Thursday, April 21, 2011

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI

Lathiews
  Ảnh 1 : Khai thác than của TKV
 1.     Từ TKV …
KẾT LUẬN THANH TRA
          Tháng 3 năm 2011, Thanh tra Nhà nước đã công bố kết quả thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam ( TKV) trong đó nêu lên sai sót chủ yếu tập trung ở ba vấn đề lớn : Hạch toán thiếusai quy định các khoản chịu thuế dẫn tới thất thoát hơn 200 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước ; thứ hai là khai thác, vận chuyển than mà chưa có giấy phép khai thác,  buông lỏng quản lý việc tiêu thụ than dẫn tới xuất lậu than; lỗi thứ ba là chưa tuân thủ đầy đủ về bảo vệ môi trường.
Theo Phạm Huyền , tác giả bài viết trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ( Vef.vn), con số hơn 200 tỷ đồng thuế phải truy thu của TKV bắt nguồn từ việc bỏ sót các khoản thu nhập phải chịu thuế, vi phạm quy định trong quản lý tài chính , kế toán…Ví dụ như năm 2009, TKV đã nhận một khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng mua than từ khách hàng ICC trị giá tới 1,05 triệu USD tức hơn 18,679 tỷ đồng với mức thuế thu nhập doanh nghiệp đáng lẽ phải nộp là hơn 4,66 tỷ đồng ( 25%) , nhưng do TKV không đưa vào hạch toán khoản thu này nên ngân sách đã bị thất thu. Hay như khoản chi phí 8,2 tỷ đồng của kỳ kinh doanh năm trước, nay mới phát hiện bị bỏ sót và bèn … ghi vào kỳ kinh doanh này. Nhưng ngoạn mục nhất là số dư trị giá 570 tỷ đồng tại 5 quỹ của TKV, khoản thu nhập này bị bỏ ra ngoài kết quả sản xuất kinh doanh nên nhà nước mất đi một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp là 142,72 tỷ đồng ( khoảng 6,8 triệu USD ) .
     Cũng theo kết luận thanh tra, TKV đã có một số vi phạm trong quá trình tổ chức , khai thác, vận chuyễn than như 16 điểm vỉa mỏ đang khai thác mà chưa có giấy phép khai thác, giao cho 21 đơn vị bên ngoài tập đoàn thực hiện tất cả các công đoạn khai thác than, kể cả việc vận chuyển than ra khỏi khai trường trong khi quy định trong ngành là cấm. Vì quản lý không chặt chẽ nên TKV đã để xảy ra tình trạng thất thoát than rất lớn ; móc ngoặc gian lận trong kê khai về số lượng , chủng loại than xuất khẩu làm lãng phí tài nguyên quốc gia và thiệt hại ngân sách nhà nước.
     Cuối cùng là những vi phạm về Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường : TKV cho phép một số đơn vị thành viên như CT Than Hạ Long, CT Than Uông Bí, Quang Hanh , Mạo Khê, Khe Chàm, Hà Ráng…khai thác lộ thiên những vỉa mỏ đáng ra phải khai thác hầm lò để bảo vệ lớp đất mặt . Nguyên nhân vi phạm rất dễ hiểu : chi phí khai thác lộ thiên rẻ hơn nhiều so với phương pháp hầm lò , nhưng tác hại hủy hoại môi trường rất lớn và kéo dài , dù sau này có hoàn thổ khi kết thúc quá trình khai thác thì nơi đó vẫn chỉ là một vùng đất chết.  

Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC

          Trong bản giải trình gởi Thủ tướng , tân TGĐ Lê Minh Chuẩn không thừa nhận TKV làm thất thoát 200 tỷ mà lý do chủ yếu là do “ khách quan ” (!). Cụ thể giấy báo Có của ngân hàng không ghi nội dung khoản thu nên kế toán hạch toán nhầm là khoản thu tiền hàng thay vì là khoản thu tiền phạt bồi thường vi phạm hợp đồng.  Hay như khoản chi phí phát sinh 8,2 tỷ đồng là chi phí của kỳ trước ( năm trước) nhưng do bị bỏ sót , không đưa vào để xác định kết quả kinh doanh nên đưa bù vào kỳ này. Còn số tiền trong 5 quỹ không phải là TKV dấu thu nhập để trốn thuế mà do trước đó thanh tra Bộ Tài chính đã không bắt buộc TKV phải kết chuyễn sang lãi. 
