Monday, September 6, 2010

Áo Đỏ và Áo Vàng

Lathiews

Khi xếp hạng phân loại các quốc gia theo khuynh hướng độc tài, đi ngược lại trào lưu dân chủ, thường thế giới chỉ chú ý đến các nước đã có “tai tiếng” như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Myanmar và mới bổ sung thêm Venezuela. Trong khi ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đang nổi lên như một quốc gia thoát nghèo, với những bước nhảy ngoạn mục về kinh tế, điển hình như việc tuyên bố ra khỏi danh sách nhận viện trợ quốc tế dành cho các nước chậm phát triển năm 2000. Kinh tế Thái Lan cất cánh cùng với sự ổn định chính trị kéo dài vài thập niên gần đây, giúp xoá đi hình ảnh một đất nuớc đảo chánh liên miên cùng với sự thao túng chính trường của giới quân nhân, một hình ảnh tiêu biểu cho nền dân chủ sơ khai, dân trí thấp kém, nơi mà cái ăn cái mặc còn là nhu cầu thiết yếu và nhận thức chính trị là một món hàng xa xí phẩm.

Tuy nhiên thời gian gần đây, Thái Lan bỗng thu hút sự quan tâm của thế giới qua những vụ lộn xộn giữa hai phe áo vàng và áo đỏ, cụ thể là mấy cuộc biểu tình “tưới máu”, yêu cầu giải tán Quốc Hội và bầu cử sớm trước thời hạn của phe áo đỏ UDD (United front for Democracy against Dictatorship) được cho là thân ông Thaksin. Dĩ nhiên phe áo vàng cầm quyền không dễ gì chấp nhận từ bỏ quyền lực, thành quả mà họ đã đạt được sau các đợt biểu tình rúng động thủ đô Bangkok và chiếm giữ sân bay quốc tế năm 2008. Giờ đây vai trò lại đảo ngược, kẻ chiếu dưới lại muốn ngoi lên, lấy lại cái đã mất cũng bằng biểu tình, một hoạt động hợp hiến hợp pháp nhưng rất xa lạ với người dân nhiều nước. Cũng có cái khác là họ không yêu cầu giải tán chính phủ hiện hữu mà chỉ giải tán Quốc Hội để bầu lại, và dĩ nhiên Quốc Hội mới sẽ là cơ quan thông qua việc thành lập chính phủ của phe đa số. Cao điểm là ngày 13-5-2010, quân đội trấn áp thẳng tay, hơn 30 người bị bắn chết, đồng thời ra lệnh những người biểu tình áo đỏ phải rút ra khỏi Bangkok trước 15 giờ ngày 17-5-2010. Hai ngày sau, tiếp tục xảy ra đổ máu và thương vong lớn cho cả hai bên. Các lãnh tụ UDD kêu gọi những người biểu tình rút lui, một hành động dũng cảm được xem như rút ngòi nổ vào giờ thứ 25. Một Thiên An Môn thứ hai đã không xảy ra, nhưng ngọn lửa bất đồng vẫn âm ỉ cháy và hố sâu ngăn cách vẫn còn nguyên đó với việc mới đây Toà tối cao Thái Lan tuyên bố tịch thu tài sản Thaksin, bỏ tù 19 lãnh tụ UDD, không tổ chức bầu cử sớm trước thời hạn.

