Tuesday, August 28, 2012

MẠC TRIỀU : NGÀN NĂM CÔNG TỘI

KIẾN HÀO

  
Sử chủ yếu là để ghi chép sự việc, có chính trị của một đời, hẳn nhiên phải có Sử của một đời. Ngọn bút chép sử bao giờ cũng giữ nghị luận rất nghiêm : ca ngợi thời thịnh trị thì sáng tỏ chẳng kém mặt trời, mặt trăng; lên án lũ loạn tặc thì gay gắt không thua sương thu giá buốt; người thiện có thể theo đó mà bắt chước; kẻ ác có thể biết mà tự răn, quan hệ đến chính trị quả là nhiều lắm.
(Trích Bài tựa của sách Đại Việt Sử ký toàn thư
-Ngoại kỷ. Quyển thủ, tờ 1)

DẪN TRUYỆN :

Trấn Hải Dương vốn là đất phát tích của nhà Mạc. Còn Thanh Hoa là đất thang mộc của Lê triều. Thời kỳ Nam - Bắc phân tranh ( 1533 – 1592 ), từ Ninh Bình trở ra thuộc họ Mạc, từ Thanh Hóa trở vào thuộc Lê – Trịnh. Cuộc nội chiến kéo dài đã tiêu hao biết bao sinh mạng, của cải khiến nền kinh tế kiệt quệ, vườn ruộng tiêu điều, đời sống nhân dân hai miền hết sức cơ cực. Dù triều Mạc đã lui vào dĩ vãng, chôn vùi dưới bao lớp sóng phế hưng, nhưng có lẽ nỗi niềm của con cháu vẫn còn vương vấn bao thế hệ. Hai cuộc hội thảo về nhà Mạc tại Hải Phòng năm 1994 và tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long 2010 có nhiều ý kiến mới mẻ, khác hẳn quan điểm của sử gia thời Lê, Nguyễn hay ngay cả giới sử học hai miền Nam Bắc hậu bán thế kỷ 20. Thường thường nếu muốn tìm sự đồng thuận để thay đổi một quan điểm chung đã định hình là hết sức khó; trừ khi những lý lẽ phản biện phải rất thuyết phục, khách quan, khoa học và hợp lý; còn nếu chỉ lượm lặt cóp nhặt từ trong sử cũ những sự kiện riêng lẽ không điển hình, gán ghép một cách khiêm cưỡng theo ý kiến chủ quan thì khó mà nhận được sự đồng tình của mọi người. Huống chi việc viết lại giáo trình lịch sử hay sách giáo khoa cho hàng triệu học sinh các thế hệ con cháu đời sau học hỏi là một việc hết sức hệ trọng; không nên vì phục vụ cho quan điểm chính trị ngoại giao đương thời hoặc cục bộ địa phương mà uốn cong ngòi bút, làm vẫn đục cả bức tranh lịch sử dân tộc. Ngày 22 tháng 8 âm lịch hàng năm là ngày giỗ của Lê Thái Tổ ( Lê Lợi ), người khai sáng ra triều Hậu Lê, nhưng ít người biết đó cũng là ngày mất của Mạc Thái Tổ ( Mạc Đăng Dung ),  kẻ cướp ngôi vua Lê lập nên nhà Mạc. Lễ giỗ ở Cổ Trai-Kiến Thụy-Hải Phòng chắc là không hoành tráng bằng ở Xuân Lam-Thọ Xuân-Thanh Hóa, nhưng đối với người đã khuất, vật chất ở cõi tạm dù quý giá đến đâu cũng chỉ là hư ảo. Nhân dịp này, kẻ hậu sinh xin mạo muội  góp nhặt ít lời, không dám có tham vọng làm “ tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời” nhưng cũng mong giúp các bậc thức giả trong giới Sử học trong ngoài nước có được câu chuyện mua vui quanh chén trà chung rượu.       


 1

Cường thần lộng quyền, hãm hại trung thần, soán ngôi giết vua :

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư, tờ 69b quyển XV chép : “ Đăng Dung người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, hồi nhỏ làm nghề đánh cá, lớn lên có sức khỏe, thi đỗ lực sĩ xuất thân. Đời Hồng Thuận, được thăng làm Đô chỉ huy sứ, Vũ Xuyên bá, làm quan trải hai triều. Đời Thống Nguyên làm đến thái sư Nhân quốc công, sau được phong là An Hưng Vương. Ngầm kết bè đảng, trong ngoài hợp mưu, lòng người quy phụ, rồi  làm việc cướp ngôi, giết vua, làm giả tờ chiếu nhường ngôi mà lên ngôi thực.” [1]

Việt Nam Sử lược viết : “…Mạc Đăng Dung bấy giờ quyền thế hống hách, ra vào cung cấm tiếm dụng nghi vệ thiên tử. Các quan ai có vì nhà vua mà can gián điều gì, thì Đăng Dung tìm cách giết đi…Vua Chiêu Tông thấy vậy, mới mưu ngầm với bọn nội thần là Phạm Hiến và Phạm Thứ để đánh Mạc Đăng Dung, lại cho người vời Trịnh Tuy đem binh ra làm ngoại ứng…Năm Giáp Thân 1524, Mạc Đăng Dung đem quân vào đánh Thanh Hóa, Trịnh Tuy thua trận rồi chết, vua Chiêu Tông bị bắt đem về Đông Hà ( Thọ Xương ) rồi bị giết đi…Năm 1527, Mạc Đăng Dung bắt các quan thảo bài chiếu nhường ngôi rồi lên làm vua. Lê Cung Hoàng và bà Hoàng Thái Hậu đều bị Đăng Dung giết cả ”. [2]

Khâm định Việt sử thông giám cương mục ( chính biên, quyển 27,tờ 3 ) viết : “ Khi ấy, Đăng Dung chuyên quyền chinh phạt, uy thế ngày càng lớn, lòng người hướng dần về Đăng Dung. Kẻ thân tín của Đăng Dung là Phạm Gia Mô cùng phe đảng chia nhau nắm giữ quyền bính trong triều. Hữu đô đốc là Vũ Hộ ( em rể Đăng Dung) làm Tổng trấn Sơn Tây, hai đàng cùng ngầm trao tin tức cho nhau. Bà con và bè đảng Đăng Dung đâu đâu cũng có, cấu kết mật thiết với nhau. Bọn quan Thượng thư như Trình Chí Sâm,Nguyễn Ung cũng hùa theo. Đăng Dung tiến vua một người con gái nuôi của mình, được vua cho làm tần ngự trong cung. Người này theo dõi mọi động tỉnh của nhà vua. Đăng Dung lại cho em là Quyết  coi quân túc vệ và con trai là Đăng Doanh giữ điện Kim Quang. Đăng Dung còn tiếm dùng thuyền rồng và lộng phượng, ra vào cung cấm không chút dè sợ gì cả. Những người tâm phúc của nhà vua như Thị Vệ Nguyễn Cấu, Đô lực sĩ Nguyễn Thọ, Đàm Cử… đều bị Đăng Doanh giết hết”. [3]

Cũng sách trên, chép : “ Bính Tuất, năm thứ 11 (1526), tháng 12, mùa Đông, Đăng Dung mật sai đồ đảng là Lại Kim Bảng giết nhà vua ở phường Đông Hà, đem về táng tại lăng Vĩnh Hưng ở Thanh Đàm ( nay là Thanh Trì thuộc Hà Nội - NV). Nhà vua ở ngôi 11 năm, thọ 26 tuổi”.