          Ông Chuẩn cũng cho biết đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc nộp lại hơn 200 tỷ đồng tiền thuế bị truy thu, nghĩa là TKV đã thừa nhận những sai phạm kể trên, bản giải trình chỉ là để biện minh đổ tội sang cho “thằng” khách quan chứ không phải tại “thằng” chủ quan.
          Ông còn hết sức tự tin khi nhận xét về đợt thanh tra vừa qua : “ Làm doanh nghiệp , việc thanh tra kiểm tra của cơ quan nhà nước là vấn đề bình thường. Qua thanh tra , giúp cho tập đoàn chấn chỉnh công tác quản lý là điều tốt (!). Không phải cứ thanh tra là có tội. Vì thế khi tại doanh nghiệp có những việc chưa chuẩn , Thanh tra hướng dẫn để tập đoàn thực hiện cho đúng , tốt hơn.” Có điều ông không nói là nếu không có đợt thanh tra vừa rồi thì số tiền 200 tỷ kia ( có người nói nếu là kiểm toán vào cuộc thì sẽ không phải là 200 ) ngân sách có thu lại được không ? Ai chịu trách nhiệm thất thoát trước dân vì đó là số tiền của người dân ? Trong lúc đó , chỉ vì không khai báo thu nhập cho thuê căn phố mà blogger Điếu Cày Nguyễn Vũ Hải bị quy tội trốn thuế thu nhập, bỏ tù hai năm rưởi đến nay chưa thả. Đâu có chuyện “chấn chỉnh” với “hướng dẫn” như lời vị TGĐ của TKV.         
SỰ THỰC RA SAO ? 
          1.Bài học vỡ lòng cho các học viên kế toán là số liệu ghi chép vào sổ sách phải tuân thủ nguyên tắc chính xác , kịp thời, đầy đủ và hợp lý. Nói theo ngôn ngữ kế toán là việc ghi chép dùng để xác định chi phí và doanh thu để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ . Chi phí kỳ nào thì có doanh thu tương ứng của kỳ đó, và nhà nước mà đại diện là cơ quan Thuế ấn định khoảng thuế thu nhập phải nộp căn cứ vào thu nhập của doanh nghiệp. Một em bé học chưa hết Tiểu học cũng biết rằng muốn tìm tiền lời em lấy tiền bán trừ tiền mua ( vốn). Và cũng đâu có chuyện xí quên , hôm trước tính lộn hôm nay tính…lại. Hoặc là vị TGĐ này không rành về kế toán nên ngộ nhận , hoặc là bộ phận kế toán của TKV quá yếu về nghiệp vụ. Hoặc cả hai. Có thể đối với TKV , 8,2 tỷ đồng là một số tiền không lớn và việc bỏ sót là việc nhỏ , nhưng với một cơ sở tư nhân quy mô loại nhỏ hoặc vừa thì đó là một số tiền rất lớn, khoảng sai sót này là không thể chấp nhận được và nhân viên kế toán bị cho nghĩ việc là cái chắc. Việc Thanh tra nhà nước xuất toán khoảng chi phí kỳ trước ra khỏi kỳ kinh doanh kỳ sau là đúng theo Luật kế toán và các Chuẩn mực kế toán hiện hành, chứ không phải như ngài TGĐ lập luận rằng : “ …vì kỳ trước chưa hạch toán nên phải được tính vào chi phí kỳ sau và ngược lại nếu phải loại trừ khỏi kỳ sau thì phải được tính vào kỳ trước khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp ..”.  Đó là lý do tại sao những ngày cuối năm , kế toán có trách nhiệm thường phải làm việc quên ăn quên ngũ để tập hợp đầy đủ số liệu về chi phí , doanh thu trong năm để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ . Xin dành cho bạn đọc , nhất là những người am tường về nghiệp vụ kế toán đánh giá trình độ chuyên môn của bộ sậu TKV.  
