làm cho lầm lỡ đâu. Tiếp đó Trang bức Quán phải trở về nhà, rồi quát thủ hạ dìu chúa về kinh đô” (26).

Về mặt võ bị, hãy nghe những lời giễu cợt của tướng Tây Sơn Ngô Văn Sở, “trưởng ban quân quản" Bắc thành nói với viên quan cựu Lê lưu dụng là Ngô Thời Nhậm “ …nếu giặc Thanh có sang thì phiền ông làm một bài thơ để lui quân giặc, nếu không thì túi đao bao kiếm là phận sự của kẻ võ thần, can gì phải quá lo …” (27) hoặc những lời khích tướng của Nguyễn Hữu Chỉnh khi khuyên Nguyễn Huệ thừa thắng tiến ra đánh lấy Bắc Hà “xứ ấy không còn nhân tài” mặc dù hơi miệt thị nhưng cũng có phần sự thật như sau này lịch sử đã chứng minh (28). Qua đó, chúng ta thấy Thăng Long không tự bảo vệ được mình, các đạo quân chiếm đóng lần lượt đến rồi đi như quân Tây Sơn của Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ (1786), quân Nghệ An của Nguyễn Hữu Chỉnh (1787), quân Tây Sơn của Vũ Văn Nhậm (1787), quân Thanh xâm lược của Tôn Sĩ Nghị (1788), quân Tây Sơn của vua Quang Trung (1789) rồi sau này là quân Nguyễn của vua Gia Long (1802) thay nhau vào ra Thăng Long như chốn không người, một phần bởi địa hình công dễ thủ khó nhưng phần lớn do tướng bất tài, quân bê trễ, triều đình không còn kỷ cương.    

Thuở sinh tiền, vua Quang Trung đã chọn Nghệ An làm kinh đô vì đó là trung tâm của đất nước do ông cai quản ( từ Quảng Nam đến Lạng Sơn) chứ cũng không chọn Thăng Long. Tiếc thay, vận số quá ngắn ngủi của người anh hùng Tây Sơn khiến dự định không thành. Hãy nghe lời trối trăng của vua Quang Trung cho bọn Trần Quang Diệu : “…khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải lo chôn cất, việc tang làm lạo thảo thôi. Bọn ngươi nên cùng nhau giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Bằng không quân Gia Định kéo đến thì bọn ngươi chết không có đất chôn thây đấy ..”(29). Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường lý giải việc tại sao Quang Toản không thiên đô như di mệnh của vua Quang Trung như sau :

“ Tính chông chênh của nhóm Tây Sơn Quang Trung thấy đầu tiên ở nơi vị trí trú đóng. Nòng cốt của quân lực thì lấy ở đất Quy Nhơn mà lại đứng chân trên kinh đô của giòng họ Nguyễn. Người cầm đầu cũng thấy điều ấy nên lăm le trở về Nghệ An, quê của tổ tông để tìm sự liên kết cố cựu. Tuy nhiên thực tế đất ấy lại không còn là của họ nữa vì những người dân đang phải chịu tai ách của chiến tranh hơn cả lúc trước, như lời Nguyễn Thiếp trình bày, thì không có lòng dạ nào nhận bà con với người áp bức họ được. Quang Toản sau đó vẫn ở Phú Xuân là minh chứng”. (30)

Sau ngày thống nhất đất nước, vua Gia Long cũng không chọn Thăng Long làm kinh đô vì nơi ấy không còn là trung tâm Đại Việt nữa. Các chúa Nguyễn đã mỡ cõi rất xa về phía Nam suốt ba thế kỷ, đến tận Phú Quốc và Côn Đảo. Nhà Thanh sau đó đã phong cho Gia Long làm vua nước Việt Nam, Thăng Long trở thành Bắc thành, ngang với Gia Định thành. Huế tiếp tục là kinh đô cho đến khi thực dân Pháp chia ba đất nước bằng hòa ước Nhâm Tuất 1874.
Tóm lại , “hào khí Thăng Long” trải qua các đời Lý, Trần, Lê đến cuối thế kỷ 18 đã lụi tàn, cùng với việc ra đời của vương triều Nguyễn, Huế (Thuận Hóa) trở thành trung tâm đất nước về mọi mặt hành chính, kinh tế, văn hóa, quân sự là một sự thay đổi hợp quy luật biến đổi của vạn vật. Không có gì lạ.

b/. Thành kiến cục bộ địa phương và quan điểm chính trị của giới Sử học Hà Nội dẫn đến những nhận xét bất công, áp đặt, cực đoan đối với nhà Nguyễn :   

“ …sự thắng thế của Nguyễn Ánh trước Tây Sơn có thể coi là sự thắng thế của những nhân tố bảo thủ lạc hậu đối với những yếu tố tiến bộ…”  (Nguyễn Ngọc Cơ, “Một giai đoạn của lịch sử Việt Nam thời Nguyễn và những câu hỏi cần giải đáp thỏa đáng”, Lịch sử nhà Nguyễn, sđd, trang 10).

“ …cái thống nhất của Gia Long nhờ cắt đất dâng cho thực dân mà có được đã gây mầm chia cắt đất nước …” (Văn Tạo, “Nhà Nguyễn trong lịch sử dân tộc”, Lịch sử nhà Nguyễn, sđd, trang 27)

“ …một số người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử ở miền Nam thời Mỹ-ngụy đã ra sức ca tụng Nguyễn Ánh có công thống nhất đất nước từ Nam ra Bắc. Luận điểm này nhằm thực hiện âm mưu của chính quyền Sài Gòn chủ trương “lấp sông Bến Hải”, “ Bắc tiến”. Ca tụng Gia Long, phê phán Tây Sơn là “Ngụy triều”, họ đã biện hộ cho việc chia cắt đất nước, tìm mọi cách kéo dài “biên giới Hoa Kỳ” không chỉ đến vĩ tuyến 17 mà đến Mục Nam Quan, phục vụ âm mưu chiến lược của Mỹ dùng Việt Nam làm bàn đạp tấn công Trung Quốc ‘cộng sản”, hòng xóa bỏ hệ thống chủ nghĩa thế giới …”.(Phan Ngọc Liên, “ Một số yêu cầu về phương pháp luận đối với việc dạy học lịch sử thời nhà Nguyễn”, Lịch sử nhà Nguyễn, sđd, trang 59)

Thứ nhất, Nguyễn Ngọc Cơ đã nhầm lẫn hoặc cố ý nhầm lẫn khi ông đánh tráo khái niệm bảo thủ lạc hậu và tiến bộ giữa hai chủ thể Tây Sơn và Gia Long. Những năm cuối thế kỷ 18, vương triều Tây Sơn đã không còn ánh hào quang buổi đầu : vua Quang Toản ích kỷ nhỏ nhen, đa nghi đố kỵ, giết người bừa bãi, tàn sát công thần, mù quáng nghe lời nịnh thần dẫn đến nội loạn, trong triều thì rối ren, ngoài biên cương thì quân tướng hoang mang. Nguyễn Thiếp xin từ chức về trí sĩ; Nguyễn Bảo, Lê Chất về hàng Nam triều, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng mang quân về kinh chực đánh nhau. Thật khác xa với tính chất phong trào nông dân khi khởi xướng “ cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo”. Người dân hai miền Nam Bắc trông mong gì ở “yếu tố tiến bộ” ấy ? Trong khi lực lượng Nguyễn Vương mỗi ngày một lớn lên, thu phục được nhân tâm cả nước, trong một tháng lấy trọn cả một vùng đất vua Lê cũ. Sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh, khống chế lân bang, trở thành lực đối trọng với Xiêm La trong vùng Đông Nam Á. Đó là một “nhân tố bảo thủ lạc hậu” ư ? Thực ra, từ thế kỷ 18 trở về trước, khi một “lực lượng sản xuất” phá vỡ “quan hệ sản xuất” thì lại tạo ra một “quan hệ sản xuất” mới theo mô hình cũ. Các lãnh tụ nông dân khi giành được chính quyền từ các vua chúa cũ thì lại …lên làm vua, chứ không hình thành nên một chủ nghĩa gì cả vì khi ấy Các Mác hãy còn ở truồng nằm nôi. Có thể gọi vương triều Nguyễn là ít lạc hậu hơn so với các vương triều Lê mạt,  Tây Sơn Quang Toản thì đúng hơn.