Đăng Bính, Sử gia thời Lê trung hưng, nặng lời phê phán: “  Lúc bấy giờ, kẻ quyền gian thế lớn, bọn thần hạ khác lòng, thiên tử bị cô lập ở trên, cả triều không một ai có thể ủy thác được, muốn không sụp đổ, có thể được không ? Rốt cuộc xảy ra mối họa cho Quang Thiệu, Thống Nguyên, bức hiếp lòng người, dối vua đến gò hoang, cướp lấy thiên hạ của triều Lê, tiếm xưng vị hiệu, vào ở nhà vàng, đủ vành xảo quyệt. Lấy một xó đất Hải Dương gọi là Dương Kinh, tự tiện phế bỏ lăng tẩm của Lê triều, chém giết con cháu các công thần đời trước. Xét những việc làm của nó, không khác gì Tào Tháo. Đáng đau xót biết chừng nào!”. [4]

Theo Việt Nam Sử lược, các cựu thần nhà Lê tuẫn tiết có Vũ Duệ, Ngô Hoán, Đô ngự sử Nguyễn Văn Vận, Hàn lâm hiệu úy Nguyễn Thái Bạt, Lễ Bộ thượng thư Lê Tuấn Mậu, Lại bộ thượng thư Đàm Thận Huy, Tham chính sứ Nguyễn Duy Tường, Quan sát sứ Nguyễn Tự Cường, Bình Hồ bá Nghiêm Bá Kỳ, Đô ngự sử Lại Kim Bảng, Hộ bộ thượng thư Nguyễn Thiệu Tri, Phó Đô ngự sử Nguyễ Hữu Nghiêm, Lễ Bộ Tả thị lang Lê Vô Cương . “… người thì nhổ vào mặt Mạc Đăng Dung, hay là lấy nghiên mực đập vào mặt, hay chưởi mắng, bị Đăng Dung giết đi. Có người thì theo vua không kịp, nhảy xuống sông mà chết, người thì quay đầu về Lam Sơn lạy rồi tự tử. Những người ấy đều là người có nghĩa khí để tiếng thơm về sau”.
  
Nộp nước đầu hàng, cắt đất dâng giặc, nhận quan tước của giặc, chịu lệ tuế cống:

Đại Việt Sử ký toàn thư, tờ 1b quyển XVI, chép : “ …Nhà Minh nghe tin Mạc Đăng Dung cướp ngôi, đặt quan lại ngụy, chiếm giữ kinh thành, ngăn trở đường tiến cống, tự tiện làm bài Đại cáo, tiếm xưng là thượng hoàng, tội trạng đã rõ, bèn sai Hàm Ninh hầu Cừu Loan làm tổng đốc quân vụ, Binh Bộ thượng thư Mao bá Ôn làm tham tán quân vụ, đem quân sang hỏi đánh…” [5]

Việt Nam Sử lược ghi : “ …Năm Đinh Dậu ( 1537) vua nhà Minh bèn sai Cừu Loan làm Đô Đốc, Mao Bá Ôn làm Tán lý quân vụ, đem quân sang đóng gần cửa Nam Quan  rồi truyền hịch đi các nơi , hễ ai bắt được cha con Mạc Đăng Dung thì thưởng cho quan tước và hai vạn bạc. Lại sai người đưa thư sang cho Mạc Đăng Dung bảo phải đưa sổ ruộng đất nhân dân sang nộp và chịu tội, thì được tha cho tội chết [6]

Thực ra khi đó nhà Minh cũng đang chịu rất nhiều sức ép bất ổn ở phía Bắc do các cuộc khởi nghĩa nông dân và sự quấy rối của quân Mông Cổ ; nhất là bọn giặc cướp vùng ven biển ( Nụy khấu ) người Nhật quấy rối suốt một dãi Giang Tô, Phúc Kiến, Quảng Đông… mà quân triều đình không sao dập tắt được. Do đó chính sách của nhà Minh là chỉ hư trương thanh thế cho họ Mạc khiếp oai chứ không thực tâm phát động cuộc chiến, mục đích làm cho họ Mạc thần phục thiên triều và âm mưu chia cắt làm suy yếu Đại Việt. Mạc Đăng Dung không nắm bắt được chủ trương này, lại sợ lặp lại tấm gương của họ Hồ ngày trước, nên chọn giải pháp đầu hàng giặc ngoài để rảnh tay đối phó với thù trong.

Đại Việt Sử ký Toàn thư , tờ 3a,3b quyển XVI chép : “…Mùa Đông, tháng 11 ( 1540), Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn Nguyễn Như Quế, Đỗ Chế Khanh, Đặng Văn Tri, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi Trí Vĩnh, qua Trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước buộc dây ở cổ, đi chân không đến phủ phục trước mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước để chờ phân xử, dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. Lại xin ban chính sóc, cho ấn chương, để kính cẩn coi giữ việc nước và chờ lệnh thay đổi hay quyết định khác. Lại sai bọn Văn Minh, Nguyễn văn Thái, Hứa Tam Tỉnh mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh” [7].

 Năm 1541, vua Minh bãi binh, phong cho Mạc Đăng Dung làm An Nam Đô thống sứ ty đô thống sứ [7b], xóa bỏ quốc hiệu Đại Việt, ban ấn bạc, nhập đất đai nội thuộc vào Trung Quốc như nhà Hán nhà Đường; văn bản giấy tờ dùng lịch Đại Thống nhà Minh, truy thu cống phẩm còn thiếu và định lệ tuế cống hàng năm.

