Sunday, September 26, 2010

Đức Thượng Công Tả Quân Lê văn Duyệt


Kiến Hào
1. Thân Thế và Sự Nghiệp:
Là người dân miền Nam, nhất là dân vùng Sài Gòn Gia Định, hầu như không ai là không biết tới Đức Tả Quân Quận Công Lê Văn Duyệt (1764 – 1832), người đã góp công lớn trong việc tạo dựng một vùng đất phương Nam trù phú gấm vóc; một trăm năm sau khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lịnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược, lập phủ Gia Định gồm dinh Trấn Biên ( Biên Hoà) và dinh Phiên Trấn ( Gia Định), an định chủ quyền quốc gia, góp phần hình thành nên đất nước Việt Nam có hình cong chữ S như hiện nay. Trong bài này chúng tôi không kể lại thân thế sự nghiệp Ngài theo dạng biên niên mà chỉ ghi những sự kiện chính để nêu cao CÔNG và ĐỨC của Ngài với ước mong lớp con cháu hậu thế đừng quên “Uống nước nhớ nguồn”, như truyền thống tốt đẹp bao đời của dân tộc Việt Nam ta [1] .
a. Trận Thị Nại :  Nguyễn Triều Đệ Nhứt Võ Công
Năm Kỷ Mùi (1799), quân nhà Nguyễn chiếm lại Phú Yên, vây thành Quy Nhơn. Nghe tin Tây Sơn tăng cường viện binh, chúa Nguyễn sai trung sứ ra hỏi han tình trạng, Tả Quân cùng Tống Viết Phúc đồng tâu : “Có hai chúng tôi ở đây, chẳng lo sợ gì giặc”. Lại trỏ núi trước mặt nói rằng : “Đây là chốn hai chúng tôi cùng liều sống thác với giặc đó”. Tháng ba năm ấy, quân Nguyễn chiếm thành Quy Nhơn. Chúa Nguyễn đổi tên là thành Bình Định, giao phò mã Võ Tánh trấn giữ.
Sau đây là phần trích tả về trận Thị Nại do Phan Kế Bính kể lại trong Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện (Mặc Lâm xuất bản,Sài Gòn 1968) .
“…Năm sau Canh Thân (1800), tướng Tây Sơn lại vào vây thành Bình Định, quan quân ra cứu viện chỉ lên đênh ngoài bể, không đánh vào cửa Thị Nại được, Đức Thế Tổ muốn dùng chước hỏa công , bèn sai Duyệt cùng Võ Di Nguy đem thủy quân xông vào đánh, quân giặc ở trên đồn bắn xuống như mưa, Di Nguy bị đạn ngã lăn xuống nước, Duyệt cũng không đoái lại nhìn chi, chỉ gia sức xông vào mà đánh. Đức Thế Tổ thấy tướng sĩ chết hại nhiều quá, ba lần cho tên tiểu sai truyền dụ bảo Duyệt tạm lui quân. Duyệt nhất định xin liều chết mà đánh, bảo tên tiểu sai rằng: “Tôi xin cứ tiến vào chớ không lui”. Liền thúc quân xông vào cửa bể, thuận gió tung lửa ra đốt hết thuyền giặc…”.
            Trận thua này đã tiêu hao phần lớn quân chủ lực của Tây Sơn, Quốc sử triều Nguyễn gọi đây là võ công đệ nhất của Tả Quân, khi ấy là 19 tháng giêng năm Tân Dậu (1801).
Bấy giờ các tướng khuyên Đức Thế Tổ đem quân ra đánh úp Phú Xuân, nhưng ngài còn dùng dằng chưa quyết. Duyệt tâu rằng: “Việc binh quý hồ thần tốc, mưu mô cốt phải quả quyết. Nay đóng quân mãi ở đây, thời mõi mệt mà vô công; tiến ra lấy được Phú Xuân, thời thành Bình Định này không phải đánh mà tức khắc giải vây; đó là một chước đánh cờ mà thí xe vậy”. Đức Thế Tổ nghe lời, quả nhiên thu phục được Phú Xuân. Năm Nhâm Tuất ( 1802), Gia Long nguyên niên, Duyệt được thăng Khâm Sai Chưởng Tả Quân Doanh Bình Tây Tướng Quân, tước Quận Công, cùng Lê Chất đem binh bộ đi tiên phong, dẹp yên Bắc Hà….
Kiến Hào viết thêm : Ngày 3 tháng 5 chúa Nguyễn vào Phú Xuân, điều quân đi cứu viện cho thành Bình Định nhưng mới tới Quảng Ngãi thì hay tin tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu đã lấy thành Bình Định, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tuẫn tiết. Đó là ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu (1801).
b. Đào kinh Vĩnh Tế :
Kênh đào song song với đường biên giới Việt Nam Campuchia, từ Châu Đốc đến Hà Tiên, dài khoảng 91 cây số. Tháng 9 năm Kỹ Mão (1819), vua Gia Long hạ lịnh thi công sau khi đã có chỉ dụ cho dân Vĩnh Long và An Giang: “Công trình đào sông này rất khó khăn, nhưng kế giữ nước và cách phòng giữ có quan hệ chẳng nhỏ. Các ngươi ngày nay tuy là khó nhọc một lần mà ích lợi cho muôn đời ngày sau. Vậy nên bảo cho nhau biết, chớ sợ nhọc”.Việc đào kênh đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thoại Ngọc Hầu và Tả Quân đổng lý, huy động lúc cao điểm đến 39 ngàn người Việt và 16 ngàn người Khmer, có lúc phải tạm dừng vì gặp khó khăn thời tiết và thổ nhưỡng, cộng với phương tiện thô sơ nên số bỏ mình cũng nhiều.Tháng 5 năm Giáp Thân (1824), công trình hoàn thành. Tin vui về tới Huế, vua Minh Mạng rất đổi mãn nguyện vì nối được chí vua cha, liền sắc khen thưởng (cho cả người Miên), sai Tả Quân dựng bia ở núi Sam và bờ kênh để ghi nhớ thành quả to lớn này, đồng thời đổi tên núi Sam là Vĩnh Tế Sơn, đặt tên con sông đào là kênh Vĩnh Tế, nguyên là tên của vợ Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại ( Châu Thị Vĩnh Tế) để tưởng nhớ công lao khó nhọc của ông ( trước đó đã đặt tên ông cho kênh Tam Khê và núi Sập). Lại sai Thoại Ngọc Hầu soạn bài văn tế các chiến sĩ , sưu dân đã bỏ mình vì đào con kênh này. Năm 1835, đúc Cửu Đỉnh làm quốc bảo, hình kênh Vĩnh Tế được khắc vào Cao Đỉnh đặt ở Thế Miếu, hoàng thành Huế đến nay. Trịnh Hoài Đức cũng hết lời khen ngợi công trình này trong tác phẩm “Gia Định thành thông chí”.
Ba năm sau ( 1827), quân Xiêm đánh vào Vạn Tượng (Lào), cho quân áp sát Nghệ An, khi được vua vấn kế, Tả Quân khẳng khái nói: “Nếu Xiêm động binh đụng tới Nghệ An thì tôi sẽ dẫn quân theo kinh Vĩnh Tế chọc thẳng tới chỗ nó không phòng bị (ý nói Bangkok), chẹn lấy cổ họng nó mà thụi vào lưng. Kế ấy chắc thành”. Quả nhiên khi nhận được thư phân lẽ thiệt hơn, quân Xiêm bèn rút lui .
Dẫn nước rữa phèn, mở mang ruộng vườn, thúc đẩy giao thương thủy phát triển, thoát lũ ra biển Tây, giữ yên bờ cõi…ích lợi do dòng kênh mang lại vẫn còn phát huy tác dụng cho đến tận ngày hôm nay.
