Friday, January 31, 2014

THÁNG GIÊNG NHỚ NGỤY VĂN THÀ

Lathiews

Buổi sáng đọc tin tức trên báo mạng, thấy báo Thanh Niên có bài phỏng vấn chị Sinh vợ anh Thà, bồi hồi xúc động, nghe cay cay nơi sống mũi. Người chết thì đã chết rồi, sao người sống còn chịu khổ mãi thế này. Lâu nay mình cứ ngỡ chị không còn ở trong nước nữa, không ngờ cuộc sống của chị và các cháu, là vợ và các con của người anh hùng chống ngoại xâm phương Bắc lại khốn khổ thế này. Truyền thống người Việt sống có mái nhà , chết có nấm mồ. Bây giờ chị sống chưa có được mái nhà, anh chết không có được nấm mộ dù là mộ gió. Đau nhất là không có được sự thừa nhận của nhà nước VN XHCN về sự hy sinh cao cả của anh sau 40 năm hòa bình , thống nhất đất nước. Đọc bàn tin vừa buồn lại vừa mừng. Buồn vì nhắc nhớ đến người đàn anh cựu học sinh Trịnh Hoài Đức lớp lớn ( khóa 1) mình hằng ngưỡng mộ, mừng vì cuối cùng tên anh cũng được trả về đúng vị trí vốn có, và đã từng đã có.

Vội vội, vàng vàng mail cho bạn đường link với yêu cầu post vào trang nhà cho mọi người cùng đọc, cùng hãnh diện với sự kiện mới: tên anh đã được chính thức nhắc đến trên trang báo chính thống sau nhiều năm quên lãng. Tuy nhiên , chỉ sau giây lát bạn nhắn cho biết báo Thanh niên đã “ gỡ” bài xuống rồi. Mình tiếc ngẩn tiếc ngơ, tự giận mình sao không chịu save as ngay khi đọc xong, thật là đồ nghiệp dư. Và giận “người ta” quen sống dưới cái bóng của gã khổng lồ, đến nỗi sợ bóng sợ gió, đến người chết cũng còn sợ.

Vào wikipedia, gõ tên anh thấy hiện ra những hàng chữ viết về anh thật trang trọng , không chút xúc phạm hay mai mỉa. Mở trang lịch sử trường, tên anh đứng đầu tiểu sử học sinh các khóa. Một vị trí xứng đáng cho một cựu học sinh Trịnh Hoài Đức xứng đáng .
Vào danh sách khóa 1, lại thấy tên anh nằm giữa hai anh Trần văn Te và Phan Hữu Thành, với dòng chữ đã mất trong dấu ngoặc, thật đơn giản. Đơn giản như cuộc sống của gia đình nhỏ của anh, rất đỗi đời thường như bao gia đình miền nam khác. Và một chút nhẫn nhịn, như khi chị Sinh yêu cầu cô phóng viên báo Thanh niên: “Cô có viết thì cũng viết khéo khéo một chút , đừng để người ta làm khó cho tui …” . Người phụ nữ quê Ba Xuyên với giọng nói hiền lành lẫn chút nghẹn ngào khi thổ lộ sự bất lực, không có nổi một ban thờ cho chồng cho khách niệm hương, vì đang ở nhờ nhà người em gái.

Người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi trong bài Bình Ngô đại cáo đã viết :

“…Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có …”

Thưa anh Thà, khi em vào lớp đệ thất thì anh đã rời trường, nhưng có người cựu học sinh Trịnh Hoài Đức nào không biết đến anh, người anh cả đã hy sinh vì sự độc lập của đất nước, và nay lại đang tiếp tục làm cầu nối cho sự nghiệp đoàn kết dân tộc, một dân tộc vẫn còn chia rẽ sau bao nhiêu năm nội chiến.

Tôi tin rồi sẽ có một ngày, tên anh sẽ được vinh danh. Nhưng thôi có hề chi, dẫu sao thì anh cũng đã có một vị trí trang trọng trong lòng mọi người rồi, đó mới là vĩnh cữu. Xá gì bia đá, đền đài. Xá gì ngụy tác cho nguy nga. Tháng giêng, chắc anh sẽ về họp mặt truyền thống đầu năm của khóa 1 cựu học sinh  Trịnh Hoài Đức tại Bình Dương. Tháng giêng, vô Chợ Lớn có việc, tôi chọn lộ trình Hiền Vương – Trần Quốc Toản – Nguyễn Kim thay vì Hồng Thập Tự - Hùng Vương quen thuộc. Xa hơn một chút nhưng được gần hơn một chút …

----------------------------------------------------------------------------------
( 19 . 1. 2014 )