Thứ hai, vua Gia Long hoàn toàn không có cắt đất liền hay biển đảo nào cho ngoại bang (!). Hiệp ước Versailles ( 28-11-1787) có các điều khoản nhượng cảng Hội An ( Đà Nẳng) và Côn Đảo cho Pháp, cũng như cho phép các giáo sĩ và thương nhân Pháp được tự do truyền đạo và thương mại trên toàn lãnh thổ Việt Nam để đổi lấy sự viện trợ về mặt quân sự của Pháp. Việt Nam Sử lược [Cận kim thời đại, Nhà Nguyễn, Chương I, Thế Tổ (1802-1819)] viết về sự kiện này như sau:  “Năm 1817, chiếc tàu binh tên là Cybèle của nước Pháp vào cửa Đà Nẳng. Quan thuyền trưởng là Bá tước De Kergarion nói rằng Pháp hoàng Louis XVIII sai sang xin thi hành những điều ước của ông Bá Đa Lộc ký năm 1787 về việc nhường cửa Đà Nẳng và đảo Côn Lôn. Vua Thế Tổ sai quan ra trả lời rằng những điều ước ấy nước Pháp trước đã không thi hành thì nay bỏ, không nói đến nữa”. Ông Văn Tạo là một cây đa cây đề trong giới Sử học, lẽ nào lại không biết sự thực lịch sử như trên ?    

Thứ ba, việc chia cắt đất nước năm 1954 là một vết đen trong lịch sử Việt Nam, thể hiện mối tương quan và cân bằng quyền lực của các xu thế chính trị trên thế giới mà đạo diễn là các nước lớn, nhưng đại đa số nhân sĩ và người dân miền Nam đều chống lại việc chia cắt ấy. Hãy xem lại trong các thư tịch ai là người đã ký kết vào các văn kiện tủi hổ ấy. Càng lạ hơn với luận điểm miền Nam muốn “lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến” bằng bạo lực và “tấn công” Trung quốc cộng sản, xóa bỏ hệ thống chủ nghĩa thế giới. Vương triều Nguyễn có thể không phải là một vương triều minh trị tôi sáng vua hiền, chính thể miền Nam cũng chưa làm gì nhiều cho dân vì phải lo đối phó với chiến tranh, nhưng đừng vì phải tuân thủ quan điểm đường lối chính trị trong nghiên cứu, giảng dạy hoặc vì mặc cảm thất thế của dân tràng an trong bối cảnh lịch sử những năm cuối của thế kỷ 18 mà vẽ ra những điều vô căn cứ, xa rời sự thực như vậy. Đạo đức của người làm sử xưa nay đều không cho phép các quan thái sử viết như vậy, nhất là các nhà mô phạm với thiên chức truyền thụ kiến thức cho đời sau. Miền Nam là cái nôi cho nhà Nguyễn trung hưng phục quốc, càng về phía nam thì lòng dân ủng hộ càng nhiều, nhưng vẫn đề cao, ghi công chống ngoại xâm cho vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Con đường đẹp nhất Sài Gòn mang tên Nguyễn Huệ trong khi Gia Long chỉ là một con đường nhánh khuất phía sau chợ Bến Thành. Đồng tiền có giá trị cao nhất mang hình ảnh Trần Hưng Đạo, kế đến là vua Quang Trung và cuối cùng là Lê Văn Duyệt. Không có tiền giấy nào in hình vua Gia Long cả. Một thái độ công bằng đối với lịch sử. Sự tri ân của hậu thế đối với tiền nhân.

KIẾN HÀO LUẬN BÀN :

Ngày nay một mặt thì “người ta” xuyên tạc, bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen khiến vương triều Nguyễn từ một vương triều có công thống nhất đất nước thành một “tập đoàn phong kiến phản động”; mặt khác thì lại cố công bôi son trét phấn cho Mạc Đăng Dung, một kẻ quyền thần tiếm ngôi giết vua, hãm hại trung thần; một kẻ cố kết bè cánh, bảo vệ địa vị bằng mọi giá kể cả cắt đất dâng nộp cho ngoại bang; một kẻ trói tay khom lưng quỳ gối trước quân tướng giặc phương Bắc hết sức hèn hạ nhưng sau đó quay ra tích cực “nồi da nấu thịt” khiến đất nước suy kiệt, nhân dân phiêu tán. Thậm chí ngày nay, giới Sử học chính thống trong nước còn gọi hành động cắt đất, bán nước của Đăng Dung là khôn khéo, mềm mỏng (?); một nguyên thủ quốc gia quỳ gối trước tướng giặc là sự tính toán trong sách lược ứng phó (!); bỏ quốc hiệu xin nội thuộc nước Tàu là một việc làm tránh chiến tranh bảo vệ chủ quyền (!) (31). Một trò ngụy tạo chữ nghĩa để tránh né sự thật, hay có gì đồng điệu giữa xưa và nay chăng ? Có phải những quan điểm “xét lại” này chỉ bắt đầu xuất hiện khi Nga Sô sụp đổ và Việt Nam rơi vào vòng ảnh hưởng của Tàu, nhất là sau hội nghị Thành Đô 1990 ? Nên không có gì lạ nếu thế hệ trẻ ngày nay mù tịt về cuộc chiến tranh biên giới 6 tỉnh phía Bắc năm 1979, cuộc chiến tranh vệ quốc khốc liệt trong 29 ngày đã lấy đi sinh mạng của hơn ba vạn tử sĩ (32). Hay toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa (nhóm đảo) (33) bị giặc chiếm mất, không hề có một tiết trong sách giáo khoa. Trách nhiệm trước lịch sử thuộc về ai ? Cá nhân hay tập thể nào ?

Thói thường gieo hột nào ăn quả đó, làm sao gieo hạt đắng mà lại mong thu hoạch quả ngọt, hay dạy những điều dối trá lại mong học sinh trở thành người trung thực được. Hậu quả nhỡn tiền là thái độ chán ghét môn sử của học sinh thời nay đã nói lên tất cả : những bài học mang tính chính trị, nghị luận theo quan điểm mác- xít lê- nin- nít khô khan, tham lam, nhồi nhét với những con số khó nhớ. Còn nhớ năm 2013, khi nhà nước Việt Nam công bố nội dung thi tốt nghiệp phổ thông không có môn Sử, học sinh “phấn khởi hồ hởi” xé, vứt toàn bộ bài vở, đề cương ôn thi môn Sử xuống sân trường không thương tiếc. Thật uổng cho một môn học đúng ra là hấp dẫn nhất trong các môn xã hội học, đã bị hoen ố vì mưu đồ của các chính trị gia đội lốt thái sử thời nay.

May mắn thay, Việt Nam vẫn còn đó một bộ phận không nhỏ những người nghiên cứu Sử Việt ở nước ngoài, những nhà nghiên cứu độc lập không lệ thuộc vào “tính chuyên chính” định hướng, những học giả không bị chi phối bởi nhãn quan lập trường giai cấp,  những người còn tâm huyết với lịch sử dựng nước và mở nước của cha ông, những người  đã và đang tiếp tục sự nghiệp của Ngô Sỹ Liên, Trần Trọng Kim …với những nhận xét đánh giá công tâm về Vương triều Nguyễn : công tội phân minh. Nếu chỉ chăm chắm nhìn vào những hạn chế của nhà Nguyễn như cấm đạo hay chính sách bế quan tỏa cảng hoặc thái độ  bảo thủ cố chấp của vua Tự Đức khiến Việt Nam mất đi cơ hội duy tân, nhất là trách nhiệm của các vua triều Nguyễn trong việc để mất nước vào tay thực dân Pháp, mà không nhìn thấy công lao của các chúa và vua nhà Nguyễn trong sự nghiệp mở nước và thống nhất đất nước là một thiếu sót rất lớn nếu không muốn nói là bất công. Tệ hơn nữa là việc vận dụng, áp đặt quan điểm riêng của một thiểu số (dù là thiểu số lãnh đạo) vào việc nhận định, đánh giá và phê phán những nhân vật lịch sử, những triều đại phong kiến vốn là một phần của bộ Sử Việt bốn ngàn năm văn hiến. Điều này hoàn toàn đi ngược lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Nhà văn Nam Bộ Hoàng Lại Giang trong bài viết “Bi kịch của người anh hùng đi mở cõi”, đăng trên tạp chí Xưa và Nay số 294 khi nhắc đến vị anh hùng dân tộc Nguyễn Hoàng đã viết : “ Tôi nghĩ, chúng ta tôn kính các vua Hùng đã có công dựng nước và dựng đền thờ ở thành phố Hồ Chí Minh là phải đạo. Nhưng ai dám chắc đây là những vị vua huyền thoại hay sự thực? Trong khi đó, các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi gấp đôi như ngày nay là một sự thực lịch sử thì chúng ta lại …quên một cách có ý thức …”(34).