Kênh Vĩnh Tế ngày nay
c. Dẹp loạn thổ phỉ :
Năm 1816 ở hai trấn Thanh Nghệ đói to, dân vùng núi nổi dậy làm giặc. Vua Gia Long cử Tả Quân làm Kinh Lược Sứ, ra chiêu an và ổn định tình hình. Đến nơi, tận mắt thấy rõ  tình hình, Tả Quân dâng sớ về triều xin xuất thóc trong kho cứu đói và tha thuế cho dân. Một mặt ân xá cho bọn giặc tự đến quy hàng, một mặt tha cho những kẻ bị giặc bắt đi theo (làm giặc),  nên chỉ trong một năm đã ổn định tình hình. Bọn ấy được sắp đặt theo đội ngũ gọi là quân Hồi Lương. Trong số bọn ấy, Tả Quân biệt đãi ba người: Nguyễn Hữu Khôi, con một thổ tù ở Cao Bằng; Hoành ( không rõ họ), tú tài xuất thân và Trắm (cũng đọc là Trấm), giỏi võ nghệ. Đến khi về Nam Kỳ, nhận lãnh chức Tổng Trấn lần thứ hai, Ngài đem theo số quân ấy và ba người làm tâm phúc, luôn luôn có mặt trong quân .
Ở phía Tây Quảng Ngãi, miền thượng đạo có bọn người Chăm H’Roi (sử cũ gọi Mọi Đá Vách) vốn quen sống độc lập, không lệ thuộc vào luật lệ triều đình, kể cả thời Nguyễn Tây Sơn cũng vậy. Những lúc đói ăn mùa giáp hạt (lúa cũ đã hết mà mùa lúa mới chưa tới) hay làm càn, cướp bóc của dân lâu ngày quen thói thành quân phỉ. Khi nghe tiếng Tả Quân đến bèn chạy hết vào núi, không dám ra mặt. Ngài bốn lần bình định vùng này (Chương Nghĩa) vào các năm 1803, 1805, 1808 và 1816 .
Nhà sư người Cao Miên tên Kế (nên trong dân gian gọi là Sư Kế) vốn gốc dân Khmer , cầm đầu bọn nổi loạn, từ Chân Lạp hay sang đánh phá cướp bóc vùng Quang Hóa thuộc Phiên Trấn, nay là vùng Trảng Bàng Tây Ninh. Quan quân đánh dẹp mãi không xong, vua Minh Mạng bèn cử Tả Quân vào Nam làm Tổng trấn (từ 1820 cho đến khi ngài mất), thay thế cho Nguyễn Huỳnh Đức đang ốm nặng, để tiểu trừ giặc phỉ. Nội trong năm đó, giặc thua to tự tan rã, số còn lại rút về qua bên kia biên giới.
Kiến Hào ghi thêm : Quá trình vào Nam khai hoang mỡ cõi của ông cha ta, ngoài việc chống chọi với thiên nhiên, thú dữ, bệnh tật…còn phải cố gắng sống hòa đồng với dân cũ, gọi là người Thổ ( Khmer Krom, theo tiếng Campuchia nghĩa là người Miên miền dưới). Bọn người quá khích hay lợi dụng việc này để kích động gây chia rẽ hai dân tộc. Hiện nay tại Campuchia (2010), đảng đối lập của Sam Rainsy cũng hay khai thác đề tài này để kiếm phiếu, nhất là vụ đào kênh Vĩnh Tế (người Miên bị bạc đãi) và nổi loạn của Sư Kế (đòi đất).
d. Tiền trảm hậu tấu :
Lý Chính Hầu Huỳnh Công Lý làm quan từ thời vua Gia Long, vì có công nên năm 1819 được phong Phó Tổng Trấn Gia Định thành, lúc ấy Tổng Trấn là Nguyễn Huỳnh Đức ,Trịnh Hoài Đức là Hiệp Trấn. Năm Kỷ Mão (1819) Lý vâng lệnh vua (Gia Long) chỉ huy việc đào kênh Tàu Hủ (An Thông Hà). Tháng chạp năm ấy ( 3 tháng 2 năm 1820) vua Gia Long qua đời, vua Minh Mạng nối ngôi. Năm Canh Thìn (1820), Minh Mạng nguyên niên, nhân có giặc sư Kế từ Chân Lạp hay sang cướp phá vùng Quang Hóa thuộc trấn Phiên An (nay là Tây Ninh), quân Gia Định dẹp không nổi báo về triều, vua cử Tả Quân lần thứ hai vào làm Tổng Trấn, hiệp cùng Huỳnh Công Lý đánh đuổi giặc.
Dù có công trạng nhưng ngay sau đó, những việc làm khuất tất của Lý trong việc mộ phu, lợi dụng việc bắt dân binh đào kênh để sách nhiểu vòi vĩnh trước kia ; cũng như khai quật, hủy mộ của dân để xây lăng cho cha bị nạn nhân làm đơn tố cáo với Tả Quân. Lại còn tương truyền Lý có thông gian với tỳ thiếp của Tả Quân khi ngài không có mặt ở Gia Định. Nguyên Lý có người con gái được tuyển vào cung làm vợ vua ( Huệ phi), rất được vua yêu nên Lý cậy thế làm càn. Một mặt Tả Quân cho bắt Lý khép tội thành án tử, một mặt lập tờ tường trình về triều và Bộ Hình. Khi nhận được tin báo, vua Minh Mạng vội vàng phái ngay một viên Khâm Mạng, không kể ngày đêm cấp tốc vào Gia Định, truyền chỉ dụ của vua đem tội nhân về kinh chịu tội. Nhưng đã muộn, với quyền “tiền trảm hậu tấu” do vua Gia Long ban cho, Tả Quân đã cho chém đầu Quốc trượng .Việc xảy ra vào tháng 9 năm Canh Thìn 1820 .
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng sau khi án được nhà vua phê thuận rồi, tháng 5 năm 1821 Huỳnh Công Lý mới chịu án trảm tại Gia Định, tài sản bị tịch thu, con gái bị phế làm dân thường [2].
e. Đích tôn thừa trọng :
Năm 1816 vua Gia Long cho triệu các đại thần để hỏi ý kiến về việc chọn người kế thừa. Đa số đều vin cớ theo tục lệ “đích tôn thừa trọng” hay “Lập tự duy đích” để ủng hộ việc chọn hoàng tôn Đán kế vị. Sự thật là do mối cảm tình với hoàng tử Cảnh từ thời bôn tẩu và lập ngôi Đông Cung sau này (1793). Kể cả sự ủng hộ đương nhiên của bà nội hoàng tôn Đán là Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Tuy nhiên ý kiến của ngài Tả Quân nhẹ nhàng hơn, chứ không gay gắt như Hữu Quân Nguyễn Văn Thành, chủ yếu nhắc lại công lao khó nhọc của Đông Cung trong sự nghiệp trung hưng, nên để cho con được thừa hưởng. Trừ có Trịnh Hoài Đức khôn khéo thoái thác: “Tri tử mạc nhược phụ, gia sự bất tất vấn ngoại nhân” (Hiểu con không ai hơn cha, chuyện trong nhà cần chi hỏi người ngoài). Nên không lạ sau này ông làm tới chức Cần Chánh Đại Học Sĩ, nhất phẩm triều đình, chức lớn nhất Nguyễn triều. Xin nhắc lại việc lập tự trừ nhị của vua chúa Việt Nam, thường không hề bó buộc phải lập dòng trưởng mà hoàn toàn do nhà vua chọn lựa. Tất cả các ý kiến khác chỉ là tham khảo. Trên thực tế các Vương triều Việt Nam có rất nhiều vua chúa xuất thân từ dòng thứ. Tháng 3 năm Bính Tý (1816), vua triệu tập hoàng thân, đại thần tại điện Cần Chánh, sai Trịnh Hoài Đức viết sắc lập hoàng tử thứ tư là Đảm làm Đông Cung hoàng thái tử, tất cả đồng quỳ lạy xin tuân mệnh.
