Wednesday, August 11, 2010

CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC VIỆT NAM

1. Thời sự tỉnh nhà hai tuần nay vẫn chưa hết xôn xao về vụ Giám đốc Sở Giáo Dục Dương Thế Phương phát biểu xin từ chức khi trả lời chất vấn trong cuộc họp của đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh Bình Dương vừa qua . Tự dưng ông nổi tiếng khắp cả nước, được báo chí đưa tin lên trang nhất và kỳ lạ thay lại giành được nhiều thiện cảm của dư luận. Bởi vì lẽ thường để giải thích cho những yếu kém trong hệ thống quản lý vĩ mô, người ta hay đổ cho những yếu tố khách quan như cơ chế, suy thoái toàn cầu, thiên tai, âm mưu của các thế lực thù địch…chứ không ai tự nhận trách nhiệm về mình nên trường hợp của ông Giám Đốc trở thành chuyện xưa nay hiếm.

Lần ngược trở về năm học 2006 -2007, năm đầu tiên lãnh đạo ngành GD cả nước phát động phong trào nói “không” với gian lận trong thi cử và bệnh chạy theo thành tích, cuối năm đó tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông cả nước đạt 67%, một con số mà nhiều người cho rằng phản ánh khá đúng chất lượng học tập. Trước năm 1975, tỷ lệ thí sinh thi đổ Tú Tài cũng ở vào khoảng này, hoặc cao hơn một chút nhưng cũng không bao giờ quá 80%.Nhưng than ôi, chỉ được một năm học đó thôi. Những năm sau này, tỷ lệ tốt nghiệp tăng dần đều và đến niên khoá 2009 – 2010 vùa qua thì đạt bình quân cả nước 93% (!).Nghĩa là mười người thì có chín người… rưởi đậu.Và người ta xoa tay, khen lẫn nhau là phong trào chống tiêu cực trong giáo dục đã thành công tốt đẹp.Nhưng có nhiều vị ở Bình Dương lại không hài lòng vì kết quả thi tốt nghiệp của học sinh tỉnh nhà không đẹp như mong đợi : chỉ 86% ! Thua cả mấy tỉnh thượng du như Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La… Mặc dù nếu công tâm nhận xét thì tỷ lệ tốt nghiệp như vậy cũng là quá mong đợi, nếu phản ánh đúng thực chất năng lực học tập của học sinh.Ai ở trong ngành GD cũng đều biết , muốn có con số đẹp đâu có gì khó, chỉ cần ra chỉ thị miệng coi thi “lỏng lỏng” một chút là xong ngay thôi mà.Và thế là người người hoan hỉ, nhà nhà hoan hỉ dù tất cả đều biết đó là con số không thực.

Một lần tôi đứng ở cổng trường, chứng kiến bà mẹ đay nghiến con mình vì bị tụt hạng “ cho mày ăn uổng, làm tao mắc cở với ….má tụi nó (?)”.Nghĩa là người ta coi việc chăm sóc học hành của con em như chơi gà chọi. Hoặc như cách xử lý học sinh kém của một trường nội trú nổi tiếng dạy tốt của Sài Gòn hiện nay : mời phụ huynh đến trường, đề nghị chuyển sang trường khác, nhà trường sẽ “chiếu cố” nâng điểm nâng hạng trước khi cắt chuyển. Còn hơn ở lại lớp sẽ chịu tổn thất nhiều hơn. Đó cũng là cách để nhà trường bảo vệ thương hiệu của mình. Còn số phận của em học sinh đó sau này ra sau mặc kệ. Nên có nhiều trường hợp học lớp 7 mà đọc viết không rành, xử lý phép toán hai con số không được.Và cử nhân viết sai lỗi chính tả bây giờ không phải là chuyện hiếm.

Trở lại chuyện của ông Giám Đốc, phát biểu “xin từ chức” của ông nên được hiểu như là bức xúc vì bị truy vấn gay gắt, vì sự thiếu thông cảm của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh Bình Dương. Một thiện ý muốn giữ sự trung thực , thực chất cho chất lượng thi cử lại chuốc lấy phản ứng ngược lại. Báo chí cũng tỏ ra nghi ngờ không biết liệu ông có giữ vững quan điểm ( thi cử thực chất) của mình hay lại để cho gió cuốn phăng đi ( nâng tỷ lệ đổ tốt nghiệp cho vừa lòng …anh.) ?

Cũng xin được nhắc sơ qua về tiểu sử của Dương Thế Phương : cựu học sinh Trịnh Hoài Đức khóa 12.Trưởng ban đại diện học sinh niên khóa 1972 – 1973. Rất được thầy thương bạn mến.