Phát động nội chiến , nồi da xáo thịt, kinh tế suy kiệt, nhân tâm ly tán:

Ngay khi đã nhận được chức tước của nhà Minh, đưa đất nước trở thành quận huyện phiên thuộc phương bắc, họ Mạc ( Mạc Phúc Hải ) bắt đầu lao vào cuộc chiến với Lê – Trịnh ở Thanh Hóa, một cuộc chiến bất phân thắng bại kéo dài mấy mươi năm trời làm tốn hao không biết bao nhiêu sinh linh vô tội, chỉ để củng cố ngai vàng dòng họ. Bãi chiến trường khi thì trong vùng Thanh Nghệ, khi thì ở Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương… dù cho phần thắng có thuộc về bên nào thì núi xương sông máu kia cũng chỉ có chung một nạn nhân là người dân Việt. Vườn ruộng tiêu điều, kinh tế kiệt quệ, nhân tâm ly tán, vận nước suy vong cũng chỉ để thỏa mãn tham vọng của một số ít người.

Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam : “ Từ 1570-1583, nhà Mạc 13 lần tấn công vào vùng Thanh Nghệ. Riêng trận tấn công năm 1570, nhà Mạc huy động  đến 10 vạn quân và 700 chiến thuyền. Cuộc chiến tranh đã  biến vùng biển từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa thành chiến trường, khiến có lúc ở đây già trẻ bồng bế nhau chạy tan tác , kêu khóc đầy đường, chết đói rất nhiều ... Sau khi củng cố lực lượng, từ năm 1583 đến 1592, hầu như không có năm nào quân Trịnh không tấn công ra Bắc và có khi tấn công liên tiếp hai lần trong một năm… chiến tranh không chỉ gây bao cảnh đau thương, chết chóc mà còn phá hoại mùa màng, gây nên những trận đói năm 1557, 1559, 1570, 1571, 1572, 1577 v.v…”. [8]

Việt Sử giai thoại : “ Trịnh Tùng dùng quân ít mà đại thắng Bắc triều quân đông, thế cũng đáng gọi là có tài. Chỉ tiếc là Bắc triều hay Nam triều thì cũng là dòng dõi con Hồng cháu Lạc, nào có vẽ vang gì chuyện nồi da nấu thịt này đâu. Đoạn sử này nhòe nhoẹt, hình như khi viết đến đây, sử gia xưa đã phải rầu rĩ, bất đắc dĩ mà gật đầu khen tài, để mặc cho dòng nước mắt nặng lòng thương đời chảy mãi”.[9]

Phê phán của hậu thế :

Hành động đầu hàng nhục nhã của Mạc Đăng Dung là một vết nhơ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử xếp Mạc Đăng Dung vào hàng nghịch thần, hoặc Phan Huy Chú trong Lịch triều Hiến chương loại chí xem nhà Mạc như một dị biệt. Phan Bội Châu trong Việt Nam Quốc sử khảo cũng lên án Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lấy đất đai, nhân dân dâng lên nhà Minh là tội đáng chém. Quyển “ Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng liệt nhà Mạc vào hạng triều đại tiếm nghịch, thí vua tiếm ngôi, không được kể là chính thống , nên gọi là ngụy triều, chức quan gọi là ngụy quan hoặc ngụy chức.

Nặng lời phê phán nhất là sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử lược : “ …Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ. Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục ? Cho nên dẫu có lấy được giang sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cái cơ nghiệp dựng lên bởi sự gian ác hèn hạ như thế, thì không bao giờ bền chặt được. Cũng vì cớ ấy cho nên con cháu họ Lê mới trung hưng lên được”[10].

Sách Lịch sử Việt Nam, tập 1 của Ủy ban KH-XH Hà Nội xuất bản năm 1971, tái bản năm 1976 đã ghi như sau : “…Họ Mạc còn dựa vào thế lực của ngoại bang, đầu hàng , thỏa hiệp với nhà Minh để hòng đổi lấy sự “ ủng hộ” của nước ngoài. Độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và thanh danh của đất nước, đó là những điều thiêng liêng đối với người Việt Nam từ ngàn xưa, nay bị xúc phạm vì sự bất lực và hèn nhát của tập đoàn thống trị họ Mạc.”[11]

Kiến Hào lạm bàn : Như vậy, cho tới hậu bán thế kỷ 20, giới Sử gia hai miền Nam Bắc dù khác quan điểm chính trị nhưng vẫn cùng chung một nhận xét đánh giá về Mạc Đăng Dung , xác định đó là nhân vật lịch sử đã nộp nước đầu hàng vì khiếp sợ thế lực phương Bắc, kẻ đã đem dâng đất đai cho giặc để củng cố ngai vàng, kẻ đã cố chịu nhục để giữ cho được ngai vàng họ Mạc bằng bất cứ giá nào chứ không phải hy sinh chịu nhục vì nước vì dân gì cả. Sách giáo khoa lịch sử hai miền nam bắc đều thống nhất Mạc Đăng Dung là kẻ giết vua cướp ngôi gây ra họa nội chiến nồi da xáo thịt làm suy yếu sức mạnh Đại Việt, tội nặng nhất là cắt đất dâng giặc đến nay vẫn chưa đòi lại được ( trong lúc ấy các chúa Nguyễn đã mở cõi đến Phú Yên ). Nếu gọi sử là tấm gương sáng soi rọi hành vi tiền nhân, người viết sử phải giữ lòng trung trinh khách quan để hậu thế nhìn vào đó mà  noi theo hoặc xa lánh thì những ghi chép về trường hợp Mạc Đăng Dung nói riêng và dòng họ Mạc nói chung, toàn bộ các nhà viết sử Đại Việt -Việt Nam hơn 500 năm qua đều không có dị biệt.  
  
 2
  
Tuy nhiên đến những năm cuối của thế kỷ 20, bắt đầu xuất hiện những nổ lực nhằm “minh oan” cho Mạc Đăng Dung và chế độ nhà Mạc của các sử gia Việt Nam XHCN mà đứng đầu là Phan Huy Lê (Viện khoa học Lịch sử & Hội Sử học VN) và Hội Sử học Hải Phòng , qua việc liên kết tổ chức các cuộc “hội thảo khoa học về vương triều Mạc ” [12]. Nếu việc “trăn trở” của các thế hệ con cháu nhà Mạc còn có thể hiểu được ( cùng với việc trùng tu những di tích nhà Mạc thời gian gần đây) thì quan điểm của các quan Thái sử thời nay là hết sức nguy hiểm vì nó cổ võ cho  tư tưởng thần phục nước lớn, chấp nhận những nhượng bộ thiệt hại về đất đai, chủ quyền dưới chiêu bài “ giữ vững ổn định, tránh chiến tranh”, thực chất là hy sinh quyền lợi dân tộc để bảo toàn lợi ích phe đảng.

Triều Mạc ra đời là một tất yếu lịch sử, thuận lòng dân (?)