Một nguyên do sâu xa mà hoàng tôn Đán mất điểm trong mắt vua Gia Long là hình ảnh một Đông Cung Thái Tử Cảnh nhập đạo Gia Tô, từ chối lạy bàn thờ tổ tiên; cũng như ảnh hưởng của các giáo sĩ Pháp và văn hóa phương Tây ở vị hoàng tử này. Từ lúc lên ba tuổi (1783), hoàng tử đã phải theo giáo sĩ Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, mãi đến 1789 mới về lại Sài Gòn. Dù hiệp ước Versailles 1787 không được thực hiện nhưng vua Gia Long đã sớm thấy được những bất trắc khi hợp tác với người Pháp [3] .
Để giải thích quyết định chọn Nguyễn Phúc Đảm (vua Minh Mạng sau này), vua Gia Long nói: “ Nước nhà mới yên, phải chọn người trọng tuổi cầm quyền, chẳng nên ủy việc lớn cho kẻ còn thơ ấu”. Thực ra khi ấy hoàng tôn Đán đã hơn hai mươi tuổi (sinh năm 1796), không thể xem là còn nhỏ được, ấy chỉ là một cách nói cho yên lòng thần dân. Hoặc có lần nhà vua giải thích cho thắc mắc của Tả Quân và Tiền Quân rằng: “Phụ trái tử hoàn – Khi con nợ chết đi thì chủ nợ đến đòi con chớ không ai đòi cháu “ [4]. Ngay từ năm 1814, vua đã có ý này khi chọn Hoàng tử Đảm làm chủ tang lễ và đọc văn cúng tế Thừa Thiên Hoàng Hậu chứ không chọn hoàng tôn Đán, mặc cho Nguyễn Văn Thành phản đối [5].   
Tháng 5 năm 1820, Minh Mạng cử Tả Quân về lại Gia Định làm Tổng Trấn, dụ rằng: “Phẩm truất thăng quan lại, hưng lợi trừ hại, tất cả việc thành và biên cương đều cho tùy nghi mà làm” [6]. Khi Tả Quân vào chầu từ biệt lên đường, vua sai trung sứ đem cho điếu hút thuốc bằng pha lê sắc biếc mạ vàng của vua dùng và dụ rằng: “Tự sau khi ngươi bệ từ, lòng trẫm thắc mắc không quên, ngươi nên tự giữ gìn đi đứng có tiết độ, chớ để nắng gió xâm phạm cho ta phải lo” [7]. Minh Mạng năm thứ 5 (1824), gã con gái là công chúa Ngọc Ngân cho Lê Văn Yên, cháu gọi Tả Quân bằng bác, cũng là con nối dõi của ngài. Xét như vậy, ta thấy nhà vua vì quốc gia đại sự cố gắng dẹp bỏ tỵ hiềm cũ, nếu không có vụ Lê Văn Khôi thì chẳng có bản án kết tội nặng nề cho Tả Quân. 
f. Chế phục Chân Lạp, oai trấn Xiêm La :
Vương quốc Chân Lạp từ cuối thế kỷ XVII bắt đầu suy yếu vì những cuộc tranh giành quyền lực, nên luôn phải lệ thuộc vào một trong hai nướcViệt Xiêm. Năm 1777, Gia Định thất thủ, hai chúa Nguyễn bị Tây Sơn bắt giết đi, quyền bảo hộ Chân Lạp thuộc về nước Xiêm La. Sau khi vua Gia Long lên ngôi, vua Chân Lạp Nặc Ông Chân lại xin thần phục Việt Nam như cũ. Năm 1811, em vua Chân Lạp là Nặc Ông Nguyên bất hòa với anh, chạy sang Xiêm cầu cứu, được vua Xiêm cử một đạo binh đưa về Battambang, vua Chân Lạp sợ hãi chạy sang Gia Định cầu cứu. Vua Gia Long sai sứ đưa thư phản đối vua Xiêm đồng thời cử Tả Quân đem 13 ngàn quân đưa vua Chân Lạp về nước. Trước sức ép mạnh mẽ của Việt Nam, quân Xiêm phải lui quân, trả lại thành Nam Vang nhưng vẫn cố thủ ở Battambang, chờ cơ hội. Tả Quân đã viết một bức thư trách Xiêm La, với lý lẽ xác đáng, phân tích vừa có tình vừa có lý, vừa cứng rắn vừa mềm dẽo khiến Xiêm phải lui quân về nước. Ngài sáng suốt tâu vua lấy Chân Lạp làm rào dậu che chắn Gia Định; xây thành, đắp lũy, trữ lương, lưu lại một số quân giữ thành Nam Vang rồi rút binh về.
Người Xiêm rất nể phục Tả Quân, mỗi lần sứ Việt sang Xiêm La công cán, thế nào họ cũng hỏi trước: “Lê Công có được mạnh khỏe không?”. Ngày Tết Nguyên Đán đầu năm, vua Chân Lạp phải sang Gia Định thành để cùng Tả Quân bái vọng Hoàng Đế Việt Nam [8].
2. Tại sao Lê văn Khôi khởi binh:
Ngày 1 tháng 8 năm Nhâm Thìn ( 1832) Tả Quân tạ thế [9] , vua Minh Mạng bãi bỏ chức Tổng Trấn Gia Định Thành, giống như đã bãi chức Tổng Trấn Bắc Thành trước đó, thực hiện chế độ trung ương tập quyền. Đất Nam kỳ chia ra sáu tỉnh ( về sau quen gọi Nam kỳ lục tỉnh) [10] , Nguyễn Văn Quế được bổ làm Tổng Đốc Gia Định, Bạch Xuân Nguyên làm Bố Chánh, Nguyễn Chương Đạt làm Án Sát. Bạch Xuân Nguyên là tên vốn tính tham tàn [11] , đã tự tuyên bố là vâng mật chỉ truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt Nguyên vạch lá tìm sâu, moi móc những việc làm trong quá khứ của Tả Quân rồi gán ghép tội lỗi, cho bắt bớ giam cầm những người thân tín của Tả Quân.
Bố Chánh Nguyên tra hỏi Khôi rất gắt về hai việc làm trước kia của Tả Quân: một là việc sai quân vào rừng Quang Hóa (nay là Trảng Bàng ) đốn cây to và hai là ghi chép chi tiêu công quỹ không rõ ràng. Về việc thứ nhất Khôi cãi là đốn cây để dùng vào sửa lại đồn lũy hư nát, cùng là đóng chiến thuyền phòng quân Xiêm. Nguyên bẻ: “Nếu Lê Văn Duyệt muốn phòng quân Xiêm, tại sao không xây đồn luỹ kiên cố ở Hà Tiên mà xây ở Phiên An, có phải để đào hào cho sâu, xây thành cho cao mà mưu phản nghịch?”. Về khoản ghi chép sổ sách, Nguyên cũng hạch hỏi tại sao không ghi chi tiết những khoản chi mà chỉ ghi là “Tả Quân chi dụng” [12] , Khôi lúng túng không biết trả lời ra sao. Trong lúc tra vấn, Nguyên luôn miệng kêu Duyệt này Duyệt nọ không hề kiêng nể, bọn Khôi lớn tiếng mắng lại thì bị tra tấn và hạ ngục liền.
Ngày 18 tháng 5 năm Quý Tỵ ( 1833), Khôi cùng với 27 người lính Hồi Lương Thanh Nghệ nổi dậy xông vào dinh Bố Chánh, giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên; Tổng Đốc Nguyễn Văn Quế đem binh sang ứng cứu cũng bị giết nốt. Ngày 20 có quan Chưởng Thủy là Lê Văn Bốn đem thủy binh đến đánh nhưng bị thua, phải xuống thuyền rút lui. Quân cứu viện triều đình bị Khôi chặn đánh ở Biên Hòa không sao tiến lên được, trong không đầy một tháng cả sáu tỉnh Nam Kỳ đều rơi vào tay Khôi [13] .