Giám đốc Sở Giáo Dục Dương Thế Phương

2. Gần như cùng lúc với vụ “nổi tiếng” trên là một vụ “ tai tiếng” còn hoành tráng hơn : vụ Đại học Quốc Gia Hà Nội liên kết đào tạo chương trình trên đại học với trường Irvine University ( California, Hoa Kỳ). Việc bỏ ra hàng trăm triệu đồng đi học Thạc sỹ, Tiến sỹ để mở mang kiến thức thực ra là một việc làm đáng khuyến khích nếu như không có mấy tờ báo mạng và đám blogger phải gió, tình cờ khui ra những bê bối kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” của chương trình này :

- Irvine University ( IU) là một trường ĐH tư nhân mà toàn bộ cơ sở vật chất chỉ có 300 m2 thuê lại trên tầng ba của một cao ốc, gồm hai phòng học, một thư viện vài trăm cuốn sách, một phòng họp kiêm phòng học và phòng ăn.Nhân sự gồm năm người kể cả ông hiệu trưởng.

- Chương trình đào tạo nhẹ như lông hồng : Cử nhân chỉ cần 60 tín chỉ ( so với các ĐH khác ở Mỹ là từ 120 -128 tùy theo Bachelor of Art hay Barchelor of Science), còn Thạc sỹ thì thêm 30 tín chỉ nữa mà không cần thi GMART nếu là Quản trị kinh doanh hoặc LSAT nếu là ngành Luật. Chương trình liên kết đào tạo Thạc sỹ của hai trường tại Hà Nội còn độc đáo hơn nữa : học viên không cần biết tiếng Anh ( học qua phiên dịch); không cần đi du học; chỉ cần đóng 200 đô cho mỗi tín chỉ vị chi khoảng 6 ngàn đô, mỗi tuần học hai ngày thứ bảy và chủ nhật, mỗi tháng học khoảng ba tuần ( sáu ngày) , sau 170 ngày học là có ngay một cái MBA ( thạc sỹ Quản trị kinh doanh) thật oách do IU cấp.Và theo thông báo của khoa QTKD của trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, đã đào tạo khoảng 300 Thạc sỹ từ chương trình này. Đa số là các quan chức cấp Tỉnh, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước.

- Đây là một cơ sở kinh doanh bằng cấp ( diploma mill) hợp pháp nhưng không có chứng nhận kiểm định chất lượng ( approval is not the same as accreditation).

Bởi vì giấy phép hoạt động do California Bureau for Private Postsecondary Education BPPE cấp, chỉ chứng nhận hoạt động ( licensed to operate) chứ không có thẩm quyền giám định giáo dục hay công nhận bằng cấp ( acreditation).Đừng nên lầm Irvine University với University of California - Irvine danh tiếng. Đúng là lập lờ đánh lận con đen.

- Chương trình được xem là thành công vì cả hai bên đều hài lòng : một bên có danh còn một bên có tiền. Có danh thì sẽ giữ chắc được ghế, có tiền thì sẽ nâng tầm, mở rộng được hợp tác quốc tế. Có điều chi phí đi học của mấy vị công bộc do nhà nước đài thọ, nghĩa là lấy từ tiền thuế của dân.

3. Tôi có một thằng cháu, học hành dỡ dỡ ương ương nhưng không biết làm cách nào lại được địa phương cử đi học lớp thú y cơ sở ( nôm na gọi là hoạn lợn). Điều kiện là phải có cái bằng tốt nghiệp cấp 2 (trung học cơ sở). Hắn lò dò tìm tới tôi, năn nỉ ỉ ôi rằng dượng quen biết nhiều, ráng giúp con cái bằng, nhiêu cũng được. Tôi mới giải thích cho hắn hiểu rằng bằng cấp không phải là con cá, lá rau ngoài chợ mà đem ra mua bán đổi chác. Huống chi quy trình cấp bằng rất là chặt chẽ, nào hồ sơ lưu, nào danh sách, số thứ tự cấp bằng…làm sao chen vô được. Còn nếu mua bằng giả,bị phát hiện thì kể như tiền mất tật mang.Thế là nó tiu nghỉu ra về. Tôi cũng quên bẵng đi chuyện này cho đến một hôm nó đến nhà chơi, khoe đã nhập học được hơn tháng.Trời đất, một thằng chữ nghĩa không đầy lá mít, thảo một tờ đơn không rành, tiếng Anh chỉ biết mỗi một tiếng “sit down” nghĩa là “sau đít” mà làm nhân viên thú y ? Làm sao nó đọc viết những đơn thuốc, nhãn thuốc ghi bằng tiếng nước ngoài ? Khi tôi gặng hỏi thì nó nói thật đã mua cái bằng tốt nghiệp cấp 2 với giá năm “chai”. Không biết là thật hay giả nhưng không thấy nhà trường nói gì. Tôi chỉ hỏi vớt thêm một câu là ai ký ? Quả không phải là người quen của tôi ký, vậy được rồi. Không dám lên giọng đạo đức hay quát nạt việc làm sai trái của nó, chỉ sợ nó vặt lại sao dượng không nhìn thấy khối người cũng giống như nó, nhờ cái bằng mà thăng quan tiến chức, vinh thân phì gia nhan nhãn ngoài kia, đến nổi bước chân ra ngõ là gặp…Tiến sỹ, quay vô ngách là gặp Thạc sỹ. Nghĩ đến đây tôi hơi chột dạ vì nhớ đến cái bằng tại chức của mình, lỡ mà nó vô tình nói thêm dốt như chuyên tu , ngu như tại chức thì mất mặt ai cho biết.