Bộ máy tuyên truyền thân chính phủ Thái Lan hiện nay thường gọi những chính sách dân tuý của Thaksin trước kia là trò mị dân. Nhưng với những con người bình thường, nhất là dân nghèo vùng Đông Bắc, họ có hiểu thực sự “ mị dân” là cái gì ? Người dân bình thường họ không quan tâm những trò đấu đá chính trị sau hậu trường, những màn đưa tin có định hướng để lái dư luận theo chiều có lợi, mà thường họ chỉ ủng hộ những ai đưa họ chén cơm khi đói, manh chiếu khi rét, viên thuốc khi họ ốm đau. Họ muốn nhìn con họ ôm cặp sách tung tăng đến trường ngày khai giảng, được vay vốn ngân hàng lãi suất thấp, thân nhân khi ốm đau không bị bỏ rơi ngoài hành lang vì thiếu tiền viện phí. Họ ao ước có chăn mềm trong cơn giá rét, có túi gạo thùng mì khi bị bão lụt hoành hành. Họ không quan tâm lễ hội hoành tráng, kỷ niệm lịch sử trăm năm ngàn năm mà chỉ lo sáng mai thức dậy đi chợ mua gì cho phù hợp túi tiền ngày càng teo tóp vì mất giá trị, cân đối lại tiêu dùng để cầm cự trước cơn bão giá. Họ là những lao động nhập cư không muốn nữa đêm bị dựng đầu dậy vì thiếu tờ khai báo tạm trú tạm vắng. Họ không muốn con mình thành trò giải quyết sinh lý cho bọn người nước ngoài già nua tàn tật. Nếu gọi chính sách ưu đãi dân nghèo của ông Thaksin là trò mị dân thì rất nhiều người cầu trời cho ông được tiếp tục mị dân, và cũng rất nhiều người tin rằng nếu có một cuộc bầu cử sớm trước kỳ hạn với sự tham dự của ông Thaksin thì kẻ về nhì chỉ là người vét đĩa .

Phe áo vàng (PAD : People’s Alliance for Democracy), gồm đa số là những nhân vật bảo hoàng, công chức trung cao cấp, tầng lớp trung lưu, dân giàu thành thị, doanh nhân và những nhân vật chóp bu trong quân đội. Mặc dầu họ chỉ chiếm không đầy 5% dân số nhưng lại đang nắm giữ 80% giá trị nền kinh tế. Cái mà họ muốn là một điều luật được thay đổi trong hiến pháp, qua đó công nhận phần đóng góp (cho đất nước) của họ nhiều hơn nên lá phiếu của họ cũng phải được tính nhiều hơn: như vậy một lá phiếu của họ nên được tính có giá trị là 100 hoặc 1000 lần so với một lá phiếu bình thường. Hoặc một phần đại biểu trong Quốc hội Thái là do chỉ định chứ không phải qua con đường dân cử với phương thức phổ thông đầu phiếu, do họ muốn dùng quyền phủ quyết để tránh bị số đông áp đảo khi bỏ phiếu thông qua một dự luật bất lợi cho họ. Điều này không mới vì chế độ quân chủ độc tài của Miến Điện cũng đã từng tính tới một giải pháp tương tự: nếu một khi phải chấp nhận trao trả quyền điều hành đất nước cho các lực lượng dân chủ thì trước đó sẽ có một điều khoản miễn tố cho phe quân nhân, và trong Quốc Hội họ đương nhiên được quyền giữ một số ghế áp đảo không qua con đường dân cử.

Trong các thủ đoạn chính trị có hai cách để hạ bệ đối thủ : hoặc nêu bật những thành tích tốt của ( phe) mình để làm nổi bật tính trội hơn so với đối thủ , hoặc xoáy sâu vào những nhược điểm, những khiếm khuyết của đối thủ. Và hình như phe áo vàng đang áp dụng chiêu thứ hai một cách nhuần nhuyễn: tập trung khai thác cái gọi là hành vi tham nhũng của Thaksin cùng với những đợt biểu tình của phe áo đỏ bị quy tội phá rối trật tự công cộng và xâm phạm an ninh quốc gia. Người ta đang cố quên đi rằng chính quyền Abhisit được dựng lên không qua con đường dân cử trực tiếp, mà nhờ vào những rối rắm sau cuộc đảo chính tháng 9 năm 2006 của quân đội khi ông Thaksin đang đi ra nước ngoài ( một hành động phản bội giống như đánh lén), và những cuộc biểu tình đánh chiếm cố thủ sân bay làm tê liệt hoạt động thủ đô Bangkok năm 2008 của phe áo vàng, để làm áp lực buộc Quốc hội phải đi đến một quyết định có lợi cho phe mình.Nghĩa là dùng những biện pháp bàng môn tả đạo phi dân chủ để dựng lên một chính phủ gọi là dân chủ!.Sau đó dùng chiêu bài ổn định xã hội ổn định kinh tế, ổn định đất nước để lên án, răn đe những ai muốn quay trở về con đường cũ