Một sai lầm của Khôi vô tình rất có lợi cho triều đình là chia hai đất chiếm được , một nữa từ Gia Định về Hà Tiên cắt giao cho Thái Công Triều, lực lượng trở nên suy yếu, cộng thêm nghe tin quân triều đình sắp vào nam, các địa chủ phú hào bỏ Khôi trở sang ủng hộ quân triều, kể cả Thái Công Triều cũng hàng nốt, đến cuối tháng 8 năm đó lần lượt năm tỉnh đều được lấy lại. Khôi tự liệu chống không lại, bèn rút vào thành Phiên An cố thủ. Quân Xiêm do Khôi xin cứu viện bị Trương Minh Giảng đánh tan tành ở Vàm Nao. Tháng chạp năm Quý Tỵ (đầu năm 1834) Khôi ốm chết trong thành, con là Câu (tên thực là Lê Văn Cu, thường gọi Cu lớn ) thay thế làm nguyên soái lúc mới 10 tuổi.
Ngày 16 tháng 7 năm Ất Mùi (1835 ) thành Phiên An thất thủ, tổng số quân nổi dậy và vợ con  bị giết là 554 người, số bị bắt và đem chém là 1278, trong số có cả trẻ con và đàn bà , chôn chung một hố gọi là Mã Ngụy; địa điểm ngày nay gần Công trường Dân chủ (Quận 10), góc đường Trần Quốc Toản ( nay là 3 tháng 2) và Lê Văn Duyệt ( nay là Cách Mạng tháng 8 ); khu vực gần trại giam Chí Hòa nhưng nay đã bị nhà cửa lấp mất; trên dựng bia đề “Nghịch tặc nhất võng tính thu” (nơi bọn nghịch tặc bị bắt chung một lưới giết hết), mãi đến mấy năm sau mà đất nơi ấy hãy còn xục xịch, sình lên sụp xuống! Sáu người bị bỏ cũi giải về Kinh trị tội có cố Du ( Marchand) , Mạch Tấn Giai Bang trưởng người Minh Hương, con trai nhỏ của Khôi, ông Hoành và ông Trắm. Tất cả đều chịu tội tùng xẻo!. Thây Khôi bị đào lên , chặt đầu bỏ hòm đưa về kinh. Thái Công Triều và Nguyễn Chương Đạt được gia ân xử chém.
Kiến Hào viết thêm : Cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi không phải là “ sự phản ánh bất bình cao độ của nhân dân Gia Định đối với triều Nguyễn” như một số nhà Sử học cố tình gán ghép [14], mà thật ra chỉ là phản ứng tự vệ và phản kháng của một kẻ thất thế, bị cường quyền ép vào chỗ chết. Tạm gọi là làm “binh biến” hay “đảo chánh” thì hợp lý hơn. Dù chính sử khộng hề ghi chép có mật dụ của Minh Mạng cho Bạch Xuân Nguyên, nhưng có lẽ không phải vô cớ mà hắn dám có những lời lẽ xúc phạm Tả Quân và ngang nhiên lộng hành như vậy. Suy đoán hợp lý nhất là đã có ý chỉ (lệnh miệng), nhưng có vị Sử quan nào dù biết, đủ can đảm chép lại. Tiếc thay, Lê Văn Khôi trong lúc nóng giận đã cạn nghĩ mà đem giết quách Bạch Xuân Nguyên, để hắn vĩnh viễn đem theo bí mật xuống mồ.
3. Trị tội người đã khuất:
Bình xong loạn Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng sai phá thành Phiên An đi, xây lại thành khác nhỏ hơn. Ngự sử Phan Bá Đạt dâng sớ xin truy đoạt quan chức của Tả Quân và giao vợ con Ngài cho Hình Bộ làm án. Minh Mạng bèn giao xuống cho đình thần luận tội và kết án Tả Quân. Các quan lớn nhỏ nhao nhao lên bới lông tìm vết, vạch ra các việc làm không thể dung thứ được” của Tả Quân mà khi Ngài còn sống không hề có một người nào dám nói là sai trái cả. Tất cả là để được lòng một ông vua mà họ biết không ưa gì Tả Quân. Vài hôm sau có nhóm nội các là Hà Quyền, Hoàng Quýnh và Nguyễn Tri Phương dâng bản nghị tội Tả Quân, vua ưng chuẩn đưa đình thần nghị án. Án nghị gồm:
Bảy tội đáng trảm (xử chém) :
1.      Tự tiện sai người đi sang Miến Điện, âm kết ngoại giao.

2.      Xin được giao tàu Anh về thành để tỏ ( với nước ngoài) là có uy quyền.

3.      Xin giết thị vệ là Trần Văn Tình để bịt miệng người.

4.      Kháng sớ xin giữ lại quan viên dưới quyền đã có lệnh bổ đi nơi khác.

5.      Cậy bè đảng riêng mà xin tăng thọ cho Lê Chất.

6.      Giấu chứa giấy ngự bảo.

7.      Gọi mồ cha là “Lăng” và dám tự xưng là “ cô”.

Hai tội đáng giảo ( treo cổ) :

1.      Cố xin dung nạp người Miến Điện sang xin thông sứ hai nước.

2.      Dám nói với người khác là xin được quẻ thẻ có câu “ hoàng bào”.

Một tội đáng phát phối sung quân:

              Tự tiện sai lính đẳn gỗ đóng thuyền.
( Xin xem phần chú thích [15] bên dưới, giải thích về các tội trên)
Sau hết, trong sự biến Phiên An, Duyệt là đầu vạ đáng khép tội lăng trì nhưng hắn đã mất, xin thu hết bằng sắc rồi đào mả, phá quách phanh thây để làm gương răn đời. Tất cả sắc phong cho tằng tổ, tổ phụ của hắn xin thu lại, thê thiếp và con cháu xa gần đều theo thứ tự xử tội, tài sản bị tịch thu hết.
Án dâng lên, vua Minh Mạng dụ rằng “ …Tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc cũng không kể hết, nói ra đau lòng, dù có bổ quan quách mà giết thây cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu, và đã truy đoạt quan tước; xương khô trong mã, bỏ gia hình. Vậy cho Tổng Đốc Gia Định đến chỗ mả hắn, san bằng đi rồi dựng lên đó tấm bia đá khắc tám chữ: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (nơi hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu hình phạt) để chính tội danh cho kẻ chết, mà tỏ phép nước về sau, khiến cho những kẻ gian lo sợ mà tự răn mình….”.
Mộ của Tả Quân sau đó bị san phẳng, có xiềng xích bao xung quanh. Mộ của cha mẹ Tả Quân ở Long Hưng ( Mỹ Tho) bị đục bỏ tước hiệu khắc trên bia. Đáng lý bản án tử đối với những người trong thân tộc Tả Quân phải thi hành ngay nhưng nghĩ đến công lao của Ngài, thảy đều được gia ân cho hưởng án trảm giam hậu (lên án chém nhưng hoãn thi hành chờ xét lại), kéo dài đến 1838 thì có lịnh phát phối sung quân đàn ông trên mười lăm tuổi, mười ba người đàn bà bị bắt làm nô tì; trừ có hai vị phò mã là Lê Văn Yên và Lê Văn Tề phải chịu án chém; riêng Tả Quân phu nhân Đỗ Thị Phận (hay Phấn ?) được miễn tội vì theo luật hoàng triều, vợ một người hoạn không xem là vợ thực thụ. Bà lánh vào một ngôi chùa ở Chợ Lớn, ít lâu sau thì cũng buồn rầu mà chết. Mộ phu nhân hiện ở ngay cạnh mộ Tả Quân.
