Friday, July 10, 2015

HÀNG THẦN LƠ LÁO

KIẾN HÀO


Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?
( Truyện Kiều – Nguyễn Du )

 Nguyễn Hữu Chỉnh – kẻ sĩ Bắc Hà :

Hoàng Lê  nhất thống chí chép : “ Chỉnh vốn người làng Đông Hải, huyện Chân Phúc, trấn Nghệ An. Cha Chỉnh nhờ nghề buôn bán trở nên giàu có, Chỉnh phong tư đẹp đẽ, trí tuệ hơn người, năm 16 tuổi đỗ Hương cống. Giỏi làm thơ quốc âm ( chữ Nôm) . Tính Chỉnh lại hào hiệp giao du khắp thiên hạ. Trong nhà lúc nào cũng có vài chục người khách, mười mấy ca nhi và vũ nữ. Chỉnh tự tay soạn ra bài hát, phổ vào đàn sáo , bắt ca nhi vũ nữ ca múa để mua vui. Vì thế , Chỉnh được xem là tay phong lưu bậc nhất ở đất Trường An hồi đó”.

Buổi đầu binh nghiệp, Chỉnh làm gia thần dưới trướng Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc , sau đó làm Hữu tham quân cho Trấn thủ Nghệ An Huy Quận công Hoàng Tố Lý. Khi loạn kiêu binh nổi lên (1782) thì Chỉnh đang là một viên tì tướng trấn Nghệ An. Được tin Quận Huy bị giết, Đặng tuyên phi và vương tử Cán bị bức tử, Chỉnh hốt hoảng bỏ Nghệ An vượt biển vào Quy Nhơn theo Nguyễn Nhạc, nhờ lập công đầu trong nhiều trận đánh nên được Nguyễn Nhạc tin dùng.

Năn 1786, quân Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân, nhân đấy Chỉnh tham mưu cho Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc dưới danh nghĩa Phù Lê diệt Trịnh. Các tướng dưới trướng của Nguyễn Huệ như Vũ Văn Nhậm, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân…vẫn giữ sự đố kỵ đối với Chỉnh, xem việc Chỉnh dẫn đường cho quân Tây Sơn ra Bắc diệt Trịnh giống như Ngũ Tử Tư rước quân Ngô về đánh Sở để trả thù cho cha anh; còn dân chúng Bắc Hà vẫn xem Chỉnh là kẻ bội phản, rước giặc vào nhà khiến sự nghiệp hai trăm năm nhà Chúa ra tro.

Kịp khi quân Tây Sơn rút về Nam, Chỉnh cũng lật đật rút theo, đến Nghệ An thì theo kịp. Chỉnh được Nguyễn Huệ giao trấn thủ xứ ấy để làm rào giậu. Vua quan triều Lê đã sẵn hậm hực vì mất đất Nghệ An vào tay Tây Sơn, lại thấy thanh thế Chỉnh ngày càng to nên lấy làm ghét lắm nhưng không làm gì được. Sự nghiệp của Chỉnh lên đến đỉnh điểm khi được vua Chiêu Thống vời về kinh diệt bọn phò chúa như Dương Trọng Tế, Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ, đuổi chúa Án Đô vương Trịnh Bồng chạy dài. Cậy có quân công, Chỉnh trở thành kiêu lộng quá mức, lại có ý làm phản chống lại Tây Sơn, rốt cuộc bị chết dưới tay tướng Tây Sơn là Vũ văn Nhậm.