Những ý kiến ủng hộ cho quan điểm này dựa vào những ghi chép của chính sử cuối thời Lê sơ : Chiêu Tông là một ông vua hiếu sát, đa nghi, thích nghe lời xu nịnh,không biết dùng người, quan lại thì kéo bè kéo cánh giết hại lẫn nhau, tôn ti trật tự đảo lộn, xã hội đảo điên. Nhưng có phải lòng người hướng về họ Mạc hay không ? Hãy xem lại những đoạn ghi chép trong Khâm ĐịnhViệt sử Thông giám cương mục :
“Đăng Dung từ Cổ Trai vào ở thành Thăng Long, đặt Hải Dương làm Dương Kinh, lập miếu và cung điện ở xã Cổ Trai. Từ tổ là Mạc Đĩnh Chi đến cha là Hịch gồm 7 đời đều truy tôn làm đế và hậu. Lập con là Đăng Doanh làm thái tử, phong em trai là Quyết làm Tín vương, em trai là Đốc làm Từ vương, em gái là Ngọc Huệ làm công chúa... Lại phong em rễ là Vũ Hộ làm Tĩnh quốc công, cho lấy theo họ Mạc; phong hoạn quan Nguyễn Thế Ân làm Lỵ quốc công. Bấy giờ trong kinh đô và ngoài các lộ thẩy đều hoang mang. Đăng Dung sợ lòng người tưởng nhớ nhà Lê cũ, sinh ra biến cố, nên phàm mọi việc đều noi theo chế độ triều Lê, vỗ về một cách giả tạo để trấn áp lòng người; nào sửa chữa đền miếu nhà Lê cũ, cúng tế theo tuần tiết bốn mùa, nào truy phong thêm cho các bầy tôi tiết nghĩa nhà Lê như bọn Vũ Duệ và Đàm Thận Huy... Đăng Dung lại cầu tìm con cháu các công thần, bề ngoài tỏ ý lục dụng để vỗ về họ. Nhưng con cháu các nhà công thần ấy hoặc trốn tránh vào rừng núi, hoặc giấu tên ẩn họ, không ra làm quan, hoặc tụ họp làm giặc cướp, hoặc trốn đi ngoại quốc để lánh nạn ” [13].

“ Kỷ Sửu (1529), bầy tôi cũ nhà Lê là Trịnh Ngung, Trịnh Ngang chạy sang tố cáo với nhà Minh về việc Đăng Dung tiếm ngôi, và xin nhà Minh dấy quân hỏi tội. Đăng Dung hối lộ bầy tôi nơi biên giới nhà Minh để ỉm chuyện đi. Do đấy công việc không xong, hai người đều chết ở nhà Minh”. [14]

Việt Nam sử lược : “ …vận nhà Lê phải lúc trung suy, nhưng công đức vua Lê Thái Tổ và vua Thánh Tông làm cho lòng người không quên nhà Lê, cho nên dầu nhà Mạc có cướp ngôi cũng không được lâu bền, và về sau họ Trịnh tuy có chuyên quyền nhưng cũng chỉ giữ ngôi chúa, chứ không dám cướp ngôi vua ” [15].

Kiến Hào lạm bàn : Nếu là “việc làm chính danh” thì lòng người theo về , nếu là “tất yếu lịch sử”  thì không cần bưng bít, nếu là “xu thế tiến bộ” thì không có phản kháng. Cả ba điều, Mạc Đăng Dung đều không có. Than ôi, ngày nay lại có người muốn dùng tay mà che lấp ánh sáng mặt trời chăng ?


Đầu hàng nộp đất để tránh ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền (?)


Trong bản tổng kết hội thảo khoa học về vương triều Mạc tại Kiến Thụy Hải Phòng ( 1994), Phan Huy Lê  đã nêu ra một ý mới : “ Đánh giá xung quanh vấn đề này có những ý kiến khác nhau, nhất là chính sách đối ngoại của nhà Mạc đối với nhà Minh. Nhưng cuối cùng đã đi đến thống nhất : phải đặt nhà Mạc trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nhà Mạc phải đối phó với nhiều thế lực phong kiến. Đòi hỏi phải có nhiều sách lược mềm mỏng. Sách lược đó là tránh chiến tranh bảo vệ chủ quyền của mình. Việc dâng đất nhà Minh ( 1528): Nhà Mạc cắt 4 động thuộc hai châu cho nhà Minh điều đó là có thật. Vì đất đó thực chất là của nhà Minh. Về phương diện nào đó nhà Minh đòi hỏi , nhà Mạc phải trả lại. Và cũng về mặt nào đó, nhà Mạc phải trả lại cho nhà Minh. Tuy nhiên việc làm này không thể chấp nhận được. Vì đó là nguyên tắc trong mối quan hệ bang giao. Nên dù sao trong chính sách đối với nhà Minh, nhà Mạc còn một số hạn chế ”.[16]

Lối nói đẩy đưa nước đôi của Phan Huy Lê khiến người đọc có thể hiểu nhầm việc cắt đất dâng nhà Minh của Mạc Đăng Dung không phải là phản quốc, vì đất đó là của nhà Minh nay Đăng Dung trả lại cho nhà Minh. Sự thực ra sao ? Đại Việt sử ký toàn thư thời Lê ghi Đăng Dung nộp 6 động : Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương , La Phù. Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mụcViệt Nam sử lược triều Nguyễn đều ghi Đăng Dung nộp 5 động, không có động An Lương. : cương mục dẫn Quảng Yên sách cho rằng động An Lương là phố An Lương thuộc châu Vạn Ninh nước ta, sau đổi thành phủ Hải Ninh.

Vùng đất biên viễn ấy , nguyên khi xưa thời Lê sơ , động trưởng các động tự nguyện xin phụ thuộc vào nước ta . Nhà Lê nhập các đất ấy vào châu Vạn Ninh. Như vậy, đất ấy đã nội thuộc nước ta đến thời Mạc gần 100 năm rồi, nhất là bằng con đường hòa nhập chứ không phải bằng bạo lực xâm lược, không hiểu Phan Huy Lê dựa vào đâu để gọi là của nhà Minh ? Nếu đất ấy là của nhà Minh thì việc vua Quang Trung đòi nhà Thanh trả lại đất Lưỡng Quảng là sai sao ? Và miền Nam đúng là đất của Campuchia như hoàng thân Sihanouk đòi chăng ?