Những nhận xét của một số nhà nghiên cứu Sử đời sau :
Học giả Trần Trọng Kim:
“ …cứ bình tĩnh mà xét, thì chẳng qua là vua Thái Tổ ( chỉ vua Minh Mạng ) vốn có ý không ưa hai ông ấy (Lê văn Duyệt và Lê Chất) , rồi đình thần nhân đó mà bới việc ra để chiều ý ngài, cho nên thành ra cái án thật là không đáng…”. [16].
Nhà văn Nguyễn Hoàng Tuấn :
“…trong vụ án này, bọn đại thần trả thù hèn hạ đã đành, nhưng tiếc cho vua Minh Mạng khi Tả Quân còn sống đã cư xử với Tả Quân đúng mực biết kiềm chế không để hiềm riêng vượt qua đạo lý, thế mà cuối cùng nghe lời xiểm tấu của bọn tiểu nhân đã dẫn đến bản án để tiếng chê cho đời sau.”. [17] .
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng viết :
“…cùng với việc Lê Văn Khôi không bị chết trận hay bị bắt, mà bị chết bệnh, càng làm cho nỗi oán hờn của triều đình nhân lên nhiều lần. Đến khi danh dự được phục hồi, sử gia Quốc Sử quán chọn thái độ càng ít nói đến Lê văn Duyệt càng tốt…” [18] .
Kiến Hào viết thêm: Giống như vụ án Nhân văn – Giai phẩm nổi tiếng miền Bắc , khi hầu hết đã được minh oan, sách của họ được in lại, một số được trao huân huy chương, giải thưởng văn học…thì Văn học Sử dòng chính thống cũng chọn thái độ càng ít nhắc đến càng tốt.
 4. Minh oan và khôi phục:
Sáu năm sau, năm Tân Sữu (1841), vua Thiệu Trị lên ngôi, biết vua cha làm tội oan Tả Quân, nên xuống chiếu hủy bỏ bia kết tội cùng xiềng xích và cho xây đắp cả lại.
Năm Tự Đức nguyên niên ( 1848), tháng 3, quan Đông Các Đại Học Sĩ là Võ Xuân Cẩn làm sớ tấu xin gia ân cho con cháu Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Trong sớ có đoạn : “ …Bọn Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Lê Chất  đều có lòng theo mây đội gió, xông pha chỗ mũi tên hòn đạn, thân làm Đại tướng, tước đến Quận Công, sau hoặc vì con dại, hoặc vì cậy công mà làm thành tội. Dù bọn Nguyễn Văn Thành có tội; thì tội đã trị rồi mà công thì không hỏi đến, chẳng hóa ra đem cái công lao bách chiến mà để đến nổi cái tàn hồn phải bơ vơ như ma trơi ngoài đồng , khác nào quỷ Mạc ngao không ai thờ…” .
Sử gia Trần Trọng Kim cho rằng vua Tự Đức xem bài sớ ấy lấy làm cảm động lắm bèn truy phong ba vị công thần và cấp phẩm hàm cho con cháu. Tả Quân được truy phục: “Vọng Các công thần, Chưởng Tả Quân, Bình Tây tướng quân, Quận Công”, được liệt thờ tại Trung Hưng Công Thần Miếu.
Đại Nam liệt truyện : “ Tờ sớ này vào đến nơi, vua cảm lời nói ấy, sai Bộ Binh tra hỏi cháu chắt, cho cháu Duyệt là Diễn là chư quân cai đội. Có chiếu rửa sạch tội trước cho Duyệt. Lại truy phục nguyên hàm Thống chế cho Lê văn Phong. Con phò mã Lê Văn Yên là Diễn, Minh; con Lê Văn Tề là Dũng , Hợp đều được bổ dùng” [19].
Năm 1849, vua Tự Đức dạy thủ tiêu tấm bia “phục pháp”, cho xây đắp lại phần mộ của Tả quân cho cao rộng thêm, tu bổ lại miếu thờ cạnh mộ. Kể từ đó đến nay, nhân dân quanh vùng ngưỡng vọng, gọi nơi đây là Lăng Ông , ngày ngày khói hương không dứt. Năm Giáp Ngọ (1894), quan Kinh Lược Bắc Kỳ  Hoàng Cao Khải dựng tấm bia đá vinh danh Tả Quân, hiện vẫn còn phía trước Lăng.
Hội Thượng Công Quý Tế ra đời năm 1914, góp công lớn trong việc bảo quản và trùng tu Lăng Ông . Chính quyền VNCH in hình Tả Quân lên tờ tiền giấy mệnh giá 100 đồng phát hành năm 1966 .
KiếnHào ghi thêm : Hiện công trình Lăng - Miếu Tả Quân đã được nhà nước Việt Nam XHCN công nhận là Di tích - Lịch sử Quốc gia ( di tích số 318 ). Nghĩa là không còn lo sợ những lời hô hào đập bỏ hoặc cải đổi chức năng như hồi cuối thập niên 70 thế kỷ trước nữa. Năm 2008, bức tượng đồng cao 2, 65 mét, nặng 3 tấn của Ngài được đặt trang trọng nơi Chánh Điện. Lần trùng tu gần đây nhất là năm 2009, sơn sửa lại nhiều hạng mục nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc không thay đổi.
Tượng đồng Tả Quân trong chánh điện
5. Tả quân trong lòng dân miền Nam:
Nam Kỳ là vùng đất mới, dân cư phần nhiều là từ tứ phương, xiêu tán khắp nơi tụ về, gồm người Bắc, Trung kỳ , người Hoa Minh Hương, Khmer, Chăm…Lâu dần hình thành nên tính cách phóng khoáng trọng nghĩa khinh tài, giúp đỡ nhau làm ăn.Sau một thời kỳ dài loạn lạc , người dân nơi đây vẫn còn nhớ ơn Đức Tả Quân hai lần làm Tổng trấn, đã mang lại an cư lạc nghiệp cho trăm họ.
Người ta trân trọng kính cẩn gọi Ngài là “Ông” hoặc “Tả Quân” hoặc “Đức Thượng Công” chứ không dám xách mé gọi tên, đúng như “sinh vi tướng, tử vi thần”. Hình tượng Ông đã trở thành một biểu tượng văn hoá tín ngưỡng trong dân gian, nơi Ông yên nghĩ được gọi là “Lăng”. Là người dân miền Nam , ai ai cũng mong ít nhất một lần trong đời được viếng thăm, tri ân tiền nhân như một lần tìm về nguồn cội.
Lời đồn khi Lăng bị san bằng, đặt bia trấn yểm cuối đời Minh Mạng, ban đêm thường có tiếng gào khóc, hoặc tiếng người tiếng ngựa ồn ào không ai dám đến gần. Đến sau (vua) sai quan địa phương bỏ cái bia dựng ngày trước đi và cho con cháu xây mộ lại, thì tiếng khóc ban đêm mới thôi” [20] . 
Trước đây, khi có xích mích tranh cãi, dân Bà Chiểu thường thách nhau mang gà sống vào Lăng Ông thề độc : “đứa nào nói gian sẽ bị Ông vặn họng như con gà này”. Ngày Tết, người ta vào Lăng viếng Ông nườm nượp, nhang khói quyện kín cả không gian nhà hương trước Tiền điện. Dù bên trong điện thờ Ông có quy định hạn chế mỗi người niệm hương chỉ thắp một cây nhang nhưng cũng khó lòng tìm ra chỗ cắm. Trong Chánh điện (gian thờ trong cùng), có phối thờ bài vị quan Kinh lược Phan Than Giản bên trái và quan Phó Tổng trấn Bắc Thành Lê Chất bên phải.
Hình ảnh Cổng Tam Quan Lăng Ông một thời được xem như biểu tượng của đất Sài Gòn Gia Định, được in trên tem thư và quảng bá trên danh thiếp du lịch. Các thành phố lớn đều có con đường mang tên Ông, tại Sài Gòn đó là một trong những con đường dài nhứt, đẹp nhứt.
