Thursday, August 9, 2012

ĐẠI VỆ CHÍ DỊ TÂN BIÊN ( TT )

KIẾN HÀO

Nước Vệ, tháng tám mùa thu năm Nhâm Thìn đời Vệ Cẩm Vương, dân chúng ở Triều Ca  kinh đô nước Vệ bổng dưng xôn xao trước tin thủy binh Đại Tề vừa đổ bộ chiếm đóng toàn bộ hải đảo của các nước ở Đông Hải, kể cả một số đảo thuộc chủ quyền từ lâu của nước Vệ; đồng thời lập đồn ải kiên cố trên những hòn đảo đó nhằm âm mưu chiếm đóng lâu dài. Như vậy là tiếp theo sau những hành động gây hấn trước đó như cấm biển, đâm chìm tàu cá Vệ, bắt giam đánh đập ngư dân Vệ đòi tiền chuộc, thả chiến thuyền tuần tra, khiêu khích thủy binh Vệ … nay triều đình nước Tề ở Trung Nam Hải lại dấn thêm một bước mới trong âm mưu độc chiếm Đông hải, một là để diễu võ giương oai với chư hầu, hai là để yểm trợ ngư dân Tề đánh cá trộm, ba là để khống chế toàn bộ vùng trời vùng biển, bốn là khai thác tài nguyên khoáng sản trong lòng đại dương, năm là kiểm soát con đường biển huyết mạch từ nam lên bắc của thương thuyền các nước. Chưa hết, Tề vương còn lệnh cho thành lập quận mới gọi là Tam Sa, cử thái thú đến cai trị để áp đặt chủ quyền lên các đảo mới chiếm đóng.

Vệ là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất đối với những hành động hung hăng của nước Tề nhưng không phải là nước phản ứng gay gắt nhất. Trước những thông tin dồn dập trên, triều đình nước Vệ mà đứng đầu là Vệ vương giữ thái độ hết sức khoan thai, hòa hoãn: chỉ ra một bố cáo khẳng định lại nước Vệ có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử không thể chối cãi về chủ quyền trên những hòn đảo ở Đông hải, không một lời trách móc hay lên án nước Tề xâm lược. Đồng thời nêu lên lập trường ba điểm của Vệ Vương: Một là phải kiên quyết bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của Vệ quốc, một tấc đất của tổ tiên cũng không được nhượng bộ ; hai là bằng mọi giá phải bảo vệ chế độ đương triều của Vệ Vương; ba là trong nước phải đẩy mạnh tuyên truyền ý thức chủ quyền biển đảo cho dân chúng, ngoài thì liên kết ngoại giao với các nước để lập bộ luật quy tắc ứng xử trên Đông Hải, bảo vệ nền hòa bình trên toàn cõi Trung thổ hiện nay, tránh cảnh núi xương sông máu cho lê dân bá tánh.

Các quan chốn kinh kỳ nhận được chiếu chỉ của Vệ vương, đọc xong hết sức hoang mang bối rối vì lập trường ba điểm của Vệ vương đá nhau chan chát, nếu tuân theo điểm này thì vô tình lại thành ra đi ngược lại tinh thần của điểm kia; rốt lại các quan tự suy diễn ý vua theo lập luận của mỗi người, loạn xị nháo nhào cả lên. Đầu tiên là lời kêu gọi xuống đường tuần hành chống Tề xâm lược do các sỹ phu yêu nước và lão công thần đề xướng, để hưởng ứng lập trường kiên quyết bảo vệ lãnh thổ của Vệ vương. Ý tưởng này chưa kịp thực hiện thì lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt của vị quan Thượng thư Bộ Binh, người này nguyên là con của khai quốc công thần Mỗ… thời tiên đế, nhờ tập ấm chức của bố mà đường hoạn lộ thênh thang. Mới năm ngoái đi sứ ở Tề quốc có những lời vuốt ve nịnh bợ thiên triều làm nhục quốc thể nhưng khi về nước không những không bị cách chức mà còn được Vệ vương khen thưởng.

- Các ông chỉ biết một mà không biết hai, chỉ thấy cái trước mắt mà không có cái nhìn toàn cục.Bọn người kêu gọi tuần hành chống Tề kia có thương yêu gì dân Vệ nước Vệ, chẳng qua là một lũ bất mãn thừa gió bẻ măng, lợi dụng chiêu bài chống Tề để kích động tinh thần tự tôn dân tộc làm rối an ninh trật tự và giãm sút lòng tin của dân chúng đối với triều đình ta, tiếp tay cho bọn phản loạn phá hoại khối đoàn kết thống nhất toàn dân. Chẳng phải Vệ vương ta có nói bằng mọi giá phải bảo vệ chế độ đương triều, các ông là những người ăn lộc của triều đình, lẽ nào không biết nước mất nhà tan, nếu chế độ này sụp đổ thì các ngươi cùng gia đình vợ con sẽ không có tấc đất để đặt chân, nói gì đến bảo toàn gia sản và giữ gìn mồ mả tổ tiên. Việc chống Tề triều đình đã có kế sách, từ nay kẻ nào còn dám mạnh miệng kêu gọi tuần hành sẽ bị quy tội tay sai ngoại bang, âm mưu gây rối, bắt giam vô thời hạn ngay, không cần xét xử. 