Ngẫm cho cùng, việc bỏ tiền ra mua bằng của thằng cháu tôi là do động cơ thiết thực, liên quan tới cơm áo gạo tiền, để kiếm cái cần câu cơm nuôi vợ con chứ không phải để thỏa mãn cái thói háo danh, phú quý sinh lễ nghĩa. Có thể tha thứ được vì nghề của nó là nghề cứu vật độ thế, giả dụ sau này mà nó có thiếu kinh nghiệm hay non yếu nghiệp vụ gây ra tai nạn thì bất quá chỉ làm chết mấy con gà, con heo, con bò… chớ cũng không ảnh hưởng gì tới hoà bình thế giới hay nền kinh tế vĩ mô cả. Có khi tôi còn được nhờ vì thỉnh thoảng được biếu mấy con gà, con vịt chết ngộp, cũng đỡ được một khoản tiền chợ chớ bộ./.

*******

Giám đốc xin từ chức: Muốn sống trung thực, sao khó thế!

Kim Dung

Nếu sẵn sàng cho sự từ chức, ông sẽ trở thành con ốc lẻ loi, cô đơn, đơn độc giữa guồng máy của đồng loại. Hoặc nếu không chịu đựng nổi, không đủ bản lĩnh để trung thực đến tận cùng, đương nhiên ông lại phải bắt đầu "gọt chân cho vừa giày" tiếp tục bằng mọi cách để ngay năm sau chất lượng GD tỉnh nhà "nâng cao".

"Không thể hiểu được". Thật ra là rất hiểu!

Khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2010 vừa khép lại, cho ra đời tỷ lệ tốt nghiệp cả nước rất đẹp - gần 93% thí sinh thi đỗ; thì mới đây, một thông tin trên báo chí khá hot gây sự chú ý của cả xã hội. Đó là chuyện ông Dương Thế Phương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương xin từ chức (!).

Đây có thể coi là vụ xin từ chức vào loại hy hữu của ngành GD – ĐT, tiếp sau vụ xin từ chức của GS TSKH Nguyễn Kế Hào, Vụ trưởng Vụ Tiểu học năm nào, vào trước công cuộc đổi mới GD diễn ra. Và càng là hiếm hoi nếu nhìn rộng ra trong xã hội.

Hiếm hoi, bởi trong xã hội lâu nay, có không ít vụ việc tiêu cực, thể hiện sự tha hóa hoặc bất tài của cán bộ đương chức, cán bộ lãnh đạo, thế nhưng rất ít người có "gan" xin từ chức. Đến nỗi nhân dân, báo chí phải chân thành kêu gọi, nên có "văn hóa từ chức" một khi không còn xứng đáng ở cương vị đó. Dù vậy, không ít vụ, cùng lắm các quan chức xin "nghiêm khắc tự kiểm điểm", hoặc "rút kinh nghiệm".

Còn nếu có vị xin từ chức, xin hưu trí trước tuổi, lại là kế "trong 36 chước, chước hưu là hơn" để tránh sự truy xét, xét xử của pháp luật.

Nhưng trường hợp ông Dương Thế Phương xin từ chức lại khá đặc biệt: Ông bức xúc vì tại Kỳ họp lần thứ 17, HĐND tỉnh Bình Dương, ông đã bị chất vấn gay gắt, vì để tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh năm 2010 vừa qua rớt hạng từ bậc 42 xuống 43, chỉ tăng 9% (86,15%) so với năm trước 2009 (77,4%), trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác tăng 40-50%. "Trao đổi với báo chí, ông Phương cảm thấy khá buồn khi mình làm thật mà không nhận được sự chia sẻ" (VNN, ngày 15-7-2010).

