Friday, October 29, 2010

Thói Hám Danh Nước Vệ

Lathiews

             Nước Vệ, mùa thu năm Canh Dần, bốn phương phẳng lặng, mưa thuận gió hòa, người người đều ra sức chăm lo làm việc, kho lẫm đầy đủ, việc giáo hóa nơi cửa Khổng sân Trình càng gặp nhiều thuận lợi.
             Có bọn mưu sĩ nhân thấy tình hình như vậy mới tranh thủ hiến kế với quan Lệnh Doãn ở chốn kinh thành :
- Đất kinh kỳ ta mang tiếng nghìn năm văn hiến nhưng công trình văn hóa thì có thể đếm chỉ trên đầu ngón tay. Như vậy sao xứng gọi là nơi hội tụ hiền tài, tập trung nguyên khí của quốc gia. Chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất với ngài một bước đột phá mới, gọi là khuyến khích tinh thần hiếu học và ghi nhớ nhân tài đất nước…
- E hèm. Nói gì thì nhanh lên, đừng vòng vo tam quốc làm ta sốt ruột.
- Dạ vâng. Như các triều trước vì ba năm mới mở một khoa thi nên nhân tài như (trên cây) mùa thu, số Tiến sĩ như chim (bay) buổi tối . Cũng vì ít ỏi như thế nên bọn thợ đá tạo tác mới có thời gian mà đục hình rùa đội bia trong Văn miếu. Nay ở chốn kinh đô ta, bậc Tiến sĩ đi lại đầy đường, còn bậc thấp hơn như Thạc sĩ, Cử nhân thì không tài nào đếm xuể. Để vinh danh họ, xin ngài đệ đạt lên trên, cho khắc họ tên, quê quán các Tiến sĩ đời nay vào bia cẩm thạch đưa vào nhà bia Văn miếu để cho các thế hệ trăm đời sau được tường.
- Nhà ngươi nói thật đúng ý ta. Vốn từ lâu ta đã bảo quan Tế tửu Tư nghiệp phải cố gắng lập kế hoạch sao cho trong vòng một giáp ( 12 năm ) tới , đào tạo cho được mười ngàn Tiến sĩ phục vụ trong bộ máy công quyền. Từ nay, phải tiêu chuẩn hóa trình độ công bộc, ghế nào tương xứng với bằng cấp nấy, bãi bỏ lệ sống lâu lên lão làng làm cản trở bước đường tiến thân của lớp kế thừa. Ai đỗ Tiến sĩ sẽ được đặc cách nâng lương, nâng bậc, quốc khố thanh toán lại đầy đủ chi phí học tập; kẻ nào học không nổi do chỉ số IQ quá thấp phải chịu giáng cấp hoặc hưu sớm trước tuổi.
            Phàm kẻ sĩ đang xuất thế làm nô bộc cho nhân dân, nghe nói hai từ “ hưu sớm ” như sét đánh ngang tai, sợ còn hơn bị bệnh nan y, chỉ mong sao lấy được tấm bằng  tiến sĩ danh giá để còn cơ hội phục vụ. Kể từ đó, ở đất kinh kỳ xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm luyện thi, đào tạo tại chức như nấm mọc sau mưa, khắp hang cùng ngõ hẽm cụt đâu đâu cũng vang lên tiếng ê a ngày đêm không dứt. Các quan trợ giảng chạy đi chạy lại giữa các lò đào tạo như bị ma đuổi, không còn thời giờ đâu mà đào sâu nghiệp vụ; tình cảnh không khác gì bọn con hát chạy sô. Chương trình học cũng bị cắt ngắn cho kịp thời gian thi sát hạch nên sách thánh hiền phải bỏ bớt như Tứ thư chỉ còn Tam Thư (bỏ Luận Ngữ), Ngũ Kinh chỉ còn Nhị Kinh (bỏ Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu ). Lại nữa phàm những sách toán pháp và thiên văn do bọn người nước ngoài như Phú Lãng Sa hay Anh Cát Lợi biên soạn, trong nước rất ít người có khả năng nghe, nói, đọc và viết được nên đa phần phải học qua sách dịch. Bọn rỗi hơi ở Kẻ chợ gọi mỉa là Tiến - sĩ - nhai - lại . Lượng thay đổi thì chất cũng thay đổi, học vị tiến sĩ xem ra cũng thường.
Giữa lúc đó bỗng có tin đồn ở Quốc Tử Giám đang liên kết đào tạo tiến sĩ với các nước Tây phương, chương trình nước ngoài nhưng không cần xuất dương, do các quan mắt xanh mũi lõ giảng có kẻ đứng cạnh phiên dịch, sách vở tài liệu cũng được dịch sang tiếng nước Vệ. Các quan kháo nhau: Phen này chúng mình nhận bằng nước ngoài; có chứng nhận của các quan Thị lang, Tham tri Bộ Lễ , để xem bọn xấu miệng trong nước còn nói gì nữa không .
Có điều do cái gì cũng nước ngoài nên học phí cũng tính bằng tiền nước ngoài, công khố phải một phen lao đao. Những kẻ biết việc mới cười (thầm) mà nói (nhỏ) với nhau rằng : “thói hám danh, chuộng khoa trương, chạy theo hình thức chỉ làm hao tốn quốc khố,  thực chỉ có lợi cho bọn đầu cơ, không khác gì đóng thêm cho chúng cái tủ đựng tiền ! ” .
Nghe nói hiện các quan bộ Lễ đang soạn kế hoạch xây dựng bốn trường Đại học thật oách ngang tầm quốc tế, cho bọn man di bốn cõi biết thế nào là nước Vệ.