Sau đây là suy nghĩ của một vài nhân vật nổi tiếng miền Nam về Đức Tả Quân :
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt :
“ …về chính trị, Lê Văn Duyệt có tầm nhìn chiến lược về vấn đề dân tộc, nhờ đó đã quy tụ được các dân tộc đa số cũng như thiểu số, kể cả người Hoa. Lê Văn Duyệt cũng chủ trương tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo. Chính sách dân tộc, tôn giáo đó là một trong những điều kiện cơ bản giúp Lê Văn Duyệt giữ được ổn định xã hội, chính trị ở trấn Gia Định  và góp phần giữ yên bờ cõi đất nước, quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng…”
Sau khi nhắc lại công lao của Tả Quân về các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, quốc phòng…, cố Thủ tướng kết luận :
“…nếu những điều nói ở trên là đúng với sự thật lịch sử thì có thể nói Lê văn Duyệt là một tài năng lớn về chính trị, kinh tế, quân sự và trong các tư duy chiến lược của Lê Văn Duyệt có sự kế thừa từ các anh hùng dân tộc trước đó. Điều đó, nếu là có thật, nên được đánh giá cho khách quan và không xóa sạch những công lao, đóng góp của ông ta với vùng đất phía Nam, với nước ta trong giai đoạn lịch sử đó. Tương tự, những tội lớn của triều Nguyễn đối với dân tộc không xóa sạch công lao mở cõi để nước ta kéo dài đến Mũi Cà Mau . Công, tội phân minh cũng là quan điểm của Đảng ta về các vấn đề lịch sử .” [21] .
Nhà văn Lê Văn Chánh :
“ …Nhân dân Gia Định (xưa) và Nam bộ (nay) đã có lòng ngưỡng mộ công đức Lê Văn Duyệt, nên dù cho triều đình ngăn cấm họ vẫn lập miếu thờ Ông, cái miếu đó được nâng cấp dần dần lên thành cái Lăng. Họ luôn gọi ông là ngài Thượng Công hoặc ngài Tả Quân. Đặc biệt mọi người đã tôn vinh Lê Văn Duyệt lên đến hàng “Ông” , một chức danh của nam thượng đẳng thần , ngang hàng với Quan Công của Trung Quốc….” [ 22]
            Nhà văn Hoàng Lại Giang :
 “ …nhiều năm đã trôi qua, “ Lăng Ông” vẫn sừng sững trên quả đồi hình lưng quy ấy. Ngày hội, ngày lễ, ngày Tết, hơn bất kỳ nơi nào ở Miền Nam này, “ Lăng Ông” là nơi hội tụ đông người đến viếng, đến cầu nguyện cho những oan hồn được thanh thoát, xin Ông phù hộ cho họ tránh được mọi tai họa và cầu được hưởng phúc lành cho đời đời con cháu…” [ 23] . 
Nhà văn Sơn Nam :
 “ …trước miếu là Lăng, với kích thước dành cho đệ nhất công thần, theo cơ chế xưa. Lăng xây ô dước, đơn giản như quả trứng bổ đôi, đầu người quá cố day vào miếu, mộ hợp táng kiểu song hồn, bà bên cạnh ông… Tham quan lăng và miếu, người hiếu cổ thấy vui lên, tin vào văn hóa truyền thống…cảm tưởng chung của khách tham quan vẫn là khen ngợi…” [24] .
Mộ Tả Quân và phu nhân
 6. Những quan điểm phản biện:
Sau năm 1975, quan điểm lịch sử trong nước (phần lớn là ở miền Nam ) thay đổi theo thế giới quan Mác xít – Lênin nít. Cùng với việc Vương triều Nguyễn bị kết tội nặng nề, hầu hết những nhân vật lịch sử có liên quan đến nhà Nguyễn đều bị xét lại, kể cả các bậc khai quốc công thần. Những tên đường như Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Phan Thanh Giãn, Lê Văn Duyệt, Trương Minh Giãng, Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng, Hiền Vương, Gia Long, Minh Mạng… không còn nữa. Trường nữ Trung học Lê Văn Duyệt bên cạnh Lăng cũng chịu chung số phận. Sách giáo khoa hầu như rất ít nhắc tới , hoặc nếu có cũng không mấy thiện cảm.
Xin nêu ra đây một vài đoạn nhận xét tiêu biểu, của các nhà Sử học tiêu biểu cho quan điểm phê phán hiện nay trong nước, với tinh thần thực sự cầu thị biết người biết ta, ngõ hầu làm phong phú thêm kho tư liệu về Đức Tả Quân. Những phần giải thích kèm theo bên dưới hoàn toàn là quan điểm riêng của người viết, nếu có điểm nào sơ suất do trình độ hạn chế, rất mong bạn đọc thông cảm. 
* Trong tác phẩm “ Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước 1858” của nhà chính trị, nhà giáo, nhà Sử học Trần Văn Giàu, có những luận điểm quan trọng sau đây :
“…ý đồ chính trị của Lê Văn Duyệt và phe cánh là muốn thực hiện chủ trương “địa phương phân quyền” , chống lại chế độ trung ương tập quyền khe khắc của Minh Mạng, muốn tách Nam kỳ ra khỏi triều đình Phú Xuân…” ; “… như vậy Lê Văn Duyệt quan niệm rằng muốn bảo vệ Gia Định thì phải đóng quân trên đất Chân Lạp, phải đặt bảo hộ ở Chân Lạp. Nguy cơ chính ở tư tưởng quân phiệt và xâm lăng ấy. Vua Gia Long cho rằng ý kiến của Duyệt là rất phải…” ; “…việc đào kênh Vĩnh Tế là một trong những bước của Minh Mạng toan phát triển thế lực ở miền Tây Nam . Duyệt động viên 39 ngàn người Việt và 16 ngàn người Chân Lạp để đào kinh đó. Dân tình thán oán, việc đào kênh đình đi, làm lại mấy lượt mới xong…”. [25]
* Trong luận văn “ Một số nhận định về Lê Văn Duyệt”, Nguyễn Đổng Chi vạch ra 5 điểm hạn chế là:
1. Theo lực lượng phản động : Là khai quốc công thần triều Nguyễn, Lê Văn Duyệt xuất thân chỉ là một chân thái giám hầu hạ vợ con Nguyễn Ánh. Sau đó vì chúng có yêu cầu đẩy mạnh chiến tranh phản cách mạng nên được cất nhắc lên tướng cầm quân. Chỉ mấy trận giao phong với Tây Sơn, y đã bước dần trên nấc thang danh vọng. .. Lúc này vị anh hùng Nguyễn Huệ của chúng ta đã qua đời, y nhờ liều lĩnh xông pha, nổi tiếng nhất là trận thủy chiến ở cửa Thị Nại năm 1801, mà sử thần nhà Nguyễn đã ca ngợi là “ võ công đệ nhất” . Rồi đó, từ “nước cờ thí xe” cho đến khi chiếm được Thăng Long ( 1802), Lê Văn Duyệt đã chễm chệ ở địa vị Khâm Sai Chưởng Tả Dinh, Bình Tây Đại Tướng Quân với tước Quận Công.
Qua đó, có thể thấy Lê văn Duyệt có khả năng và trình độ quân sự, nhưng lại dùng cái khả năng ấy để phục vụ cho trận tuyến phản động cản trở con đường tiến của lịch sử”.
2. Đàn áp các cuộc khởi nghĩa : Lê Văn Duyệt đã đem quân đàn áp những cuộc khởi nghĩa của người Kinh cũng như người Thượng Đá Vách phía tây Quảng Ngãi, một lần đàn áp cuộc bạo động do nhà sư Chân Lạp cầm đầu ( 1820)…Như vậy là Duyệt thường có mặt ở những cuộc khủng bố đàn áp quần chúng mà bọn phong kiến địa phương không đàn áp nổi”.