Để kết thúc, người viết xin trích một đoạn trong bài “ Nguyễn Hoàng và đất phương Nam” của tác giả Nguyên Hương Nguyễn Cúc, nói lên tấm lòng tri ân của thế hệ hậu sinh đối với bậc tiền nhân mở cõi : “ …tôi mơ ước có một ngày được nhìn thấy tại cố đô Huế Đài kỷ niệm Công chúa Huyền Trân, tại Quy Nhơn Đài Kỷ niệm vua Lê Thánh Tôn, tại Tuy Hòa Đài Kỷ niệm chúa Nguyễn Hoàng, tại Nha Trang Đài Kỷ niệm chúa Nguyễn Phúc Tần, tại Phan Rang, Phan Thiết, Sài Gòn, Hà Tiên Đài Kỷ niệm chúa Nguyễn Phúc Chu, tại Vĩnh Long Đài Kỷ niệm chúa Nguyễn Phúc Trú, tại Sa Đéc, Châu Đốc, An Giang Đài Kỷ niệm chúa Nguyễn Phúc Khoát v.v… thì tình quê hương nguồn cội, nghĩa dân tộc đồng bào sẽ thắm thiết cảm động biết bao” . (35)

Người viết tin trong một tương lai không xa, khi các mối tương quan giữa việt Nam và các nước, nhất là với Mỹ và Trung Quốc,  có những thay đổi theo xu hướng tích cực, sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc nhìn nhận lại lịch sử Việt Nam cận đại, trong đó có việc đánh giá lại một cách khách quan, khoa học, công bằng về công tội của vương triều Nguyễn./.

(10-2014)     

Tài liệu tham khảo :
     
  1. Hoàng Lê Nhất thống chí, Nhà xuất bản Văn học, 2006
  2. Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2002
  3. Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học-Xã hội, 2004
  4. Phủ Biên tạp lục, NXB Khoa học, 1964
  5. Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Tổng hợp TP HCM, 2005
  6. Đại Nam liệt truyện, NXB Thuận Hóa 2006
  7. John Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà, NXB Thế Giới, 2011
  8. Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771-1802, Tạ Chí Đại Trường, Nhà xuất bản Tri Thức, 2012
  9. Lịch sử nhà Nguyễn- một cách tiếp cận mới, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, 2011
  10. Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ, 2008
  11. Các bậc vĩ nhân lập quốc trong lịch sử VN (CBVNLQ), NXB Lao Động, 2013

Ghi chú :

1. Phủ Biên tạp lục, sách đã dẫn, trang 42.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 155
3. CBVNLQ,sđd,  trang 144
4.“Xứ Đàng Trong- Lịch sử kinh tế và xã hội thế kỷ XVII và XVIII” của Li Tana NXB Trẻ 1999
5. Lịch sử nội chiến Việt Nam, sđd, trang 361
6. Xứ Nam Hà thoạt tiên dùng để chỉ vùng đất phía nam sông Gianh nhưng sau này khi các chúa Nguyễn khai hoang mở cõi thì Nam Hà (Indochine) gồm cả phần đất Nam Bộ ngày nay. 
7. Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà, sđd, trang 107
8. Việt Nam sử lược, sđd, trang 327
9. Phiên Trấn bao gồm cả Củ Chi và Tây Ninh,  còn Trấn Biên gồm cả hai tỉnh Bình  Dương, Bình Phước bây giờ.
10. Rơm rạ ơi ta trở về đây- Sài Gòn tiếp thị Xuân 2008
11. Truyền thuyết dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện Trịnh Kiểm vấn kế Nguyễn Bỉnh Khiêm về việc có nên soán ngôi nhà Lê hay không ? Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm không trả lời thẳng mà chỉ ngoảng mặt bảo đầy tớ rằng: năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ. Nói rồi lại sai đầy tớ ra bảo tiểu quét dọn chùa và đốt hương để ông ra chơi chùa, lại bảo tiểu rằng : Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản. Nghe sứ giả về thuật lại, Trịnh Kiểm hiểu ý nên tìm người trong hoàng tộc họ Lê để tôn lên làm vua, chấp nhận thân phận “dưới một người trên vạn người”. Sự thực tấm gương họ Mạc còn sờ sờ ra đó khiến Trịnh Kiểm phải chờn lòng, hơn nữa lòng dân vẫn còn luyến nhớ công đức Thái Tổ, Thánh Tông không dễ quên nên dù gì thì tôn phù chính thống vẫn hay hơn là thay cũ đổi mới. Trong Nam thì Nguyễn Hoàng dần trở thành một lực đối trọng họ Trịnh, ngoài Bắc thì dư đảng họ Mạc vẫn còn nhiều ở hai trấn Kinh Bắc, Hải Dương, lại thêm Minh triều vẫn có ý bênh họ Mạc, chưa công nhận triều Lê trung hưng. Nên Trịnh Kiểm đã khôn ngoan tạm chấp nhận “lùi một bước, trời cao biển rộng” chứ chưa chắc là vì nghe theo lời khuyên của Trạng Trình.

12. Nhiều người vẫn bảo lưu ý kiến cho rằng lãnh tụ phong trào Tây Sơn thuộc giai cấp nông dân. Thực ra xuất thân của Nguyễn Nhạc là lái buôn, nối nghiệp ông nội là Hồ Phi Tiễn và cha là Hồ Phi Phúc. Ba đời đi buôn, gia tư khá giả nên trong nhà lúc nào cũng có nhiều môn khách và gia sư. Theo giáo sư Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử lược, Nguyễn Nhạc phạm tội tiêu lạm công quỹ, một tội bị hình luật triều Nguyễn xử phạt rất nặng nên cũng giống như Lưu Bang nhà Hán, Biện Nhạc không còn đường lùi đành đánh cược với số phận.

13. Cả hai vị chúa Nguyễn là Đông Định Vương và Tân Chính Vương đều bị Nguyễn Huệ bắt sống đem về chùa Kim Chương (Gia Định) hành quyết vào tháng 10 năm Đinh Dậu 1777. Chùa Kim Chương hiện nay không còn, vị trí chùa trước kia ở vào khoảng giữa đường Nguyễn Trãi thuộc quận 1 Sài Gòn, khu đất thuộc Tổng Nha Cảnh Sát cũ, thời Pháp gọi là Gò Ô Ma.    

14. Lối hành quân thần tốc và chiến lược tốc chiến tốc thắng của vua Quang Trung khiến kẻ địch hầu như tê liệt, không có cơ hội để phản công. Kỷ luật quân Tây Sơn rất nghiêm, nên dù đối phương đã mất hết ý chí chiến đấu nhưng sức tiến công vẫn không giảm. Đời sau có người phê phán là quân Tây Sơn “hiếu sát”, điều đó tuy đúng nhưng phàm đã ra trận đối địch thì luôn luôn mục tiêu chiến thắng được đưa lên hàng đầu, đó là lẽ đương nhiên. Điển hình là các trận đánh : thủy chiến Cần Giờ 1782, đại chiến Phú Xuân 1786 và nhất là trận Đầm Mực – Ngọc Hồi 1789.  

15. Cuộc chiến giữa hai anh em Tây Sơn xảy ra từ tháng 2.1787 đến tháng 7.1787. Trong lúc này, vua Lê và Nguyễn Hữu Chỉnh cử mưu sĩ Trần Công Xán vào Nam yết kiến Nguyễn Huệ đòi lại đất Nghệ An. Sợ lộ việc anh em bất hòa, Nguyễn Huệ dìm nước giết chết Trần Công Xán và từ đó đã có ý diệt Nguyễn Hữu Chỉnh.

