Friday, March 25, 2011

ĐẠI VỆ CHÍ DỊ TÂN BIÊN

Kiến Hào

Nói về nước Vệ, trải mấy mươi năm nội chiến huynh đệ tương tàn , đến thời Vệ Cường Vương đã gồm thâu giang san về một mối, nhân dân yên ổn làm ăn, nhà nhà no đủ, việc thi hành phép nước có phần sinh nhờn, đến năm ấy xảy ra mấy việc tai họa: công sai đánh chết dân, các quan Bộ Công nhũng lạm làm thâm thủng quốc khố, tiền giấy in quá nhiều để đáp ứng nhu cầu chi dụng khiến phát sinh lạm phát, mọi người đều tích trử vàng thoi để bảo toàn vốn; các quan giáo hóa dỡ thú tính cưỡng bức sinh đồ, con cháu các quan chốn kinh kỳ ra sức ăn chơi sa đọa không còn nhớ gì đến công lao gầy dựng của tổ tiên, nạn mua quan bán tước, học giả bằng thật tràn lan, đạo đức suy đồi bởi cái gốc tam cương ngũ thường đã đổ. Nạn quan tham lại nhũng hà hiếp dân lành thì đâu đâu cũng có từ chốn kinh kỳ đến tận hương ấp, đến nỗi có lần quan Bồi Tụng phải thốt lên: "Nếu phải dụng hình mà trị cho hết bọn này thì lấy ai đâu mà làm việc nước !"
Có quan Ngự Sử xót cho dân tình mới nhân buổi thiết triều dâng sớ hiến kế lên Vệ Vương, lời lẽ hết sức bi ai thống thiết, kính xin triều đình lấy dân làm gốc mà giãm sưu thuế cho dân để khoan sức đặng làm kế lâu bền, bớt hội họp lễ nghi hoàng tráng làm suy kiệt công quỹ, lắng nghe lời can gián của các lão công thần mà lo chấn hưng kinh tế nước nhà hầu tăng cường nội lực để không bị nước lớn láng giềng bắt nạt, nhất là ra oai phạt thật nặng lũ sâu dân mọt nước mượn cớ thi hành pháp lệnh hà hiếp bóc lột người dân khiến dân tình oán thán, mất lòng tin nơi sự công minh sáng suốt của triều đình.
Nghe xong, Vệ Vương ngồi trầm ngâm một lúc rồi mới phán: “ Ngươi thật biết một mà không biết hai, thấy được việc diễn ra trước mắt mà chưa thấy bản chất bên trong, chỉ biết hùa theo bọn dân đen kể khổ mà quên dụng tâm của triều đình: Chính bọn quan tuần là tai mắt của ta, bọn công sai chuyên nghề bắt bớ là tay chân của ta, bọn thu thế sưu dịch ở kẻ chợ là gan ruột, cùng là bọn khai thác tài nguyên trên rừng dưới biển nói chung … đều là bọn ngồi chung một thuyền với ta; phàm ở đời nếu không đem lợi lộc ra làm mồi nhử thì lấy ai chịu bảo vệ chế độ, ai chịu hy sinh bản thân mà làm rào giậu cho bọn ta cao gối ngủ yên. Sở dĩ mà triều ta còn tồn tại được đến ngày hôm nay là nhờ sự tân tâm tận lực của bọn người đó, ví dù bọn chúng có vì tham lợi mà nhũng lạm đi nữa , nhưng nếu (bọn chúng) ra sức tận thu thì quốc khố cũng không hề gì, bù lại ta nhận được lòng trung thành bảo vệ chế độ của chúng nó, chẳng hơn bỏ chúng đi thì có khác gì tự ta trở giáo mà chặt tay chân mình? Còn bọn dân đen hèn kém thì như phận con ong cái kiến, số kiếp sinh ra chỉ để phục vụ người khác, dẫu có thua thiệt thì ráng mà tự chịu lấy, sao lại quy lỗi cho triều đình? Lệnh cho quan Đề Hình từ nay đem móc sắt và kéo treo khắp chợ, những ai còn dám tụ họp bàn chuyện kể xấu thì sẽ móc lưởi cắt đi; cấm không được sử dụng vàng thoi , vàng nén làm phương tiện thanh toán mà phải dùng tiền giấy nước Vệ; trong số các quan lại nếu ai ra sức tận thu tô thuế vượt mức thì sẽ ban thưởng”.  
Vệ vương nói xong thì cả bọn quan văn võ đều cúi rạp đầu bái phục mà miệng không ngớt hô vang vạn tuế.
Tan buổi chầu, quan Ngự Sử mới bước ra sân, ngước mặt lên trời mà than rằng: “Hởi ơi, bỏ sáng lấy tối, đẳn gốc lấy ngọn, phải đâu họa ngày một ngày hai mà có. Ví thử mai kia có giặc phạm đến thì cái bọn người bụng phệ mặt nọng, tay thước tay đao hầm hè với dân kia, có dám cầm vũ khí chống giặc hay lo tom góp của nả bóc lột bao lâu nay mà cuốn gói chạy lẹ. Lúc đó hối thì đã muộn, quả thật đê vỡ chỉ vì chút lỗ kiến soi đó thôi”.
Từ đó chính lệnh ban ra không ai dám tranh cải luận bàn, khách trong các trà lâu tửu điếm chỉ lấy mắt nhìn nhau, trong bụng nơm nớp lo sợ không biết ai là công sai trá hình trà trộn trong dân. Nước Vệ không khác một cái trại lính khổng lồ.