Tham nhũng ư? Có chế độ nào mà không có người tham nhũng.Vấn đề là những văn bản lập pháp và những định chế hành pháp có khuyến khích tham nhũng trở thành mạng lưới từ trên xuống dưới, thành chổ dựa cho sự tồn tại của chế độ, của một thiểu số phe nhóm cầm đầu hay không , hay đó chỉ là hành động đơn lẻ trộm cắp vặt của những cá nhân biến chất, lợi dụng hoặc vận dụng sơ hở của luật pháp để kiếm chác làm giàu cho bản thân, cho gia đình và phe cánh.Và nhiệm vụ của Quốc Hội chính là bịt lại những sơ hở khiếm khuyết ấy, những lổ rò rĩ làm xói mòn lòng tin người dân.Nhưng xét cho cùng, đạo cao một thước thì ma cao một trượng, những biện pháp răn đe ngăn cấm chỉ có tác dụng giới hạn mà chính trình độ dân trí được nâng cao mới là yếu tố chính đẩy lùi tham nhũng như ánh sáng thái dương đẩy lùi bóng tối. Nếu gọi tham nhũng như một con vi trùng sống bám, thì xưa nay con vi trùng nào cũng nhân danh ổn định để duy trì sự sống, vì nếu cơ thể không còn thì con vi trùng cũng …chết.

Dĩ nhiên không ai ngây thơ đến mức tin rằng ông Thaksin không tham nhũng , không trục lợi , không lạm dụng quyền lực đứng đầu nhà nước để có những quyết định có lợi cho bản thân , cho gia đình. Vấn đề là Thái Lan là một quốc gia quân chủ lập hiến, không phải là một nước sống dưới chế độ độc tài. Những hành vi vi phạm pháp luật của người đứng đầu nhà nước nếu có cũng phải được đưa ra xét xử theo trình tự luật định chứ không phải bằng môt cuộc đảo chính. Nếu đã hành xử phi pháp rồi thì làm sao nhân danh luật pháp được nữa ?

Phe áo đỏ yêu sách giải tán Quốc Hội và bầu cử sớm trước thời hạn vì họ biết bằng hình thức phổ thông đầu phiếu ông Thaksin không có đối thủ. Thái Lan là một nước đang phát triển, dù sao thì người nghèo ít học vẫn còn là số đông. Rất nhiều người trong số họ vẫn còn nhớ tới những lợi ích do chính sách của ông Thaksin mang lại. Sẽ là cuộc chiến của hai chục triệu lá phiếu (60%) chống lại năm triệu lá phiếu (15%). Đó là lý do tại sao có sự liên minh giữa phe bảo hoàng và giới tướng lĩnh quân đội để loại Thaksin ra ngoài vòng pháp luật, nghĩa là ra khỏi cuộc chơi năm 2011. Những tướng lĩnh cao cấp, những ông hoàng bà chúa, các doanh nhân, các tập đoàn công nghiệp, tư bản tài chính, tầng lớp dân giàu thành thị và công chức trung cao cấp hẳn là có lý do để biện minh cho những bạo loạn của phe áo vàng năm 2008, nhưng chắc họ cũng e ngại sức đề kháng của hàng chục triệu người dân nghèo thành thị, nông dân, công nhân, những lao động phổ thông, hành nghề tự do trong các thành phố lớn, các bến cảng và trung tâm công nghiệp; những nghiệp chủ nhỏ, thầy giáo, trí thức và những bà nội trợ, sinh viên học sinh kể cả sư sãi. Theo học giả Nguyễn Trung nhận xét, náo loạn vùa qua ở Thái Lan không phải là do thể chế chính trị đa đảng đa nguyên gây ra, mà là do dân chủ và nhà nước pháp quyền bị vi phạm nghiêm trọng. Tình hình này còn tiếp tục kìm hãm sự phát triển của Thái Lan. Còn nói như Đào Hiếu, thà chấp nhận biến động gây thiệt hại nhất thời nhưng khi dùng thuốc đúng liều thì sẽ lại ổn định, còn hơn ấp ủ hoài một căn bệnh tàn phá dần mòn cơ thể.