16. Nhân vật Đặng Văn Chân này sẽ xuất hiện trong lịch sử một lần nữa vào năm 1788, khi ấy là bộ tướng của Ngô Văn Sở, lãnh đạo thủy binh triệt thoái từ Thăng Long về Tam Điệp ( Ninh Bình) chờ cứu viện.
 
17. Toàn bộ vàng bạc và các vật dụng quý giá thu được trong trận đánh chiếm Phú Xuân năm 1774, Hoàng Ngũ Phúc đều cho tải về Bắc giao nộp Trịnh Sâm. Mười hai năm sau (1786), vật hoàn cố hương nhưng lần này là trong tay Tây Sơn. Mười lăm năm sau nữa (1801), họ Nguyễn lấy lại Phú Xuân thì vật mới về tay chủ. Câu chuyện sủng phi Thị Huệ làm mình làm mẩy với Trịnh Sâm, quăng hạt ngọc dạ quang trên đầu khăn của chúa Trịnh xuống đất là có nguồn gốc từ số chiến lợi phẩm này.

18. Mùa Đông năm Đinh Mùi (1787), Thăng Long mất vào tay quân Tây Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh bị giết chết, vua Lê bỏ kinh đô bôn tẩu. Xứ Bắc Hà chính thức do Tây Sơn cai quản. Khi ấy tại miền Nam, chúa Nguyễn đã về đóng quân tại Long Xuyên kể từ tháng 7 , binh thế ngày càng mạnh. Như vậy về danh nghĩa thì từ tháng 11 năm Đinh Mùi - 1787  đến tháng 8 năm Mậu Thân – 1788 cả nước Việt Nam đều thuộc về ba anh em Tây Sơn nhưng trên thực tế chưa bao giờ Tây Sơn thực sự thống nhất cai quản toàn bộ đất nước. Tháng 8 năm Mậu Thân 1788, khi chúa Nguyễn nhập thành Gia Định, chế độ Tây Sơn tại miền Nam chính thức cáo chung.   

19. Nguyễn Huệ không dám mang đại quân ra Bắc vì vẫn còn e dè, đề phòng lực lượng Tây Sơn Quy Nhơn tiến đánh sau lưng. Ông cũng không dám ở lâu trên đất Bắc, sau khi giết Nhậm bèn cải tổ sắp xếp lại hệ thống quan chức cai trị các trấn rồi gấp rút về Nam. Năm 1792 khi ông mất, Nguyễn Nhạc dẫn đoàn tùy tùng ra viếng nhưng đến đầu địa giới thì bị các tướng Tây Sơn Thuận Hóa cản lại phải trở về. Năm Quý Sửu 1793, Quy Nhơn bị quân chúa Nguyễn vây đánh rát quá, liệu thế chống không nổi, Nguyễn Nhạc xin Quang Toản đem quân Thuận Hóa vào cứu viện. Giải vây xong, Quang Toản chiếm luôn đất Quy Nhơn của vua bác khiến Nguyễn Nhạc tức giận, lâm bệnh nặng và từ trần. Năm Mậu Ngọ 1798, Nguyễn Bảo (con Nguyễn Nhạc) bất mãn, đem quân chiếm lại thành Quy Nhơn và có ý đầu hàng chúa Nguyễn. Âm mưu bị lộ, Bảo bị Quang Toản bức tử.

20.  Lịch sử nhà Nguyễn, sách đã dẫn, trang 52
21. Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, trang 187
22  CBVNLQ, sđd, trang 181
23. Khi ấy, tổ chức chính quyền và quân sự nhà Lê yếu ớt đến nỗi quân Tây Sơn đi đến đâu là tan rã đến đó, không thể tổ chức nổi một trận đánh cho ra hồn, còn bọn quân tam phủ (kiêu binh), một thời làm mưa làm gió đất kinh kỳ, chỉ nghe phong thanh chiêng trống thúc quân của Tây Sơn là đã vứt giáo bỏ chạy.
24. Hoàng Lê Nhất thống chí , sđd, trang 285
25. Hoàng Lê Nhất thống chí , sđd, trang 271
26. Hoàng Lê Nhất thống chí , sđd, trang 107
27. Hoàng Lê Nhất thống chí , sđd, trang 335
28. Hoàng Lê Nhất thống chí , sđd, trang 94
29. Đại Nam liệt truyện, sđd, trang 596
30. Lịch sử nội chiến Việt Nam, sđd, trang 393
31. Hỏi đáp Lịch sử Việt nam, sđd, trang 106
32. Cuộc chiến biên giới năm 1979 lấy đi sinh mạng hơn ba vạn quân dân sáu tỉnh phía Bắc, gần bốn mươi năm đã trôi qua nhưng nay không có một giòng trong tất cả các sách giáo khoa lịch sử, như chưa hề xảy ra.
33. Một số những bãi đá cạn này, giặc đánh chiếm từ tay bộ đội Hải quânViệt Nam XHCN năm 1988. Phân tích hai sự kiện đánh chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam của Trung Cộng, ta thấy chúng là bậc thầy trong việc lợi dụng khai thác tình thế suy yếu của lân bang để ra tay xâm chiếm đất đai : năm 1974 chúng biết VNCH đã bị Mỹ bỏ rơi không cấp viện và Hạm đội 7 cam kết án binh bất động nên chúng thoải mái lấy số đông áp đảo để chiếm trọn Hoàng Sa. Năm 1988, khối CS Đông Âu đã tan rã, còn Liên Xô đang trên bờ vực sụp đổ, Việt Nam trở thành một nước nhỏ đơn lẽ không liên kết, lợi dụng thời cơ đó Bắc Kinh tung quân chiếm một số đảo do Việt Nam quản lý, trong số đó có đảo Gạc Ma hiện đang xây dựng thành cơ sở quân sự của Trung Cộng. Sau Mông Cổ, Tây Tạng, Tân Cương, Ấn Độ, giờ đến lượt Việt Nam và Philippine trở thành nạn nhân của bọn bá quyền Bắc Kinh.
34. CBVNLQ, sđd, trang 148

35. CBVNLQ,sđd,  trang 151

Saturday, May 31, 2014

ĐẠI VỆ CHÍ DỊ TÂN BIÊN

KIẾN HÀO
------------------------------------------------------------------

Lại nói về nước Vệ triều Sản năm thứ 69 đời Vệ Quý Vương. Kinh tế khốn khó, từ nông dân, công nhân đến dân nghèo chốn thị tứ đều phải lo chạy gạo hàng bữa , duy chỉ có bọn quan tham là no ấm, nhà cao càng cao, cửa rộng càng thêm rộng, ra sức vơ vét như sắp đến ngày tận thế bất kể liêm sĩ. Đến lúc dân tình oán thán, tiếng kêu rên vọng đến cửa cung khuyết, triều đình liệu thế không thể ngoảnh mặt làm ngơ, giả đui giả điếc được nữa, bèn ra một tờ chế cáo, một mặt kêu gọi toàn dân ra sức chống tham nhũng, một mặt hứa sẽ thẳng tay trừng trị bọn sâu dân mọt nước cho yên lòng dân. Tờ chế cáo vừa niêm yết chưa ráo mực, đùng một cái lại có tin từ biên cương truyền về: nước Tề xua quân xâm phạm sâu vào lãnh hải nước Vệ để đặt máy đo tìm khoáng sản quý dưới lòng biển. Triều đình Vệ tỏ ra hết sức lúng túng vì cùng một lúc vừa phải lo chống giặc nội xâm lẫn ngoại xâm.   