Khi chất vấn ông Dương Thế Phương, không biết các vị Ủy viên HĐND tỉnh Bình Dương có biết, những tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp của ngành GD và ĐT, chỉ trừ năm đầu tiên của cuộc vận động "Hai không" chống gian lận trong thi cử, với gần 67% thí sinh thi đỗ, là con số tương đối trung thực, nghiêm chỉnh. Còn lại, 3 năm qua, số liệu thí sinh cả nước (trong đó có không ít tỉnh khó khăn) đỗ tốt nghiệp "lội ngược dòng một cách ngoạn mục", luôn nằm trong vòng nghi vấn của xã hội?

Đến nỗi, một chuyên gia chuyên phân tích các tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm của cả nước, của các địa phương đã thốt lên: "Không thể hiểu được!".

"Không thể hiểu được". Thực ra là "rất hiểu".

Nhưng chỉ một mình ngành GD làm như "không hiểu" - nên giống "gã khờ" của nhà thơ Đỗ Trung Quân, tuyên bố "rất thơ": "Năm 2010, ngành kết thúc cuộc vận động "Hai không" vì đã hoàn thành công cuộc chống tiêu cực trong GD" (!), khiến không ít nhà báo mỉm cười. Vì sao?

Vì chất lượng GD là cả một quá trình, không đơn giản và không dễ dàng như phép "ảo thuật" của các ảo thuật gia đại tài trên sân khấu xiếc.

Một ví dụ cụ thể: Năm nay, đề thi tốt nghiệp THPT, được cả thí sinh, lẫn giáo viên đều thừa nhận khá "mềm", đến nỗi nhiều tờ báo đặt câu hỏi nghi vấn - ngành GD "thả" cho thí sinh đỗ? Thì ngay sau khi có kết quả, GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc), bằng phương pháp khoa học tính toán, đã chỉ đích danh 17 địa phương có tín hiệu của "bệnh thành tích": Bắc Cạn, Thừa Thiên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình, Kon Tum, Thanh Hóa, Lai Châu, Quảng Trị, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, và Sơn La.

Nhưng có một điều, ngay cả GS Nguyễn Văn Tuấn cũng không hề biết. Mặc dù đề thi "rất mềm", vậy mà tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp loại giỏi lại còn giảm sút hơn năm ngoái. Đây là điều thực sự đáng lo ngại, cho thấy, chất lượng GD phổ thông không hề nâng cao, mà còn có thể còn "tệ" hơn trước.

Muốn sống trung thực, sao khó thế!

Nỗi buồn, hay "bi kịch" cô đơn, không người chia sẻ của ông Dương Thế Phương trên chốn quan trường, không phải là nỗi buồn của riêng ông. Một số ít Giám đốc Sở GD và ĐT các địa phương, muốn có chất lượng GD thực chất đã phải trả giá.

Ít nhất, có 2 Giám đốc Sở GD và ĐT tâm sự với người viết bài này, các ông đã bị "kiểm điểm lên bờ xuống ruộng" chỉ vì năm đó... năm đó... họ muốn thí sinh của tỉnh mình phải đỗ với chất lượng sát thực chất hơn. Không chịu nổi cái nhìn định kiến, và sự "lên bờ xuống ruộng", sâu xa cũng là vì cái ghế Giám đốc, vì "màu cờ sắc áo tỉnh nhà", năm sau, tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh họ, bằng cách nào đó, lại tiếp tục "nâng cao".

Tỉnh nhà hoan hỉ. Dân hoan hỉ. Giám đốc Sở có hoan hỉ không? Chỉ riêng họ biết "mình ta với ta" mà thôi!

Vậy nên, rộng hơn là một xã hội, nhỏ hơn là một địa phương, khi mà sự dối trá, sự giả dối, và bệnh thành tích đã trở thành "chuyện thường ngày ở tỉnh", đã trở thành không khí hít thở bình thường của xã hội đó, địa phương đó, thì chuyện giáo dục mắc bệnh thành tích trầm trọng, không phải chỉ duy nhất do giáo dục.

Ông Dương Thế Phương có từ chức thật không, cho dù báo chí đã đưa tin?

Điều này, đặt ra hai tình huống: Nếu ông sẵn sàng cho sự từ chức, ông sẽ trở thành con ốc lẻ loi, cô đơn, đơn độc giữa guồng máy của hệ thống, của đồng loại. Hoặc nếu không chịu đựng nổi, không đủ bản lĩnh để trung thực đến tận cùng, đương nhiên ông lại phải bắt đầu "gọt chân cho vừa giày" tiếp tục bằng mọi cách để chất lượng GD tỉnh nhà "nâng cao".

Muốn sống trung thực, sao khó thế!

KD

Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/DaoTao/tuanvietnam.net/Giam-doc-xin-tu-chuc-Muon-song-trung-thuc-sao-kho-the/4566332.epi