Sự thật, gọi việc dâng đất cho giặc của Mạc Đăng Dung là “tránh chiến tranh bảo vệ chủ quyền” là một lối nói xảo ngôn, ngụy ngữ, là lập luận hết sức nguy hiểm của những kẻ có tinh thần chủ bại, chưa đánh đã hàng , khiếp hãi nước lớn, cam tâm làm nô lệ cho giặc, tay sai cho ngoại bang ; đi ngược lại truyền thống bốn ngàn năm giữ nước và dựng nước của ông cha. Sách lược ấy, tư tưởng ấy chỉ khuyến khích lớp hậu sinh trở nên hèn yếu , nhu nhược; chấp nhận cho kẻ thù lấn cướp mà không dám lên án và bảo vệ chủ quyền đất nước. Đó chính là lời ngụy biện của Trần Ích Tắc, kẻ đã đầu hàng và nhận tước An nam quốc vương của giặc Nguyên: “ để tránh cảnh can qua, núi xương sông máu cho dân tộc ”. Đó cũng là chủ trương của Lê Chiêu Thống khi rước voi về dày mả tổ. Nếu tư tưởng chủ bại, hèn nhát này quán xuyến suốt chiều dài lịch sử thì làm sao dân Việt ta có được những vị anh hùng dân tộc như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ hay gương trung trinh lẫm liệt của Nguyễn Biểu, Trần Bình Trọng…

Cũng có tác giả như Phạm Văn Sơn trong Việt sử tân biên so sánh việc nộp đất của Đăng Dung với việc cắt nhượng tô giới cho các nước phương Tây của nhà Thanh mà cho rằng đó là hành động khôn khéo để bãi một cuộc binh đao tai hại, “gây chết chóc muôn vàn sinh mạng”. Ở đây có một sự lầm lẫn, hoặc tác giả Việt Sử tân biên cố tình đánh đồng hai khái niệm khác nhau, bởi “nộp đất” nghĩa là trao trọn chủ quyền đất đai vĩnh viễn cho giặc, còn “cắt nhượng tô giới” là một thỏa hiệp có hạn chế về không gian và thời gian, chủ yếu khai thác về mặt kinh tế, thương mại ; về một mặt nào đó bên cắt nhượng vẫn còn chủ quyền trên đất đó. 

Lê Thánh Tôn, một vị vua anh minh của Đại Việt ( 1460-1497) đã từng có câu mệnh lệnh nổi tiếng : “ Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ ?...kẻ nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”. [17]  

Kiến Hào lạm bàn : Quỳ gối đầu hàng giặc gọi là sách lược mềm mỏng, cắt đất dâng giặc gọi là tránh chiến tranh bảo vệ chủ quyền, nộp cống xưng thần gọi là chịu nhục vì dân vì nước. Sao mà giống với luận điệu của Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống đến thế. Sự thật vẫn là sự thật , dù xảo ngôn ngụy ngữ đến đâu cũng không thể xóa mờ được hành trạng của Mạc Đăng Dung sờ sờ ra đó. Kẻ bồi sử kia dù có tuân lệnh nhà cầm quyền bẻ cong ngòi bút, đổi trắng thay đen chỉnh lại sách sử xưa thì cũng chỉ đạt được mục đích nhất thời, mà tiếng xấu thì lưu xú vạn niên. Tiếc thay !

Những cải cách về kinh tế, văn hóa, tư tưởng thời kỳ đầu triều Mạc :

Khuynh hướng thân oan cho nhà Mạc chủ yếu nhấn mạnh những thành tựu đạt được những năm đầu triều Mạc Đăng Doanh, Đại Việt Sử ký toàn thư chép : “ Họ Mạc ra lịnh cấm người các xứ trong, ngoài không được cầm giáo mác dao nhọn, can qua, cùng những binh khí khác hoành hành trên đường đi. Ai vi phạm thì cho phép ty bắt giữ. Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài đường không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên”. [18]

Ngoài ra, di chỉ khảo cổ còn ghi nhận một số những di vật nghệ thuật, tín ngưỡng thời Mạc như đình Tây Đằng, văn bia, gốm Chu Đậu… chủ yếu quanh Dương kinh, kinh đô thứ hai của nhà Mạc. Bị hạn chế bởi không gian và thời gian, những giá trị vật thể này sớm suy tàn chứ không có bước phát triển như nghệ thuật thời Lý, Trần.

Mạc thị sùng Nho. Kể từ khoa thi đầu tiên năm 1529, nhà Mạc đều đặn tổ chức thi cử ba năm một lần, lấy đỗ 460 tiến sĩ các loại và 10/46 trạng nguyên của 800 năm thi cử Hán học ở nước ta [19]. Năm Nhâm Thìn (1592) dưới thời Mạc Mậu Hợp là khoa thi cuối, cho bọn Phạm Hữu Năng 4 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Hữu Đức 13 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. [20] Tuy nhiên cũng chính Mạc Mập Hợp với nhân cách thấp kém đã phá vỡ tinh thần trọng đạo của Nho học : cướp vợ của bầy tôi là Bùi Văn Khuê, lánh nạn vào chùa giả làm thầy tu còn mang theo hai kỹ nữ giúp vui…

  Kiến Hào lạm bàn :

Có thể sau này, các nhà làm sử Việt Nam XHCN sẽ biên soạn lại một bộ sách sử mới với những nhận xét đánh giá mới về những nhân vật lịch sữ cũ theo đúng thuyết duy vật sử quan : không có sử chung cho tất cả mọi người mà chỉ có sử viết dưới nhãn quan của một lập trường giai cấp nhất định, phục vụ cho giai cấp thống trị. Có thể Hội Sử học sẽ tài trợ cho những công trình nghiên cứu , những luận án được bảo vệ với mục đích tôn vinh triều Mạc. Sách giáo khoa có thể sẽ phải viết lại, với lời phê phán “ nhận thức của một số người nghiên cứu trước đây còn hạn chế” [21]

Nhưng sự thật vẫn là sự thật, lẽ nào lấy chút ít công trạng mỏng manh ngắn ngũi nơi một xó Dương Kinh mà mong khỏa lấp được tội lỗi tày trời ngàn năm không rữa được ? Ngụy tác đền đài miếu mạo cho nguy nga hoành tráng ngõ hầu tạo dựng sự uy nghiêm khiếp sợ giả tạo chăng ? Hay phải chăng tư tưởng nô lệ ngàn năm Bắc thuộc đang đội mồ trỗi dậy, ngấm ngầm yễm trợ cho công cuộc phục dựng Mạc triều, tô son trát phấn cho một kẻ phản quốc thành “ yêu nước thương dân”; và sách lược của họ Mạc, một sách lược thỏa hiệp, đầu hàng phương bắc để bảo vệ “ triều đình” nay được gán cho mỹ từ là một “xu thế tiến bộ” ?