Có viên tú tài đất Đông Châu, nhân dịp đến kinh đô Triều Ca thăm thú nhân tình, thấy đám đông đang chen nhau xem bảng yết thị, bèn ghé vào coi thử. Xong, lui ra nén tiếng thở dài, xoay người định rảo bước. Bất chợt có kẻ nắm tay giử lại, kèm theo lời khẩn khoản: “Dám xin ngài thư thả cho tiện nhân có ít lời thưa gởi”. Nhìn kỹ cách ăn vận thì không phải công sai, cũng không ra vẻ quan chức, viên tú tài mới gật đầu, cùng bước vào trà quán đàm đạo.
Kẻ tiện  nhân :  
            - Khi nảy trộm thấy ngài xem xong bản cáo thị rồi thở dài lui gót, xin hỏi nguyên cớ ra sao ?
            - Sở dĩ ta không nén được tiếng thở dài, là vì quá bất bình trước những bọn bất lương mặt dạn mày dày, táng tận lương tâm, dùng xảo ngôn ngụy ngữ để lừa mị người dân, chứ không phải ta cố tình ra vẻ cao ngạo. Những kẻ đã từng đọc sách thánh hiền, cúi đầu ra vào cửa Khổng sân Trình, biết thế nào là nhân nghĩa thì không thể viết được những dòng chữ như trên. Con dại cái mang, bọn tham nhũng là sản phẩm của triều Sản, do vậy diệt tham nhũng là trách nhiệm của triều đình, hà cớ gì lại gán ghép trách nhiệm cho người dân thấp cổ bé miệng. Này, quan chi phụ mẫu, muốn giáo hóa người dân trước phải tu thân, tức rèn lại mình. Còn nếu thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Há miệng mắc quai, nay có quan Phủ nào trị được quan Huyện đâu, còn nói gì đến bọn hàng tổng hàm cửu phẩm, tha hồ tác yêu tác quái vì biết quan trên quan dưới đều là cá mè một lứa. Lá đơn tố cáo thưa vượt cấp còn chưa ráo mực, hôm sau đã nằm chình ình trên bàn bên bị. Còn có kẻ nào ngây thơ tin vào công lý, làm “ dân oan” về Triều Ca dốc lòng đội sớ mong có ngày ngữa mặt hưởng ơn mưa móc, than ôi kìa áo vá sứt bâu, quần thâm rũ bụi, lang thang lếch thếch như lũ ngạ quỹ xổng lên dương gian ngày rằm tháng bảy, tình cảnh hết sức bi thương không kể xiết. Ngươi có biết vì cớ làm sao không ?

            - Thưa, kẻ tiện nhân hết sức mong được nghe những lời vàng ngọc của ngài …

            - Thứ nhất, bọn sâu dân mọt nước cùng với bọn công sai đầu trâu mặt ngựa kia, dù có tham ô nhũng lạm làm mất lòng dân đến đâu, suy cho cùng cũng một mực trung thành với triều Sản, chính chúng là nanh vuốt của chế độ. Chế độ còn chúng còn. Diệt bọn chúng như lời trong bảng yết thị, hóa ra triều đình lại tự chặt tay mình ư ? Đem bọn khác thế vào, liệu có tốt hơn không? Cho nên ta nói, trừ khi thay đổi cơ chế cai trị như lòng dân mong mõi, hòng ngăn ngừa lòng tham từ trong trứng nước không cho phát tác, còn ngày nay hô hào chống tham nhũng có khác gì lấy cao dán trị ghẻ ngứa ngoài da để trị bịnh trong gan ruột. Thứ hai, bọn dân đen thấp cổ bé họng kia như vịt như gà mà đám quan lại nhung nhúc kia như diều như quạ. Thử hỏi lấy gì mà “chống” tham nhũng ? Chỉ có triều đình mới có khả năng chống tham nhũng bằng cách sửa đổi luật lệ nghiêm minh, không tạo cơ hội cho tham nhũng có đất sinh sôi nảy nở hoặc bãi bỏ những đặc quyền đặc lợi của bọn quan tham. Chứ như hiện nay chặt đầu kẻ này thì lại có kẻ khác thay thế ngay, có khi lại còn ăn bạo hơn kẻ trước, như trong dân gian có lời nói đùa : không biết bầu đình trưởng cho ai thì cứ bầu đại cho thằng mập, có khi nó ăn ít hơn thằng ốm. Thứ ba, nạn tham nhũng đã câu kết dày đặc từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên thành một mạng lưới, chứ có phải là hành vi đơn độc của một “con sâu” nào đâu. Tiền nhũng lạm chia năm xẻ bảy, làm sao đứa này xử đứa kia cho được ? Cho nên suy cho cùng, tham nhũng không phải là lượng nữa, mà đã phát triển thành chất, hay nói khác đi tham nhũng không phải là hiện tượng nữa mà đã thành bản chất của bọn quan lại triều Sản rồi ! Than ôi, không tham nhũng mới lạ. Nhà ngươi ở đất này đã lâu, có còn nhớ vụ lão chài trên sông Nhuệ hay không?

            - ?!!!

Nguyên sông Nhuệ vốn là hợp lưu của hai con sông nhánh trước khi đổ vào Hoàng Hà, nổi tiếng lắm tôm nhiều cá. Nhưng kể từ khi có bọn thương buôn mở xưởng ven sông chế biến món nước uống “tăng lực”, xổ nước thải ra sông làm ô uế cả một vùng , không còn cá tôm nào sống được, thậm chí mục đồng cũng không dám cho trâu bò uống thứ nước ấy. Đơn kiến nghị, tố cáo liên tục gởi đi các nơi nhưng không hề có phản hồi. Tức nước vỡ bờ, người dân quanh đấy bèn thừa đêm tối lấp đất chẹn ngang con mương dẫn nước thải ra sông. Sáng hôm sau, rùng rùng bọn công sai tay thước tay đao, cùng với bọn lính lệ mặt sắt đen xì hộ tống quan phủ, quan huyện cùng các quan hàng tổng hùng hổ đến hiện trường, đứng chống nạnh ngó nghiêng tìm hung thủ. Chợt thấy lão chài đang thả lưới giăng câu gần đó, chúng bèn hô lính bắt trói giải về tra khảo ép nhận tội “ phá hoại sản xuất”. Hôm sau, người nhà được gọi lên nhận xác vì ông lão đã “thắt cổ tự tận” trong nhà ngục ! Từ đấy không ai còn dám động đến bọn thương buôn ấy nữa, điền trang bọn quan lại lại mở rộng thêm vài dặm.

            - Thưa, còn cái vụ bọn người Tề mới đây vào lãnh hải của nước Vệ ta đặt máy đo tìm khoáng sản quý thì ngài thấy sao ạ ?

            - Hành vi ấy là hậu quả chứ không phải nguyên nhân, nói khác đi ấy là do chính sách của Vệ vương trước kia, dựa vào Tề mà thôn tính nước Quắc. Diệt được Quắc thì Vệ cũng chẳng mạnh lên bao nhiêu, mà lại lệ thuộc hoàn toàn vào Tề, như muốn cử ai làm Tể tướng, Thượng thư đều phải trình qua Tề vương xem xét, được đồng ý rồi mới dám ban bố, như vậy còn gì là chủ quyền nước độc lập nữa. Ngày trước Tề cậy mạnh lấn hiếp nước Tống thì Vệ ta cũng không lên tiếng ủng hộ ( Tống), đến khi Tề chiếm mấy đảo của Trịnh ngoài Đông Hải thì Vệ cũng làm thinh. Như vậy chuyện phải với người ta mà Vệ làm im ngậm miệng ăn tiền, tới lúc Vệ bị Tề uy hiếp thì ai hô hào cho mình. Tề là nước thâm độc, không thôn tính được Vệ thì lấn dần như tằm ăn lá dâu, từ đất biên giới đến ngoài hải đảo, vậy mà Vệ vương lại nói Tề là nước anh em, ăn ở với nhau như bát nước đầy, có gì đóng cửa cùng nhau giải quyết. Bây giờ Tề xâm phạm Vệ thì Tống, Trịnh, Sở, Yên, Tấn … đều bất động, nói : chuyện anh em chúng nó, để chúng nó đóng cửa giải quyết với nhau. Như vậy cái thế cô độc của Vệ hiện nay là chính do triều đình của Vệ tạo ra còn oán trách ai. Mà nếu có ai hô hào ủng hộ bằng cửa miệng thì Vệ cũng đừng có lấy thế làm mừng, chẳng qua là thủ thuật ngoại giao mà thôi. Chẳng ai cho lấy một hòn đạn đâu mà hòng. Bao năm theo giũ đuôi cho Tề, nay mới thấy chuốc lấy bao nhiêu là thù oán.