3. Tư cách kém, tính cách tàn bạo; “Duyệt cũng có một số hành động mị dân, bênh vực sĩ tốt…nhưng dân và sĩ tốt cũng rất gờm Duyệt vì “dụng hình hay quá lạm”. Quan, dân, lính, thơ lại, thị vệ, cho đến trẻ em có thể bị lôi ra chém cổ rất đột ngột theo cách phán xét chủ quan của Duyệt”.
4. Âm mưu với mục đích cá nhân : “ dựa vào cương vị và quyền hạn trong thời kỳ làm Tổng Trấn , y đã xây dựng phe cánh, xây dựng lực lượng võ trang, xây dựng cơ sở xã hội trong số quần chúng giáo dân, vun đắp uy tín cá nhân…”.
5. Thân Pháp: “ Việc Lê Văn Duyệt chống lại vấn đề chọn Minh Mạng làm kẻ nối ngôi không phải đơn thuần xuất phát từ nguyên tắc chọn dòng đích của chế độ tông pháp, mà còn xuất phát từ chủ đích sâu xa hơn. Đó là sự tiếp tục dựa hẳn vào thực dân Pháp để bảo vệ lâu dài quyền lợi và địa vị của đại quý tộc lúc bấy giờ”.
Cuối bài, Nguyễn Đổng Chi nhận xét rất nghiêm khắc về Tả Quân như sau :
 “…Chừng ấy cũng đủ tố cáo tính chất tối phản động của Lê Văn Duyệt, còn phản động hơn cả bọn vua phản động nhà Nguyễn. Có thể nói, những tên thực dân da trắng trên bước đường đi tìm thuộc địa hẳn xoa tay thích thú khi gặp những mẩu người như Duyệt”. [26]
* Bài tham luận của Phó giáo sư Vũ Huy Phúc trong cuộc tọa đàm về Lê Văn Duyệt năm 2000 :
“… Theo ý kiến cá nhân, có lẽ nhiều nhà Sử học có thể dễ dàng chấp nhận hay thừa nhận những điều dưới đây về Lê Văn Duyệt :
-         Một danh tướng, một nhân vật lịch sử có tên tuổi.
-         Một đại công thần khai quốc triều Nguyễn.
-         Một Tổng Trấn Gia Định tài năng có công lao phát triển và giữ vững miền đất phía Nam đất nước.
Nếu chỉ với những phẩm chất như vậy thôi thì chẳng có gì phải bàn cãi cả. Nhưng mặt khác Lê Văn Duyệt còn có những tính cách khác làm cho người ta phải suy ngẫm và cân nhắc . Đó là :
Khi còn sống :
-         Một lãnh tụ địa phương có tư tưởng cát cứ cục bộ.
-         Một đại thần không tán thành quyết định của Gia Long lập Minh Mệnh làm vua kế vị .
-          Một đại thần thân Pháp, dung dưỡng các giáo sĩ Pháp .
Khi đã mất :
-         Phần nào chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc binh biến Lê Văn Khôi.
-         Bị Minh Mệnh xử tội nặng nề, mất hết mọi chức tước vinh hiển và bị làm nhục.
            * Giáo sư Nguyễn Phan Quang trong tác phẩm “ Cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi ở Gia Định” viết :
“…cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi không những có liên quan chặt chẽ về nhiều mặt trực tiếp và sâu xa đến nhân vật Lê Văn Duyệt mà hơn thế nữa : Lê Văn Khôi đã nổi dậy với danh nghĩa là người kế tục ý đồ của Lê Văn Duyệt trước kia…”.
Trong bài tham luận “ Nhân vật Lê Văn Duyệt”, giáo sư Quang  tiếp tục nhắc lại quan điểm của mình :
“…ý đồ của Lê Văn Duyệt không chỉ là mưu đồ địa phương phân quyền, mà có thể là một ý đồ hạ bệ Minh Mạng để thay vào đó một ông vua Nguyễn khác , cai trị theo đường lối “ mở cửa” trong phạm vi cả nước” [27].
Vài suy nghĩ thô thiển của Kiến Hào :
Việc làm binh biến của Khôi xảy ra khi Tả Quân đã mất. Những lời ghép tội chỉ là suy diễn. Tài năng của Ngài trong lĩnh vực ngoại giao với lân bang, chính sách mở cửa giao thương rộng rãi, đào kênh, khai hoang lập ấp, tiễu phỉ, giữ gìn bờ cõi…đã được sử sách nhìn nhận lại bị soi mói dưới những cái nhìn đầy định kiến.
Gần hai trăm năm đã trôi qua, lịch sử đã chứng nhận chính sách cấm đạo của vua Minh Mạng (đập phá nhà thờ, bắt bớ giáo dân, tru diệt giáo sĩ ) là một quốc sách sai lầm, gây ra bao nhiêu đau thương chia rẽ cho dân tộc thì có một số người lại xới lên, bênh vực cho những hành động cực đoan của Minh Mạng chỉ vì muốn kết tội Tả Quân là thân Pháp, dung dưỡng giáo sĩ , nuôi mầm họa [28] . Thật là một sự suy diễn thiếu khách quan, dù chính họ cũng miễn cưởng công nhận rằng thái độ ( hòa hoãn) đó, xét trong tình hình đó là một yếu tố tích cực hơn là tiêu cực. [29].
Trong quá khứ, đất nước là vật sở hữu của nhà vua đang cai trị, nhiều khi bị đặt thấp hơn sự tồn vong của vương triều, nên có nhiều trường hợp cắt đất , hoặc nhượng thương quyền, chấp nhận bị o ép để mưu đồ cũng cố hoặc giành lại ngôi báu. Nhưng sau khi lên ngôi, vua Gia Long không hề có một biệt đãi nào cho Pháp, không cắt đất nhường biển, không hề có một biệt đãi kinh tế nào cho Pháp. Đó là một sự thật lịch sử.
Dĩ nhiên viên ngọc sáng nào cũng có vết tì. Trong quan hệ với Tiền Quân Nguyễn Văn Thành, Tả Quân đã không thể làm theo tích Trần Hưng Đạo - Trần Quang Khải được; hay trong việc chúa Nguyễn cầu viện quân Xiêm vào giúp khôi phục, có phần trách nhiệm Tả Quân trong đó.
Trong lúc say sưa đánh giá triều Nguyễn là “phản động”, “phản cách mạng” thì một số người lại quên rằng chính các vua nhà Nguyễn đã thống nhất đất nước, mang lại ổn định chính trị , ổn định kinh tế cho đất nước sau một thế kỷ XVIII đầy biến động. Khi ấy Karl Marx ( sinh năm 1818) hãy còn ở truồng nằm nôi. Giai cấp bị thống trị sau khi lật đổ giai cấp thống trị thì lại trở thành một giai cấp…thống trị mới, chứ không có một nhà nước nhân dân nào ra đời cả. Nói như nhà Sử học Nguyễn Khắc Thuần : ““ …lấy khuôn mẫu của hiện đại để hình dung rồi làm cơ sở để đánh giá quá khứ thì thật khó mà thỏa đáng được…” .[30]    
Một lần vào Lăng Ông niệm hương ( 2010), người viết hết sức buồn vì nhìn thấy khu bán hàng lưu niệm lèo tèo, chỉ vài ba vật dụng phủ đầy bụi bày trong tủ kiếng. Trên tường treo bảng tiểu sử Tả Quân viết sai đầy lỗi chính tả thật là bất kính. Mong sao có một ngày cuộc đời và sự nghiệp Tả Quân được trả về đúng vị trí trong lịch sử dân tộc; và tài liệu nghiên cứu, sách truyện lịch sử, truyện tranh, phim hoạt hình, phim dài cổ trang nhiều tập, sách song ngữ, quỹ khuyến học..về nhân vật Lê Văn Duyệt sẽ nở rộ; một trung tâm văn hóa Lê Văn Duyệt bên cạnh Lăng với nội dung sinh hoạt  phong phú (lễ hội, quốc phục, lễ sinh, nhạc trống, hát bội, cải lương, võ thuật…) sẽ giúp các thế hệ con cháu không quên những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc .   