 ----------------------------------------------------------------------------------------------------------
( Lập thu – Nhâm Thìn 2012)

BÀI ĐỌC THÊM 1 :

HÀNG BIỀU CỦA MẠC ĐĂNG DUNG
Theo Lê Quý Đôn - Đại Việt Thông Sử - Liệt truyện- Nghịch thần truyện – từ tờ 33b đến 36b – Bản dịch của Lê Mạnh Liêu

[tờ 33b] "Hạ thần là kẻ mọn nơi biên cương, hiểu biết thấp kém, thế mà mỗi khi xa trông
phương Bắc, thấy sáng rực tới nước Nam, lại trời đất thanh bình, bể sông yên lặng, hạ thần biết ngay làTrung Quốc có bậc Thánh nhân. Huống chi thiên uy chấn động, mà vẫn có lòng nhân như khi mùa xuân, hạ thần vừa sợ vừa cảm, kể sao cho xiết.
Cuối thời họ Lê chủ nước hạ thần, gặp vận truân chuyên, kế tiếp qua đời, truyền đến Lê Khoáng, chưa được bao lâu, lại lâm bệnh nặng, trong khi thảng thốt, theo tục nước mọn, tạm giao phó việc nước cho hạ thần, rồi hạ thần lại giao phó cho con trai Đăng Doanh, nhưng đều chưa kịp tâu trình, như vậy là thiện quyền. Tuy thiên triều xa cách, khó tới trình tâu, nhưng tội lỗi tầy trời, đâu dám tự dấu.
[tờ 34a] Niên hiệu Gia Tĩnh thứ 17, hạ thần đã kính cẩn sai Nguyễn Văn Thái dâng biểu xin hàng, và tình nguyện tuân theo thiên triều định đoạt. Đó là do tự lòng thành, không hề vờ dối. Chỉ vị chí thành đó chưa được thấu tới thánh hoàng, cho nên hạ thần sớm tối lo sợ không yên.
Niên hiệu Gia Tĩnh thứ 19, ngày 25, tháng giêng, Đăng Doanh không may bị bệnh chết, người trong nước chực noi theo tục cũ, định dựng con trưởng Đăng Doanh là Phúc Hải thay ngôi. Nhưng hạ thần tự nghĩ: Mấy lần trước truyền ngôi, chưa kịp tâu xin, đã là lầm lỗi, thường áy náy không yên, nếu giờ lại theo ý người trong nước, sẽ nặng thêm tội, hết đường kêu van. Cho nên hạ thần và Phúc Hải vẫn kính cẩn chờ mệnh thiên triều.
Vừa đây, đại tướng chuyên chinh, dẫn quân tới cõi, hạ thần ví như con heo trong chuồng, đâu dám kháng cự.[tờ 34b] May được Tướng quân truyền hịch đòi hạ thần đến cửa quan gạn hỏi, được nghe truyền những lời nhân từ của thánh thượng, hạ thần cảm động đến giàn giụa nước mắt! Bao nhiêu tội lỗi, thần xin nhận hết, còn lũ dân đen, đều là vô tội. Bệ hạ khoan hồng, tha cho kẻ tội thần này còn chút hơi tàn, hạ thần xiết đổi cảm khích, đã hướng về phương Bắc mà tung hô.
Ngày 3 tháng 11, niên hiệu Gia Tĩnh thứ 19, hạ thần đã cùng bọn tiểu mục Nguyễn Như Quế, Đỗ Thế Khanh, Đặng Văn Trị, Kỳ Nhân Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô Văn Tốc, sĩ nhân Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi Tri Vĩnh, tự quấn tua vào cổ, thân tới biên thùy, cúi đầu trước Mạc Phủ Tướng quân, dâng các khoản đầu hàng.
Đăng Dung thần, vẫn muốn đích thân tới kinh đô, chiêm bái long nhan, xin nhận tội chết. Chỉ vì tuổi già mình yếu, đi lại khó khăn; [tờ 35a] cháu trưởng Phúc Hải thì đang cư tang. Bởi thế đã kính cẩn sai cháu họ Mạc Văn Minh thay hạ thần tới cửa khuyết, phủ phục đợi tội. Như vậy đũ tỏ cha con hạ thần sai bọn Nguyễn Văn Thái dâng hàng biểu hồi trước, chính là do sự sợ uy mến đức, chứ không có lòng trang sức dối trá gì.
Cúi mong thánh thượng nhân từ, nhủ lòng tha thứ cho hạ thần được đổi lỗi cũ. Còn như thổ địa nhân dân hạ quốc, đều thuộc quyền sở hữu của thiên triều, xin bệ hạ đoái tình nước mọn, tùy nghi định đoạt, cho hạ thần được nội thuộc, đời đời xưng là phiên quốc; mỗi năm lĩnh những quyền lịch "Đại Minh nhất thống ", đem ban phát khắp nước, để phụng theo ngày tháng. Đó là một đại hạnh cho hạ thần vậy.
Tuy tiên triều hạ quốc, họ Đinh họ Trần và họ Lê, đều kế tiếp xưng tôn hiệu và đặt niên hiệu riêng. Đến hạ thần sau khi cải hối, tự biết việc đó là không đáng [tờ 35b], cho nên đã nghiêm cấm trong nước, cải cách lối đó, chỉ khuyên chờ theo mệnh mới, đâu dám lại theo lỗi xưa, để đắc tội với thiên triều.
Thủ thần Khâm Châu tỉnh Quảng đông tâu xưng: 2 đô Như tích, Chiêm Lãng, và 4 động Tư Phiêu, La Phù, Cổ Lâm, Liễu Cát, là đất cũ của Khâm Châu tỉnh Quảng Đông. Nếu quả như vậy thì những đất ấy do triều nước họ Lê mạo nhận. Nay hạ thần xin tình nguyện dâng các xứ ấy lệ thuộc vào Khâm châu.
Còn như Lê Ninh mà Duy Liệu xưng là con cháu họ Lê, thì người trong nước đều tương truyền là con của Nguyễn Cam. Dòng dõi họ Lê đích thật không còn ai, cho nên hạ thần đã lập hương hỏa trong quốc đô để thờ phụng họ Lê.
Nay ở Vân Nam, lại có người cho Lê Ninh là dòng dõi họ Lê, [tờ 36a] hiện ở nước Lão Qua, và đã tâu lên thánh thượng, hạ thần đâu dám biện bạch. Duy tình nguyện cắt trại Thất châu, trại Hồng Y ở Quảng Lăng, và mấy xứ phụ thuộc gần đó, để cho y quản hạt. Những xứ này thuộc tỉnh Vân Nam. Cúi xin thánh hoàng sai người một vài viên sứ thần thẳng tới hạ quốc, dò hỏi khắp các người cố lão, như có biết ai là con cháu họ Lê, thì hạ thần xin dẫn quần thần đón hàng, và trao trả hết thẩy đất đai toàn quốc, há chi cắt mấy xứ kể trên thôi đâu. Nếu quốc nhân đều công nhận họ Lê đích thực không còn ai, thì xin
bệ hạ đoái thương đến nhân dân, cho hạ thần tạm coi việc nước.
Về việc hạ quốc còn thiếu cống hiến trong mấy năm trước đây, tất nhiên sẽ xin nộp bù, và từ nay mỗi năm xin theo lệ cống hiến đầy đũ, cái đó hạ thần không dám kêu này, [tờ 36b] là vì hạ thần hiện là kẻ có tội, đang cầu xin khỏi chết còn sợ chưa được.
Hạ thần lại muốn chiếu theo lệ cũ triều trước của hạ quốc, định mỗi năm cống hiến một người bằng vàng để thế mạng, nhưng còn sợ đường đột nên chưa dám. Nay nhân tâu sớ đầu hàng, xin bệ hạ định đoạt, và xin cho hạ thần được tạm dùng quả ấn, lọng vàng, do thiên triều đã cho hạ quốc từ trước.
Vì những thứ ấy hạ thần vẫn cẩn thận giữ đấy, mà không dám tự ý đem dùng. Nhưng không có, thì không lấy gì làm chứng nhiệm. Cúi mong thánh triều soi xét ".