            - Nhưng người dân Vệ ta vốn có truyền thống chống ngoại xâm, ngày trước cha ông cũng từng thắng giặc mạnh với thế nước yếu hơn nhiều. Nếu cả nước Vệ đồng lòng thì có sợ gì bọn giặc Lâm Truy kia …

            - Mỗi thời mỗi khác, nay Tề là nước lớn , có nền kinh tế bá chủ Trung Nguyên nên sức mạnh quân sự cũng vì thế lớn theo. Trong khi Vệ là nước nhỏ, không may nằm sát cạnh kẻ ỷ mạnh hiếp yếu. Lại thêm mấy chục năm nay bọn quan tham nhũng bất lương ra sức bòn rút đã làm kinh tế Vệ suy kiệt lắm rồi, ví thử Vệ Vương có tỉnh ngộ, muốn lấy lại lòng tin của dân  mà tịch thu gia tài bọn chúng thì số tiền ấy may ra cũng chỉ đủ để đóng thêm mấy chiếc thuyền chiến con con, e rằng chưa ra khỏi lãnh hải thì đã bị thủy binh Tề bắn cháy tan xác. Bởi vì chúng cũng đã tính trước mà chuyển cả của chìm ra nước ngoài rồi. Huống chi việc xâm phạm lãnh hải của Vệ đã có thỏa thuận trước giữa hai triều đình. Nếu có phải đánh đổi một số đất đai lãnh hải cho Tề mà giữ được triều Sản cùng ngai vàng của Vệ Vương thì đương nhiên Vệ, Tề sẽ đồng tình vì cả hai bên cùng có lợi : bên có thêm đất thêm biển, bên có chỗ dựa làm thế ỷ dốc mà giữ nghiệp báu được trường tồn. Năm trước Vệ vương sang Tề hội minh, hai bên đã cắt máu ăn thề. Có ai ngờ khi ấy, Tề đã manh nha âm mưu xâm lấn Vệ. Thế mới thấy thủ đoạn thâm độc của Tề vương: một tay thò ra vẻ “ hữu hảo”, một tay giấu đao kiếm sau lưng. Như vậy nếu xét về bản chất lưu manh thì Vệ vương phải gọi Tề vương là thầy. Đầu tiên là chiếm đảo, sau đó đến cấm biển, tịch thu đâm chìm tàu cá và bắt giữ đánh đập ngư dân đòi tiền chuộc. Giờ là đến khoan đáy biển tìm khoáng sản quý. Sắp đến sẽ là lập vùng quản lý trên không trung, cấm các nước không được tự do thả diều ngoài Đông Hải để Tề thu tiền mãi lộ, tiến tới xây dựng bến cảng cho thủy binh Tề khống chế toàn bộ Đông Hải rồi cuối cùng ra tay chiếm nốt các đảo còn lại của Vệ. Đến khi đó thì bọn bán nước và cướp nước xem như hoàn thành nhiệm vụ (giai đoạn đầu). Bọn dân đen các ngươi nên biết rõ lộ trình ấy để khỏi bị bất ngờ mà manh động vì bức xúc, làm mồi cho bọn công sai có cớ trấn áp.

            - Nếu mọi sự đúng như lời ngài tiên đoán thì chẳng lẽ chúng ta khoanh tay ngồi nhìn nước Vệ mất dần vào tay ngoại nhân mà không chút phản kháng hay sao ? “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, mong ngài hãy dùng tuệ nhãn mà chỉ cho tiện nhân chút điểm sáng trong đêm đen…

            - Ngươi hãy cố mà nghe những lời giải thích của triều đình nước Vệ, nào là không sử dụng giải pháp quân sự mà tích cực thương thảo hòa bình trên cơ sở công ước Trung Nguyên về luật biển, nào là tranh thủ sự đồng tình của các nước chư hầu, lên án dã tâm xâm lược của Tề, nào là nghiêm trị những hành vi gây rối chống Tề trong nước, nào là giải quyết bất đồng với Tề trên cơ sở đàm phán song phương chứ không tham gia liên minh đa phương, nhất là tuyên bố mới đây của quan Thượng thư bộ binh cam kết sẽ không liên minh quân sự với bất cứ ai cho yên lòng Tề. Tất cả chỉ vì Vệ đã quá lệ thuộc vào Tề hầu như mọi mặt, từ chính trị cho đến kinh tế. Chỉ cần Tề đóng cửa biên giới là Vệ gặp khốn khó ngay. Thế của Vệ là thế yếu, lực của Vệ là lực bất tòng tâm, nói “yêu chuộng hòa bình” chỉ vì có đánh cũng không thắng được địch. Than ôi, vật cùng tắc biến,  cơ trời có phải chiều theo ý của bất cứ kẻ nào đâu. Thiên cơ bất khả lậu, nay cảm tạ cơ duyên gặp gỡ, chỉ khuyên ngươi “ dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Ý tại ngôn ngoại, mong ngươi hiểu cho.  
 

- Xin đa tạ.

------------

Friday, January 31, 2014

THÁNG GIÊNG NHỚ NGỤY VĂN THÀ

Lathiews

Buổi sáng đọc tin tức trên báo mạng, thấy báo Thanh Niên có bài phỏng vấn chị Sinh vợ anh Thà, bồi hồi xúc động, nghe cay cay nơi sống mũi. Người chết thì đã chết rồi, sao người sống còn chịu khổ mãi thế này. Lâu nay mình cứ ngỡ chị không còn ở trong nước nữa, không ngờ cuộc sống của chị và các cháu, là vợ và các con của người anh hùng chống ngoại xâm phương Bắc lại khốn khổ thế này. Truyền thống người Việt sống có mái nhà , chết có nấm mồ. Bây giờ chị sống chưa có được mái nhà, anh chết không có được nấm mộ dù là mộ gió. Đau nhất là không có được sự thừa nhận của nhà nước VN XHCN về sự hy sinh cao cả của anh sau 40 năm hòa bình , thống nhất đất nước. Đọc bàn tin vừa buồn lại vừa mừng. Buồn vì nhắc nhớ đến người đàn anh cựu học sinh Trịnh Hoài Đức lớp lớn ( khóa 1) mình hằng ngưỡng mộ, mừng vì cuối cùng tên anh cũng được trả về đúng vị trí vốn có, và đã từng đã có.

Vội vội, vàng vàng mail cho bạn đường link với yêu cầu post vào trang nhà cho mọi người cùng đọc, cùng hãnh diện với sự kiện mới: tên anh đã được chính thức nhắc đến trên trang báo chính thống sau nhiều năm quên lãng. Tuy nhiên , chỉ sau giây lát bạn nhắn cho biết báo Thanh niên đã “ gỡ” bài xuống rồi. Mình tiếc ngẩn tiếc ngơ, tự giận mình sao không chịu save as ngay khi đọc xong, thật là đồ nghiệp dư. Và giận “người ta” quen sống dưới cái bóng của gã khổng lồ, đến nỗi sợ bóng sợ gió, đến người chết cũng còn sợ.

Vào wikipedia, gõ tên anh thấy hiện ra những hàng chữ viết về anh thật trang trọng , không chút xúc phạm hay mai mỉa. Mở trang lịch sử trường, tên anh đứng đầu tiểu sử học sinh các khóa. Một vị trí xứng đáng cho một cựu học sinh Trịnh Hoài Đức xứng đáng .
Vào danh sách khóa 1, lại thấy tên anh nằm giữa hai anh Trần văn Te và Phan Hữu Thành, với dòng chữ đã mất trong dấu ngoặc, thật đơn giản. Đơn giản như cuộc sống của gia đình nhỏ của anh, rất đỗi đời thường như bao gia đình miền nam khác. Và một chút nhẫn nhịn, như khi chị Sinh yêu cầu cô phóng viên báo Thanh niên: “Cô có viết thì cũng viết khéo khéo một chút , đừng để người ta làm khó cho tui …” . Người phụ nữ quê Ba Xuyên với giọng nói hiền lành lẫn chút nghẹn ngào khi thổ lộ sự bất lực, không có nổi một ban thờ cho chồng cho khách niệm hương, vì đang ở nhờ nhà người em gái.

Người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi trong bài Bình Ngô đại cáo đã viết :

“…Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có …”

Thưa anh Thà, khi em vào lớp đệ thất thì anh đã rời trường, nhưng có người cựu học sinh Trịnh Hoài Đức nào không biết đến anh, người anh cả đã hy sinh vì sự độc lập của đất nước, và nay lại đang tiếp tục làm cầu nối cho sự nghiệp đoàn kết dân tộc, một dân tộc vẫn còn chia rẽ sau bao nhiêu năm nội chiến.