Ở những quốc gia có nền dân chủ thực sự, Quốc hội là nơi tập trung ý chí toàn dân, là nơi làm ra luật pháp, điều chỉnh luật pháp để hoàn thiện bộ máy cai trị do dân cử. Nói thì dễ, song trên thực tế điều này diễn ra hàng ngày hằng tháng hàng năm thậm chí hàng thế kỹ. Đâu phải dân chủ một sớm một chiều mà có hay do một ông tiên ông thánh nào trên trời đem xuống.Cái giá phải trả nhiều khi bằng máu đổ thịt rơi. Thái Lan cũng không phải ngoại lệ.

Cũng phải công tâm nhìn nhận Abhisit không phải là một con rối trong tay người khác, mà là một người có năng lực quản trị và lãnh đạo đất nước, cụ thể là đã lèo lái nền kinh tế Thái vượt qua khủng hoảng kinh tế và ổn định tình hình trong một thời gian dài. Việc xử lý êm thấm tình hình rối rắm bạo loạn ở miền Nam và tranh chấp đất quanh khu vực đền Preak Vihea với Campuchia chính là liều thuốc thử tài năng lãnh đạo của ông. Nhiều người kỳ vọng ông sẽ là một ứng cử viên sáng giá vào năm 2011, năm tổ chức bầu cử Quốc Hội và thành lập chính phủ mới.Nhất là trong tình trạng phe “UDD không Thaksin” chưa giới thiệu được một ứng cử viên nổi bật nào. Đó chính là nổi lo mà phe áo đỏ không tiện nói ra. Một số nhân vật lãnh đạo phe áo đỏ cũng phát biểu thẳng thắn , đại ý họ chỉ đấu tranh vì nền dân chủ của đất nước chứ không phải vì ông Thaksin, một biểu tượng của ngày hôm qua. Chủ trương của phe áo đỏ là sớm đưa mọi chuyện về con số không để làm lại từ đầu (nghĩa là tiến hành bầu cử sớm), trong khi phe áo vàng lại muốn duy trì hiện trạng để cũng cố liên minh cầm quyền , ít nhất cho tới kỳ bầu cử năm sau (2011).

Cuối cùng, báo chí và các cơ quan truyền thông của một số nước trong khu vực đã nhiệt liệt đưa tin với một thái độ hỉ hả không dấu diếm, thái độ hỉ hả của một thằng nhà nghèo đứng nhìn nhà của thằng nhà giàu láng giềng đang bị cháy. Một bài học minh chứng cho sự thất bại của một nền dân chủ hỗn loạn, nữa vời ? Một trường hợp tẩu hỏa nhập ma vì luyện công mà nội lực chưa thâm hậu ? Xin nêu ra đây một vài con số biết nói, nhận định như thế nào tùy bạn đọc : GDP ( thu nhập bình quân đầu người) khoảng 5000 USD / người/ năm; miễn toàn bộ học phí kể cả cấp không quần áo cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9; miễn học phí cho học sinh học nghề từ lớp 9 đến lớp 12; miễn chi phí điện nước theo định mức 90 kw điện /hộ/tháng và 15 m3 nước/hộ/tháng; miễn phí điều trị toàn bộ cho bệnh nhân ở cấp xã, không cần giấy tờ khi đi khám bệnh ở tuyến cơ sở nghĩa là đến tay không và ra về với một túi thuốc; giá vé xe buýt thật rẽ và nhất là nụ cười có ở khắp nơi (số liệu lấy từ trang mạng www.boxitvn.blogspot.com).

Xin cầu chúc cho đất nước và người dân Thái Lan sớm vượt qua cơn khủng hoảng, lấy lại đà tăng trưởng ngoạn mục, mạnh về kinh tế và vững bước trên con đường xây dựng nền dân chủ thực sự.