Thất bại của Chỉnh một phần do không được sự ủng hộ của dân chúng Bắc Hà, vốn vẫn xem Chỉnh như một kẻ phản bội cõng rắn cắn gà nhà; khi về hàng Tây Sơn lại bị Nguyễn Huệ và các tướng nghi ngờ, xem như một hàng tướng gian xảo, không đáng tin cậy. Tuy nhiên, nếu công tâm nhận xét thì nếu Chỉnh không bỏ vào Nam theo Tây Sơn thì biết theo ai ? Hào khí Thăng Long đang đi vào giai đoạn thoái trào, chả lẽ lại theo phò cái thây ma Lê-Trịnh đang mục nát hay theo làm tỳ tướng cho bọn giặc cỏ ở các trấn như Dương Trọng Tế, Hoàng Phùng Cơ, Đinh Tích Nhưỡng ? Thế đứng độc lập của Chỉnh ở Bắc Hà thành ra lại có hại hơn là có lợi. Hậu thế có người thắc mắc tại sao Chỉnh không vượt biển vào nam theo chúa Nguyễn ? Thì đó, tấm gương Đặng Trần Thường, Lê Chất cho ta thấy phe  bên kia chiến tuyến có bao giờ xem bọn hàng tướng là phe mình đâu ?  

2. Ngô Thời Nhiệm, nhà nho thọ lộc hai triều:

Ngô Thời Nhiệm (Ngô Thì Nhậm) xuất thân từ một gia đình khoa bảng trí thức, cha là Ngô Thì Sĩ làm quan trãi hai triều chúa Trịnh là Trịnh Doanh và Trịnh Sâm. Khi vụ án năm Canh Tý (1780) xảy ra, Thì Nhậm đang giữ chức Đốc Đồng trấn Kinh Bắc, còn cha là Thì Sĩ đang làm Đốc trấn Lạng Sơn. Theo Việt sử Thông giám Cương mục thì chính Thì Nhậm đã hợp mưu cùng Huy Bá làm tờ khải dâng lên Trịnh Sâm để tố cáo Trịnh Tông “mưu phản”, trước đó Ngô Thì Sĩ đã cố sức can ngăn mà Nhậm vẫn không nghe. Sau nghe tin Nhậm đã phát giác việc ấy, Sĩ buồn bực bèn uống thuốc độc tự tử. Nhậm vì có công tố giác, được thăng Hữu thị lang bộ Công (Thứ trưởng bây giờ-KH). Do đó, người đương thời có câu rằng “ sát tứ phụ nhi thị lang” (giết bốn người cha để được làm Thị lang). Bốn người cha là : Thì Sĩ, thân phụ, Trịnh Tông, quân phụ, hai người bạn của bố là Nguyễn Khắc Tuân và Nguyễn Khản.