          2. Giấy báo Có của ngân hàng có thể không ghi nội dung khoản thu nhưng bất cứ một nhân viên kế toán nào cũng biết yêu cầu ngân hàng cung cấp Tờ kê chi tiết để biết nội dung mà ghi chép vào sổ sách ( ở trường hợp này là tài khoản 112 Tiền gửi ngân hàng) , chỉ cần một tờ fax là xong. Huống chi TKV là một tập đoàn lớn cơ đấy. Thứ hai là hệ thống tài khoản kế toán Việt Nam là hệ thống kế toán kép, một nghiệp vụ kinh tế phát sinh được ghi đồng thời trên hai tài khoản tương ứng , nên khó có chuyện ghi nhầm. Theo lời giải trình của người đứng đầu TKV cho Thủ tướng, khi nhận được giấy báo Có từ ngân hàng , kế toán TKV đã ghi nhầm như sau :
Nợ TK 112 : Tiền gởi ngân hàng
                    Có TK 131 : Phải thu của khách hàng 
Thay vì đúng ra anh ( chị ) ta phải ghi như sau : 
Nợ TK 112 : Tiền gởi ngân hàng
                    Có TK 711 : thu nhập khác 
Đến đây thì ta thấy lòi ra cái đuôi vô lý là nếu không biết nội dung giấy báo Có của ngân hàng thì làm sao biết là số tiền đó là của ai mà hạch toán , mà ghi vào sổ sách theo dõi TK 131. Chẳng lẽ kế toán “ phang ” đại vô là tiền của anh A , chị B, ông C nào đó trả tiền mua than ? Cho nên chỉ có thể kết luận như Thanh tra nhà nước là TKV cố tình dấu khoản thu nhập này . Đã bị bắt quả tang cố tình gian dối mà còn lấp liếm chạy tội, định qua mặt Thủ tướng nữa chứ.
          3. Cuối cùng là việc không kết chuyễn số tiền 5 quỹ là 570 tỷ đồng sang TK 911 Xác định kết quả kinh doanh , nhằm tránh chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 25% là 142,72 tỷ đồng. Đây là một hành vi trốn thuế, vi phạm Luật kế toán rõ ràng mà đáng ra TKV phải chịu chế tài rất nặng. Dù TKV có biện bạch rằng thanh tra Bộ Tài chính trước đó đã kiểm tra và đã không đề nghị kết chuyển số dư sang lãi , nhưng chỉ đạo của Bộ Tài chính làm sao có hiệu lực cao hơn Luật kế toán được ?       
2 . …liên hệ lại về Vinashin


Ảnh 2 : Con tàu Vinashin 

Cuối năm 2010 , Vinashin công bố công khai không có khả năng thanh toán trả nợ gốc đợt 1 đúng hạn là 60 triệu USD cho khoảng vay thương mại 600 triệu USD do ngân  hàng Credit Suisse làm môi giới và đại diện chủ nợ. Ngoài ra Vinashin còn đang chịu khoản nợ 750 triệu Mỹ kim vay lại của chính phủ từ khoản phát hành trái phiếu tại thị trường tài chánh NewYork chưa đến hạn trả nợ gốc ( năm 2015 ) . Chỉ riêng khoản nợ các chế độ lương thưởng và bảo hiểm của Vinashin đối với công nhân các đơn vị trực thuộc là trên 200 tỷ đồng .