Lời nói vừa hăm dọa vừa vỗ về của quan Thượng thư không làm yên lòng tất cả, nên có vị quan ở Ngự sử Đài chuyên nghề đàn hặc mới lên tiếng :

-Luật nào cũng không bằng luật kẻ mạnh, liên kết ngoại giao phải trên thế mạnh của nội lực trong nước, nếu sự phản đối của Vệ chỉ dừng lại ở mức độ cực lực lên án, lặp đi lặp lại khẳng định chủ quyền, cơ sở pháp lý thì có khác gì tòa án chuột xét xử tội con mèo, như lời Tề vương đã tự ví : mèo nào cũng là mèo miễn là bắt được chuột. Nếu mai kia Tề được nước lấn thêm một bước như xua thủy quân phong tỏa bờ biển của Vệ hay kiểm tra giấy phép đánh bắt cá, thu phí ngư nghiệp tàu cá các nước v.v. .thì chúng ta lại cứ ngồi yên mà cực lực lên án nữa hay sao ?

Lại có một vị quan khác, nói :

            -Năm ngoái thì cấm biển, đâm chìm tàu, bắt ngư dân Vệ đòi tiền chuộc, xua thủy binh ra tập trận giương oai; năm nay lại phân lô đấu thầu khai thác tài nguyên trên vùng biển Vệ, đổ quân xây căn cứ địa trên các đảo hòng chiếm đóng lâu dài , lại hăm đưa đại soái hạm tuần tra thường trực Đông hải như thú dữ phun nước tiểu đánh dấu lãnh địa. Rõ ràng âm mưu của Tề là từng bước lấn tới, biến không thành có, biến vùng biển không tranh chấp thành vùng có tranh chấp để đòi chia phần. Như vậy mà triều đình ta còn coi Tề là đối tác chiến lược , hợp tác toàn diện trên cơ sở phương châm “16 chữ vàng” và tinh thần “4 tốt” sao ?

Đến đây thì xuất hiện một kẻ trán vồ môi mỏng, phương phi béo tốt như được tẩm bổ thường xuyên bằng sâm phương bắc, nhìn kỷ thì ra nguyên là sứ thần nước Vệ  tại kinh đô Lâm Truy nước Tề mới về nước, tiến lên nói :

-Yêu nước cũng có năm bảy đường yêu nước. Không hẳn cứ phải cầm binh khí mặc giáp dày xông ra trận tiền đương đầu với giặc mới là giỏi. Người làm tướng phải biết sở trường sở đoản của ta và địch. Chẳng phải Vệ vương ta có nói phải kiên trì đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, làm cho các nước thấy rõ đâu là chính nghĩa, đâu là những bất đồng cần phải giải quyết hay sao. Đường lối đối ngoại của Vệ vương ta là nhất quán và kiên định trong việc giải quyết những vấn đề trên biển Đông hải thông qua biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất định không manh động làm phức tạp thêm tình hình. Nếu muốn tỏ lòng yêu nước thì xin các vị hãy ra sức làm tốt công việc của mình đi đã. Xin đừng cầm đèn chạy trước xe trâu như thế.

Các quan nhìn nhau ngao ngán thở dài, rồi không ai bảo ai lần lượt lui ra khỏi sân triều, lên kiệu nhà ai nấy về. Hay chuyện, vị ẩn sỹ đất Triều Ca mới ngữa mặt lên trời cười ba tiếng, khóc ba tiếng mà nói rằng :

- Than ôi, nước xa không cứu được lửa gần, lời nói phải không ngăn được súng đạn, bằng chứng lịch sử không cản được lòng tham bá quyền nước lớn, luật pháp quốc tế có nghĩa lý gì với kẻ võ biền cậy mạnh. Hòa bình chỉ đạt được khi hai hoặc ba bên có thiện chí ngồi lại thương lượng, còn nếu có một kẻ ỷ vào sức mạnh mà tùy tiện hành động bất chấp lẽ phải trái thì lời nói dù có đủ lý lẽ tới đâu cũng chỉ là nước đổ đầu vịt, đờn khảy tai trâu mà thôi. Kìa trông, nay giặc đã vào sân nhà mà còn mong phân trần phải quấy, kẻ cướp đã tay xách nách mang mà còn mong phân định chủ quyền, thằng ăn trộm đã ra khỏi cửa còn định vác đơn đi kiện. Trong lúc triều đình Vệ lải nhải lặp đi lặp lại lời hô hào đấu tranh hòa bình thì lũ giặc biển nhung nhúc ngoài kia tha hồ tự tung tự tác, chỉ tội cho ngư dân Vệ trong tay không tấc sắt nay phải rời bỏ ngư trường truyền thống lên bờ mưu sinh, chờ vua quan Vệ dùng lẽ phải thuyết phục bọn kẻ cướp trả lại những gì đã lấy (!). Kỳ thực mọi việc đều đã có sự sắp xếp trước giữa triều đình hai nước, những lời hô hào bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của Vệ vương và đám cận thần chẳng qua chỉ là hình thức bề ngoài để lấp liếm sự hèn yếu của mình, xoa dịu sự phẫn uất của quần chúng và né tránh trách nhiệm mang danh tội đồ bán nước trong lịch sử dân tộc sau này mà thôi. Than ôi, xưa nay sự việc ở đời cứ trôi đi như sóng nước Trường Giang, lớp sau đè lớp trước, hết phế tới hưng có chi lạ…