Khâm định Việt sử Thông giám cương mục chép việc này như sau: “Ngô Thì Nhậm, đốc đồng Kinh Bắc, trước kia giữ việc hàng ngày giảng nghĩa sách cho Khải, rất được Khải thân yêu kính trọng. Hà Như Sơn, một tên đầy tớ nhỏ, là học trò Thì Nhậm, hiện làm người giữ sách cho Khải. Như Sơn biết được việc này, đem nói với Nhậm, Nguyễn Huy Bá, cấp sự trung là người giảo hoạt thâm hiểm, vì tội tham tang, bị bãi chức. Bá cho con dâu vào làm thị tỳ hầu hạ Đặng Thị (Huệ), lại sai người thân tín cầu cạnh làm hầu hạ Nguyễn Khắc Tuân, nên dò biết việc này, bèn vào phủ tố  cáo với Đặng Thị. Thì Nhậm định tự mình phụ hoạ với Đặng Thị, bèn cùng Huy Bá hợp mưu cáo tố là Khải lén lút cấu kết với hai viên trấn thủ, mưu toan làm việc trái phép. Sâm giận lắm, cho triệu Đình Bảo vào phủ bảo về việc này, ý Sâm muốn phê phó giao xuống để trị tội ngay. Đình Bảo can rằng: "Khải dám làm việc to lớn này, chính do viên quan hai trấn ở Tây và Bắc chủ mưu, nay họ đều cầm quân ở ngoài nếu trị tội một cách vội vàng, e sẽ xảy ra biến cố khác. Vậy chi bằng trước hết triệu hai viên trấn thủ ấy về triều, rồi sau sẽ dần dà phát giác sự trạng để trị tội". Sâm nhận là phải, bèn hạ lệnh triệu Nguyễn Lệ trấn thủ Sơn Tây. Khi Lệ về đến nơi, Sâm yên ủi có phần hơn trước. Cách mấy hôm sau, mật bắt được bè đảng của Lệ; nhân đấy lại cho triệu Nguyễn Khắc Tuân, trấn thủ Kinh Bắc. Khi Tuân đã về, bắt giam lại cùng với Nguyễn Lệ và Nguyễn Phương Đĩnh, rồi sai Ngô Thì Nhậm cùng với hoạn quan là Phạm Huy Thức tham dự việc tra hỏi. Gặp lúc ấy,Thì Nhậm vì cha mất, từ chức về, nên đổi sai Lê Quý Đôn tra hỏi lại, bọn Xuân Thụ, Thế và Thẩm nhận hết tội lỗi. Sâm bèn truất Khải xuống làm con út (quý tử), giam ở nội phủ. Bọn Xuân Thụ đều bị giết. Nguyễn Lệ và Nguyễn Khắc Tuân bị giam vào ngục. Phương Đĩnh vì nuôi dưỡng Trịnh Khải không thành công trạng gì, nên bị lột hết chức tước đuổi về làng. Khắc Tuân và Chu Xuân Hán đều uống thuốc độc chết. Trịnh Khải đã bị phế, ở ngôi nhà ba gian, ăn uống ra vào không được tự do, người ta đều lo ngại cho Khải, nhưng không người nào dám nói. Lúc ấy có viên tri châu cũ là Lê Vĩ, dâng thư biện bạch cho Khải là bị tội oan, nhưng không được Trịnh Sâm xét đến. Trước kia, NgôThì Nhậm sắp phát giác tội của Khải, đem việc ấy bàn với cha NgôThì Sĩ, Sĩ cố sức can ngăn, đến nổi phải đem cái chết để thề bồi với con, nhưng chung quy Nhậm vẫn không theo. Kịp khi nghe tin Nhậm đã phát giác việc ấy, Sĩ buồn bực, bèn uống thuốc độc tự tử. Về phần Nhậm, vì có công phát giác, được thăng hữu thị lang bộ Công. Lúc ấy người ta có câu rằng: "Sát tứ phụ nhi thị lang", nghĩa là giết 4 người cha để mà làm thị lang. Câu ấy là có ý khinh bỉ Thì Nhậm đó”.

Năm 1782, loạn kiêu binh nổi lên đưa Trịnh Tông trở lại ngôi chúa, nhũng kẻ tham dự vào việc tố giác chúa năm xưa đều bị kiêu binh lùng bắt và phá nhà tan tành. Ngô Thì Nhậm bỏ trốn về quê vợ ở Thái Bình, đường công danh kể như chấm dứt. Âu đó cũng là cái giá phải trả cho những kẻ dùng âm mưu thủ đoạn chốn quan trường, hãm hại người khác để làm bậc tiến thân. Nếu chúa Trịnh không bị Tây Sơn lật đổ thì Thì Nhậm kể như hết đường tiến thủ trong lúc suốt đời phải chịu điều tiếng giết cha của bia miệng. Điều này giải thích tại sao sau này, cùng với Phan Huy Ích,  Ngô Thời Nhiệm là một trong vài viên quan nhà Lê sốt sắng ra hợp tác với Tây Sơn sớm nhất trong lúc đa số quan lại Bắc Hà nếu không chạy theo vua Lê được đều chọn con đường tạm lánh ở ẩn. Vua Quang Trung đã thấu hiểu tình thế “nhạy cảm” của Nhiệm nên đã có lời an ủi, vỗ về cho kẻ sĩ Bắc Hà yên lòng : “ Ngày trước, ngươi vì chúa Trịnh không dung, một mình bỏ nước mà đi.Nếu ta không đến đây, ngươi làm sao được thấy bóng mặt trời ? Có lẽ đó là ý trời muốn để dành người tài cho ta dùng. Vậy ngươi hãy cố gắng mà lo việc báo đáp, thế là được”. (Hoàng Lê Nhất Thống chí)
    