Tôi tin rồi sẽ có một ngày, tên anh sẽ được vinh danh. Nhưng thôi có hề chi, dẫu sao thì anh cũng đã có một vị trí trang trọng trong lòng mọi người rồi, đó mới là vĩnh cữu. Xá gì bia đá, đền đài. Xá gì ngụy tác cho nguy nga. Tháng giêng, chắc anh sẽ về họp mặt truyền thống đầu năm của khóa 1 cựu học sinh  Trịnh Hoài Đức tại Bình Dương. Tháng giêng, vô Chợ Lớn có việc, tôi chọn lộ trình Hiền Vương – Trần Quốc Toản – Nguyễn Kim thay vì Hồng Thập Tự - Hùng Vương quen thuộc. Xa hơn một chút nhưng được gần hơn một chút …

----------------------------------------------------------------------------------
( 19 . 1. 2014 )


CÔ GÁI ĐỒ LONG

Lathiews


1

Dương Phá Thiên là chưởng môn nhân đời thứ 33 của Minh Giáo, một giáo phái có xuất xứ từ Ba Tư ( Iran ngày nay ), thờ thần lửa hay đúng hơn là sự tinh khiết của ngọn lửa. Võ công siêu phàm, thiên hạ vô địch cộng với tư cách đạo đức khoan hòa nhân ái nên ngài giáo chủ nhận được sự thần phục của các môn đệ và giáo chúng dưới trướng. Lại thêm cưới được sư muội là một mỹ nhân về làm vợ, tưởng cuộc đời không còn gì là sướng hơn ( nói theo ngôn ngữ hiện đại là “ tròn vo” ). Không ngờ bi kịch xuất hiện : vì quá ham mê luyện công, bế môn nhập thất, nên tình nghĩa vợ chồng nguội lạnh. Kẻ thứ ba xen vào là người sư đệ bất nghĩa Thành Khôn, đã lợi dụng tình trạng cô đơn gối chiếc của người chị dâu mà buông lời ong bướm, lung lạc tinh thần người thiếu phụ đang độ tuổi xuân mơn mỡn.

Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, cả hai ngày càng mê đắm trong bể sắc dục, nơi hò hẹn ưa thích là đường hầm bí mật trên Quang Minh Đỉnh, một nơi cấm kỵ không ai được phép bén mảng trừ giáo chủ. Trời bất dung gian đảng, một hôm cả hai bị Dương Phá Thiên bắt gặp, ông đau đớn vận hết nội công đánh sập một đoạn hầm, mục đích để cả ba cùng chết, mà ông là người chết trước vì tức khí lộn ngược, máu trào thất khiếu , giới võ lâm gọi là “tẩu hỏa nhập ma” ( nói theo y học hiện đại là tai biến mạch máu não ). Người vợ hối hận dùng đoản đao tự sát theo chồng, duy có Thành Khôn là trốn thoát được ra ngoài, từ đó thay tên đổi họ, gây nên bao nhiêu sóng gió trên chốn giang hồ…

Minh giáo là một môn phái lớn, giáo chúng hành hiệp rất đông. Sự mất tích bí ẩn, đột ngột của giáo chủ khiến Minh Giáo trải qua một phen sóng gió vì không có người cầm đầu, không ai đủ oai đức để ra hiệu lệnh : Tả Hữu Quang Minh Sứ Giả, Tứ Đại Hộ Giáo Pháp Vương, Ngũ Tảng Nhân, Ngũ Hành Kỳ sứ … mỗi người mỗi ý, ngờ vực nghi kỵ lẫn nhau. Người có võ công cao nhất lúc bấy giờ là Bạch Mi Ưng Vương bèn tự tách ra lập một môn phái riêng, tự xưng là Bạch Mi giáo chủ. Quang Minh Hữu Sứ tự hủy gương mặt , thay đổi ngoại hình, lánh ra nước ngoài dò tìm tung tích cựu giáo chủ. Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn rơi vào âm mưu của Thành Khôn trở thành kẻ cuồng sát, Ngũ Tảng Nhân cũng bất phục không tuân theo hiệu lệnh của Tả sứ. Lợi dụng tình trạng chia rẽ, tự làm suy yếu nội lực của Minh Giáo, sáu đại môn phái ở Trung nguyên là Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Côn Luân, Hoa Sơn và Không Động cùng hè nhau đánh lên Quang Minh Đỉnh, đại khai sát giới để tiêu diệt “ Ma giáo”…

2

Sau ngày 30.4.1975, Hội Hướng Đạo Việt Nam ( HĐVN) tự động giải tán, trụ sở Hội ở Sài Gòn bị tịch thu sung công, bắt đầu cảnh chia đàn xẽ nghé. Năm 1978, phong trào di tản bằng thuyền ( thuyền nhân ) nở rộ sau các chiến dịch đánh tư thương Hoa kiều, đổi tiền và cải tạo tư sản công thương nghiệp; trên các đảo tị nạn người Việt khắp vùng Đông Nam Á, sinh hoạt Hướng Đạo lại phát triển một cách tự phát, trở thành một chỗ dựa tinh thần cho những người xa quê hương trong lúc chờ cứu xét đi định cư ở một nước thứ ba. Khi đó, sinh hoạt hướng đạo được xem như liều thuốc tinh thần giúp các Huynh trưởng tiếp tục phục vụ lý tưởng HĐ và giúp các em thiếu niên tự rèn luyện bản thân. Kể cả sau này, khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ người thì các Huynh Trưởng HĐVN lại tiếp tục phục hoạt Hướng Đạo dưới danh nghĩa các đơn vị HĐ bản xứ nhưng thành viên 100 % là người gốc Việt. Lúc này, Hướng Đạo mang thêm ý nghĩa như là một sợi dây nối kết giữa những người chung một giòng máu, tổ tiên và cùng chung một nền văn hóa. Hội HĐVN thì không còn, nhưng phong trào Hướng Đạo thì tồn tại mãi mãi.

Ở quốc nội, từ năm 2002, tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Ban Mê Thuộc, Cần Thơ… Hướng Đạo bắt đầu nhen nhóm chơi lại ở các công viên. Thoạt đầu trông có vẻ thuận lợi : chính quyền đô thị ngó lơ, thông cảm; các Huynh trưởng xa nhau lâu ngày gặp lại tay bắt mặt mừng. Từ Thiếu đoàn, Ấu đoàn tiến lên thành Liên Đoàn, rồi Đạo, rồi Châu…rồi phát sinh rắc rối : không có người cầm chịch, không có một tổ chức thống nhất, phân công phân nhiệm rõ ràng, ai nói nấy nghe. Bức tranh Hướng Đạo Việt Nam trông thật ảm đạm : đối ngoại thì không có pháp nhân, không còn là hội viên Hội Hướng Đạo thế giới ( WOSM ), trong nước thì sinh hoạt bán công khai, không được chính quyền công nhận, lại chia rẽ phân nhánh ra thành nhiều khuynh hướng khác nhau, dĩ nhiên là không ‘chơi’ với nhau thậm chí nói xấu nhau, thành phần cơ hội chui vào đội ngũ các huynh trưởng HĐ phá phách lung tung : tự gắn mề đai cho nhau, ban phát đẳng cấp tùy thích …đỉnh điểm là trường hợp một huynh trưởng viết đơn gửi chính quyền tố cáo một huynh trưởng khác là …phản động. Trước sự chia rẽ của phong trào HĐ hiện nay, người chịu thiệt thòi nhiều nhứt chính là thế hệ các em thiếu niên, thiếu nhi trong nước; mất đi cơ hội được tiếp cận với một phương pháp giáo dục tiên tiến, những trò vui chơi bổ ích để rèn luyện nhân cách sống cao đẹp; nhất là trong tình hình đạo đức xã hội suy đồi, cái xấu cái ác lên ngôi, nội dung giáo dục nhà trường xơ cứng , giáo điều lạc hậu, xa rời thực tế …và các tổ chức Đoàn, Hội, Đội… trở thành một cơ quan công quyền, một công cụ để chính quyền quản lý, kiểm soát thanh thiếu niên chứ không phải là một tổ chức tự thân vận động vì lợi ích của chính các em. 

