Monday, February 21, 2011

ÔNG SÁU MẬP

Lathiews

1.
Tui nói trước với mấy cô cậu, lỡ mà tụi tui có tới chậm một chút thì cũng phải chờ, chứ không được chi trả cho họ cắc nào nghe. Vắng mặt tui là không được á ! “Tụi tui” đây tức là bà mẹ và đứa con gái, còn “họ” tức là ông chồng và người con trai. Bốn người chia làm ba phe, không còn sống chung dưới một mái nhà, lòng tin cũng không còn. Hôm qua tất cả đã đồng ý với giá cả bồi thường và thỏa thuận hỗ trợ thêm của công ty, Sáng nay bộ phận kế toán làm thủ tục chuyển nhượng và đi ngân hàng rút tiền. Hẹn hai giờ chiều nay sẽ chi trả một lần toàn bộ số tiền, với sự có mặt đầy đủ của các thành viên trong gia đình và chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương. Vì không yên tâm nên bà mẹ và đứa con gái mới cất công đến gút lại lần nữa, với những lời lẽ không mấy thân thiện như vậy. Chỉ khi nghe được những lời cam đoan chắc nịch, bà mới yên tâm ra về. Khi ấy đã đến giờ nghĩ trưa nên bọn mình cũng nhanh chóng xếp dọn mọi thứ, khóa trái cửa phòng và bước xuống cầu thang. Ngay lúc đó một bóng người từ tầng trệt tất tả bước lên, nhảy từng hai bậc một, vừa thở vừa nói ngay khi nhận ra bọn mình: “Anh chị nhắn giùm với ông Giám Đốc, phải đủ bốn mặt một lời mới chi tiền nghe, thiếu một người cũng không được đó…”. Gương mặt anh thanh niên trông già trước tuổi vì dãi dầu mưa nắng, da thâm xám màu chì đặc trưng của dân xe ôm. Cũng giống như bà mẹ , khi đã nhận được lời trấn an thì anh mới chịu ra về .

Nhà đó đã xé làm ba phé từ lâu , thuật ngữ binh xập xám kêu là “xe đạp”, chỉ hơn mậu binh thôi. Tiền bồi thường tài sản được thoả thuận chia làm bốn phần bằng nhau, mỗi người một phần. Người con trai dự tính sẽ ẳm tiền về quê vợ ở Chơn Thành, tậu đất lập vườn. Người mẹ theo đứa con gái, thuê phòng trọ ở gần chợ Bình Phước từ lâu, gần nơi cô làm là Xí nghiệp đay Indira Gandhi. Chỉ còn lại người cha là ông Sáu, thường gọi là ông Sáu Mập, đang tá túc trong ngôi nhà cũ mái ngói vách ván nền gạch tàu xuống cấp trầm trọng chỉ chờ ngày tháo dỡ. Ông còn lưỡng lự chưa dứt khoát không biết nên về ở với bà vợ và con gái hay nên ở với con trai. Sự thật là dù ở với ai thì ông cũng sẽ thành một gánh nặng cho họ với chứng bệnh hen suyễn mãn tính nay yếu mai đau, mà dân gian hay gọi là đau rề rề, kéo dài năm này tháng nọ chớ không chết có phước như mấy người đứt mạch máu. Sở dĩ ông còn có giá trong mắt họ chỉ vì cái một phần tư kia, mà nếu ông quyết định theo về ở với người nào thì người đó sẽ được hưởng. Đó là nguyên cớ khiến bà vợ và người con trai của ông ăn ngủ không yên, phập phồng như mấy con bạc sắp tới giờ xổ đề.

2.
Văn phòng tạm của công ty đặt tại tầng hai của trụ sở Xã, chủ yếu trong thời kỳ bồi thường giải tỏa và hội họp tiếp xúc với dân, cần sự hổ trợ của chính quyền, nhất là bộ phận địa chính. Rất nhiều trường hợp, số tiền chi trả được gia đình thoả thuận phân chia tại chỗ dưới sự chứng kiến của đại diện Ủy Ban. Chiều nay cũng vậy, khi gia đình ông Sáu đã hoàn tất mọi thủ tục, ký tên lăn tay vào giấy chuyển nhượng, giao lại sổ đất cho công ty, nộp lại tiền thuế nông nghiệp mấy năm qua còn thiếu, ký nhận vào phiếu chi; thì cô thủ quỹ bắt đầu lôi mấy cọc tiền vuông vức còn thơm mùi mực, nguyên dấu niêm phong và dây nhợ bó chặt ra đặt lên bàn, chia làm bốn phần đều nhau. Từng người tiến đến, kiểm đếm cẩn thận và tự tay bỏ vào bao xốp màu đen do công ty chuẩn bị sẵn.

Đến lượt chót, phần của ông Sáu. Vị đại diện chính quyền lên tiếng trước, nhắc lại yêu cầu người nào được ông Sáu ủy quyền nhận phần của ông phải làm giấy cam kết cấp dưỡng nuôi ông suốt đời, không được bạc đãi. Ông đã đưa ra quyết định theo về sống với vợ và con gái. Người con trai lẳng lặng ra về trước, không một lời giã từ. Bà mẹ và cô con gái cũng ra về tiếp theo với cái bọc ba phần tư, sau khi có lời cảm ơn Công ty và Ủy Ban nhưng không cảm ơn ông Sáu. Ra về cuối cùng là ông Sáu, sau khi chắp tay chào khắp mọi người.

3.
Tin ông Sáu treo cổ tự vận gây xôn xao cả ấp, có người chê trách bà vợ quên nghĩa tào khang, có người chê ông ngu, có người chê hai con ông bất hiếu. Con trai ông từ Chơn Thành về làm đám cho ông tại ngôi nhà cũ, chỉ một ngày rồi đem hỏa táng bên Dĩ An, hủ cốt gởi luôn tại chùa. Còn bà vợ và đứa con gái biệt dạng. Không phải họ không tưởng đến ông, nghĩa tử là nghĩa tận mà, nhưng chắc họ sợ dư luận đàm tiếu chịu không nổi.

Mình đến thắp hương cho ông, mới hay sau ngày nhận tiền thì vợ con ông âm thầm đổi địa chỉ, không ai biết đi về đâu. Người con trai đã rút về quê vợ, bơ vơ không người chăm sóc ông mới sang tá túc bên nhà Bà Mười, là người em gái ruột nhưng chỉ được vài ba hôm, chịu không được sự lạnh nhạt của mọi người, ông quay về nhà cũ. Và ông đã nhờ đến sợi dây oan nghiệt để kết thúc cuộc đời…

Thực ra theo Luật Dân Sự thì cha mẹ có toàn quyền định đoạt tài sản, không nhất thiết phải chia cho con cái, nếu không ưng. Thậm chí chia cho con nuôi, bỏ con ruột cũng còn được. Trừ trường hợp con tật nguyền hay dưới trưởng thành thì luật buộc phải mặc nhiên chia cho một phần tối thiểu bằng hai phần ba một suất theo luật định. Rất ít người biết cái Luật này ./.

( 02 -2011)