7. Thay lời kết :
Dù có dỡ ra chủ thuyết này, học thuyết nọ thì cũng không làm thay đổi được tấm lòng ngưỡng vọng của người dân đối với Tả Quân. Dù có cố tình vấy bẩn bôi đen , ra sức xuyên tạc thổi phồng thì oai linh của Ngài vẫn sáng như vầng nhật nguyệt. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt, hình ảnh Tả Quân sẽ mãi trường tồn trong lòng người dân Việt Nam .
*******
Chú thích :
 [1]  Quyển “ Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ”  do tạp chí Xưa & Nay xuất bản năm 2006, ghi chép lại 17 bản tham luận trong cuộc tọa đàm về Lê Văn Duyệt cũng do tạp chí Xưa & Nay tổ chức năm 2000. Bài viết của Kiến Hào bám sát tư liệu trích từ trong quyển này, cùng một số sách tham khảo khác.
[2]  Tiểu sử  Huỳnh Công Lý . Bách khoa toàn thư mở Wikipedia 2010.
[3]  Xem bản dịch nội dung Hiệp ước Versailles, sách Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam tập 3, NXB Trẻ 2008, từ trang 382 đến 386.
[4]  Nguyễn Phan Quang, Nhân vật Lê Văn Duyệt, sđd, trang 65.
[5]  Trần Đình Sơn, sđd, trang 185
[6]  Theo Đại Nam thực lục chính biên
[7]  Theo Đại Nam chính biên liệt truyện
[8]  Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam , NXB Trẻ 2008, trang 327
[9]  Về ngày mất của Tả Quân, Đại Nam thực lục  ( NXB KHXH Hà Nội ,1964,tập XI, trang 140 ) chép Ngài mất nhằm ngày 1 tháng 8 năm Nhâm Thìn ( 30.8.1832) nhưng Đại Nam chính biên liệt truyện lại cho rằng Ngài mất ngày 30 tháng 7 ( 29.8.1832). Xem Đại Nam liệt truyện, tập II  ,trang 401, 402 do NXB Thuận Hóa in năm 1993 .
Theo cách tính ngày giờ của lịch âm, giờ Tý  từ 11 giờ khuya đến 1 giờ sáng hôm sau, đối chiếu sang dương lịch có thể là ngày hôm trước mà cũng có thể là ngày hôm sau. Phải chăng sự khác biệt nằm ở chỗ này ?
[10]  Địa giới tỉnh Biên Hòa khi ấy mở rộng về phía Tây giáp tả ngạn sông Sài Gòn, bao gồm cả tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay.
[11]  Đại Nam chính biên liệt truyện ( sơ tập - quyển 23

            [12]  Thời ấy chưa có hệ thống kế toán kép 100 tài khoản như hiện nay. Sổ sách ghi chép chỉ chia làm ba cột thu, chi và tồn. Cũng chưa có hóa đơn tài chánh, hay mẫu  kê khai chi tiết cho Tả Quân giải trừ tạm ứng (!). Mấy viên lại ty Phiên dưới quyền làm sao dám hạch mà xin lại tiền thừa! Lê Văn Khôi là võ quan, lại càng mù tịt. Nhưng qua đó cũng cho thấy dưới thời Tả Quân chưa có quỹ đen (để ngoài sổ sách ); nếu không thì Tả Quân đã mắc thêm tội trảm thứ tám rồi. Gớm thay cho bọn tiểu nhân hiểm giảo thời nào cũng có.
[13]  Cho hay lòng dân Lục tỉnh ngưỡng mộ Tả Quân lớn đến cỡ nào, dù Ngài đã mất. Cũng là nguyên cớ để một số sử gia đời sau cột tội Tả Quân với việc binh biến của Lê Văn Khôi. Người chết thì dĩ nhiên không lên tiếng được.
[14]  Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam , NXB Trẻ, trang 354
[15] Năm 1821, Tả Quân sai Nguyễn Văn Độ sang Tân Gia Ba mua thuốc đạn, súng ống. Trên đường về bị bão, thuyền lạc vào xứ Miến Điện. Lúc ấy đang có chiến tranh Xiêm - Miến, vua Miến muốn tranh thủ Việt Nam nên tiếp đón rất hậu, lại sai sứ tháp tùng sang Việt Nam thông hiếu, đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tả Quân vốn ghét Xiêm, rất sốt sắng với việc liên minh cùng Miến Điện. Bèn dâng sớ lên, xin giao hiếu. Minh Mạng bác, hạ chỉ đuổi sứ Miến ra khỏi cõi / Năm 1826 có tàu Anh gặp bão vào lánh ở Bình Thuận, Tả Quân dâng sớ xin đưa tàu đó vào Gia Định để quản chế. Thực ra chỉ để hư trương thanh thế chứ tàu lạ xâm phạm lãnh hải một nước có chủ quyền vì tránh bão thì không thể bắt tội được / Thị vệ Tình có công phát giác Trần Nhật Vĩnh, một tay tâm phúc của Tả Quân, ỷ thế chủ tướng, qua mặt Tả Quân làm giàu bất chính. Thị vệ Tình không báo cho Tả Quân mà âm thầm thu thập chứng cứ về Kinh tố cáo.Việc phát giác ra, Vĩnh bị giải về Kinh chịu tội. Tả Quân dâng sớ , chịu tội mình dùng người bất chánh . Vua Minh Mạng tha tội và khuyên nên tận trung báo đáp /  Trịnh Xuân Trạm, Lê Đại Cương…là thuộc lại dưới quyền, có chỉ điều đi nơi khác, Tả Quân dâng sớ xin giữ lại, vua chuẩn y /  Giữ giấy của văn phòng ngự bảo là loại giấy viết có đóng triện chỉ dành riêng cho vua / “Lăng” dành để gọi nơi yên nghĩ của vua chúa, “cô” là lời tự xưng của vua, có khi tự xưng “quả nhân”, ngụ ý khiêm tốn /  Tự tiện giao kết trước với sứ Miến, trước khi có ý chỉ của vua. Dâng sớ xin vua ưng thuận để lấp liếm tội tài lanh của mình / Bói thẻ ( xin xâm) khoe với người ta là xin được lá xâm có bài thơ nhắc tích Trần Kiều ở Trung Quốc, một trường hợp làm binh biến để lên ngôi vua, giống như tích Lê Hoàn triều Đinh .  
[16] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử lược, NXB Văn hoá – thông tin 1999, trang 476
[17] Nguyễn Hoàng Tuấn, sđd, trang 105.
[18] Trần Bạch Đằng, sđd, trang 7 
[19]  Đại Nam liệt truyện, NXB Thuận Hóa, 1999, tập 2, trang  414.
[20]  Nam Hải dị nhân liệt truyện, NXB Mặc Lâm, Sài Gòn, 1968, trang 136.
[21]  Võ Văn Kiệt, sđd, trang 146,147.
[22]  Lê Văn Chánh, sđd, trang 78.
[23]  Hoàng Lại Giang, “Lê Văn Duyệt - từ nấm mồ oan khuất đến Lăng Ông”, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội ,1999, trang 315.
[24]  Sơn Nam , sđd, trang 143.
[25]  Trần Văn Giàu, Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến triều Nguyễn trước 1858, trang 107
[26]  Nguyễn Đổng Chi, luận văn : “ Một số nhận định về Lê Văn Duyệt”, sđd trang 33 .
[27]  Nguyễn Phan Quang, bài tham luận Nhân vật Lê Văn Duyệt, sđd, trang 69.
[28]  Vũ Huy Phúc , Nhận xét về nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt, sđd, trang 45.
[29]  Đỗ Quang Hưng, Vấn đề công giáo với số phận Lê Văn Duyệt, sđd, trang 51.
[30]  Nguyễn Khắc Thuần , Tản mạn về Lê Văn Duyệt, sđd, trang 73.