Giống như thái độ đối xử với hàng tướng Hữu Chỉnh, bọn quan tướng Tây Sơn không bao giờ xem Thì Nhậm là “người mình” hay “quân ta”. Năm 1788, trước khi về nam, Nguyễn Huệ biết bọn tỳ tướng của mình sẽ phân biệt đối xử với bọn hàng thần Bắc Hà nên đã để lại lời dặn dò tâm huyết : “ Sở và Lân là nanh vuốt của ta, Dụng và Ngôn là tâm phúc của ta, Tuyết là cháu của ta, còn Nhậm vừa là bề tôi vừa là khách của ta, lại là dòng văn học Bắc Hà, thông thạo việc đời. Nay ta giao cho các ngươi cả mười một trấn trong toàn hạt. Những việc quan trọng trong nước, đều cho tùy tiện mà làm. Mọi việc cùng nhau họp bàn ổn thỏa, chớ vì kẻ cũ người mới mà xa cách nhau….”.

Khi quân Thanh sang xâm lấn, Thì Nhậm khuyên Ngô Văn Sở chớ xem thường quân địch thì Sở đang hồi đắc ý nên không nghe, còn giễu cợt Thì Nhậm trước mặt bá quan : “…nếu quân giặc có sang thì phiền ông làm một bài thơ để lui chúng…”. Cũng vì xem thường, không nghe lời bàn của Nhậm nên Phan Văn Lân đã “nướng” năm ngàn quân tiên phong vào trận đánh bên bờ sông Hồng . Theo Hoàng Lê Nhất thống chí : “…lúc ấy tiết trời giá rét, Lân kéo quân qua sông thách đánh. Tướng sĩ vốn sợ oai của Lân, phải liều với khí lạnh mà lội bừa xuống nước. Ra đến giữa sông những kẻ cóng quá không thể qua được đều bị chết đuối. Còn những kẻ vào tới được bờ cũng đều bị quân Thanh giết chết. Lân liệu chừng không thể giao chiến được nữa bèn vẫy quân chạy lui. Đám quân tan vỡ chạy trốn vào các làng, đều bị dân chúng bắt nộp cho quân Thanh. Lân chỉ trơ một mình một ngựa mà quay về…”.  

Sau chiến thắng Kỷ Dậu (1789), Nhậm được vua Quang Trung ủy thác đảm đương mặt trận ngoại giao với nước Thanh. Đây là thời kỳ văn tài của Nhậm được phát huy hết mức. Khi vua Quang Trung mất, Nhậm bị thất sủng không được Quang Toản và đình thần Tây Sơn tin dùng, bèn lui về nhà nghiên cứu Phật học.

