1. Chí Phèo là tên nhân vật chính trong một truyện ngắn có tựa cùng tên của nhà văn Nam Cao , ra đời năm 1941, thuộc dòng văn học hiện thực phê phán, cốt truyện lấy bối cảnh ở một miền nông thôn đồng bằng Bắc bộ trước năm 1945. Đây là một tác phẩm văn học nổi tiếng, đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, mục đích lên án chế độ thực dân phong kiến đã bần cùng hóa người dân Việt Nam. Dưới ngòi bút miêu tả, khắc họa tính cách nhân vật thật sắc sảo, sinh động của Nam Cao; Chí Phèo đã trở thành biểu tượng điển hình cho những kẻ nát rượu, lưu manh, tha hóa biến chất, sống dưới đáy xã hội, chuyên nghề gây gỗ và ăn vạ; kẻ đã biết tận dụng tối đa ưu thế " cùi không sợ lở " của mình và khai thác tâm lý ngán ngại va chạm, cầu an của số đông. Do đó, mặc dù ý đồ của người viết ( và quan điểm của nhà nước nhân dân ) là mong muốn có sự cảm thông, chia sẽ cho một mảnh đời bất hạnh để qua đó lên án chế độ thực dân thì ngược lại, đa số người đọc lại có cảm giác khinh bỉ, ghê sợ nếu không muốn nói là đầy ác cảm với nhân vật này. Một phần bởi vì nó gợi nhớ lại một thời kỳ đau thương qua chưa lâu trước đây: nghèo là một thành tích tốt, người ta hãnh diện khoe mình nghèo; còn giàu là một tội lỗi vì chỉ có bóc lột mới giàu được (!) ; lý lịch trong sạch phải mạt ba đời, làm gà phải cắt kéo, người buôn bán gọi là con buôn. Nếu gọi Chí Phèo là sản phẩm của chế độ bất nhân, người bóc lột người thì bảy mươi năm sau, hình ảnh Chí Phèo không những không mất đi mà còn nhân bản lên gấp hàng trăm, hàng ngàn lần với những biến thái độc đáo thời kinh tế thị trường; từ một tên lưu manh nhà quê đã trở thành một thằng điếm chợ chuyên nghiệp.
2. Nơi tôi ở cũng có một con cháu Chí Phèo, hay gọi là Chí Phèo đệ tam, đệ tứ cũng được. Gia đình Chí tạm trú trong một phòng trọ xập xệ đầu con hẽm lớn, buổi chiều vợ bán cháo lòng cho dân lao động chiếm hết nữa lòng đường, bổn phận của Chí chỉ là khuân dọn bàn ghế nếu còn tỉnh táo, còn ngoài ra thì tha hồ say sưa, mượn rượu để chửi đổng thiên hạ, nằm lăn ra giữa hẽm mà cản trở xe cộ, người qua lại và nhất là giả say để hù dọa xin đểu…tiền. Khoái nhất là được va quẹt để ăn vạ tiền cơm thuốc. Sở dĩ Chí quen thói, được nước làm tới là vì hắn nắm bắt được tâm lý sợ phiền phức rắc rối của nhiều người, không muốn dây dưa với một kẻ liều mạng; đụng với hắn như chén kiểu đụng với gáo dừa; chỉ chuốc thêm bực tức nên đa số đều chọn giải pháp thua thiệt về phần mình ( nhiều khi phải bồi thường lãng xẹt ) để xin hai chữ bình an. Bên trong hẽm có mấy cơ sở may gia công và hàn tiện,chịu hết nổi với mấy màn quấy rầy của hắn mới bàn nhau đưa Chí vào nề nếp bằng cách tuyển dụng làm… bảo vệ, ấy gọi là dĩ độc trị độc. Nhưng chỉ một thời gian ngắn thì Chí nhận ra rằng làm bảo vệ không khoái vì bị gò bó đủ thứ, không bằng làm Chí … Phèo nên sau đó thì mèo lại hoàn mèo, cốt khỉ hoàn cốt khỉ. Nay thì người dân chỉ còn mong sao cho hắn sớm bị xơ gan, đi theo Lưu Linh để bà con được nhờ. Mà ngày đó chắc cũng chẳng còn xa vì hiện hai chân hắn đã bị phù thủng rồi. Dù sao thì cũng có thể tha thứ cho Chí Phèo này được, vì hắn chẳng có dã tâm giết chóc gì ai, cũng không làm gì phạm pháp đến mức xử lý theo luật hình sự, chủ yếu chỉ gây rối cho mọi người nhớ ta đây là …Chí Phèo. Thậm chí gia đình hắn cũng thỉnh thoảng nhận được sự giúp đỡ từ chính những nạn nhân của hắn, theo đúng tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt.
3. Mấy hôm nay đọc báo mạng, bổng nhiên tôi rùng mình vì hay tin Chí Phèo nay đã lớn mạnh thành ra một …quốc gia. Lợi dụng việc nằm giữa các nước đang ổn định về chính trị, phát triển mạnh mẽ về kinh tế; Chí chọn con đường phát triển mạnh mẽ về quân sự và công nghiệp quốc phòng, nói trắng ra là phát triền vũ khí hạt nhân và vũ khí giết người hàng loạt, nhân danh quyền tự vệ chính đáng. Sau đó đem vũ khí ấy ra hăm he; mặc cả với láng giềng để đổi lấy lương thực thực phẩm, nhiên liệu năng lượng, thuốc men y tế và các loại hàng hóa khác. Và cũng giống như người dân xóm tôi, các quốc gia láng giềng đành phải bấm bụng mà mua lấy sự bình an, tránh bị sự quấy rầy liên miên của Chí. Hội nghị sáu nước họp bàn về việc giải trừ vũ khí hạt nhân thật giống với cuộc họp tổ dân phố của xóm tôi hôm nào: khi có người nêu lên ý bắt Chí đi tập trung lao động cho chừa cố tật thì cũng có người bênh vực, hỏi rằng rồi ai sẽ nuôi sáu đứa con nheo nhóc của hắn. Đáp lại gợi ý nên giúp đỡ vật chất cho gia đình của Chí thì cũng có người phản bác, nói rằng xưa nay giúp ngặt chứ không ai giúp nghèo. Lòng từ thiện nên đặt đúng chỗ chứ không phải của kho vô tận. Nói gà nói vịt một hồi rồi giải tán, chẳng đi đến đâu; rốt cuộc Chí vẫn Phèo như cũ.
Thật tội nghiệp khi nhìn thấy hình ảnh người dân của Chí với gương mặt khắc khổ lấm lem không một nụ cười, tương phản với những gương mặt ngoại giao béo tốt nọng thịt. Hàng năm, đất nước ấy vẫn thiếu đói triền miên, hụt trên một triệu tấn lương thực, phải nhờ viện trợ của các nước và tổ chức quốc tế phi chính phủ ( NGO ) nhưng vẫn không ngớt lên án những kẻ thù có thật và không có thật. Để trút lên đầu chúng tất cả những khổ đau mà người dân đang gánh chịu.
*****