Một số Huynh trưởng còn tâm huyết với phong trào, không nỡ ngồi nhìn Hướng Đạo VN chìm đắm mới thành lập cái gọi là “Ban vận động tái lập Hội HĐVN” mà tác dụng thật không khác gì viên đá ném xuống ao bèo. Lại có trưởng hăng hái ngược Bắc, trở về với cái nôi của phong trào với hy vọng chim phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn nhưng than ôi, cây khế phương nam xum xuê trái ngọt khi đem trồng nơi đất bắc thì héo úa còi cọc do khác biệt thổ nhưỡng. Một số cựu huynh trưởng lại lánh vào trong khuôn viên các nhà thờ công giáo, hưởng “ ké” quy chế sinh hoạt đoàn thể tôn giáo được nhà nước cho phép, được lợi về mặt sinh hoạt công khai nhưng vô tình làm mất đi tính chất thế tục, nhân  gian của tôn chỉ HĐVN. Cuối cùng là nhóm nhỏ các huynh trưởng bị thôi thúc bởi lửa nhiệt tình HĐ, tự đứng ra thành lập các đơn vị Ấu, Thiếu, Kha , Tráng chơi riêng hoặc liên kết thành liên đoàn độc lập. Phải công nhận đó chính là những đốm lửa sáng soi chiếu đêm trường hay “lửa dặm đường” * giúp phong trào HĐ còn đứng vững được, nhưng các Trưởng phải tự thân bỏ ra công sức, tiền bạc, nhất là tấm lòng kiên định với điều luật thứ tám *, thật không dễ chút nào. Xin tung nón AAA* ba lần các Huynh trưởng với tấm lòng tri ân chân thành. Cầu chúc cho các Trưởng sức khỏe dồi dào để “vác ngà voi” lâu lâu.

Ít ai ( kể cả đa số cán bộ) biết rằng Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã công nhận quyền tự do lập hội từ lâu ( 1946) nhưng chưa cụ thể hóa chi tiết bằng các văn bản hướng dẫn như luật, nghị định, thông tư …nên tất cả đành chịu. Đó cũng là một đặc thù của nền chính trị VN hiện nay : dự thảo luật do các bộ ngành liên quan của chính phủ soạn thảo đệ trình Quốc hội thông qua chứ không phải do các nghị sĩ chuyên trách của Quốc hội soạn. Và khác với tất cả các nước trên thế giới, ở VN nếu đã thành Luật rồi mà chưa có văn bản dưới Luật hướng dẫn thì cũng chưa có giá trị thi hành. Thậm chí nhiều trường hợp Luật “mở” ra mà Nghị định, Thông tư, Chỉ thị … “đóng” lại thì cũng chào thua.  Tóm lại, nếu một dự thảo luật như Luật lập hội bị xếp vào diện “nhạy cảm” để có cớ lần khân tránh né từ năm này qua năm nọ thì quyền tự do lập hội trong Hiến pháp chỉ là vật trang trí mà thôi. Nhìn Sao Bắc Đẩu, HĐ Phật tử, HĐ Công Giáo ( còn gọi là Thiếu nhi Thánh thể ) sinh hoạt công khai, những tấm lòng còn nặng với phong trào HĐ không khỏi chua chát : những Bạch Mi giáo, Hải Sa bang, Thần Quyền môn … kia chỉ là biến tướng của Minh Giáo chính thống;  kế thừa những kỹ thuật chuyên môn, khả năng tổ chức sinh hoạt, vui chơi dã ngoại hoặc giáo dục nhân cách … chỉ là một phần của nội dung HĐ mà thôi. Ngày nào HĐ còn chưa được sinh hoạt công khai thì ngày ấy thế hệ các em thiếu niên còn chịu thiệt thòi, mất đi khả năng tiếp thu một phương pháp giáo dục vui tươi lành mạnh, nền tảng giáo dục dựa trên ba kiềng gia đình – nhà trường – xã hội mất đi sự phong phú đa dạng đáng ra vốn có. Ngay tại “ao làng” Đông Nam Á, đại hội HĐ các nước ASEAN diễn ra hai năm một lần ( chỉ có VN và Lào vắng mặt ), cùng ghi nhận sự hồi sinh ngoạn mục của HĐ Campuchia nhờ được HĐ Nhật và HĐ Pháp giúp đỡ.

Có người nói HĐ đã làm tròn bổn phận, đã chấm hết vai trò lịch sử của nó ( ý nói chức năng tập hợp thanh niên yêu nước, đóng góp nhân tài cho công cuộc kháng chiến giành độc lập ), nay nhà nước đã có đầy đủ các hội  như Hội Nông dân, Công Đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Thiếu niên tiền phong, Cựu chiến binh, Cựu giáo chức, Người cao tuổi, Chim Cá Hoa kiểng, Thể dục dưỡng sinh, Hội sưu tầm tem, Chơi xe cổ, Máy bay mô hình …phục vụ nhu cầu cho quần chúng mọi lứa tuổi, mọi thành phần từ em bé cho đến người sắp xuống lỗ, hà cớ gì cứ khăng khăng đòi tái lập HĐ. Xin thưa : cái phân biệt giữa một nhà nước độc tài hay dân chủ chính là người dân có được làm những gì mà nhà nước không cấm hay chỉ được làm những gì nhà nước cho phép mà thôi. Nếu bạn phỏng vấn con cá vàng trong bể hay con chim trong lồng, nó sẽ phát biểu vô cùng sung sướng, hạnh phúc vì được hoàn toàn làm những gì nó thích : đói được ăn no, khát được nước uống, không sợ chi kẻ thù hay mưa gió, bệnh tật … đời còn gì hơn. Nhưng hậu quả là vài trăm năm sau ( hay có thể ít hơn), con cá thoái hóa các vây mang vây đuôi, còn con chim thì không bay được nữa hoặc chân chỉ còn có …hai móng thôi.       

Kết cục của Cô Gái Đồ Long là nhân vật nữ hối lỗi, cải tà quy chính; còn nhân vật nam rũ bỏ quyền cao chức trọng “ Minh chủ võ lâm” để ngày ngày kẻ chân mày cho vợ yêu. Minh Giáo trở thành một lực lượng kháng Nguyên giành lại trung nguyên cho tộc Hán. Chu Nguyên Chương, giáo chủ Minh Giáo, trở thành anh hùng dân tộc, người khai sáng triều Minh trong lịch sử Trung Quốc. Vậy đó. Có bạn cắc cớ hỏi tôi, đoán thử hậu vận HĐVN sẽ ra sao ? Thưa : tôi đã ngoài 60 tuổi, sắp đi cắm trại với BP rồi * , cái gì biết thì nói là biết , cái gì không biết thì nói là không biết, ấy là biết vậy. Chỉ biết bắt chước Lỗ Tấn, lên gân chút chút để tỏ nỗi lòng :

Trợn mắt coi khinh nghìn Giám Đốc
Cúi đầu làm ngựa cưởi (cho) nhi đồng

( 31-1-2014)

Chú thích :

* Lửa dặm đường : Ngày xưa khách đi trên đường thiên lý khi trời chiều, sương sa hay tấp lại bên đường tìm đống lửa sưởi và trú qua đêm. Hình ảnh nhóm người xa lạ cùng quây quần bên ngọn lửa là hứng thú cho đoàn sinh HĐ sáng tạo nghi thức “ Lửa dặm đường”, quây quần trong đêm hơ ấm bên ngọn lửa và rủ rỉ rù rì bên nhau. Chính trong đêm “ lửa dặm đường” mà các em học hỏi được rất nhiều điều từ các Huynh Trưởng truyền cho. Có ai đi trại mà quên “ lửa dặm đường” thời thơ ấu.
* Điều luật thứ tám : Hướng Đạo Sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi.
* Tung nón : Một hình thức bộc lộ sự phấn khởi, thán phục trong các trò chơi tập thể.
* Đi cắm trại với BP : BP ( Baden Powell) là người sáng lập phong trào HĐ nước Anh và trên toàn thế giới. Đi cắm trại với BP nghĩa là rời bỏ cuộc chơi, nghĩa là …qua đời.