 Sau khi vua Gia Long tiêu diệt nhà Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch và một số viên quan triều Lê hàng Tây Sơn bị đánh bằng roi tại Văn Miếu (1803). Sau trận đòn, về nhà, vài hôm sau thì Ngô Thì Nhậm chết. Về cái chết của Ngô Thì Nhậm, người đời thêu dệt thêm chuyện Đặng Trần Thường dụng hết pháp để trả tư thù, nhưng xét ra luật trời có vay có trả, phải chăng chính những oan hồn của vụ án năm Canh Tý đã vận vào nghiệp chướng của Thì Nhậm như một cách báo thù của người cõi âm ? Câu chuyện Đặng Trần Thường tẩm thuốc độc vào roi hoặc sai hình quan cố ý đánh vào chổ hiểm của Thì Nhậm chỉ là truyền thuyết, không có chứng cứ. Đánh roi cũng còn là hình phạt nhẹ so với tội “phản quốc” dưới thời phong kiến. Dù sao hình phạt ấy cũng mang tính nhân văn cao hơn so với ngay cả các hình thức xử phạt tương tự thời nay của một số chế độ vẫn tự xưng là văn minh, nhân đạo. Sử gia đời sau cứ trách hình luật triều Nguyễn tàn nhẫn hơn luật Hồng Đức nhưng xem ra cũng có ngoại lệ. Có thể vua Gia Long vẫn còn chút biệt nhãn đối với đất và người Thăng Long ngàn năm văn vật. Ai cũng biết thói đời, kẻ thừa hành xu nịnh thường hay đoán ý mà làm vui lòng quan trên. Huống chi mối hiềm khích Thì Nhậm-Trần Thường công khai trên sảnh đường ngày nào, ai ai cũng biết: Thì Nhậm đang hồi đắc ý được Tây Sơn giao cho chức quan to xứ Bắc, sỉ nhục Trần Thường trước bá quan văn võ. Thời cuộc xoay vần, nay (1803) kẻ ngồi trên ngôi cao mắng người trở thành kẻ chịu tội, còn kẻ bị mắng trở thành vị phán quan xét xử. Vậy thì bọn chấp pháp kia dù có ngu dốt cũng biết cách làm thế nào để vui lòng quan trên của chúng. Bị phạt trượng đau một, nhưng bị chịu nhục ngay cửa Khổng sân Trình, đối với một nhà nho đau gấp hai ba lần. Trong lịch sử Việt Nam , cũng có một trường hợp chết vì không chịu nổi nỗi sỉ nhục : đó là kẻ cướp ngôi nhà Lê Mạc Đăng Dung. Năm 1541, Mạc Đăng Dung dẫn bộ thuộc lên Ải Nam Quan, mặc đồ trắng, giắt roi trên lưng, tự trói mình, cúi đầu quỳ lạy trước bọn võ quan nhà Minh, nộp sổ sách đất đai xin đầu hàng, chịu phiên thuộc, nhận tước phong và nộp cống hàng năm. Trở về Dương Kinh (Hải Dương), bị ám ảnh bởi nỗi nhục quá lớn, Đăng Dung lâm bịnh và từ trần.
   

3.Thành phần thứ ba :

Một trong những giải pháp hòa bình được nêu trong Hội nghị Paris là thành lập Chính phủ liên hiệp ba thành phần tại miền Nam, mà thành phần thứ ba là những người trung lập, sống và hoạt động chính trị-ngoại giao dưới chế độ VNCH. Những người thuộc thành phần thứ ba không bao giờ thừa nhận mình là cộng sản hay công cụ của công sản, đa số đều tự cho mình là những người bất đồng chính kiến đang đấu tranh cho tự do dân chủ. Mà chỉ đấu tranh một phía, với thể chế của chính quyền VNCH , đấu tranh một cách rất có ý thức trong việc lợi dụng các quyền tự do như ngôn luận hay biểu tình, gây bất ổn  trong một xã hội vốn đã bất ổn vì chiến tranh. Cao điểm là những năm sau Mậu Thân, lúc tương quan lực lượng quân sự có những thay đổi đáng kể, và cái bánh vẽ “chính phủ ba thành phần” đang được nhắc tới như một giải pháp thiết thực được các bên (vờ) quan tâm để lập lại hòa bình, lực lượng thứ ba với những trò thọc phá sau hậu phương nhân danh đấu tranh cho hòa bình và độc lập dân tộc lại càng diễn ra quyết liệt trong các phong trào đô thị.
Ngày 29 tháng 4 năm 1975, một số thành viên trong lực lượng thứ ba vẫn còn ảo tưởng, ôm mộng sẽ được chia phần trong chính phủ tương lai, đến trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất xin gặp phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cái mà họ nhận được sau đó là một bản sao của Bản tuyên bố ngày 26-4 : yêu cầu chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, giải tán tất cả các thể chế không còn phù hợp trong tình hình mới. Nghĩa là giải pháp “Chính phủ liên hiệp ba thành phần” chỉ là một nước cờ trong cuộc chiến ngoại giao, nay không còn cần thiết trước một thắng lợi quân sự đã rõ ràng. Hình ảnh một Trịnh Công Sơn trưa ngày 30 tháng 4 lên đài phát thanh ôm đàn gẩy và tự hát “Nối vòng tay lớn”, sau tuyên bố đầu hàng của Dương văn Minh, rồi cũng ngay sau đó bị “mời” ra khỏi đài phát thanh là một hình ảnh hết sức ý nghĩa, tượng trưng cho một “lực lượng thứ ba” đang …hết tác dụng, như anh kép hát bị đoàn cải lương cắt hợp đồng, như một ca sỹ quần chúng bị lịch sự vỗ tay mời xuống khỏi sân khấu “hát với nhau” .