BÀI ĐỌC THÊM 2 :

CÁI CHẾT CỦA MẠC MẬU HỢP

Triều Mạc đến thời Mạc Mậu Hợp lên ngôi ( 1562) thì chính sự đã suy vi , lòng người ly tán, quân đội hèn yếu đánh thua quân Nam triều liên miên. Trước đó vừa dẹp yên bè đảng thân vương Mạc Chính Trung và Phạm Tử Nghi làm loạn thì kế xảy ra vụ quyền thần Lê Bá Ly bội phản , chạy vào Nam đầu hàng nhà Lê. Sau cái chết của Mạc Kính Điển ( 1580) thì cơ đồ nhà Mạc đi dần vào thế bại vong. Hoạ mất nước hiện ra trước mắt nhưng Mậu Hợp vẫn không bỏ được thói ăn chơi trác táng xa xỉ. Thấy em vợ là Nguyễn Thị Niên xinh đẹp, Mậu Hợp bèn lập mưu giết người chồng là tướng Bùi Văn Khuê để cướp vợ ông ta. Âm mưu bại lộ , Bùi Văn Khuê đem toàn bộ thủy quân cai quản vào đầu hàng Nam triều , khiến Trịnh Tùng hết sức mừng rở vì thu phục được một tướng tài thạo thủy chiến , điều mà Nam triều còn thiếu.

Sách “Việt Sử giai thoại” có lời bàn sự kiện này như sau : “ Đánh nhau với Bắc triều của nhà Mạc, Nam triều phải hao binh tổn tướng , vất vả không biết bao nhiêu năm trời, vậy mà trong phút chốc, chỉ vì một người đàn bà, vua Bắc triều là Mạc Mậu Hợp đã gục ngã, thương hại thay !”.[22]

Ngày 18 tháng 11 năm Mậu Thìn ( 1592), thủy quân Nam triều đánh thắng một trận ở cửa sông Hát , Mạc Ngọc Liển thua chạy bỏ lại toàn bộ thuyền bè khí giới nhiều vô kể. Ngày 25 lại thắng một trận thủy chiến khác ở Kim Thành Hải Dương , phá tan sào huyệt họ Mạc; ngày mùng 3 tháng 12 cả phá quân Mạc Kính Chỉ ở Tân Mỹ huyện Thanh Hà. Các phủ Hạ Hồng, Nam Sách, Kinh Môn ; nhà cửa , cung thất bị thiêu hủy gần hết. Dư đảng nhà Mạc đều kéo đến cửa quân Nam triều hàng phục.

Quyển “ Các triều đại Việt Nam ” viết về ngày tàn của Mạc Mậu Hợp :
 “ …Mạc Mậu Hợp chạy trốn tại một chùa ở huyện Phượng Nhãn (Bắc Ninh), quân Trịnh sục tới, dân địa phương cho biết Mạc Mậu Hợp đóng giả sư ông, đến ở ẩn tại chùa Mô Khuê đã 11 ngày. Quân Trịnh đến chùa, thấy Mạc Mậu Hợp nghiễm nhiên ngồi xếp bằng , đang tụng kinh. Lính Trịnh gạn hỏi. Mạc Mậu Hợp giả bộ ấm ớ đáp : “ Bần tăng tu hành từ hồi còn trẻ tuổi ở am này, chén muối dĩa rau hàng ngày trai dưỡng; thắp hương thờ Phật, công đức chuyên làm”. Quân sĩ thấy nhà sư ăn nói hoạt bát, khéo léo, biết chắc là Mạc Mậu Hợp liền bắt giữ ngay. Mạc Mậu Hợp biết không thể thoát được , bèn thú thực : “ Mấy ngày nay, tôi ẩn nấp trong rừng rậm, quá đói khát, dám xin một bình rượu uống cho đã ”. Quân sĩ cấp bình rượu. Uống xong , Mạc Mậu Hợp ngậm ngùi than rằng : “ Nghiệp chướng quá sâu! Nay cầu làm một người dân thường, cũng không thể được. Tội lỗi chỉ vì tổ tiên đã làm sự giết vua cướp ngôi, đến nỗi con cháu ngày nay phải mắc tội nặng như vậy. Mong tướng sĩ dẫn tôi đến trước hoàng đế, để bày tỏ thực tình. Đó là lòng tôi rất mong muốn”. Quân Trịnh dùng voi chở Mạc Mậu Hợp và hai kỹ nữ giải về kinh sư. Sau đó , Mạc Mậu Hợp phải chịu treo sống ba ngày rồi chém đầu ở bến Bồ Đề, thủ cấp đem về hành tại ở Vạn Lại dâng vua, đóng đinh vào hai mắt bêu ngoài chợ”.[23]

Lời nguyền của Lê Thái Hậu khi bị Mạc Đăng Dung bức tử đã ứng nghiệm ! [24]

Phạm Khắc Thuần trong Việt sử giai thoại bàn về cái chết của Mạc Mậu Hợp : “ Đến bước đường cùng, Mạc Mậu Hợp buộc phải ẩn náu trong chùa, cố ý mượn áo cà sa và cầu kinh niệm Phật để che mắt bưng tai thiên hạ. Cửa chùa luôn rộng mở, nhưng chỉ rộng mở với những ai biết giữ sự tinh khiết cho nơi thờ Phật mà thôi. Mạc Mậu Hợp vào chùa mà còn mang theo hai kĩ nữ, đáng sợ lắm thay. Hóa ra, con người này đến chết cái nết vẫn không chừa, dám làm ô uế nhà chùa thì bảo Phật cứu độ làm sao được ?...”.[25]