Góp phần vào việc làm thủng đáy con tàu Vinashin , không thể không nhắc tới trách nhiệm của bộ phận kế toán làm tham mưu cho lãnh đạo. Đối với các doanh nghiệp lớn như Vinashin, bản báo cáo tài chính và  kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm buộc phải thông qua các tổ chức kiểm toán độc lập là một quy định bắt buộc . Bản kết luận kiểm toán của công ty kiểm toán quốc tế KPMG dựa trên bản báo cáo tài chính về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2009 của tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin đã đưa ra những nhận xét rất bất lợi cho tập đoàn này : KPMG cho biết Vinashin không có những thủ tục kiểm soát nội bộ có hiệu quả để bảo đảm rằng hồ sơ của các công ty con , công ty trực thuộc là cập nhật, chính xác và đầy đủ cho nên họ ( KPMG ) kết luận không thể tiến hành kiểm toán một cách thỏa đáng * . Thuật ngữ tài chính trong nghề kiểm toán rất chuẩn mực, thận trọng nên người viết mạn phép dịch thoát nghĩa như sau : “  hồ sơ sổ sách, số liệu kế toán ghi chép, theo dõi cung cấp không đầy đủ hoặc đầy đủ nhưng không đáng tin cậy do đó công ty kiểm toán không thể đưa ra một kết luận trung thực  sau kiểm toán được ”. Không biết bộ phận kế toán mà đứng đầu là kế toán trưởng lập báo cáo tài chính thiếu sót, gian dối vì có dây máu ăn phần hay cố ý làm trái vì áp lực của cấp trên, nhưng nhận xét của KPMG đã nói lên năng lực chuyên môn của họ một cách rõ ràng rồi. Nên nhớ tính công khai , minh bạch là những đòi hỏi tiên quyết mà các tổ chức tín dụng luôn luôn đặt ra khi xem xét mức độ tín nhiệm đối với các khách hàng.
Chắc chắn những người làm công tác kế toán là những người đầu tiên tiên liệu được sự sập tiệm của Vinashin qua những con số biết nói mà họ ghi chép cập nhật từng ngày, nhưng vì ăn cây nào rào cây nấy nên không ai dại gì nói ra. Trong những vụ án kinh tế phức tạp , cơ quan điều tra luôn luôn chọn hướng tiếp cận bộ máy kế toán , mà đứng đầu là kế toán trưởng ( ở các công ty nước ngoài, kế toán trưởng chỉ là một nhân viên kế toán cấp cao, không quan trọng bằng giám đốc tài chính, do chú trọng phần quản trị và đối ngoại, nhưng thực ra kế toán trưởng là người điều hành bộ phận kế toán, chỉ đạo việc ghi chép sổ sách phản ánh mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp) để “ quần” cho ra bã trước khi chụp đến ông Giám Đốc. Trong truyện kiếm hiệp, chiêu này gọi là “cách sơn đả ngưu”. Rất hiệu quả .
Nói thêm về tái cơ cấu .Thực hiện chỉ đạo của chính phủ Việt nam, Vinashin bàn giao một số tài sản cho tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn vận tải biển để chỉ tập trung vào nghề tay phải là lo đóng tàu thôi. Bàn giao tài sản dĩ nhiên cũng kèm theo nợ hay nói cách khác, giãm nợ luôn luôn đi kèm giãm tài sản , đến nay thì thì tài sản của Vinashin trên bảng cân đối kế toán không còn là 86 tỷ nữa.Một phần nợ của Vinashin là để mua vật tư nguyên liệu đóng tàu, biến thành sản phẩm dỡ dang , nghĩa là một hình thức biến thái, chuyễn từ tài sản nợ sang tài sản có. Khi thành phẩm nhập kho, xuất xưởng bàn giao thì kế toán sẽ kết chuyễn toàn bộ chi phí sản xuất sang giá vốn hàng bán , đồng thời chuyễn khoản nhận ứng trước của khách hàng sang doanh thu phải thu. Nếu chỉ lo đóng tàu để trả nợ đã ứng trước thì tiền đâu để tái sản xuất ? Hổng lẽ bán cà rem bán luôn cái thùng ? Cho dù chi phí đóng tàu bằng vốn tự có cũng đâu phải nếu không bán được tàu cho người này thì ta đem bán cho người khác. Chưa chắc, vì còn rất nhiều điều kiện, mà tiên quyết là phụ thuộc thái độ của khách hàng có chấp nhập giá trị của lô hàng hay không ? Giá trị trên sổ sách và giá trị thực tế luôn luôn có sự chênh lệch, vì thế mà các công ty kiểm toán luôn luôn ưu tiên đặt vấn đề kiểm kê hàng tồn kho và tài sản cố định lên trên. Đơn cử một thí dụ có thật, một công ty quốc doanh sập tiệm, phần kê khai tài sản còn lại sau khấu hao là hai tỷ nhưng khi mời các chủ vựa ve chai Chợ Lớn đến xem thì họ chỉ thuận mua với giá hai trăm rưởi triệu, sau khi đã trừ đi phần chi phí tháo gỡ, vận chuyển và “ bôi trơn” ! Thử hỏi đống sắt thép nằm phơi mưa phơi nắng ngoài bãi kia của Vinashin, liệu có còn giá trị sử dụng như nguyên giá trên sổ sách kế toán hay không ? Đó là chưa kể không khấu hao tài sản cố định là một thủ thuật của các kế toán quốc doanh để giấu lỗ, một điều mà ai cũng biết. 