Ngày 2.5.1975 chính quyền quân quản ra tuyên bố giải thể mọi tổ chức, đoàn thể chính trị được thành lập dưới chế độ cũ, những người tự nhận là thành phần thứ ba phân hóa thành nhiều xu hướng khác nhau : một số lộ ra là Đảng viên Đảng CS tiếp tục tham chính, một số bỏ của chạy ra nước ngoài (!), một số (ít) nổi tiếng được chính quyền mới lưu dụng lại trong bộ máy cầm quyền như một hình thức trả công, tuy không được trọng dụng. Và cũng như những hàng tướng trong thời phong kiến, dù không bị kỳ thị ra mặt nhưng những kẻ này không bao giờ được tin tưởng giao cho những vị trí quan trọng, có thực quyền. Xin dẫn chứng bằng hai câu nói của những nhân vật nổi tiếng trong giới “thành phần thứ ba” ( xin đừng nhầm với “giới tính thứ ba”) như sau : “Sau 30 năm, tôi vẫn phải gánh trên lưng mình cái lý lịch “viên chức cao cấp chế độ cũ” như một cục bướu...,  tôi chưa bao giờ là một thành viên trọn vẹn của chế độ mới. Tôi vẫn hiểu được rằng thật khó cho người cộng sản  tin dùng trọn vẹn một người không phải của mình..Một trong những câu nói đầu tiên sau thời gian cha tôi bị tắt tiếng là nói với tôi một cách giận dữ: “ Tao không muốn gặp mầy nữa. Gia đình mày như thế này, cha mày như thế này, mà mày còn viết báo cho cộng sản. Tao từ mày.” ( Lý Quý Chung- Hồi ký không tên- Nhà xuất bản Trẻ TP Hồ Chí Minh). “Thật rất tiếc. Đáng lý ông Minh nên ở lại đất nước bởi chính ông là người từng kêu gọi dân chúng không nên bỏ quê hương ra đi. Nhiều người vì nghe ông ở lại. Thế mà bây giờ ông lại ra đi ...” ( Thích Trí Quang- Sách đã dẫn).

Ngày nay bình tâm nhìn lại, ta cảm thương cho số phận những thanh niên miền Nam đã phải lên đường nhập ngũ và bỏ xác nơi chiến trường, lại càng khinh miệt những hàng tướng trong “lực lượng thứ ba”, những kẻ xuống đường đòi hỏi hòa bình ngay lập tức, cao giọng rao giảng đấu tranh cho sự tồn vong của dân tộc, đấu tranh nhân danh bảo vệ quyền con người (thậm chí là quyền …sướng), đấu tranh bảo vệ cho độc lập tự do, cho hòa hợp hòa giải dân tộc …nhưng sau đó im thin thít trước cảnh hàng vạn người trầm luân trong các trại cải tạo, hàng vạn người bỏ xác nơi Biển Đông, hàng vạn người lìa bỏ nhà cửa đi vùng kinh tế mới, hàng vạn người bị cướp mất đồng tiền tích góp bằng mồ hôi, nước mắt vì đổi tiền bất công, hàng vạn người tán gia bại sản vì cải tạo công thương nghiệp. Những nỗi đau, mất mát vật chất còn có thể kể ra được, còn những nỗi thống khổ tinh thần, ai có thể đo đếm được ?