Đến đây (1592), kể như kết thúc triều đại nhà Mạc và chấm dứt cuộc chiến Nam - Bắc triều ; dù sau đó tàn dư con cháu họ Mạc còn nương náu thêm vài mươi năm trên Cao Bằng nhờ có sự can thiệp của nhà Minh ( âm mưu gây chia rẽ làm suy yếu Đại Việt) nhưng thanh thế của một vương triều đã suy tàn khiến thực lực họ Mạc chỉ sánh ngang như động trưởng của các sắc dân thiểu số. Khi nhà (Nam) Minh bị nhà Thanh tiêu diệt ( 1662 ) thì nhà Mạc cũng bị họ Trịnh đánh dứt hẳn (1677). Cuộc chiến Lê Trịnh – Mạc kéo dài đã khiến nền kinh tế miền Bắc suy sụp, cộng thêm mất mùa liên tiếp ở Thanh – Nghệ gây ra nạn đói to , dân cư xiêu tán khắp nơi. Cũng trong giai đoạn này , các chúa Nguyễn ở phương Nam đã mở rộng cương thổ đến Phú Yên ; và nước Xiêm đã trở thành một thế lực mới nổi ở vùng Đông Nam Á. Trong hai thế kỷ 17 và 18, lãnh thổ Đại Việt bị chia cắt bởi các thế lực phong kiến cát cứ mãi đến năm 1802 vua Gia Long mới thống nhất đất nước, giang san thu về một mối. Cũng chính vì để trấn áp mầm loạn triệt để, giữ ổn định các nơi mới theo về mà Hình luật triều Nguyễn bị đánh giá là khắc nghiệt, kém tính nhân văn hơn bộ luật Hồng Đức triều Lê .

Một điểm sáng lóe lên trong bức tranh suy tàn của họ Mạc là lời trối trăng của Mạc Ngọc Liễn cho Mạc Kính Cung : “ Nay nhà Lê trung hưng lên được ấy là số trời, nhân dân có tội tình gì mà phải chịu cảnh binh đao, thật không nỡ. Bọn ta nên tạm lánh ra ngoài dưỡng sức đợi mệnh trời. Nếu thấy quân họ đến thì ta nên tránh, chớ nên đánh nhau, cẩn thận phòng giữ là hơn. Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước, khiến cho dân phải lầm than đau khổ. Đó là tội lớn không gì nặng bằng”. Sử gia đời sau thời Lê, Nguyễn đều có chép lại lời nói này với thái độ trân trọng.



Tài liệu tham khảo :
           
-          Lê Quý Đôn – Đại Việt Thông sử -Bản dịch Lê Mạnh Liêu – Sài Gòn 1973
-          Khâm Định Việt Sử Thông giám Cương mục – NXB Giáo Dục Hà Nội - 1998
-          Nguyễn Khắc Thuần -Việt Sử giai thoại - NXB Giáo dục – 2002
-          Đại Việt Sử ký toàn thư –  NXB KH-XH Hà Nội – 2004
-          Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim - NXB Tổng hợp TP HCM – 2005
-          Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam – Trần Nam Tiến chủ biên - NXB Trẻ - 2008
-          Các triều đại Việt Nam – Quỳnh Cư Đỗ Đức Hùng - NXB Văn hoá Thông tin – 2009

Chú thích :
[1] Đại Việt Sử ký toàn thư, Sđd, trang 113
[2] Việt Nam Sử lược, Sđd, trang 247, 248
[3] Khâm Định Việt Sử Thông giám cương mục,Sđd, trang 618

[4] Đại Việt Sử ký toàn thư, Sđd, trang 114
[5] Đại Việt Sử ký toàn thư, Sđd, trang 124
[6] Việt Nam Sử lược, Sđd, trang 261
[7] Đại Việt Sử ký toàn thư, Sđd, trang 126
[7b] Chức quan này nằm trong hệ thống quan triều do nhà Minh bổ dụng, chỉ dành cho những phần đất nội thuộc Trung Quốc, thấp hơn tước vương, vua chư hầu. Điều này cùng với việc xóa bỏ quốc hiệu Đại Việt và dùng lịch Đại Thống nhà Minh đã khẳng định việc Mạc Đăng Dung bán nước cầu vinh, khó chối bỏ.
[8] Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam, trang 101
[9] Việt Sử giai thoại , Sđd, tập 6, trang 28
[10] Việt Nam Sử lược, Sđd, trang 262
[11] Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam, trang 103
[12] Có hai cuộc hội thảo khoa học về Vương triều Mạc : Một tại Kiến Thụy Hải Phòng năn 1994 và mới đây là tại Hà Nội ngày 21/9/2010, nhân dịp lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long. Cả hai đều nhằm biện minh, đánh giá lại về nhân vật Mạc Đăng Dung và triều Mạc trong lịch sử Việt Nam. Có người cho rằng việc xét lại hành trạng công tội của Mạc Đăng Dung bắt đầu sau khi Liên Xô sụp đổ và bản mật ước Thành Đô 1990 ra đời, đưa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc từ thế đối đầu trở thành môi hở răng lạnh. Thực ra, sử gia Phạm Văn Sơn, tác giả Việt Sử Tân biên 1959 mới là người đầu tiên nêu ra khuynh hướng xét lại trước hết. Ông là một sĩ quan VNCH, chết trong trại cải tạo miền Bắc năm 1978.
[13]  Khâm Định Việt Sử Thông giám cương mục, sđd, trang 626
[14]  Khâm Định Việt Sử Thông giám cương mục, sđd, trang 628
[15] Việt Nam Sử lược, Sđd, trang 249
[16] Phan Huy Lê, tổng kết hội thảo khoa học về vương triều Mạc, Kiến Thụy Hải Phòng, 18.7.1994
[17] Đại Việt Sử ký toàn thư, Sđd, trang 489
[18] Đại Việt Sử ký toàn thư, Sđd, trang 119
[19] Nguyễn Ngọc Chất- Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc trong lịch sử quân chủ Việt Nam- Bảo tàng lịch sử VN
[20] Đại Việt Sử ký toàn thư, Sđd, trang 179
[21] Phan Huy Lê: kết luận hội thảo về vương triều Mạc (1994). Ý ông muốn nói các sử gia đời trước có nhận xét khắt khe với triều Mạc do quan điểm trung quân phong kiến.
[22] Việt Sử giai thoại, Sđd, tập 6 trang 30
[23] Các triều đại Việt Nam, Sđd, trang 210
[24] Tháng 6 năm Đinh Hợi 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào kinh bắt vua phải nhường ngôi, giam vua cùng với Hoàng Thái Hậu ở cung Tây Nội, sau đó vài tháng buộc Thái Hậu và Lê Cung Vương phải tự tử. Trước khi chết, Thái hậu khấn trời rằng : “ Đăng Dung là kẻ bề tôi, manh tâm cướp ngôi, lại giết mẹ con ta, con cháu mày ngày sau cũng thế”.
[25] Việt Sử giai thoại, Sđd, tập 6 trang 31