Bây giờ người ta hiểu khái niệm “ kinh tế quốc doanh là chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ” chỉ có nghĩa là tạo ra một sự ưu ái bất bình đẳng cho các doanh nghiệp quốc doanh trước các thành phần kinh tế khác , bất chấp hiệu quả kinh doanh. Các tập đoàn , Tổng công ty nhà nước được trao quá nhiều quyền hạn mà không có cơ chế kiểm soát giám sát có hiệu quả đi kèm, được hưởng quá nhiều vốn vay ưu đãi mà không chịu hậu kiểm luồng tiền đầu tư từ vốn vay, được can thiệp từ cấp trên để tránh thanh tra kiểm toán hòng kéo dài sai phạm, được ưu ái báo cáo vượt cấp để tranh thủ sự đồng tình. Hiện tượng Vinashin không phải là cá biệt ; nhiều người tin rằng ở các tập đoàn, tổng công ty lớn gọi là  “ quả đấm thép ” của nền kinh tế cũng có những chỉ dấu như Vinashin, chẳng qua là chưa bị công khai thôi. Ở đâu có lãng phí là ở đó có tham ô, ở đâu phát hiện có tham ô là ở đó bắt gặp có lãng phí, chúng là anh em sanh đôi mà. Làm sao mà các quan đầu ngành chịu buông bỏ cơ chế chủ quản hàng mấy trăm doanh nghiệp trực thuộc được chớ ? Nếu chỉ giữ chức năng quản lý nhà nước thì còn ai nhớ tới mấy ông Tham tri, Thị lang ở Lục Bộ mà mỗi lần rời kinh thăm hỏi sự tình, quan lớn quan bé ở địa phương và các tập đoàn , tổng công ty đua nhau chào mời tiếp rước quá Lê Chiêu Thống hầu Tôn Sĩ Nghị.
Một sơ hở nữa là các chuyên viên thẩm định tín dụng Credit Suisse đã bé cái nhầm khi quá tin tưởng rằng nhà nước sẽ ra tay tế độ trả thay khi Vinashin không trả, do đó tuyên bố “xù’ nợ của Vinashin  làm cho các vị như bị dội một gáo nước lạnh. Việc hạ thấp mức tín nhiệm chỉ là một hành động cay cú, còn việc bị lừa thì đã quá rõ. Rõ ràng đây là một khoản vay thương mại hai bên cùng có lợi của hai pháp nhân độc lập, đâu có điều khoản thế chấp nào ràng buộc đâu.
Bà Tư bán cơm , giới thiệu H , người bỏ mối gà làm sẵn cho bà mỗi ngày, được mua gối đầu gà của ông Hai “ gà”, một đại gia có mạng lưới thu mua và phân phối  gà sống giá sỉ. Khi đã lấy được tín nhiệm của ông Hai rồi thì một gối thành hai gối, ba gối, bốn gối…cuối cùng H tém gọn một phát rồi dông luôn. Ông Hai thưa bà Tư ra tòa , buộc bà phải liên đới chịu trách nhiệm vì chính có việc giới thiệu của bà ông mới bán chịu cho H. Bà Tư phản pháo lại là giới thiệu chỉ hoàn toàn là… giới thiệu, hai bên thuận mua vừa bán chứ bà có chia chác đồng lãi nào đâu, cũng đâu có cam kết trả nợ thay khi hợp đồng đổ bể. Cuối cùng toà xử cho bên bị thắng kiện, ông Hai chỉ còn có nước… hạ mức tín nhiệm của bà Tư xuống vài bậc, nhưng xem ra bà Tư cũng không hề hấn gì vì có ông Hai thì chợ cũng đông, không có ông Hai thì chợ cũng chả không bữa nào.
( 4-2011)